Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

BÁO TRUNG QUỐC THỪA NHẬN GIÀN KHOAN 981 HẠ ĐẶT TRONG VÙNG BIỂN ĐẶC QUYỀN CỦA VIỆT NAM

Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 đã di chuyển khỏi khu vực mà họ hạ đặt trái phép trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Báo chí Trung Quốc đã đưa hình ảnh ghi rõ điểm đến của giàn khoan này.

Trên tờ Thâm Quyến nhật báo, sơ đồ di chuyển giàn khoan của Trung Quốc đã được chú thích rõ. Từ sơ đồ này, có thể nhận thấy điểm đến của giàn khoan Haiyang Shiyou 981 sẽ đến phía Đông nam đảo Hải Nam. Điều này phù hợp với những thông báo mà Trung Quốc đưa ra trước đó ít ngày.

Cả Công ty khai thác dầu khí ngoài khơi Trung Quốc và Bộ Ngoại giao nước này đều xác nhận địa điểm hoạt động tiếp theo của giàn khoan là tại khu vực Lăng Thủy thuộc đảo Hải Nam. Theo Tân Hoa Xã, việc di chuyển khỏi khu vực hạ đặt trái phép là để đảm bảo an toàn cho giàn khoan trước cơn bão "Thần Sấm" đang trực chỉ theo hướng đảo Hải Nam với sức tàn phá lớn.

Sơ đồ dịch chuyển giàn khoan tờ Thâm Quyến đưa ra

Cũng ở sơ đồ trên, tờ Thâm Quyến đã thừa nhận khu vực thăm dò trước đó của giàn khoan cách bờ biển Việt Nam khoảng 133 đến 156 hải lý. Điều này cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận giàn khoan hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (200 hải lý) của Việt Nam. Cũng trên sơ đồ trực quan này thì có thể thấy điểm giàn khoan khai thác phi pháp gần bờ biển Việt Nam hơn nhiều so với đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Nếu người Trung Quốc có lương tri và biết suy nghĩ thì khi họ nhìn sơ đồ di chuyển giàn khoan trên báo Thâm Quyến, họ sẽ tự hiểu vì sao cả thế giới lên án hành động đơn phương của Trung Quốc thời gian qua.

Anh Tú (theo Shenzhen News Net)

3 nhận xét:

  1. Trung Quốc có vẻ đang cố giữ thể diện trong bối cảnh những hành động sai trái ở biển Đông liên tục bị chỉ trích.

    Từ tối 15/7, Trung Quốc bắt đầu di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Động thái trên được phía nước này rầm rộ thông báo.

    Trả lờiXóa
  2. Theo đó, ngay trong đêm 15/7, Tân Hoa xã đưa tin giàn khoan 981 đã ngưng hoạt động ở vùng biển của Việt Nam và sẽ được được đưa về hoạt động ở khu vực Lăng Thủy ở đảo Hải Nam.

    Hãng tin của Trung Quốc dẫn thông tin từ Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) khẳng định Hải Dương-981 đã hoàn tất quá trình khoan thăm dò dầu khí ở khu vực gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ hôm 15/7.

    Tiếp đó, ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi chính thức xác nhận thông tin nói trên.

    Trước sự việc này, truyền thông thế giới và trong nước đồng loạt đưa tin, cập nhật từng giờ.

    Chi tiết hơn, những lớp lang tàu, máy bay Trung Quốc ra yểm trợ việc di chuyển giàn khoan cũng được các báo theo dõi và đưa tin sát sao.

    Trả lờiXóa
  3. Vì sao rút giàn khoan?

    Mặc dù ông Hồng Lỗi nói rằng động thái di chuyển giàn khoan không liên quan đến bất cứ nhân tố nào từ bên ngoài; tuy nhiên, theo TS. Phạm Thu Xuân, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông: Tình hình trong nước cũng có những vấn đề khiến Trung Quốc ưu tiên tập trung giải quyết. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm "chính đáng" để rút giàn khoan về đảo Hải Nam khi mà bão Thần Sấm tiến vào biển Đông với sức công phá lớn.

    Động thái này của Trung Quốc cũng được giới phân tích coi là xoa dịu dư luận quốc tế sau những động thái leo thang chủ quyền một cách phi lý trên biển thời gian qua dẫn đến những lên án của cộng đồng quốc tế; những bất đồng không thể san lấp trong Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung; Nghị quyết của Thượng viện Mỹ…

    Hiện, ông Tập Cận Bình đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 của khối BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) được tổ chức tại Fortaleza (Brasil) ngày 15-16/7. Khối này đang ôm tham vọng trở thành đối trọng với Mỹ và phương Tây; nhất là khi mới thông qua quyết định thành lập Quỹ Bình ổn của BRICS tương tự như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có tổng số vốn lên tới 100 tỷ USD và một Ngân hàng Phát triển với mức vốn ban đầu là 50 tỷ USD với chức năng tương tự Ngân hàng Thế giới (WB).

    Hiện tại, BRICS chiếm khoảng 25% diện tích, gần 43% tổng dân số thế giới (hơn 3 tỷ người). Trong số 5 thành viên BRICS có hai nước là Ủy viên thường trực HĐBA Liên hợp quốc. Ấn Độ (đang có tranh chấp chủ quyền biên giới với Trung Quốc) và Brasil là những ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế ủy viên thường trực của HĐBA khi tổ chức này được cải cách và mở rộng.

    Do vậy không thể không nghi ngờ rằng Trung Quốc đang muốn xoa dịu dư luận quốc tế, tạo ảnh hưởng trong khối BRICS và thế giới bằng động thái di chuyển giàn khoan - di chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế theo hướng thiện cảm với nước này.

    Trả lờiXóa