Thiếu tướng Sơn Hà nói: “Những trường hợp lái xe bị CSGT ra hiệu lệnh dừng mà vẫn lái xe bỏ chạy một cách điên cuồng, gây hậu quả nghiêm trọng nếu có đủ yếu tố cấu thành thì đề nghị phải xem xét về tội giết người, xét xử nghiêm minh trước pháp luật".
Chiều nay (13/12), Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cùng lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội đã đến Bệnh viện Việt Đức thăm hỏi sức khỏe của thượng úy Nguyễn Quốc Đạt.
Lãnh đạo Cục CSGT cùng lãnh đạo Phòng CSGT đường sắt - đường bộ Công an TP Hà Nội hỏi thăm sức khỏe thượng úy Nguyễn Quốc Đạt.
Ngay sau khi thăm hỏi sức khỏe thượng úy Nguyễn Quốc Đạt – Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết: “Trong vòng 5 năm trở lại đây, có khoảng 200 trường hợp chống người thi hành công vụ nói chung và CSGT nói riêng, trong đó đã có chiến sĩ hi sinh và hàng trăm chiến sĩ bị thương.
Đây là sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của người tham gia giao thông, sự xem thường pháp luật khi không chấp hành hiệu lệnh. Trong vòng 5 năm trở lại đây, với mọi sự nỗ lực, tình hình tai nạn giao thông đã giảm đáng kể, nhất là trong năm 2014 và 2015, số người chết vì TNGT là dưới 10.000 người”.
Thiếu tường Trần Sơn Hà ( Bên phải) cùng Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT đường sắt động viên người thân thượng úy Đạt.
So với năm trước, tình hình tai nạn giao thông giảm, theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà: “Có được thành quả như vậy là sự kết hợp giữa nhiều lực lượng, nhưng có thể nói công lớn thuộc về lực lượng CSGT. Nhưng ngược lại, các chiến sĩ thương vong là rất lớn.
Việc người tham gia giao thông vi phạm luật diễn ra khá phổ biến, nhiều trường hợp không chấp hành, chống đối với CSGT, thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường lực lượng thực thi pháp luật. Vụ việc của thượng úy Nguyễn Quốc Đạt – Đội CSGT số 5 là một ví dụ”.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Việc chống người thi hành công vụ ngoài khía cạnh pháp luật, đằng sau đó còn cả là một câu chuyện tình người. Những chiến sĩ CSGT như chúng tôi là người của nhà nước thực thi công vụ, đảm bảo an toàn giao thông, thông suốt giao thông cho nhân dân. Hành động của trường hợp trên vừa thiếu sự tôn trọng pháp luật, vừa thiếu cả tình người. Đây là hành vi không thể chấp nhận được”.
Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, các hành vi chống đối người thi hành công vụ đều phải xem xét trách nhiệm hình sự.
Để ngăn chặn được việc này, Thiếu tướng Trần Sơn Hà nói: “Những trường hợp lái xe bị CSGT ra hiệu lệnh dừng mà vẫn lái xe bỏ chạy một cách điên cuồng, gây hậu quả nghiêm trọng, nếu có đủ yếu tố cấu thành thì đề nghị phải xem xét về tội giết người, xét xử nghiêm minh trước pháp luật”.
Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật, đề nghị nhân dân và người tham gia giao thông chấp hành nghiêm pháp luật, hiệu lệnh của CSGT, trang bị vũ khí cho lực lượng CSGT để các chiến sĩ vững tâm làm nhiệm vụ, khi có các đối tượng chống đối có thể xử lý một cách kiên quyết”.
Theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, các hành vi chống đối người thi hành công vụ đều phải xem xét trách nhiệm hình sự. Hiện tại, nhiều địa phương chỉ xử lý hành chính hoặc xử lý thiếu kiên quyết về hành vi này, dẫn tới tình trạng coi thường pháp luật.
"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, tăng cường và áp dụng hình thức phạt nguội để nâng cao tính tự giác, ý thức của người tham gia giao thông, giảm bớt nguy hiểm cho lực lượng CSGT", Thiếu tướng Hà nói.
Tiến Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét