Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang nghiên cứu khả năng đóng mới một giàn khoan khí hóa lỏng nổi (FLNG) trị giá hàng tỉ USD, cùng với đó là công nghệ chưa từng thử nghiệm để khai thác khí đốt tại vùng nước sâu ở Biển Đông.
CNOOC không đưa ra một thông báo chính thức nào, nhưng nhiều quan chức công nghiệp nước này nói rằng dự án đang trong giai đoạn tiền khả thi. Họ cũng cho biết, Tập đoàn này cũng đã có các cuộc tiếp xúc với các hãng chế tạo hãng đầu thế giới để mời hợp tác.
Giàn khoan FLNG Prelude đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: AFP
FLNG này có hình dạng một chiếc tàu “khủng”, có thể hạ đặt bên trên các mỏ khí để chiết xuất khí và chuyển vào những tàu chở khí hóa lỏng (LNG) vận chuyển. Trên thế giới hiện mới chỉ có khoảng 10 FLNG nằm ở giai đoạn thiết kế, phát triển, với 5 chiếc đang được đóng, hoàn thiện. Mô hình FLNG “khủng” nhất hiện nay là chiếc Prelude, thuộc sở hữu của tập đoàn Shell, dự kiến sẽ được đưa ra khai thác khí ở vùng biển ngoài khơi Australia vào năm 2017. Chi phí để chế tạo Prelude ước tính vào khoảng 12 tỉ USD.
Giới chức công nghiệp Trung Quốc cho biết, FLNG sẽ là một nhân tố quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong bối cảnh nước này đẩy nhanh việc khai thác nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu trong nước.
Hồi tháng trước, Xie Bin, nhà nghiên cứu trưởng về công nghệ nước sâu của CNOOC cho biết tập đoạn này đang đánh giá các yếu tố liên quan đến chế tạo FLNG, nhất là về chi phí và công nghệ, khi lập dự án tiền khả thi. Theo ông Xie, loại FLNG mà Trung Quốc hướng tới có khả năng khai thác, xử lý 2,4 triệu tấn LNG/năm, ít hơn so với công suất 3,6 triệu tấn/năm của Prelude.
Feng Qin, chuyên gia trưởng về thiết kế công trình ngoài khơi, thuộc tập đoàn hóa dầu Trung Quốc (Sinopec), nói rằng ông có biết về nghiên cứu của CNOOC. "FLNG có lợi thế vượt trội khi khai thác các mỏ khí nước sâu quy mô tương đối nhỏ, so với đường ống dưới biển”, ông Feng bình luận. Tại vùng biển tranh chấp, việc bảo vệ riêng một con tàu sẽ dễ dàng hơn đường ống dài hàng trăm km.
Trung Quốc hiện mới chỉ phát hiện một mỏ khí lớn duy nhất tại vùng nước sâu ở Biển Đông. Đó là mỏ Liwan 3-1 ở ngoài khơi Hong Kong. Mỏ đang được CNOOC và tập đoàn Husky Energy của Canada cùng khai thác. CNOOC hiện có 4 khu vực sản xuất khí đốt ở vịnh Bột Hải, biển Hoa Đông, phía đông Biển Đông và phía tây Biển Đông. Đặc biệt, công ty này có tham vọng mở rộng hoạt động khai thác ở vùng biển ngoài khơi phía nam.
Wang Jinlian, Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp đóng tàu Trung Quốc nói với hãng tin Reuters rằng, chính phủ nước này sẵn lòng hỗ trợ tài chính cho việc nghiên cứu, phát triển xây dựng những công trình cơ khí kiểu FLNG, kể cả những ưu đãi thuế cho các nhà sản xuất nội địa.
Phóng viên hãng tin Reuters hiện chưa liên lạc được với giới quan chức Trung Quốc để tìm hiểu thêm thông tin.
Hoài Thanh (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét