Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

ĐỒNG BÀO GIÀU CÓ HƠN CHÚNG TA TƯỞNG?

Đồng bào giàu có hơn chúng ta tưởng?


Ngô Thiệu Phong

VOV.VN - Với họ, khái niệm giàu có về vật chất có phần xa lạ, làm thương mại để lấy cái phần chênh lệch quá lớn bị xem như hành vi thiếu đạo đức.

Chẳng hiểu sao mình lại có duyên với người thiểu số. Làm việc ở Tây Bắc một thời gian ngắn với đồng bào Thái, Mông, Dao…; nay lại được vào Tây Nam Bộ, sống với bà con Khmer, Chăm.

Bà con dân tộc thiểu số có điểm chung là chân thành, tốt bụng…, nhưng hơi mặc cảm, tự ti và còn nghèo. Kể cũng lạ, dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng mọi sự giúp đỡ cứ như muối bỏ biển, bà con vẫn nghèo.

Bữa trước, anh Lâm Hùng, người sinh ra và lớn lên ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau) vỗ vai hỏi: Hồi hôm qua nhà, em có thấy mấy cái nhà lụp xụp không? Nhà của người Khmer đó!

Anh kể: Xã hỗ trợ cá giống, nuôi chưa đủ lớn mấy ổng đã kéo lên nhậu. Xã xây cho căn nhà, dỡ tôn bán lấy tiền xài, còn trơ ra cái khung nhà bằng gạch, không bán được đành để vậy.

Những chuyện như anh Hùng kể là có và không riêng gì với bà con Khmer, nhiều nơi cũng vậy thôi, cho con trâu con bò làm giống thì chẳng thấy nghé với bê đâu mà trâu mẹ thì mất và bò giống cũng tiêu. 

Có người, vì quá bức xúc mà buột miệng nói bà con ham chơi, không ham làm. Nói vậy e hơi quá. Những chiến khu xưa, từ Tây Bắc, Tây Nguyên cho tới Tây Nam Bộ…, có phải nơi bà con thiểu số sinh sống không? Nói họ ham chơi thì ai che chở, nuôi nấng cách mạng trong những năm tháng khó khăn ấy?

Hồi còn làm việc ở Sơn La, thấy nhiều chợ mọc lên dọc sông Đà nhưng vắng hoe, hiu hắt; nhiều khu tái định cư, làng hạ sơn, dẫu có bóng bảy và thẳng thớm, nhưng bà con cũng chỉ ở ít hôm rồi lại trở về bản cũ.

Có lần lên Tây Nguyên, thăm một nhà rông (có tên mới là nhà cộng đồng) bằng bê tông cốt thép, rõ bề thế, vững chãi nhưng cửa đóng im ỉm, lạnh lẽo, mạng nhện chăng đầy, không có dấu vết gì của những đêm đốt lửa nghe già làng kể khan. 

Hình như có cái gì đó thuộc về văn hóa mà những người làm chính sách chưa thực hiểu hết nên cứ chắc mẩm cuộc đổi chác, thậm chí cho không, sẽ khiến dân vui, đã công bằng và thể nào cũng thành công.

Nhìn lại lịch sử của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thì thấy hầu hết họ đều sống cùng rừng núi. Người Mẹ thiên nhiên, Mẹ rừng, Mẹ núi, Mẹ sông… đã sinh ra và nuôi nấng họ. Đến khi chết, con người xác thịt, thậm chí cả linh hồn họ cũng về với Mẹ rừng, tan ra với đất của Mẹ núi. Điều này có thể thấy rõ nhất trong tục bỏ mả của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Ngay cả khi còn sống, người dân ở quanh dãy núi Ngok Linh hùng vĩ có tục bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ lại tất cả những gì của thế giới vật chất hiện tại để đi sâu vào rừng, sống cuộc sống nguyên sơ hoang dã. Cứ thế mỗi năm một lần, họ về với Mẹ rừng, dùng cái cây để hái lượm, hòn đá để ném con thú, kéo tre làm ra lửa…Đấy gọi là tục Ninh Nông mà hôm nay không còn nữa.
Sống dựa vào thiên nhiên, thậm chí phó mặc cho thiên nhiên, đã tạo cho người dân tộc thiểu số một cách ứng xử hài hòa, thân thiện với người Mẹ thiên nhiên của họ. Họ không bao giờ lấy đi quá nhiều từ thiên nhiên. Chỉ vừa đủ ăn, vừa đủ dùng. Hãy xem lại một số luật tục xưa của đồng bào quanh dãy Trường Sơn thì thấy rõ điều này. Họ không dùng thuốc độc để đánh cá. Họ biết chừa lại con cá nhỏ; không bắn con thú mang thai, không vặt trụi đám rau mà chỉ lấy nhành lấy lá.

Người Khmer có câu: “Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”. Chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, sinh hoạt văn hóa của người Khmer. Với họ đi tu là nghĩa vụ. Sư sãi có vai trò lớn trong cộng đồng. Các chư tăng, chư ni luôn thấm nhuần những quy tắc trong khất thực. Đó là, phật tử cho gì ăn nấy, lấy vừa đủ ăn, nhận của cả người nghèo lẫn người giàu; và khi ăn cũng trộn các thực phẩm lại để không phân biệt đồ ăn ngon hay dở. 

Quan niệm về giàu có của người thiểu số hình như không nghiêng nhiều lắm về giá trị và số lượng vật chất. Với họ người giàu là người có hành động đẹp nhất, thiêng liêng nhất; là người biết cho đi nhiều nhất.

Dọc ngang các bản làng Tây Bắc, đã có lần tôi trả giá rất cao để mua một khẩu súng kíp đẹp, một con dao Mèo sắc, thế nhưng chưa bao giờ thành công. Quý thì cho tặng chứ nhất định không bán. Khái niệm về thương mại trao đổi xa lạ với bà con. Kể cả khi cần trao đổi thì điều đó cũng chưa bao giờ là tuyệt đối. Những quán hàng tự giác nằm dọc cung đường lên Tây Bắc minh chứng điều này. Người mua cứ lấy hàng, trả bao nhiêu thì tùy, cứ bỏ tiền vào giỏ là được, không cần trả giá, không cần kiểm soát. 

Nước là nguồn gốc của sự sống. Chân lý khoa học ấy bà con thiểu số chưa hiểu hết, nhưng trong hành động của họ lại thể hiện và chứng minh được điều này. Nếu một lần được tham gia vào những lễ hội cúng rừng, mời nước, xin nước… của thì mới thấy sự trân trọng đến thiêng liêng nguồn nước mát lành của người dân tộc thiểu số. Người Dao có những cách lấy nước vào đồng ruộng rất khoa học. Một hệ thống khóa, chỉ bằng tre nứa thôi, nhưng sẽ tự động đóng lại khi nước đầy. Đây là thái độ thân thiện, coi trọng Mẹ rừng, Mẹ nước…Chính điều này giúp người thiểu số tồn tại qua hàng ngàn năm.

Mẹ thiên nhiên đã sinh ra ta và nuôi ta sống nên phải biết kính trọng Mẹ thiên nhiên. Lấy của Mẹ vừa đủ để tồn tại là cách tồn tại bền vững của người thiếu số trong lịch sử phát triển của mình. Với họ, khái niệm giàu có về vật chất có phần xa lạ, thương mại để lấy cái phần chênh lệch quá lớn bị xem như hành vi thiếu đạo đức. Đó là lý do tại sao người thiểu số trước đây chủ yếu đổi chác bằng hiện vật. 

Cuộc sống, môi trường đã có nhiều đổi khác. Song người thiểu số hình như vẫn giữ trong mình quan niệm ngàn đời trên. Đó là giá trị tinh thần quý báu. Tiếp cận sự giàu nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số từ hướng này, tôi đã thông cảm hơn và giật mình sực tỉnh nhận ra điều gì mới đích thực là minh triết của cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét