Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

MUỐN "LÀM ĂN" THÌ PHẢI LAI RAI

Muốn "làm ăn" là phải lai rai


Tuần VNN - Đã nói đến bia rượu là nói đến vấn đề lãng phí. Đối với một đất nước còn nghèo khó như Việt Nam mà với tập tục “chén anh, chén chú”, cứ muốn “xã giao” là phải “lai rai”, cứ muốn “quan hệ” là phải “làm một tí”.

Cũng nên thông cảm cho sự “mệt mỏi” của những nhà “làm luật”, những nhà làm chính sách của nước ta khi mỗi lần đề xuất một dự thảo luật nào, cũng đều gặp những phản ứng dồn dập trái chiều, đa chiều của dư luận. Điều này không có gì là khó hiểu, vì không ít lần đã có những văn bản ra đời mà lại “trái luật”, không hợp lòng dân, không phù hợp với những điều kiện thực tế… và tất nhiên là thiếu tính khả thi.

Liệu có cấm được?

Cho dù có thật sự “mệt mỏi” thì với những nhân viên công vụ chuyên trách này cũng phải lấy làm mừng, lấy làm cảm ơn vì “sản phẩm” của mình được xã hội quan tâm chú ý đến, càng đa chiều càng chọn lọc được những kết quả tối ưu, hợp lý. Điều đó cũng chính là biểu hiện của thái độ cầu thị, tư duy tích cực.

Tiếp tục, lại một dự thảo lại ra đời, lại một lần nữa dư luận lại “xôn xao”. Đó là dự thảo Luật về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia mà Bộ Y tế định trình lên Quốc hội sau khi đưa ra lấy ý kiến người dân. Đây là một dự thảo mang tính tích cực, xuất phát từ một chủ trương đúng của những nhà quản lý, đa số dư luận đồng tình ủng hộ mục đích tốt đẹp của đề xuất trên.

Thậm chí có những người do “căm ghét” bia rượu, do là “nạn nhân” trực tiếp hoặc gián tiếp của bia rượu mà sau khi nghe qua bản dự thảo trên tivi còn “cực đoan”… đề nghị Nhà nước cấm bán, cấm sản xuất những mặt hàng “độc hại” đó luôn. Ám ảnh, bực tức thì phát ngôn vậy, chứ thực tế làm sao mà cấm được, rượu bia là “văn hóa lâu đời” của nhân loại, chỉ có thể điều tiết làm sao cho dùng nó có… văn hóa mà thôi.

Bản thân người viết rất khoái “ăn nhậu”, vì thế vô cùng thấm thía những hậu quả, tác hại mà bia rượu gây ra, và cũng vì thế vô cùng hoan nghênh mục đích tốt đẹp của dự thảo này. Mà hậu quả, tác hại của bia rượu thì ngay cả người không “ăn nhậu” cũng có thể nói ra vanh vách.

Đã nói đến bia rượu là nói vấn đề sức khỏe, hiệu quả công việc giảm kém và những di chứng lâu dài…

Đã nói đến bia rượu là nói đến vấn đề lãng phí. Đối với một đất nước còn nghèo khó như Việt Nam mà với tập tục “chén anh, chén chú”, cứ muốn “xã giao” là phải “lai rai”, cứ muốn “quan hệ” là phải “làm một tí” thì “tốn tiền” kinh khủng, và mức độ lãng phí đó khó có thể “cân, đo, đong, đếm” một cách chi tiết, cụ thể được…

Đã nói đến bia rượu là nói đến tai nạn giao thông, nói đến nạn bạo lực gia đình, nói đến án hình sự giết người, hiếp dâm… và vô vàn những biến chứng khác từ những hành vi không làm chủ được bản thân mình.

“Lỗi truyền thống”?

Nhưng, cũng như một số dự thảo ra đời trước đây, dự luật lần này tiếp tục mắc “lỗi truyền thống”. Tức là có những quy định mơ hồ, chung chung, thiếu chi tiết cụ thể, khiến dư luận bán tín bán nghi về khả năng vận dụng vào thực tế.

Cụ thể, trong dự thảo quy định cấm bán bia rượu từ sau 22h đến 6h sáng mỗi ngày, cấm bán bia rượu cho phụ nữ có thai và người dưới 18 tuổi, chỉ bán cho một người sử dụng tại chỗ không quá một đơn vị rượu/h (tức là một lon bia) với nam, và với nữ là nửa lượng này… Đấy là một vài nội dung gây tranh luận bàn tán nhiều nhất trong dư luận.

Người Việt mình đến bây giờ vẫn chưa làm được gì để đưa đất nước “sánh vai các cường quốc năm châu” nhưng rất giỏi trong việc linh hoạt chống chế, rất giỏi nghĩ ra cách để làm sao có thể “lách luật”…

Như bài viết mới đây trên Tuần Việt Nam đã tổng hợp hàng loạt tình huống khiến dự luật không thể khả thi “Làm sao phân biệt phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú (thai kỳ dưới ba tháng hầu như không thể nhận ra do bụng thai phụ chưa nổi to)? Cấm bán sau 22h, vậy mua một thùng bia lúc 21h 59 phút (đã hoàn tất giao dịch trước 22h) rồi cứ thế uống, đâu có vi phạm? Một giờ, một điểm bán chỉ được bán một lon bia cho một khách, vậy mua 10 lon ở 10 quán rồi ngồi uống ở một quán, đâu có vi phạm? Hoặc dễ dàng hơn cả là nhờ người khác mua giùm. Thì sẽ đẻ ra dịch vụ mua giùm rượu bia?”

Một bài báo khác trên Tuổi trẻ lại đưa ra hình dung về những điểm bất hợp lý trong dự luật “Nhiều nước có lệnh cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi bất kể giờ giấc, người ta có thể tự hỏi làm sao một lệnh cấm như thế mang tính khả thi khi trên đất nước họ có cả trăm ngàn điểm bán rượu, kiếm đâu ra người để thanh tra, kiểm tra lệnh cấm. Thế nhưng cứ thử vào tiệm rượu, bảo trẻ 15, 16 mua rượu cho mà xem, sẽ không có ai dám bán rượu cho chúng mặc cho chúng thuyết phục mua về cho bố mẹ.

Đây chỉ là những “thắc mắc” riêng của hai nhà báo, nhân rộng ra công luận thì có lẽ nhà chuyên trách sẽ đón nhận vô số những câu hỏi còn thú vị hơn gấp nhiều lần. Với đặc thù dân trí và gu “ẩm thực” như nước ta, thật khó đủ lực lượng chức năng để có thể giám sát và giải quyết được gốc rễ của “tệ nạn” lạm phát bia rượu. Nhưng sự thiếu cụ thể rõ ràng của dự luật đôi khi lại là “con dao hai lưỡi” tạo điều kiện cho công vụ địa phương “làm luật”, ăn hối lộ… mỗi khi “cần thiết”.

Hơn thế nữa, du lịch đang là xu thế phát triển mạnh và vô cùng cần thiết trong quá trình hội nhập và quảng bá đất nước. Mà nói đến du lịch thì không thể thiếu những tụ điểm, khu vui chơi giải trí về khuya, nếu “cấm” một cách cứng nhắc như vậy thì du khách thập phương muốn đến cũng… ái ngại lắm.

Sự tuyên truyền của nhà nước là vô cùng cần thiết, song song đó phải có những chế tài về luật, nhưng phải hết sức khoa học, đồng bộ và công minh.

Dự thảo chống tác hại của việc lạm phát bia rượu xuất phát từ một chủ trương đúng, vì thế phải làm, nên làm, nhưng việc đầu tiên phải chỉnh sửa lại làm sao cho nó có tính khả thi cao nhất. Hãy tập trung trọng tâm đến “chất lượng” của những nhà sản xuất, những nhà cung cấp phân phối… và cuối cùng là xử phạt thật nghiêm đối với đối tượng vi phạm.

Cái gì tốt thì bao giờ người dân đều đồng tình hưởng ứng, việc đội mũ bảo hiểm là một minh chứng, thế nhưng đến bây giờ nhà quản lý vẫn “bế tắc” đối với những nhà sản xuất, nhà cung cấp mũ “kém chất lượng”. Sợ rằng với cách quản lý theo kiểu “mũ bảo hiểm”, người dân vẫn phải gánh chịu những tác hại của bia rượu như thường.

Và với cái nếp làm luật theo kiểu “truyền thông”, với cái lối quản lý theo tư duy “truyền thống” thì dù bia rượu có được cho là mặt hàng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì trong con mắt người Việt Nam nó vẫn “rẻ òm”, dễ tìm, dễ mua đến mức có thể mặc kệ ai phạt cứ phạt, ai uống cứ uống.

Bài viết đến đây, thì có người xen vào thắc mắc: “Trước hết cần phải đề nghị các quan chức, công chức làm gương trước đi đã”!

Hẳn các quan chức, công chức cũng không chịu “kém miếng” trong môn võ… nâng lên đặt xuống này chăng?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét