Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

CẢNH GIÁC VỚI TRUNG QUỐC LÀ KHÔNG BAO GIỜ THỪA

LâmTrực@


Ấy là nói đến Trung Quốc tập trận ngay sát nách Việt Nam. Hãy cảnh giác vì đối với Trung Quốc, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tráo trở lật mặt nhanh như cho cắn làm người ta dễ mất cảnh giác. Đã qua rồi cái thời của tướng Lê Mã Lương khi nghĩ Trung Quốc, để đến bây giờ ông còn nói: "Dù TBT Lê Duẩn đã dự kiến, tôi vẫn chưa tin Trung Quốc đánh". Như thế là thiếu niềm tin, và cũng là mất cảnh giác.

Thực ra, với người dân thì việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là khá bất ngờ, nhưng với những người lãnh đạo đất nước và những người quan tâm đến Trung quốc thì hoàn toàn không có gì là bất ngờ. Hành động xâm lược đó của Trung Quốc lẽ dĩ nhiên vấp phải phản ứng rất quyết liệt của người Việt và cộng đồng quốc tế. 

Đã có nhiều chỉ trích của giới "trí thức" và những người khoác áo "zân chủ" nhằm vào lãnh đạo đất nước với lời lẽ nặng nề. Tất nhiên, thực tế vẫn còn nhiều kẻ như người mơ ngủ vẫn tin tưởng vào những "4 tốt, 16 chữ vàng" hay thứ "hữu nghị viển vông lệ thuộc". Cũng không ít người còn ngây thơ tin tưởng vào sự giúp đỡ của các cường quốc như Mỹ, Nga, thậm chí còn mù quáng trông chờ vào sự xuống thang hay thứ đạo đức dị hợm giả dối của Bắc Kinh. Thậm chí, có những người là TS như Phạm Chí Dũng hay Cù Huy Hà Vũ... cũng có thái độ cực đoan cho rằng chính quyền hèn hạ, và rằng "liên minh quân sự với Mỹ là mệnh lệnh của thời đại".

Về sự kiện này, Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi trung tuần tháng 6 đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và các quốc gia láng giềng của nước này giải quyết hòa bình tranh chấp xung quanh việc khoan tìm dầu trên biển Đông và tránh để căng thẳng leo thang. Ông Obama nói: "Điều quan trọng là cần phải giải quyết các tranh chấp như tranh chấp trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, và khuyến khích tất cả các bên liên quan duy trì một khung pháp lý để giải quyết vấn đề, cũng như tránh để căng thẳng leo thang gây ảnh hưởng tới các hoạt động hàng hải và thương mại". 

Như vậy, sự kiện quan trọng đến thế mà người đứng đầu nhà trắng cũng chỉ nói đến thế, võ mồm đến thế mà thôi. Thế mới biết, tỏ vẻ có trách nhiệm khác hẳn việc có trách nhiệm.

Vậy nên, các nhà lý luận, nhà zân chủ, nhà cơ hội chính trị, nhà nhân quyền... đừng có thừa hơi, dài cổ mong mỏi sự giúp đỡ của Hoa Kỳ trong việc chống Trung Quốc xâm lược. 

Với nhóm ý kiến trông chờ vào sự hảo tâm của Trung Quốc, vẫn mơ mộng viển vông vào những lời hoa mỹ thốt ra từ miệng quan chức Trung Quốc cũng không khá gì hơn. Nếu còn tin tưởng vào Trung Quốc thì đó là tội lớn với dân tộc.

Dù là Mỹ hay Trung Quốc thì thái độ của họ như thế nào với Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào lợi ích dân tộc của họ. Sẽ không còn chuyện ý thức hệ trong câu chuyện này, vì lợi ích của các quốc gia là tối thượng. Riêng người Mỹ, họ chỉ ra tay sau khi enter và máy tính của họ cho kết quả là có lợi. 

Không tin được Trung Quốc bởi mang tiếng là đồng chí anh em, nhưng chỉ trong vòng 60 năm, Trung Quốc đã 7 lần tấn công vũ trang xâm lược Việt Nam, và cho đến nay, họ vẫn kiên trì rình rập.


Lịch sử cho thấy kể từ lần thứ nhất năm 1946, trong tình thế đất nước ta ngàn cân treo sợi tóc trước sự trở lại của người Pháp và đó cũng là lúc Liên Hiệp Quốc yêu cầu Trung Quốc đến giải giáp quân Nhật. Lợi dụng tình thế đó, TQ tranh thủ chiếm đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa). Năm 1949, do tình thế bắt buộc, nên Trung Quốc phải rút ra. Nhưng ý đồ chiếm đoạt các đảo của Việt Nam vẫn còn nung nấu.

Lần thứ hai vào năm 1956, sau hiệp định Geneva, người Pháp phải rút đi, Mỹ chưa can thiệp, Hải quân của Việt Nam cộng hòa chưa mạnh và chưa có tàu nên Trung Quốc chiếm gần như toàn bộ phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa. 

Lần thứ ba là năm 1959, Trung Quốc xua quân chiếm nốt phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa nhưng quân đội Việt Nam cộng hòa đã có mặt ở đó và cuộc tấn công của Trung Quốc bị thất bại.

Lần thứ tư là năm 1974, khi người Mỹ rút hạm đội 7, quân đội Việt Nam Cộng Hòa giảm quân số ở Hoàng Sa từ một tiểu đoàn xuống một trung đội địa phương, Trung Quốc mang quân tấn công phần phía tây quần đảo Hoàng Sa đang do quân đội Việt Nam cộng hòa quản lý. 

Lần thứ năm là 17/2/ 1979, Trung Quốc xua quân tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Khỏi phải nhắc lại, ai là người Việt chân chính cũng biết rất rõ.

Lần thứ sáu, ngày 14/3/1988, lúc ấy quân đội chúng ta vẫn đang làm nhiệm vụ thời chiến ở biên giới Tây Nam và phía Bắc và Việt Nam khi đó còn đang bị bao vậy cấm vận, Trung Quốc đã đưa quân vào chiếm đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. 

Và bây giờ, lần thứ bảy là lúc mà khoảng trống quyền lực đã được tạo ra bởi sự kiện Ukraine và nhiều khu vực khác trên thế giới. Các cường quốc khác như Mỹ, Nga... đang bị phân tán thì Trung Quốc lại tiếp tục ra đòn xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, hình thức, biện pháp và thủ đoạn lần này khác hẳn những lần trước đó. Chiêu bài mới là sử dụng giàn khoan - Nghĩa là sử dụng con bài dân sự, kèm theo đe dọa sử dụng vũ lực, sẵn sàng tổ chức các cuộc chiến tranh cục bộ. Song song với nó là chiến dịch truyền thông dọa nạt, vu cáo Việt Nam, xuyên tạc sự thật. 

Ấy là chưa kể đến chính Trung Quốc là kẻ chủ mưu, cung cấp phương tiện, vũ khí, tài chính cho Polpot gây ra chiến tranh Tây Nam đất nước ta và là thủ phạm của nạn diệt chủng cho đất nước Campuchia. Vậy anh em kiểu gì mà lại mang bom đạn, máy bay, tàu chiến và cả giàn khoan khủng sang đánh người ta?

Cũng chớ nên tin rằng có liên minh với Mỹ là an toàn. Bởi ngay cả Ngô Đình Diệm cũng đã bị Mỹ ra tay thủ tiêu khi không vừa lòng ông chủ và bày tỏ quan điểm của chủ nghĩa dân tộc. Hay TT Nguyễn Văn Thiệu cũng không thoát được cảnh quan thầy Mỹ bỏ rơi, đến nỗi phải lén lút cuốn xéo khỏi quê cha đất tổ mà chạy mất dép sang tận xứ Đài, sống cuộc đời vong quốc.

Chính Trung Quốc và Mỹ cũng đã năm lần bảy lượt mặc cả lợi ích trên lưng dân tộc Việt Nam. Không tin, cứ xem tiến trình Hội nghị Gieneva, sự kiện Hoàng Sa 1974, sự kiện Trung Quốc xâm lược Việt Nam 1979 thì rõ. Khi cần, vì lợi ích, họ sẵn dàng thỏa thuận để bán rẻ cả đồng minh của mình.

Từ những thực tế lịch sử đó, chân lý bảo vệ chủ quyền là không thể phó thác vận mệnh quốc gia vào một cường quốc nào đó!

Khi Trung Quốc tập trận quy mô lớn, chuyển quân sát biên giới Việt Nam, khi gây rối trên biển, khi vừa có động thái tác động đến giao thương giữa hai nước và khi Trung Quốc có những hoạt động mạnh tại Campuchia (hoặc phía Campuchia có những hoạt động không bình thường ở biên giới Tây Nam - giống năm 1979), kết hợp với việc cả thế giới đang chú ý đến những sự kiện khác thì chính là lúc chúng ta cần phải cảnh giác cao độ.

Vậy nên, điều mà người Việt Nam cần vào lúc này, ngoài việc tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, quan tâm phát triển tiềm lực quốc phòng, là cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc!

Cảnh giác với Trung Quốc sẽ không bao giờ là thừa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét