THOÁT: Thoát y có thoát ý? Nhưng không “thoát” được công an
Moon tổng hợp
Đúng ra, ngày đẹp 12. 2. 2012 vừa qua, bộ ảnh “Thoát” đã ra mắt. Nhưng cuối cùng, theo thông tin của ban tổ chức, mọi việc đã không như ý.
Bộ phận an ninh văn hóa thành phố Vũng Tàu và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã phối hợp làm việc với tác giả dự án Thoát để hoãn lại ngày công bố.
Trên trang web của dự án (được thực hiện khá bài bản, công phu), vẫn còn những lời giới thiệu về dự án.
Xin phép được giới thiệu một số hình ảnh cũng như quá trình thực hiện Thoát.
Dự án Thoát gồm nhiều “sản phẩm”. Đầu tiên là cuốn sách ảnh trắng đen có tên “Thoát”, mà theo thầy Huệ Phong là “biểu đạt toàn bộ tinh yếu của bài Pháp Thoát được nhà Phong thủy Huệ Phong thể hiện sống động qua từng hình ảnh và câu chuyện của nhận vật.” Người thực hiện bộ ảnh là nhiếp ảnh gia Nguyễn Trung. Người mẫu là diễn viên Thái Nhã Vân – người đang được mệnh danh là “quả bom sex sẽ làm nổ làng showbiz Việt.” Bộ ảnh “Thoát” được thực hiện từ tháng 10. 2012 và đến nay đã hoàn tất với 12 ảnh chính, với sự kết hợp như thầy nói là thiền – zen và nude art (theo Việt Văn báo Lao Động).
Kế là bộ tranh “Thoát” được thực hiện dưới dạng ảnh số, sơn dầu, chì, thêu; Và bộ tượng “Thoát” được tạc dưới thể loại đất nung, đồng và đá. (Theo Việt Văn, bộ tranh chưa thực hiện và cũng chưa biết thầy vẽ hay đặt hàng ai.)
Rồi bộ lịch “Thoát”, khổ 40 x 40cm, 12 tờ.
Tiết mục múa đương đại “Thoát”, theo thầy Huệ Phong là với “những hình ảnh nghệ thuật và biểu cảm, cùng âm thanh và ánh sáng hòa nguyện nhau thể hiện nỗi cô đơn của loài người trong một xã hội hiện đại.” Thầy bảo sẽ thuê diễn viên, chuyên nghiệp hay nghiệp dư chưa thể nói, phải xem cô nào có khả năng thể hiện nó (theo Việt Văn, báo Lao Động).
Có nhạc “Thoát”, phim “Thoát”, nhưng mới là dự tính.
Dĩ nhiên là phải có bài thơ “Thoát”.
Và một cuốn truyện “Thoát”, “thể hiện sống động nỗi lạc lõng trong cõi tâm linh của con người. Xuyên suốt câu chuyện là sự nỗ lực tu thân và rèn luyện của nhân vật để vượt qua mọi sự ràng buộc hệ lụy đời thường và nỗi ám ảnh của sắc dục.”
*
Trong bài Thoát – chưa thoát trên báo Lao Động, nhiếp ảnh gia Việt Văn cho biết:
“Kịch bản và đạo diễn, cha đẻ của ý tưởng “thoát” là nhà phong thủy Huệ Phong, với thông điệp đại ý là sắc dục có thể làm người ta khổ đau, người ta sung sướng, là thăng hoa cho nghệ sĩ trên đường sáng tác, là trở ngại lớn nhất trên đường thiền… Chữ “thoát” để biểu hiện con người từ sự dính mắc đến chỗ tự do – làm chủ sắc dục. Và qua đó còn giúp cộng đồng hiểu: Sắc dục đích thực là gì!”
Sáng 13.12, phóng viên LĐ qua địa chỉ thầy Phong đã quảng cáo trên mạng ở đường 30.4 (TP.Vũng Tàu). Dù trông đạo mạo, hay cười, nhưng thầy Phong khá trẻ, chưa đến 40 tuổi, và đang làm việc với hai anh công an. Té ra, bộ ảnh trên chưa thể ra mắt vì chưa được cấp phép của Sở VHTTDL Bà Rịa – Vũng Tàu. Và thầy Phong ký vào biên bản làm việc là trong khi chờ cấp phép sẽ không được truyền bá những ảnh trong bộ “Thoát”.
Hỏi chuyện thầy, vì sao có ý tưởng trên, thầy bảo có từ nhiều năm trước. Sở dĩ phải sử dụng một tổ hợp hoạt động trên vì “để giải quyết một vấn đề xã hội, phải dùng nghệ thuật sẽ tạo hiệu ứng xã hội mạnh hơn, vì người ta cũng không đọc sách nhiều. Làm sao để thông qua dự án “Thoát” sẽ thấy con người có khả năng chạm vào sắc dục, làm chủ nó, không rơi vào ngã!”.
Nhưng khi hỏi thầy về bộ ảnh chưa ra mắt được, thầy lại bảo: “Chuyện triển lãm không quan trọng lắm, chủ yếu là tôi muốn đọc những bài viết mang tính định hướng cho công chúng. Tôi làm theo một lộ trình cẩn trọng, làm nghệ thuật phải có trách nhiệm, đụng đến vấn đề tâm linh càng phải cẩn trọng”.
…
Khi phóng viên muốn xem ảnh “Thoát”, thầy từ chối và đề nghị xem thẻ nhà báo. Hỏi sâu hơn về thiền, thầy không hào hứng và ngại nói. Thầy bảo cũng có tập thiền, đọc sách Phật, nghiên cứu Phật và viết bài, in sách, nhưng chỉ là cư sĩ.
Một dự án nghe đầy tham vọng, nhưng tác giả của nó còn có phần mông lung và chưa rõ ràng trong ý tưởng, cũng như cách thức triển khai.”
*
Lấy câu “Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục…” (Kinh bốn mươi hai chương) làm chủ đề dẫn đường, bộ ảnh là sản phẩm đầu tiên của dự án Thoát. 12 ảnh chính thì chưa thấy, nhưng phần giới thiệu được làm khá cẩn thận từ khâu chuẩn bị, dưới hình thức “một câu chuyện-ảnh”.
Mở đầu là một cô gái (diễn viên Thái Nhã Vân) với chiếc vali kéo đến cổng Thiền viên.
Cô gặp người của Thiền viện.
Và được chỉ lối vào Thiền viện sống.
Tại Thiền viện, cuộc sống “đầy tình yêu thương, được sống trong chánh niệm, làm việc trong chánh niệm, có không gian và thời gian quan sát mọi hành vi, mọi việc gì cũng có thể học hỏi được.”
Trong Thiền viện, “việc gì cũng là Pháp, chỗ nào cũng là Pháp”.
Rồi Thiền định, “là phương tiện tốt để thanh lọc thân tâm” (trước khi chụp ảnh?)
Khi Thiền, “mọi việc dần dần rõ ràng hơn khi tâm thức an tịnh”.
Sau đó Thái Nhã Vân đã tham vấn Ni Sư Phó Trụ trì Thiền viện Chơn Không – Vũng Tàu “về những điều cô quan tâm”: “Sắc dục dưới góc nhìn Phật Giáo” (Lời giới thiệu thì nói thế, nhưng cô có quan tâm không Thái Nhã Vân? Hay thầy quan tâm?).
Qua sự hướng dẫn và diễn đạt của Ni sư, “Thái Nhã Vân đã nắm bắt và hiễu rõ bản thể của sắc dục.”… “Mọi hình tướng đều không thật thì sao ta phải bám víu vào thân mạng và sắc dục này”.
Rồi tới buổi giảng pháp Tánh không của thầy Huệ Phong cho diễn viên Thái Nhã Vân và nhiếp ảnh gia Nguyễn Trung.
Mục đích buổi giảng pháp này là “để nắm bắt được ý nghĩa của công việc, phương thức làm việc, tinh yếu của cuốn sách.”
Nhiếp ảnh gia và hai diễn viên “lễ Phật trước khi thực hiện bộ ảnh, hồi hướng mọi công việc đến chúng sanh được hạnh phúc”.
Sau đó bước vào thực hiện bộ ảnh, với nguyên tắc: “Cẩn trọng trong từng việc nhỏ, miên mật giữ chánh niệm trong suốt thời gian thực hiện bộ ảnh.”
*
Nhưng như đã biết, bộ ảnh “Thoát” chưa thể ra mắt. Lam Hồng của bariavungtau.com khi phỏng vấn Huệ Phong, đã được ông cho biết:
“Thật sự đây là một ý tưởng rất lâu rồi, tôi cũng có trao đổi với một số người thiện tri thức, các thượng tọa thì tất cả đều chia sẻ công việc này rất khó. Và quan trọng nhất là phương thức thực hiện như thế nào cần thận trọng. Vì không dễ dàng gì, ngay cả Đức Phật cũng đã thốt lên: ‘Sự ham muốn không gì hơn sắc đẹp, sự ham muốn sắc đẹp ngoài nó không có gì lớn bằng, cũng may chỉ có một mình nó mà thôi. Nếu có cái gì thứ hai bằng nó thì người khắp thiên hạ không ai có thể tu hành được.”
Giải thích về vai trò của sắc dục, thầy Huệ Phong nói với Lam Hồng:
“Sắc dục từ cổ chí kim nó tồn tại trong đời sống con người như một thứ không thể thiếu trong tất cả thành phần và đối tượng. Nó đem lại hạnh phúc, cũng đem lại khổ đau. Con người nắm bắt nó trong trạng thái ngã, dính mắc nên trở thành nô lệ hay sử dụng sắc dục ở tầng rất thấp, thậm chí có thể nói thô thiển. Sự huân tập trong quá khứ và hiện tại tạp khí đã bám víu con người khó có thể tự do với nó được. Khi hành thiền và quan sát, tôi nhận thấy một điều con người có thể làm chủ được nó, tự do với nó, hoặc sử dụng nó đúng đắn hơn… Đã làm chủ được sắc dục là cái mạnh mẽ nhất, thì có thể làm chủ được mọi việc. Trong đó không ngoài hướng đến an lạc và hạnh phúc con người.”
Đánh giá về dự án, tác giả Huệ Phong tự nhận xét:
“Đây quả là một ý tưởng độc đáo, có thể nói chưa có một trường hợp nào một ý tưởng, một kịch bản mà bao quát được hết tất cả các nghệ thuật: tranh, lịch, sách ảnh, tượng, truyện, nhạc, sân khấu, điện ảnh.”
Đã làm chủ được sắc dục là cái mạnh mẽ nhất, thì có thể làm chủ được mọi việc.Trong đó không ngoài hướng đến an lạc và hạnh phúc con người.
Trả lờiXóa