Hậu giàn khoan 981: Quỳ gối không phải là tính cách của người VN
Đăng Bởi Một Thế Giới
Ảnh: cảnh sát biển Việt Nam cảnh giác trước sự hung hăng của tàu TQ
“Vietnam and China relations: Ground Shaken” đăng trên trang Eurasia Review ngày 24.7. Nội dung đề cập ý tưởng bắt nạt Việt Nam của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã gây bất ổn trong quan hệ Việt-Trung và trong vụgiàn khoan Haiyang Shiyou 981, Việt Nam đã kiềm chế một cách sáng suốt. Một Thế Giới xin trích dịch:
Từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, Việt Nam và TQ xây dựng mối quan hệ qua hai cột trụ:
Thứ nhất là mạng lưới đối thoại thường xuyên dày đặc giữa hai đảng và hai chính phủ để mở rộng sự hợp tác, xử lý các vụ việc, giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng.
Thứ hai, Việt - Trung tham gia các cơ chế đa phương do ASEAN dẫn đầu, để xây dựng niềm tin và các biện pháp ngoại giao.
Từ hai nền tảng này, sự tín nhiệm phát triển, sự hợp tác song phương nảy nở ổn định. Những bất đồng về biên giới và hải giới Vịnh Bắc Bộ được giải quyết năm 1999 và 2000.
Đôi lần cũng xảy ra căng thẳng, nhưng sự bất đồng về biển Đông không tác động đến mối quan hệ chung này. ASEAN và TQ đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên về biển Đông, để tất các bên có các hướng xử lý những tranh chấp một cách hòa bình.
Cũng có hy vọng rằng TQ và ASEAN cuối cùng đạt được một Bộ quy tắc ứng xử (DOC).
Nhưng từ giữa những năm 2000, Việt Nam ngày càng lo ngại khi TQ ngày càng hung hăng đòi chủ quyền biển Đông.
Năm 2006-2007, TQ lặng lẽ dọa các công ty dầu khí quốc tế không được hợp tác với PetroVietnam ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Cùng lúc, tàu bán quân sự TQ nỗ lực nắm quyền kiểm soát trên một vùng biển rộng tới tận bãi ngầm James (gần Malaysia).
Tháng 5.2009, Bắc Kinh thách thức Công ước Liên hiệp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) khi chính thức công bố bản đồ “đường 9 đoạn” và từ đó, TQ muốn thay đổi nguyên trạng ở Bãi cạn Scarborough của Philippines và Bãi Cỏ Mây.
Gần đây nhất, TQ hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 phi pháp vào EEZ của Việt Nam, một hành động đánh dấu chủ quyền lãnh thổ đi ngược lại những thỏa thuận trước đây giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Quyền tự do hàng hải bị thách thức khi TQ tùy tiện vạch khu vực cấm tiếp cận 3 hải lý quanh giàn khoan. Đe dọa hơn là tàu TQ cố tình sử dụng bạo lực,gồm đâm va, phun nước vào tàu Việt Nam đâm chìm cả tàu cá của ngư dân Việt Nam rồi bỏ đi.
Ban đầu Việt Nam sử dụng kênh đối thoại song phương để hạ nhiệt căng thẳng. Nhưng hơn 30 lần liên lạc với TQ vẫn không đạt được hồi âm thích đáng của TQ. 4 đường dây nóng giữa Hà Nội và Bắc Kinh bị “nguội”ngay lúc cần đến.
TQ còn cử nghị sĩ Dương Khiết Trì đến Hà Nội để “dạy Hà Nội cách ứng xử”, thay vì tìm cách thoát khỏi sự bế tắc. Ngay trước chuyến đi của họ Dương, Cục hải sự TQ còn tuyên bố gởi giàn khoan Nam Hải (Nan Hai Jiu Hao 982) vào sát gần Vịnh Bắc Bộ.
Kế đến, Việt Nam tích cực tuyên truyền để tố cáo các hành vi ngang ngược của TQ. 5 cuộc họp báo tại Hà Nội được mở, cung cấp chứng cứ của các hành vi này.
ASEAN, G7 cùng hàng chục nước đều tỏ bày sự quan ngại. Mỹ, Nhật Bản và Úc xem chủ nghĩa đơn cực của TQ là “gây bất ổn”. Tại diễn đàn đối thoại Shangri-La 2014, các quan chức TQ đối mặt với những câu hỏi cùng những lời chỉ trích quyết liệt….
Nay giàn khoan đã lui về lãnh hải TQ, nhưng vẫn có sự quan ngại ở Việt Nam rằng ngày nào đó nó sẽ trở lại. Dù cuộc khủng hoảng này đã dịu, nhưng đang có những thay đổi trong chiến lược tổng thể của Việt Nam.
Trước tiên, Việt Nam càng lúc càng xem TQ là một nhân tố gây bất ổn, nếu không nói là nỗi đe dọa. Đó là tín hiệu niềm tin TQ của Việt Nam đang giảm khi TQ liên tục tỏ thái độ lấn lướt.
Các tuyên bố mạnh mẽ gần đây của phía Việt Nam, như “sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết”, “duy trì quyền tự vệ” và “không bao giờ đánh đổi chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ lấy tình hữu nghị viển vông”, là dấu chỉ họ đã mất kiên nhẫn với TQ.
Kế đến, sự tranh chấp không chỉ dừng lại ở các cuộc va chạm trên biển và tranh cãi ngoại giao, mà còn có hậu quả là sự bức xúc của nhân dân Việt Nam.
Các doanh nghiệp Việt Nam tình cách đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu và thị trường, để giảm lệ thuộc TQ. Đặc biệt là ngày càng có nhiều tiếng nói trong lực lượng lãnh đạo Việt Nam, đặt câu gỏi về mối quan hệ tư tưởng của Việt Nam với TQ.
Không nên xem việc việc Việt Nam miễn cưỡng áp dụng biện pháp pháp lý cùng các phản ứng chiến lược là một bước lùi trước TQ. Đó là một sự kiềm chế sáng suốt.
Quan ngại việc bùng nổ thành một cuộc xung đột vũ trang, hoặc một cuộc rạn vỡ đột ngột trong mối quan hệ Việt - Trung, Việt Nam cẩn thận chờ đón các hành động của TQ sau ngày 15.8 tới. Như các quan chức đã nói, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn các hồ sơ kiện, nhưng vẫn chờ thời gian chín muồi.
Vùng EEZ dọc bờ biển Việt Nam có vai trò quan trọng không chỉ về quyền khai thác tài nguyên, mà còn là một khu vực bảo toàn an ninh. Nếu các tấm khiên duyên hải này bị đâm thủng từ một thái độ hiếu chiến, lãnh thổ dài hẹp vốn thiếu chiến lược chiều sâu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
Vì thế, chắc chắn Việt Nam sẽ giữ lực lượng tuần duyên trực chiến cho đến khi nào giàn khoan TQ rời khỏi lãnh hải của họ. Nếu TQ tiếp tục o ép Việt Nam, nước này sẽ không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc xem xét lại chiến lược không liên kết của họ.
Lịch sử cho ta biết hai điều: trước tiên, quỳ gối trước một thế lực không phải là tính cách của người Việt Nam. Thứ hai, mối quan hệ hữu nghị xây dựng lâu sẽ chóng sụp đổ nếu sự tin cậy đã mất. Hãy nhớ vào những năm 1970, chỉ mất 5 năm để Việt-Trung từ đồng chí trở thành đối thủ….
Trần Trí (lược dịch)
Tác giả bài viết là Đỗ Thanh Hải - ứng viên lấy bằng PhD ở Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc đại học quốc gia Úc,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét