Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

TÀU Ô

Ong Bắp Cày


Đọc bài "Tướng Lương: Dù TBT Lê Duẩn đã dự kiến, tôi vẫn chưa tin Trung Quốc đánh", ở kì hai với tựa đề: "Quân Trung Quốc năm 1979: Tôi chưa thấy đội quan nào ô hợp, hôi của nhứ thế", đăng trên SohaNews tôi không hề ngạc nhiên khi thấy tướng Lê Mã Lương nhận xét: 

"Trang bị của quân Trung Quốc làm cho chúng tôi thấy rất bất ngờ bởi cho đến năm 1979 mà trang bị cho quân đội của Trung Quốc lại yếu kém, ô hợp và hôi của như thế. Khi lực lượng chiến đấu của Trung Quốc đi trước hoặc chiếm được những vị trí, những đường phố của ta thì phía sau là đội quân dân binh rất đông vừa đảm bảo sức chiến đấu quân Trung Quốc nhưng lại là đội quân ô hợp để hôi của. Họ vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được. Trong lịch sử, tôi chưa từng thấy một quân đội của một nước lớn nào phát động chiến tranh lại đưa dân binh đi để vơ vét của cải như thế. Thậm chí họ còn bắt gà, bắt lợn và xuống ao để bắt cá. Nếu không dùng được thì cho bộc phá giật nổ. Hành động của quân Trung Quốc khiến tôi liên tưởng đến năm 1945 khi quân Tàu – Tưởng sang Việt Nam đi giải giáp quân đội Nhật. Không thể tưởng tượng được quân đội của một nước mạnh như Trung Quốc lại vô kỷ luật như vậy. Bộ đội Việt Nam rất ngạc nhiên về hành động của lính và dân binh Trung Quốc”.

Nhận xét trên của tướng Lê Mã Lương cũng phần nào giải vì sao dân ta gọi quân Trung Quốc là Tàu Ô. 

Ngày còn bé, tôi vẫn thường được nghe các cụ, các ông bà nói đến giặc tàu, hay giặc tàu ô, hoặc tàu phù với những mô tả là đội quân được cấu thành bởi nhiều loại người, và chủ yếu là đám lục lâm thảo khấu (giặc cỏ) chúng vô kỷ luật, đói khát, đi đến đâu thì cướp bóc, tàn phá đến đó. Đối với người Việt Nam, từ giặc Tàu ô phổ biến hơn cả, và nó đồng nghĩa với nạn cướp bóc phá phách và giết chóc.

Trong bài "Tàu vẫn là Tàu" của Tịnh Tâm đăng trên Dân Nam có đoạn: 

"Từ nhỏ, tôi đã nghe câu hát mỉa: “Chi-Noa là giống bên Tầu, Đẻ ra con lợn hôi màu cứt heo”. Người Việt có khi gọi người Tầu là “thằng Ngô” (“Vợ thằng Ngô đốt vàng cho chú khách – Trần Tế Xương). “Chú khách”, có khi gọi là “Khách trú” tức là người ngoài nước, coi như khách đến cư trú. Thông thường người ta gọi là người Tầu, nước Tầu. Cũng có khi gọi là Chệt hay Chú Chệt, cũng gọi là chú Ba, (Chú Bảy là người Ấn Độ), hoặc Ba Tầu. Tầu phù, Tầu ô là tiếng gọi rất thường khi quân Tưởng do Lư Hán và Tiêu Văn sang tước khí giới quân Nhựt sau khi Nhựt đầu hàng…

Duyên Anh chỉ khoái có 2 từ ngữ, viết trong truyện “Con Thúy”: “Không khí cách mạng bỗng hôi mùi Tầu phù. Bài hát Tiến quân ca, bài hát thiêng liêng của cách mạng tháng tám, bị đổi lời để mỉa mai quân của tướng Lư Hán. Đoàn quân Tầu ô đi, sao mà ốm thế, bước chân phù lang thang trên đường Việt Nam. Cờ sao trắng phất phới như giẻ váy. Thằng nào sang không ốm cũng phù chân… Ba thằng sĩ quan Tầu đeo kiếm tước của Nhật nghênh ngang giữa đường. Lính Nhật gặp, hét lớn, đứng nghiêm giơ tay chào. Ba thằng sĩ quan Tầu phù hoảng quá bỏ chạy…"

Thực tế là tôi không mấy quan tâm đến ngữ nghĩa từ vựng, mà chỉ hiểu nôm na dân dã về từ Tàu Ô, và nó khắc sâu vào não bộ, khó thay đổi.

Thực ra, cách hiểu của tôi có thể không đúng, nhưng nó là cách hiểu dân dã với nghĩa là giặc Tàu (Trung Quốc) là một đội quân ô hợp. Vì thế, chúng ta không hề lạ khi thấy quân xâm lược Trung Quốc đi đến đâu là cướp bóc, hôi của đến đó.

Sau khi tra cứu trên mạng, tôi thấy có bài "về tên gọi hải tặc Tàu Ô" đăng trên báo Đà Nẵng điện tử, xin được giới thiệu với mọi người để hiểu rõ hơn nghĩa của từ Tàu Ô.

Về tên gọi hải tặc Tàu Ô

Cướp biển luôn là nỗi ám ảnh của bà con ngư dân.

Trong lịch sử Việt Nam, hải tặc là một trong những nỗi ám ảnh thường xuyên đối với đời sống nhân dân ven biển, hải đảo và luôn đe dọa tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội của nhiều triều đại.

Xuất thân của hải tặc vốn từ nhiều quốc gia và có nguồn gốc khác nhau: Hoặc là dân chài lưới ở ven biển và hải đảo kiêm thêm nghề ăn cướp; hoặc là quan lại, thương nhân hay thủy thủ bị lỡ vận nên chuyển nghề; hoặc là những tay giang hồ thảo khấu ở đất liền phạm tội bị truy nã; hoặc do nghèo đói nên ra vùng biển đảo tụ tập thuyền bè, khai thác hải sản và cướp bóc thuyền buôn để sinh nhai.

Tại một số đảo, hải tặc cũng khẩn hoang, trồng hoa màu để tự túc lương thực, phòng khi biển động hoặc bị phong tỏa dài ngày bởi lực lượng chính quyền sở tại. Tàu thuyền cướp biển thường đi thành toán, được tổ chức và trang bị khá tốt, đôi lúc dám chống lại thuyền tuần tra của chính quyền. Ở những thời điểm chính quyền suy yếu hoặc lơi lỏng việc kiểm soát trên biển, hải tặc còn mạnh dạn đổ bộ đất liền cướp phá các làng mạc, thị tứ ở ven biển, tấn công vào lỵ sở huyện, tỉnh để cướp giật tài sản và bắt cóc dân binh đem làm nô lệ hoặc ép làm hải tặc, bắt phụ nữ, trẻ con để lạm dụng tình dục hoặc đem bán.

Trên vùng biển Việt Nam, từng xuất hiện nhiều nhóm hải tặc có nguồn gốc khác nhau, phổ biến nhất là giặc Oa (Oa khấu), giặc Đồ Bà, giặc Tàu Ô. Ngoài ra, trong từng thời điểm cụ thể còn có cả hải tặc người Chăm, người Việt hay người Tây Dương.

Đối với hải tặc Tàu Ô, từ xưa, người Việt thường gọi giặc Tàu Ô để chỉ những toán cướp biển từ Trung Quốc sang; còn tên chữ trong các thư tịch Việt Nam thường ghi là thủy phỉ, hải phỉ, Đường phỉ, Thanh phỉ… Cá biệt, thời điểm cuối đời Tây Sơn đến đầu triều vua Gia Long nhà Nguyễn, thư tịch có ghi tên các toán cướp biển Trung Quốc là Tề Ngôi hải phỉ, Ô Tàu hải phỉ. Thậm chí, Đại Thanh Thực lục của Trung Quốc cũng ghi lại sự kiện Ô Tàu hải phỉ đó, nhưng gọi là Ô Tàu An Nam.
Thủy phỉ và hải phỉ là cách gọi phổ biến trong văn bản của triều Nguyễn để chỉ cướp biển Trung Quốc nói chung, mặc dù chữ “thủy” nghĩa là “nước” chứ không phải biển. Đường phỉ và Thanh phỉ là để chỉ cướp biển người nước Đường (618-907) và nước Thanh (1636-1912) ở Trung Quốc. Tề Ngôi hải phỉ là cách gọi toán cướp biển Trung Quốc đi thuyền bằng mui, không có cột buồm, hoạt động ở Việt Nam cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX.(1)

Riêng chữ Ô Tàu hải phỉ, theo nhà Nghiên cứu Phạm Hoàng Quân là dùng để chỉ người cầm đầu toán cướp biển Tề Ngôi, tên Ô Thạch Nhị [烏石二];(2) nên Ô Tàu hải phỉ được hiểu là “tàu cướp biển của họ Ô”. Còn Đại Thanh Thực lục ghi Ô Tàu An Nam là nhằm né tránh và đổ tội cho toán cướp biển Ô Thạch Nhị là của Việt Nam. Ý kiến này xét thấy hợp lý, vì chưa thấy chữ Ô Tàu hải phỉ được dùng cho các toán cướp biển khác.

Vậy giặc Tàu Ô nghĩa là gì?

Theo lời truyền tụng phổ biến của dân gian, những toán cướp biển này thường đi trên những chiếc thuyền lớn sơn màu đen, buồm màu đen nên người Việt Nam gọi đó là giặc Tàu Ô [烏船] (Ô Tàu: tàu màu đen, tàu ô). Tuy nhiên, trong thực tế, tàu thuyền của hải tặc từ Trung Quốc sang có khá nhiều màu sắc khác nhau, nhiều khi rất giống thuyền buôn, nên cách giải thích này chưa hợp lý, vì chữ “Ô” ở đây không phải chữ “ô” mang nghĩa màu đen.

Chẳng hạn, năm 1807, “Giặc biển tỉnh Mân nước Thanh là Thái Khiên và Chu Phần bị quan quân nước Thanh đuổi bắt, chạy trốn ra ngoài biển, Tổng đốc Lưỡng Quảng gửi thư cho Bắc Thành nói thuyền giặc đều mũi xanh cột buồm đỏ, nếu có chạy đến hải phận ta thì đón bắt cho”(3). Hay năm 1836, tỉnh Khánh Hòa báo cáo: “Thuyền đi tuần gặp một chiếc thuyền giặc, hai bên màu đen, hai má trước mũi màu đỏ, sau lái và ván giữa hai bên vẽ hình đầu rồng, lại có hai lỗ châu mai, đều đặt đại bác, dám bắn súng chống cự với thuyền của quan quân”. (4)

Tác giả Nguyên Nguyên trong một khảo cứu của mình đã giải thích rằng do người Việt Nam thường gọi Trung Quốc là nước Ngô, người Ngô, giặc Ngô và dùng khá phổ biến trong văn bản trước thế kỷ XX (như Bình Ngô đại cáo, Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng); nên Tàu Ô có thể là do biến âm/hay đúng hơn là phát âm từ chữ Tàu Ngô [吳船] (Ngô Tàu: tàu của nước Ngô, tàu Ngô) mà thành.(5)

Theo tác giả, nước Ngô chính là nước Đông Ngô của Tôn Quyền thời Tam Quốc (220-280) ở Trung Quốc, địa bàn gồm các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, An-Huy, Triết-Giang ngày nay, sát với Biển Đông ở Việt Nam. Trong các phương ngữ của vùng này (tiếng Hẹ, tiếng Quảng Đông, tiếng Phúc Kiến, tiếng Quan thoại), chữ Ngô [吳] được phát âm thành U và Ô. Vì vậy, chữ Ngô Tàu đã được phát âm thành Ô Tàu (nhưng vẫn mang nghĩa là tàu của nước Ngô, tàu Ngô), và được người Việt gọi là Tàu Ô cho đến cuối thế kỷ XIX. Cách lý giải này xem ra là hợp lý nhất.

Trong các loại hải tặc ở Biển Đông, giặc Tàu Ô tiến hành cướp phá thường xuyên nhất và duy trì hoạt động mãi đến đầu thế kỷ XX. Địa bàn chủ yếu của giặc Tàu Ô kéo từ vùng biển Triết Giang, Phúc Kiến, Đài Loan, Quảng Đông, Hải Nam ở Trung Quốc đến dọc vùng biển Bắc Bộ, Trung Bộ và cả Nam Bộ của Việt Nam.

Giặc Tàu Ô được gia tăng từ khá nhiều nguồn, nhất là từ thế kỷ XVII, khi người Mãn tiêu diệt nhà Minh lập nên nhà Thanh, nhiều quan lại nhà Minh trốn vào rừng hoặc lánh ra biển, rồi biến chất dần và gia nhập vào đội quân hải tặc miền duyên hải ở nam Trung Quốc và bắc Việt Nam.

Đời Lê, giặc Tàu Ô luôn là mối lo lớn của triều đình, nhiều võ tướng được cử đi đánh dẹp thường xuyên, nhưng không giải quyết nổi. Tuy vậy, thời Tây Sơn, nhờ biết khôn khéo dùng biện pháp kết hợp giữa trấn áp và chiêu dụ, vua Quang Trung đã thu phục được nhiều toán hải phỉ Tàu Ô để sử dụng vào việc quấy phá lãnh hải nhà Thanh. Thời Nguyễn, lực lượng tuần dương quân vẫn đối phó khá vất vả với giặc Tàu Ô.

Đến khi Pháp xâm lược và thiết lập nền thống trị ở Đông Dương, với lực lượng hải quân hùng hậu, thì nạn hải tặc Tàu Ô mới giảm bớt, thiên về hoạt động lẻ tẻ và bị đẩy dần về vùng biển Trung Quốc.

Từ đầu thế kỷ XX, trong ngôn ngữ của người Việt, phát âm Tàu Ô (tàu của nước Ngô) dần dần thay đổi theo hướng tinh lược, chữ Ô biến mất để chỉ còn một từ đã rút gọn là “Tàu”, nhưng không theo nghĩa là tàu thuyền, mà mang nghĩa là Trung Quốc/Trung Hoa cho đến hôm nay.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
--------------------------------
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập Một, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2007, tr. 787; và Giá Sơn Kiều Oánh Mậu, Bản triều bạn nghịch liệt truyện, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1963, tr. 9.

(2) Phạm Hoàng Quân, “Những ghi chép về vùng biển Quảng Đông (Trung Hoa) và Biển Đông (Việt Nam) trong Đại Thanh Thực Lục đối chiếu với Đại Nam Thực Lục”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (85), Huế, 2011, tr. 59.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập Một, Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr. 696.

(4) Nội các triều Nguyễn (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch, in lần thứ 2, Tập 5, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 432-433.

(5) Nguyên Nguyên, Nguồn gốc tên gọi Người Tàu và nước Tàu, http://tailieu.vn, 6-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét