Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

TIẾP TAY CHO TIN NHẮN RÁC: NHÀ MẠNG HƯỞNG 55% - SAO LẠI VÔ CAN?

LâmTrực@


Có lẽ ai cũng một ngày vài lần khó chịu với những tin nhắn rác rưởi được gửi đến điện thoại của mình. Ai cũng biết đó là hành vi bất hợp pháp, là lừa đảo. Nhưng ít người biết rằng, những kẻ lừa đảo đó lại có sự tiếp tay của nhà mạng. Và thật ngạc nhiên, nhà mạng có phép, kiểm soát hành vi đó lại hưởng đến 55% tiền lợi nhuận do tin nhắn rác mang lại.

Vạy mà sao khi xử lý những hành vi như vậy, nhà mạng lại vô can?

Mời đọc bài báo sau:

Chiếm đoạt tiền tỉ từ tin nhắn rác: nhà mạng hưởng 55%

Sau khi lập công ty kinh doanh dịch vụ nội dung số, bọn tội phạm đã sử dụng hàng chục hệ thống thiết bị phát tán để gửi tin nhắn lừa đảo đến các thuê bao di động nhằm "câu" chủ thuê bao nhắn tin lại các đầu số tổng đài, chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn với tổng giá trị lên tới 23 tỉ đồng, phía nhà mạng vẫn vô can?

Chỉ trong vòng một năm, sáu công ty của nhóm nghi can này đã chiếm đoạt khoảng 23 tỉ đồng từ các thuê bao di động bằng hình thức lừa đảo này.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an và Công an quận Đống Đa, Hà Nội vừa triệt phá tổ chức hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo người sử dụng điện thoại di động.

Cho đến nay, Cơ quan điều tra Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can, trong đó bắt tạm giam năm bị can tại các công ty lừa đảo này về hành vi "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Lập công ty chỉ để phát tán tin nhắn rác

Cụ thể, cơ quan công an xác định Lê Ngọc Tiến (trú tại khu Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đã bỏ tiền mua sắm trang thiết bị và lập ba công ty có kinh doanh nội dung số gồm Công ty cổ phần VVas, Công ty cổ phần Vcontent, Công ty cổ phần dịch vụ tư vấn Bắc Đại Dương, thuê người làm giám đốc cho các công ty này.

Tiếp đó, Lê Ngọc Tiến thực hiện việc thuê lại các đầu số và ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ nội dung với các nhà mạng di động như Viettel, MobiFone, Vinaphone. Nhóm công ty của Tiến chủ yếu thực hiện kinh doanh trên các đầu số 7x68 và 7x77.

Tuy nhiên, các công ty này không cung cấp những nội dung số hữu ích đối với thuê bao di động mà mục đích chính là tìm cách lừa đảo, chiếm đoạt tiền phí dịch vụ tin nhắn của các thuê bao di động.

Theo đó, Lê Ngọc Tiến chỉ đạo các giám đốc, nhân viên dưới quyền thực hiện việc phát tán tin nhắn từ các sim rác với nội dung như "Chúc mừng thuê bao 09xxxx, bạn đã nhận được quà tặng âm nhạc và lời chúc từ một người thân qua tổng đài. Để nhận quà, soạn tin QT gửi 7768", hoặc phát tán tin nhắn giao dịch game như "soan NT xu gui 7777"...

Khi chủ thuê bao thực hiện theo hướng dẫn, gửi tin nhắn lại đầu số theo cú pháp sẽ bị trừ từ 15.000-30.000 đồng/tin nhắn. Chỉ sau khi không nhận được thông tin phản hồi, các thuê bao mới biết bị lừa đảo.
Tháng 6-2014, cơ quan công an đã kiểm tra một căn hộ tại khu tập thể Đại học Công đoàn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, bắt quả tang nhóm nhân viên của Lê Ngọc Tiến đang có hành vi phát tán tin nhắn rác với các nội dung tương tự.

Khám xét địa điểm này và trụ sở của ba công ty trên, cơ quan công an thu giữ hàng chục hệ thống thiết bị phát tán tin nhắn lừa đảo. Bước đầu cơ quan điều tra làm rõ từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2014, nhóm công ty này đã phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo với 27 cú pháp nhắn tin đến các đầu số 7x68, 7x77, chiếm đoạt khoảng 22 tỉ đồng của các thuê bao di động.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an phát hiện Lê Ngọc Tiến còn thành lập thêm hai công ty để tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo. Cùng thời điểm khám phá ổ nhóm trên, cơ quan công an đã kiểm tra nhóm công ty của Nguyễn Ngọc Quyết, Trần Ngọc Hùng, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật tương tự.

Cụ thể, nghi can Trần Ngọc Hùng (trú tại phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân) đã lập nên các công ty cổ phần di động Thiên Hà, Thiên Ngân, Ngân Hà để kinh doanh dịch vụ nội dung số.

Các công ty này đều có những đầu số và đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với nhà mạng. Tại thời điểm kiểm tra nhà riêng Trần Ngọc Hùng, cơ quan công an bắt quả tang Nguyễn Ngọc Quyết cùng sáu nghi phạm đang phát tán tin nhắn lừa đảo cho Công ty Thiên Ngân.

Nội dung tin nhắn đều mang tính chất lừa đảo, lôi kéo khách hàng nhắn tin trở lại đầu số để thu tiền. Bước đầu cơ quan điều tra làm rõ từ ngày 1-5 đến 13-6-2014, nhóm công ty này đã phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn với 83 cú pháp lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.

Nhà mạng hưởng lợi 55%

Như vậy trong hai vụ việc này, cơ quan công an xác định hàng triệu thuê bao di động đã bị lừa đảo với số tiền khoảng 23 tỉ đồng. Cơ quan điều tra cũng xác định trong số 23 tỉ đồng thu được, nhóm công ty của các nghi can lừa đảo chỉ thu được 45%, còn lại là nhà mạng được hưởng.

Một lãnh đạo của Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT) cho biết theo quy định và các nhà mạng đang thực hiện rất triệt để là khi phát hiện có tin nhắn rác liên quan đến đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung số (CP) nào thì nhà mạng sẽ xử lý CP đó. Cụ thể là khóa đầu số hoặc cắt hợp đồng tùy theo mức độ vi phạm đối với các điều khoản trong hợp đồng.

Về vấn đề "trách nhiệm của nhà mạng đến đâu khi được hưởng 55% doanh thu từ số tiền các đối tượng vi phạm pháp luật lừa đảo được", vị lãnh đạo này cho rằng đối chiếu theo Luật viễn thông, nhà mạng chỉ có trách nhiệm xem xét CP vi phạm điều khoản nào trong hợp đồng để xử lý sau khi sự việc đã được phát hiện, bởi lẽ nhà mạng không có quyền kiểm soát tin nhắn nên không thể biết đâu là tin nhắn, đâu là cuộc gọi lừa đảo.

Chỉ khi nào khách hàng nhận được tin nhắn rác báo với nhà mạng hoặc cơ quan công an thì mới có cơ sở để xử lý. Cũng theo vị lãnh đạo này, Luật viễn thông cũng quy định nhà mạng phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm dịch vụ do nhà mạng trực tiếp làm ra, còn việc sử dụng dịch vụ thì thuộc trách nhiệm của người sử dụng.

Vị lãnh đạo này cho biết theo quy trình thì việc xử lý sẽ được tiến hành ngay nếu CP đó do nhà mạng quản lý. Còn CP đó do nhà mạng khác quản lý thì phải thông báo với thanh tra sở thông tin - truyền thông để cơ quan thanh tra làm việc với nhà mạng quản lý CP đó, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm.

Hiện nay các nhà mạng đều đang hợp tác với nhau trong việc kiểm soát tin nhắn rác hay các dịch vụ lừa đảo như vậy. Về vấn đề "ăn chia" 45-55, vị lãnh đạo này cho biết đó là sự phân chia trong chuỗi giá trị kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, ai làm công đoạn nào sẽ được hưởng công đoạn đó. Nhà mạng được hưởng 55% doanh thu do phải chịu trách nhiệm đầu tư, quản lý, điều hành hạ tầng và thực hiện việc thu cước, chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại. Còn đối tác CP được hưởng 45% là dựa trên các giá trị sản phẩm do họ làm ra.

Theo báo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét