Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Hà Nội: KHỞI TỐ VỤ ÁN THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Hà Nội: Khởi tố vụ án thao túng thị trường chứng khoán

Ngày 22/3, Công an thành phố Hà Nội cho biết, đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tạm giữ hình sự đối với Phạm Thị Hinh (sinh năm 1973, hộ khẩu thường trú tại tổ 20A, phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) về tội thao túng thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 211, Chương 18: Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Bộ Luật hình sự.

Theo tài liệu điều tra, Phạm Thị Hinh đã thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu của Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (mã cổ phiếu: KSA), xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Phạm Thị Hinh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận và Chủ tịch Hội đồng quản trị, người đại diện pháp luật Công ty cổ phần chứng khoán VSM.

Lực lượng chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ án.

Nguyễn Hoàng (TTXVN)

KHÔNG CHẤP THUẬN 4 ĐIỂM TRÔNG GIỮ XE DƯỚI GẦM CÁC CẦU VĨNH TUY, CHƯƠNG DƯƠNG, NGÃ TƯ VỌNG VÀ MAI DỊCH

Không chấp thuận 4 điểm trông giữ xe dưới gầm các cầu Vĩnh Tuy, Chương Dương, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản không chấp thuận đề xuất của TP Hà Nội về việc duy trì các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu được cấp phép.

Bốn điểm trông giữ xe dưới gầm các cầu là: Vĩnh Tuy, Chương Dương, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch. 

Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã nhận được văn bản của Bộ GTVT và sẽ thông báo tới các đơn vị trông giữ xe ngay trong tháng 3/2019 , yêu cầu dừng hoạt động; đồng thời sẽ chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông Hà Nội tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy.

Theo văn bản của Bộ GTVT, việc trông giữ xe gầm các cầu hiện nay không chỉ gây mất an toàn giao thông nếu để xảy ra cháy, nổ; mà còn là nguyên nhân gây ùn tắc trên các tuyến phố đi qua điểm trông giữ xe. 

Qua tìm hiểu, các điểm trông giữ xe này được TP Hà Nội cấp phép hoạt động theo Thông tư số 35/BGTVT của Bộ GTVT quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Tuy nhiên, Bộ GTVT có công văn phản hồi đề nghị của UBND TP Hà Nội về việc điều chỉnh một số nội dung Thông tư của Bộ GTVT để duy trì các điểm trông giữ xe dưới khu vực gầm cầu.

Bộ GTVT cho rằng, Thông tư số 35 của Bộ GTVT là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ và Nghị định số 11/CP của Chính phủ, phải đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật tại các văn bản quy phạm pháp luật cao hơn. Vì vậy, Bộ GTVT khẳng định, việc tiếp tục cho phép sử dụng gầm cầu vượt để làm điểm trông giữ xe và đề nghị sửa đổi một số điều của Thông tư 35 của UBND TP Hà Nội là không có cơ sở pháp lý.

Tin, ảnh: Đăng Sơn/Báo Tin tức

Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

Xét xử vụ án tại Vietsovpetro: NGUYÊN TỔNG GIÁM ĐỐC TỪ THÀNH NGHĨA LĨNH ÁN 3 NĂM 6 THÁNG TÙ

Xét xử vụ án tại Vietsovpetro: Nguyên Tổng Giám đốc Từ Thành Nghĩa lĩnh án 3 năm 6 tháng tù

Sau hơn 1 ngày mở phiên tòa xét xử, sáng 22/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP).

Bị cáo Võ Quang Huy (sinh năm 1961, nguyên Chánh kế toán VSP) và bị cáoTừ Thành Nghĩa (sinh năm 1962, nguyên Tổng Giám đốc VSP) . Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tòa đã tuyên án phạt bị cáo Từ Thành Nghĩa (sinh năm 1962, nguyên Tổng Giám đốc VSP) 3 năm 6 tháng tù, bị cáo Võ Quang Huy (sinh năm 1961, nguyên Chánh kế toán VSP) 7 năm tù về cùng tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 355, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bản án sơ thẩm nhận định, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP) tiền thân là Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro, là một tổ chức kinh tế được thành lập ngày 19/6/1981 và hoạt động theo Hiệp định liên Chính phủ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, nay là Liên bang Nga. Tổ chức và hoạt động của VSP chịu điều chỉnh của điều ước quốc tế mà Chính phủ hai bên đã ký kết (gọi là các Hiệp định liên Chính phủ). Ngoài ra, hoạt động của VSP còn tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác. Theo Hiệp định gần nhất giữa Việt Nam và Liên bang Nga ký kết ngày 27/10/2010, thời hạn hoạt động của VSP đến năm 2030; vốn điều lệ của VSP là 1,5 tỷ USD, trong đó Chính phủ Việt Nam góp 51% (tương đương 765 triệu USD) và Chính phủ Liên bang Nga góp 49% (tương đương 735 triệu USD). 

Với vai trò là lãnh đạo VSP, có ảnh hưởng trong việc gửi tiền tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), trong các năm 2013 và 2014, 2 bị cáo Võ Quang Huy và Từ Thành Nghĩa đã quyết định việc gửi tiền của VSP vào OceanBank. Cụ thể, từ tháng 7/2013 đến năm 2014, Từ Thành Nghĩa đã sử dụng các tài khoản và ký 10 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn VNĐ với tổng số 1.900 tỷ đồng và 5 hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn USD với tổng số 55 triệu USD. Võ Quang Huy đã ký duyệt và đề xuất gửi tiền, ký nháy và trình Tổng Giám đốc ký tất cả các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại OceanBank Chi nhánh Vũng Tàu.

Để Huy và Nghĩa tiếp tục ủng hộ trong việc gửi tiền của VSP và OceanBank, Nguyễn Minh Thu (khi đó là Tổng Giám đốc OceanBank) đã nhiều lần chi tiền ngoài hợp đồng (còn gọi là tiền chăm sóc khách hàng) cho Huy và Nghĩa. Huy và Nghĩa đã nhận tiền và sử dụng vào mục đích cá nhân, không báo cáo với cơ quan tổ chức.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nghĩa đã xác nhận số lần, thời gian, địa điểm và số tiền đã nhận đúng như lời khai của Thu, với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng và 30.000 USD (tổng trị giá hơn 2,1 tỷ đồng), như cáo trạng đã truy tố.

Đối với bị cáo Võ Quang Huy, cáo trạng truy tố Huy đã nhận và chiếm đoạt 5,2 tỷ đồng và 130. 000 USD (tổng trị giá hơn 7.9 tỷ đồng). Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Huy chỉ khai đã nhận số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Mặc dù lời khai của Thu và Huy về thời gian, địa điểm, số lần nhận tiền phù hợp nhau nhưng không phù hợp về số tiền. Việc chia tiền, đóng gói tiền được Thu thực hiện một mình, không có sự kiểm tra, đối chứng nào khác. Ngoài lời khai của Thu về việc đưa số tiền như trên cho Huy, không còn tài liệu, chứng cứ trực tiếp nào khác thể hiện số tiền Thu đưa cho Huy đúng như số tiền mà Thu đã khai. Vì vậy, Hội đồng xét xử nhận thấy chưa đủ cơ sở vững chắc để kết luận Huy đã nhận từ Thu số tiền 5,2 tỷ đồng và 130.000 USD. Tuy nhiên, Tòa cũng kết luận, có đủ cơ sở khẳng định Huy đã nhận từ Thu số tiền 70.000 USD và 2,7 tỷ đồng (tổng trị giá hơn 4,1 tỷ đồng) và bị cáo đã chiếm đoạt số tiền trên sử dụng vào mục đích cá nhân.

Bản án sơ thẩm nhận định, trong vụ án này, các bị cáo phạm tội có đồng phạm. Bị cáo Huy là người giữ vai trò quan trọng trong việc đề xuất gửi tiền vào OceanBank, đề xuất lựa chọn các hình thức gửi tiền. Bị cáo Nghĩa là người quyết định và ký các hợp đồng gửi tiền. Tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo Huy cao hơn bị cáo Nghĩa, số tiền bị cáo Huy chiếm đoạt lớn hơn số tiền bị cáo Nghĩa, nên trách nhiệm hình sự của bị cáo Huy phải cao hơn bị cáo Nghĩa. 

Xét hai bị cáo phạm tội lần đầu, có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác, nộp lại số tiền đã chiếm đoạt; xét hai bị cáo có quá trình công tác nhiều năm, có nhiều đóng góp cho ngành Dầu khí, được khen thưởng nhiều thành tích phấn đấu trong công tác… nên Hội đồng xét xử đã xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho hai bị cáo.

Ngoài án phạt tù, Tòa còn tuyên cấm 2 bị cáo đảm nhiệm chức vụ quản lý trong cơ quan, doanh nghiệp có vốn của Nhà nước trong thời gian 3 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

Ngô Thị Kim Anh (TTXVN)

CHOÁNG: Vợ Bùi Văn Công 2 lần tận mắt thấy chồng đưa nữ sinh giao gà vào nhà mình hãm hiếp

CHOÁNG: Vợ Bùi Văn Công 2 lần tận mắt thấy chồng đưa nữ sinh giao gà vào nhà mình hãm hiếp

Bùi Thị Kim Thu – vợ đối tượng Bùi Văn Công ít nhất 2 lần nhìn thấy chồng đưa nữ sinh giao gà vào nhà mình giở trò đồi bại.

Ngày 21/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên vừa ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam thêm 3 bị can liên quan đến vụ nữ sinh Cao Thị Mỹ D. bị cưỡng hiếp và sát hại ở Điện Biên gây rúng động dư luận.

Trong số 3 đối tượng vừa bị bắt giữ, Bùi Thị Kim Thu (44 tuổi) - là vợ của kẻ chủ mưu Bùi Văn Công - khai với cơ quan chức năng, biết chồng cùng đồng phạm ra tay sát hại nạn nhân nhưng không tố giác.

Hai vợ chồng Bùi Văn Công và Bùi Thị Kim Thu

Thông tin trên báo Bảo Vệ Pháp Luật sáng nay cho biết, các đối tượng không chỉ hiếp dâm nữ sinh Cao Thị Mỹ D. tại căn nhà hoang và trên xe tải, chúng còn đưa nữ sinh về nhà của Bùi Văn Công thực hiện hành vi phạm tội.

Bùi Thị Kim Thu là người biết rõ quá trình hãm hiếp nạn nhân. Chính Thu là người ít nhất 2 lần bắt gặp nhóm đối tượng giở trò đồi bại với Cao Thị Mỹ D. 

Cụ thể, vào tối 30 tết (ngày 4/2/2019) và tối mùng 1 Tết Kỷ Hợi (5/2), Bùi Thị Kim Thu là người nhìn thấy các đối tượng giở trò đồi bại với nạn nhân sau khi cả nhóm tổ chức sử dụng ma túy tại nhà.

Tuy nhiên, người đàn bà này không những không can ngăn mà còn đồng lõa, giả vờ là người đầu tiên phát hiện xác nạn nhân, hô hoán cho mọi người biết và báo tin cho công an.

Nữ sinh Cao Mỹ Duyên trước thời điểm bị bắt và sát hại

Cũng theo thông tin từ Bảo Vệ Pháp Luật, ngay sau khi được coi là người đầu tiên phát hiện thi thể nạn nhân, cơ quan điều tra đã nhiều lần làm việc, ghi lời khai của Bùi Thị Kim Thu với tư cách là người biết việc. Vào thời điểm bị triệu tập lấy lời khai, Thu luôn tỏ vẻ mặt thật thà, chất phác, ốm yếu bệnh tật.

Được biết, Bùi Thị Kim Thu vốn bị bệnh tim bẩm sinh nên bà ta không lấy chồng. Cách đây vài năm, Thu gặp Bùi Văn Công - đối tượng nghiện ma túy hành nghề chạy xe tải. Hai người về sống chung nhưng không có con. Do sức khỏe không tốt nên Thu chỉ tham gia công việc lặt vặt như dọn dẹp phòng nghỉ khách sạn kiếm sống.

Phạm Văn Dũng, Cầm Văn Chương và Bùi Thị Kim Thu

Trước khi bắt giữ 3 đối tượng Thu, Dũng, Chương, cơ quan công an đã bắt 5 đối tượng: Vương Văn Hùng, Bùi Văn Công (chủ mưu), Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Lả và Lường Văn Hùng.

Các đối tượng bị cơ quan chức năng truy tố về tội giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, tàng trữ chất ma túy, giữ người trái pháp luật.

Tóm tắt vụ án

Chiều 4/2 (30 Tết), Cao Mỹ Duyên lái xe máy mang 10 con gà đến bán cho một người đàn ông mua hàng qua điện thoại. Tối hôm đó, gia đình không thể liên lạc với nữ sinh đang theo học trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên nên trình báo cảnh sát.

Sáng 7/2, thi thể cô gái được phát hiện tại khu vực chăn nuôi của một gia đình vắng chủ ở huyện Điện Biên. Khi đó, nạn nhân chỉ mặc áo thu đông, toàn bộ tài sản bị mất.Kết quả khám nghiệm xác định nữ sinh 22 tuổi tử vong do bị siết cổ.

Kết quả khám nghiệm xác định nữ sinh 22 tuổi tử vong do bị siết cổ. Ngày 10/2, sau 72 giờ, Công an tỉnh Điện Biên bắt Vương Văn Hùng. Ban đầu, Hùng khai gây án một mình. Tuy nhiên, nhiều ngày đấu tranh, nghi phạm khai thêm đồng phạm Bùi Văn Công.

Ngày 17/2, do phát sinh tình tiết mới nên Công an tỉnh Điện Biên cùng VKSND và Viện Khoa học hình sự Bộ Công an khai quật tử thi Cao Mỹ Duyên để tái khám nghiệm. Tối cùng ngày, cơ quan điều tra bắt thêm 3 người liên quan vụ án là Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng và Lường Văn Lả.

Ngày 18/2, công an khởi tố 5 bị can về các tội Giết người, Cướp tài sản, Hiếp dâm, Bắt giữ người trái pháp luật và Tàng trữ trái phép chất ma túy.

Ngày 21/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Văn Dũng (47 tuổi) ở đội 19 xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên và Cầm Văn Chương (45 tuổi) ở đội 7, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên về tội hiếp dâm.

Bên cạnh đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố, bắt tạm giam Bùi Thị Kim Thu (44 tuổi) - vợ nghi phạm Bùi Văn Công, ở đội 11, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên về tội che giấu tội phạm.

Tên khủng bố Lý Tống đã chết, kết thúc cuộc đời hủi nô vong quốc

Khoai@

Nhiều bản tin của người Việt tại hải ngoại đã loan báo, tên khủng bố Lý Tống đã chết trong Bệnh Viện tại San Diego sau khi được thân nhân là Lê Xuân Nhuận và người cháu là Lê Lộc gặp mặt lần cuối và quyết định rút ông trợ sinh vào lúc 7h tối qua. Cái chết của "không tặc" Lý Tống đã kết thúc cuộc đời tội lỗi của y đối với dân tộc.

Lý Tống tên thật là Lê Văn Tống, sinh năm 1948, tại Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Khi đi học lái máy bay ở Mỹ (1966), do bản tính hung hãn, hắn từng bị sa thải vì cãi lộn và đánh nhau với cán bộ nhà trường. Sau đó hắn bị đuổi ra khỏi quân lực Việt Nam Cộng hòa. Lăn lộn buôn bán chợ đen ở Sài Gòn một thời gian, năm 1968 hắn lại bị bắt lính và được đi học lái máy bay rồi bay đi thả bom giết hại chính đồng bào của mình.

Lý Tống nổi tiếng với xú danh "Không tặc Ó đen". Lý Tống từng tham gia biên đội Ó Đen và bị bắn rơi vào tháng 4/1975 rồi bị bắt và buộc phải đi cải tạo 5 năm. Năm 1982 Lý Tống vượt biên bằng đường bộ qua Campuchia, đến Thái Lan, rồi xin tị nạn chính trị tại Singapore và sau đó tị nạn tại Hoa Kỳ năm 1984. Lý Tống được biết đến với nhiều phi vụ nổi tiếng như tổ chức đánh cướp máy bay tại Việt Nam, Thái Lan, Cuba và Hàn Quốc, để rải truyền đơn kêu gọi người dân đứng lên lật đổ các chế độ mà hắn coi là thù địch. Lý Tống cũng từng hóa trang thành phụ nữ để tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bằng hơi cay khi anh này biểu diễn bên Mỹ.

Năm 1981, Lý Tống đã 2 lần đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất với ý định trộm máy bay bay ra nước ngoài nhưng không thành. 

Ngày 2/8/1992, Lý Tống đáp máy bay từ Mỹ về Bangkok. Tại đây, hắn dự định đi trộm máy bay A37 ở sân bay Ubon để bay về ném bom kho xăng Khánh Hội, sau đó sẽ bay sát nhà dân thả truyền đơn kêu gọi lật đổ chính quyền rồi nhảy dù xuống xa lộ Biên Hòa đón xe khách về Sài Gòn. Tuy nhiên, âm mưu bất thành vì máy bay không nổ được máy.

Chiều 4/9/1992, Lý Tống uy hiếp phi công chiếc A310 (bài viết trên báo Tuổi trẻ hôm 30/10/2017 thuật lời cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp Quốc Võ Anh Tuấn lại nói là máy bay Boing 737) của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam bay qua TP Hồ Chí Minh rồi thả truyền đơn xuống kêu gọi nhân dân nổi dậy chống lại chính quyền. Lý Tống nhảy dù xuống một ao rau muống và ngay sau đó bị bắt bởi một Dân phòng. Lý Tống bị bắt và kết án 20 năm tù vì tội cướp máy bay. Tháng 9/1998, chính quyền Việt Nam quyết định tha và trục xuất Lý Tống trong một đợt đặc xá.

Năm 1998, Lý Tống đã dùng máy bay, xâm nhập trái phép lãnh thổ Cuba để rải truyền đơn. Ngay sau đó gã bị FBI bắt giữ. Xem ảnh.

Ngày 1/1/2000, Lý Tống dùng một chiếc máy bay nhỏ bay từ Florida sang La Habana, Cuba thả truyền đơn kêu gọi nhân dân Cuba nổi dậy. Vì hành động này, Lý Tống bị Cục hàng không Liên bang rút giấy phép bay. 

Ngày 7/11/2000, Lý Tống lại cướp một chiếc máy bay nhỏ tại Thái Lan bay sang Thành phố Hồ Chí Minh, thả hơn 50.000 tờ truyền đơn. Lúc trở về Thái Lan, ông bị bắt giữ và bị tòa án Thái Lan kết án 7 năm tù. 

Ngày 24/8/2008, Lý Tống thuê một chiếc máy bay huấn luyện của Hàn Quốc nhưng bị bắt tại sân bay Seoul khi đang định rải truyền đơn ở CHDCND Triều Tiên.

Ngày 19/7/2010, Lý Tống hóa trang tô son mặc váy đóng giả nữ, lọt vào một buổi biểu diễn ca nhạc của các ca sĩ Việt Nam tại San Jose, trong lúc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đang biểu diễn, Lý Tống giả vờ tặng hoa rồi sau đó liên tiếp xịt hơi cay vào mặt Đàm Vĩnh Hưng và đã bị bắt ngay sau đó và bị kết án 6 tháng tù 3 năm quản chế.

Cuối cùng thì Lý Tống cũng phải chết nơi đất khách quê người, kết thúc 73 năm cuộc đời hủi nô vong quốc.

CẢNH SÁT SINGAPORE BẮT KẺ BỊA CHUYỆN BỊ BẮT CÓC Ở VIỆT NAM ĐỂ LÀM TIỀN GIA ĐÌNH

Khoai@

Theo tờ AsiaOne, hôm 20/3/2019, cảnh sát Singapore đã bắt một người đàn ông tại sân bay Changi khi vưa từ Việt Nam về nước. Lý do bị bắt được cảnh sát thông báo rằng, người đàn ông này đã tự bịa ra câu chuyện bị bắt cóc ở Việt Nam, sau đó yêu cầu gia đình chuyển tiền chuộc gửi vào tài khoản của chính anh ta. Cảnh sát Singapore cho rằng, đây là vụ tự dàn dựng một vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Sáng 22/3, Cảnh sát Singapore cho biết, vào ngày 27/2, vào khoảng 10h45 tối, họ nhận được báo cáo rằng một người đàn ông Singapore đã bị bắt cóc tại Việt Nam.

Theo The Straits Times, gia đình của người đàn ông này đã báo cảnh sát với những thông tin rằng, anh ta nói với người thân rằng anh ta đã bị bắt cóc và yêu cầu một khoản tiền 15.000 USD (20.200 đô la Singapore) được chuyển vào tài khoản ngân hàng của anh ta để được thả. Theo Straits Times, một khoản tiền đã được chuyển vào tài khoản của anh ta, nhưng không phải là toàn bộ số tiền.

Qua điều tra và với sự hỗ trợ của cảnh sát Việt Nam, Lực lượng cảnh sát Singapore xác định rằng người đàn ông này không bị bắt cóc, và thực tế là anh ta đang sống rất an toàn trong môi trượng rất tốt ở Việt Nam.

Với những tài liệu chứng cứ thu thập được, người đàn ông này đã bị Cảnh sát Singapore cáo buộc tự dàn dựng vụ bắt cóc chính mình để người thân gửi tiền cho anh ta. Tuy nhiên, phái cảnh sát vẫn chưa rõ tại sao anh ta cần tiền và vì sao lại phải làm như vậy. Nếu bị kết tội gian lận, người đàn ông này có thể phải chịu hình phạt tù giam lên tới 10 năm chưa kể một khoản tiền phạt rất lớn.

THÔNG BÁO KẾT LUẬN THANH TRA VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT RỪNG Ở SÓC SƠN

Thông báo kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng ở huyện Sóc Sơn


(HNM) - Thanh tra thành phố Hà Nội vừa có Thông báo kết luận thanh tra số 1183/TBKL-TTLN-P3 thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Theo đó, để xảy ra vi phạm về công tác quản lý quy hoạch, trách nhiệm thuộc về UBND các xã, Phòng Quản lý đô thị huyện, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và UBND huyện Sóc Sơn (giai đoạn từ năm 2012 đến nay).

Đối với vi phạm về công tác quản lý đất rừng phòng hộ, trách nhiệm thuộc về: Chủ tịch UBND các xã Hiền Ninh, Quang Tiến, Tiên Dược, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ và Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng; Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội; Giám đốc Sở NN&PTNT (giai đoạn từ năm 2008 đến nay).

Về để xảy ra vi phạm trong sử dụng đất, trật tự xây dựng tại các xã: Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, trách nhiệm thuộc: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách quản lý đất đai, trật tự xây dựng và cán bộ địa chính các xã; Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn; Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn (nay là Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn). Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng (giai đoạn từ năm 2008 đến nay); Thanh tra Sở Xây dựng (giai đoạn 2014-2016); Sở Tài nguyên và Môi trường (giai đoạn từ năm 2008 đến nay).

Thanh tra thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố giao UBND huyện Sóc Sơn: Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ giai đoạn 2006-2018 do buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng để xảy ra các vi phạm. Tổ chức cưỡng chế đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn các xã Tiên Dược, Quang Tiến, Hiền Ninh, Phù Linh, Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm, trả lại nguyên trạng ban đầu. Đối với các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006 đến 2018, thiết lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đất đai sử dụng đúng mục đích. Kiểm tra, rà soát giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp trên địa bàn 7 xã, làm rõ các trường hợp cấp nằm trong quy hoạch rừng, có phương án xử lý theo quy định.

Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những thiếu sót; kiểm điểm trách nhiệm đối với Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội do để xảy ra những vi phạm. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng rút kinh nghiệm với những thiếu sót trong lĩnh vực quản lý.

Thanh tra thành phố đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2008 để xử lý nghiêm theo quy định.

→ Xem toàn văn kết luận thanh tra tại đây.

Vụ Nữ sinh Điện Biên: KHỞI TỐ BẮT TẠM GIAM THÊM 3 NGHI CAN.

VKSND tỉnh Điện Biên vừa phê chuẩn Quyết định khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can liên quan đến vụ sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên ở Điện Biên.

Hôm nay 21/3/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng: Phạm Văn Dũng (SN 1972) ở Đội 19 xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên và Cầm Văn Chương (SN 1974) ở Đội 7, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên về tội Hiếp dâm.

Trước đó, hôm qua ngày 20/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố, bắt tạm giam Bùi Thị Kim Thu (SN 1975) ở Đội 11, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên.

Đối tượng Phạm Văn Dũng là anh trai của Phạm Văn Nhiệm - đối tượng được coi là cầm đầu tích cực bắt giữ, hiếp dâm và sát hại nữ sinh viên Cao Mỹ Duyên ở Đội 5, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Còn đối tượng Bùi Thị Kim Thu cũng chính là vợ của Bùi Văn Công.

Cầm Văn Chương là "bạn nghiện" của 5 bị can bị bắt trước đó. Khi nhóm của Công đưa Cao Mỹ Duyên về nhà, Dũng và Chương đã hiếp dâm nạn nhân.

Bùi Kim Thu biết chồng và đồng phạm phạm tội nhưng không tố giác. Ngoài giả vờ như tình cờ phát hiện ra thi thể nạn nhân, nữ bị can duy nhất trong vụ án còn tung nhiều thông tin giả khiến công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

Đại tá Tráng A Tủa - Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết, hiện tại một số đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội của mình, còn 2 đối tượng trả lời quanh co, cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục đấu tranh, khai thác. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị này đã khởi tố 8 bị can trong vụ sát hại nữ sinh giao gà.

Trước đó, Công an tỉnh Điện Biên đã khởi tố, bắt tạm giam 5 người liên quan vụ hiếp dâm, cướp tài sản rồi sát hại nữ sinh Cao Mỹ Duyên là Vương Văn Hùng, Bùi Văn Công (44 tuổi), Phạm Văn Nhiệm (47 tuổi), Lường Văn Lả (26 tuổi) và Lường Văn Hùng (39 tuổi, cùng trú huyện Điện Biên).

TRƯƠNG DUY NHẤT NHẬP KHO TỪ NGÀY 26/1/2019

LâmTrực@

Dù chưa có thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng, nhưng từ những gì mà Phạm Xuân Nguyên, con gái và vợ của Trương Duy Nhất cung cấp thì có thể khẳng định Trương Duy Nhất hiện đang bị giam tại Trại giam T16 từ ngày 28/1/2019. Điều này có nghĩa là Nhất Lác đã bị giam từ trước khi đám dân chủ cuội ở trong và ngoài nước lu loa về sự mất tích của Nhất khi đang làm thủ tục xin tỵ nạn ở Thái Lan.

Ngày 20/3/2019, cựu chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội là Phạm Xuân Nguyên đăng bài trên Facebook cá nhân, viết rằng vợ của Nhất đã từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội để thăm chồng. Phạm Xuân Nguyên là người đã chở vợ Trương Duy Nhất đến trại giam T16 ở Thanh Oai.

Phạm Xuân Nguyên thông tin: "Trại chưa cho thăm gặp nhưng đã cho tiếp tế. Vợ Nhất mang rất nhiều thức ăn và quần áo từ Đà Nẵng ra cho chồng, nhưng quy định của trại chỉ cho chuyển vào rất ít, cùng với một số tiền gửi nhất định để mua thức ăn ở căng tin trại. Và trại đã cấp cho vợ ông Nhất một "Sổ tiếp tế, thăm gặp" cho những lần sau. Theo sổ này thì ông Nhất bị bắt ngày 28/1/2019 và trong cùng ngày đã chuyển đến trại T16.

Cũng vào hôm 20/3, từ Canada, con gái của Nhất là Trương Thục Đoan cho BBC Tiếng Việt biết: "Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16. Mẹ nửa tin nửa ngờ nên nhờ luật sư Trần Vũ Hải kiểm chứng bằng cách lên làm giấy tờ hay cho gặp mặt.

Trước đó, ngày 01/02/2019, trang The Vietnamese (do Phạm Đoan Trang, Trịnh Hữu Long và Katerina Vi Trần quản lý) đã đăng một bản tin về tình hình của Trương Duy Nhất. Theo đó, Nhất đã trốn sang Thái Lan vào đầu tháng 1, đến văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc hôm 25/01 để xin tị nạn chính trị, rồi "mất tích" kể từ đó. 

Ngay sau khi The Vietnamese loan báo tin này, các tổ chức, cá nhân chống đối khác và trang VOA tiếng Việt cũng đồng loạt đăng lại tin.

Cùng ngày 01/02, trên Facebook xuất hiện tin đồn rằng Trương Duy Nhất bị bắt do "nắm giữ bí mật về vụ Vũ Nhôm". Trang "Tin Tức Hàng Ngày" và một số kênh Youtube chống đối nhiệt tình khai thác tin đồn này trong 3 ngày sau đó. Ngoài ra, nick Thủ Tướng Nghiệp Dư trên trang Hải ngoại Phiếm đàm cũng tung tin đồn rằng Trương Duy Nhất bị bắt do có liên quan đến ông Nguyễn Bá Thanh.

Ngày 4/2, một con nghiện là Bùi Thanh Hiếu hiện sống ở Đức cho rằng, Trương Duy Nhất là nạn nhân của cuộc đấu đá phe nhóm trong nội bộ. Cũng theo Hiếu nghiện, 1 trong 3 gương mặt chống đối ở hải ngoại là Kami, Cao Lâm và Huân đã cố ý để lộ thông tin về Nhất khiến Nhất bị Tổng cục 2 bắt cóc. 

Trong khi đó có nhiều đồn đoán rằng Bạch Hồng Quyền sau khi nhận tiền để lo cho Trương Duy Nhất sang Canada định cư đã bán đứng Nhất cho công an Việt Nam, khiến Nhất bị bắt. Và sau vụ này Bạch Hồng Quyền bị Cảnh sát Thái Lan truy bắt ráo riết.

Bên cạnh thông tin này, còn có thông tin Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ Trương Duy Nhất ở ngoại ô Bangkok và rồi giao cho phía Việt nam hôm 26/1/2019.

Việc đám dân chủ cuội tung tin theo kiểu "ăn ốc nói mò" như trên chứng tỏ 2 điều, (1) chúng không biết gì về vụ việc và không hề quan tâm tới sự sống còn của Trương Duy Nhất, và (2) chỉ nhằm gây áp lực khiến các tổ chức "nhân quyền" quốc tế có cớ để xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam mà thôi. 

Như vậy, việc Trương Duy Nhất đang bị tạm giam tại Trại giam T16 ở Hà Nội đã loại bỏ được khả năng Nhất đã bị chết hoặc bị đồng bọn thủ tiêu chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, câu chuyện Nhất bị ai bắt, bắt ở đâu, thời gian nào, và có phải Nhất bị bán đứng hay không thì ...hồi sau sẽ rõ.

HỎA HOẠN THIÊU RỤI NHÀ THỜ GIÁO XỨ THỌ VỰC

Hỏa hoạn thiêu rụi nhà thờ giáo xứ Thọ Vực

Đến gần 11 giờ ngày 21/3, vụ hỏa hoạn tại nhà thờ giáo xứ Thọ Vực (xóm 4, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã được các lực lượng chức năng cùng đông đảo người dân dập tắt.

Hiện trường vụ cháy. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Trước đó, vào khoảng 8 giờ 30 phút ngày 21/3, nhiều người dân sống cạnh nhà thờ đã phát hiện ngọn lửa bùng phát trên trần làm bằng gỗ của nhà thờ.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã điều động hai xe cứu hỏa, xe tiếp nước khẩn trương đến hiện trường, cùng hàng chục cán bộ chiến sỹ Công an huyện Hương Khê và đông đảo bà con giáo dân trong vùng nỗ lực dập lửa.

Sau hơn hai giờ nỗ lực cứu hỏa, đám cháy mới được dập tắt. Ảnh: Phan Quân/TTXVN

Do điểm cháy xảy ra trên trần của nhà thờ làm bằng gỗ nên công tác tập lửa gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của lực lượng chức năng cùng nhân dân, sau hơn hai giờ, đám cháy đã được dập tắt.

Vụ hỏa hoạn tuy không thiệt hại về người nhưng toàn bộ trần gỗ bên trong nhà thờ rộng hàng trăm mét vuông cùng nhiều tài sản khác đều bị thiêu rụi. Ước tính thiệt hại ban đầu hàng trăm triệu đồng.

Chứng kiến vụ cháy, nhiều người dân sống gần nhà thờ cho biết nguyên nhân của vụ cháy có thể là do chập điện.

Nhà thờ Thọ Vực, mới được sơn, sửa lại, trước khi bị ngọn lửa thiêu rụi.

TTXVN/Báo Tin tức

Mẹ nữ sinh giao gà: PHẬT TỬ CHÙA BA VÀNG XÚC PHẠM VONG LINH CON TÔI

Mẹ nữ sinh giao gà bị giết: Phật tử chùa Ba Vàng xúc phạm vong linh con tôi

Theo mẹ nữ sinh ship gà bị sát hại ở Điện Biên, bà Phạm Thị Yến - nữ phật tử chùa Ba Vàng đã xúc phạm gia đình và vong linh con gái bà.

Chân dung nữ phật tử Phạm Thị Yến với lời giải thích về cái chết của nữ sinh ship gà gây xôn xao

Ngày 20/3, mạng xã hội lan truyền video bà Phạm Thị Yến, phật tử của chùa Ba Vàng đã giải thích về vụ nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên (ở Điện Biên) bị sát hại khi đi ship gà cho mẹ chiều 30 Tết.

Theo lời bà Yến, nguyên nhân chính khiến nạn nhân bị hiếp, giết như vậy là do các ác nghiệp của Duyên trong tiền kiếp và duyên trong hiện tại lại sát sinh.

"Hai cái này cộng vào nhau khiến cho bạn ấy bị như vậy. Ai làm gì cũng phải là do quả báo của chính mình. Bạn ấy bị người khác xâm hại về thân thể, hãm hiếp, giết chết, Yến sẽ đưa ra cho quý đạo hữu để chúng ta tư duy. Bạn ấy trong tiền kiếp phải có hai loại tội: Tội thứ nhất là sát mạng chúng sinh dã man; tội thứ hai là về mặt thân thể, trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm, cho nên bạn mới bị quả báo như vậy", bà Yến nói trong clip.

Trước lời giải thích này, rất nhiều cộng đồng mạng bức xúc khi bà Yến đã vô tình khoét sâu thêm nỗi đau của gia đình nữ sinh, không chỉ thế còn xúc phạm vong linh nạn nhân.

Đó cũng chính là quan điểm của bà Trần Thị Hiền (mẹ nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên) sau khi xem đoạn clip trên. Bà Hiền bức xúc cho biết, những lời giải thích ấy đầy sự mê tín dị đoan và yêu cầu bà Phạm Thị Yến phải công khai xin lỗi gia đình, xin lỗi vong linh con gái.

Theo tìm hiểu, bà Phạm Thị Yến là phật tử, cư sĩ tại gia của chùa Ba Vàng, SN 1970, pháp danh: Tâm Chiếu Hoàn Quán. Bà Yến sinh ra và lớn lên tại Tp. Hạ Long (Quảng Ninh), nguyên quán ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Nữ phật tử này quy y tại Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử có pháp danh là "Tâm Chiếu Hoàn", sau đó được Đại đức Thích Trúc Thái Minh nhận làm đệ tử, đặt cho thêm chữ "Quán" vào pháp danh.

Đến năm 2009, được sự cho phép, bà Phạm Thị Yến thành lập đạo tràng Từ Tâm, ban đầu chỉ có 5 thành viên.

Năm 2016, bà Phạm Thị Yến tiếp tục thành lập CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa với gần 10 đạo tràng và khoảng hơn 700 thành viên tham gia. Đầu năm 2019, CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa đã có gần 40 đạo tràng và câu lạc bộ.

Ngoài ra, bà Yến còn thành lập một số câu lạc bộ và các nhóm sinh hoạt Phật tử.

Hữu Tuấn/Báo Giao Thông

BẮT KHẨN CẤP NGHI PHẠM HIẾP DÂM BÉ GÁI 8 TUỔI

Bắt khẩn cấp nghi phạm hiếp dâm bé gái 8 tuổi tại Bình Định

Ngày 21/3, trao đổi với phóng viên TTXVN, Đại tá Võ Văn Thạnh, Trưởng Công an huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, cho biết: Công an huyện đã bắt khẩn cấp đối tượng La Vi (27 tuổi, quê xã Hoài Hải huyện Hoài Nhơn) để điều tra làm rõ hành vi hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản.

Trước đó, vào tối 19/3, bà L.T.T., mẹ của cháu Th (8 tuổi, học sinh lớp 2 ở xã Hoài Hương) đến công an trình báo việc nghi bé Th. bị hiếp dâm, cướp tài sản.

Theo đơn trình báo của bà T., vào chiều tối cùng ngày, thấy con gái đi học về muộn, tinh thần hoảng loạn, vùng kín bị chảy máu nên bà đã gặng hỏi. Bé Th. kể với mẹ là trên đường đi học về bé gặp một người đàn ông đi xe máy, tự giới thiệu là người quen của gia đình, bảo bé lên xe để chở về nhà. Tiếp đó, người đàn ông này chở bé vào một nghĩa địa, giở trò đồi bại, rồi tháo lấy đôi bông tai 2,5 phân vàng 24K của bé. Sau đó, người đàn ông này chở bé Th. về gần trường học của bé rồi bỏ trốn.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an huyện Hoài Nhơn đã khẩn trương xác minh, rà soát đối tượng nghi vấn và đến tối 20/3 đã tiến hành bắt khẩn cấp La Vi. Khám xét nơi ở của Vi, Cơ quan điều tra đã tìm thấy đôi bông tai vàng của bé Th.

Bước đầu, La Vi khai nhận rằng anh ta đã đến xã Hoài Hương thuê nhà sống cùng vợ và hai con để tiện công việc đi biển. Chiều 19/3, sau khi nhậu với bạn bè, Vi trở về nơi tạm trú thì gặp bé Th. đang đi học về nên tìm cách dụ dỗ rồi giở trò đồi bại.

Nguyên Linh (TTXVN)

CSGT ĐÃ THỰC HIỆN NGHIÊM QUY ĐỊNH THÔNG BÁO CÁC TRƯỜNG HỢP BỊ TƯỚC GIẤY PHÉP LÁI XE

Lực lượng CSGT đã thực hiện nghiêm quy định thông báo các trường hợp bị tước giấy phép lái xe

Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh thông tin cho rằng, mặc dù đã có quy định liên thông giữa Bộ GTVT và Bộ Công an về cung cấp các trường hợp tước giấy phép lái xe (GPLX) nhưng Bộ Công an không chia sẻ gây khó khăn cho công tác quản lý. 

Phản hồi về thông tin này, ngày 19-3, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, lực lượng CSGT tại Công an các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm quy định gửi thông báo bằng văn bản đối với các trường hợp bị tước GPLX đến các Sở GTVT.

2 tháng đầu năm 2019 gửi 51.678 thông báo

Theo đại diện Cục CSGT, thực hiện quy định tại Khoản 1, Điều 80 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Khoản 3, Điều 7, Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, người có thẩm quyền ra quyết định phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan, người đã cấp phép chứng chỉ hành nghề đó. CSGT các đơn vị, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các quy định này.

Cụ thể, trong năm 2015 và 2016, lực lượng CSGT đã gửi 211.149 thông báo các trường hợp bị tước quyền sử dụng GPLX đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT địa phương. 

Lực lượng CSGT tại Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định gửi thông báo các trường hợp bị tước GPLX. Ảnh: minh họa.

Từ năm 2017 đến nay, lực lượng CSGT đã gửi 749.091 trường hợp bị tước GPLX tới cơ quan các cấp (năm 2017 gửi 350.927 trường hợp, năm 2018 gửi 346.486 trường hợp; 2 tháng đầu năm 2019 gửi 51.678 trường hợp).

Bên cạnh đó, còn một lượng lớn GPLX tồn đọng tại các cơ quan CSGT. Thống kê trong hai năm 2015, 2016 còn 159.515 GPLX liên quan đến tạm giữ, bị tước quyền sử dụng mà người vi phạm không đến xử lý, không đến nhận.

Trong đó có 122.137 GPLX bị tạm giữ để đảm bảo việc xử phạt vi phạm hành chính nhưng quá thời hạn mà người vi phạm không đến xử lý, 37.378 trường hợp đã hết thời gian tước quyền sử dụng GPLX nhưng người vi phạm cũng không đến nhận lại.

Nâng cao hiệu lực quản lý giấy phép lái xe

Để khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về TTTATGT đường bộ, ngày 28-12-2016, Cục CSGT, Bộ Công an đã có văn bản số 5581/C67-P9 về việc phối hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu về GPLX gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Văn bản nêu rõ, trong những năm qua, Công an các đơn vị, địa phương đã gửi thông báo bằng văn bản đối với các trường hợp bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhất là GPLX đến các Sở GTVT nơi cấp giấy phép để theo dõi, quản lý, nhiều nơi còn chủ động gửi thông báo các trường hợp giấy phép, chứng chỉ bị tạm giữ để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt nhưng quá thời hạn mà người vi phạm không đến xử lý.

Tuy nhiên, việc nhận phản hồi từ các Sở GTVT là không nhiều, đồng thời thông qua công tác TTKS, xử lý vi phạm, CSGT nhiều đơn vị, địa phương đã phát hiện các trường hợp người lái xe lợi dụng việc báo mất GPLX, nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả…, từ đó ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và là một trong những nguy cơ tiềm ẩn gây mất TTATGT…

Cục CSGT đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp chia sẻ dữ liệu về công tác quản lý GPLX trong phạm vi toàn quốc thông qua mạng máy tính giữa 2 ngành (Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Phòng CSGT Công an các địa phương và Sở GTVT địa phương).

Thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1-2-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19-2-2019 về tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; Chỉ thị số 01/CT-BCA ngày 9-1-2019 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CAND trong tình hình mới, giữa Bộ Công an và Bộ GTVT đã có sự đồng thuận cao, thống nhất triển khai xây dựng quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm TTATGT, quản lý lái xe, lái tàu, phương tiện, xử lý vi phạm..., trong đó đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu dùng chung trong công tác cấp GPLX, phục vụ công tác quản lý lái xe và xử lý vi phạm TTATGT.

Qua đó sẽ giúp quản lý chặt chẽ việc cấp đổi GPLX, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để Bộ Công an và Bộ GTVT kết nối trao đổi dữ liệu về GPLX cũng như các dữ liệu khác về bảo đảm TTATGT phải có lộ trình phù hợp nhằm đảm bảo các yếu tố như: tính pháp lý, sự đồng bộ về cơ sở vật chất giữa hai lực lượng, giải pháp kết nối, nguồn lực con người và phải đảm bảo các yếu tố bảo mật...

Nguyễn Hương

Tổng thống Trump: TRONG ĐÊM NAY SẼ LOẠI BỎ HOÀN TOÀN IS TẠI SYRIA

Tổng thống Trump: Trong đêm nay sẽ loại bỏ hoàn toàn IS tại Syria

Phát biểu này của Tổng thống Trump được đưa ra tại Nhà Trắng vào sáng 20/3 (giờ địa phương) khi ông so sánh bản đồ vùng lãnh thổ do IS kiểm soát tại Iraq và Syria ngày ông đắc cử.

(Vietnam+) 21/03/2019 05:56 GMT+7 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: THX/TTXVN)

AP đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump sáng ngày 20/3 (giờ địa phương) tuyên bố những phần lãnh thổ cuối cùng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria sẽ được các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn giải phóng "trong đêm nay."

Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra tại Nhà Trắng khi ông so sánh bản đồ vùng lãnh thổ do IS kiểm soát tại Iraq và Syria ngày ông đắc cử và sáng 20/3.

Bản đồ mới nhất cho thấy cái mà Tổng thống Trump nói là "một điểm rất nhỏ sẽ bị loại bỏ trước đêm nay."

Theo ông chủ Nhà Trắng, khi ông mới đắc cử, Syria vẫn còn là "một mớ hỗn độn" và ngập tràn tay súng IS.

Các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn, đang chiến đấu giành lại thành trì cuối cùng từ tay IS tại miền Đông Syria, hôm 19/3 đã giành quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ.

Trước đó, Tổng thống Trump từng tuyên bố đã đánh bại IS, song các ổ nhóm "ngủ đông" của tổ chức khủng bố này vẫn tồn tại ở Syria.

Ông cho biết Mỹ sẽ duy trì lâu dài 400 binh sỹ tại Syria.

(Vietnam+)

BỘ CÔNG AN PHÁ Ổ NHÓM BUÔN BÁN MA TÚY CỰC LỚN Ở TP HỒ CHÍ MINH

Khoai@

Chiều nay 20/3/2019, Bộ Công an phối hợp với Công an TP HCM và công an các tỉnh khám phá thành công chuyên án 218LP, thu giữ 300 kg ma túy đá, bắt 11 đối tượng, trong đó có 8 người Trung Quốc.

Thực hiện chuyên án 218LP, Cục CSĐT Tội phạm về ma túy chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2, Công an TP HCM, Công an quận Bình Tân - TP HCM, lực lượng cảnh sát ma túy Công an tỉnh Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Dương... đã vây bắt ổ ma túy lớn nhất từ trước đến nay tại TP HCM.

Đây là đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy đá từ Lào qua cửa khẩu Bờ Y về TP HCM do các đối tượng người Lào, Trung Quốc cầm đầu, cấu kết thực hiện với các đối tượng người Việt. 





Các cơ quan chức năng đang tạm giữ 11 đối tượng, trong đó có 8 người Trung Quốc, 3 người Việt, cùng tang vật thu giữ là 300 kg ma túy đá. Công an cũng đang tiếp tục khám xét 5 điểm nghi vấn là kho chứa ma túy ở TP HCM và 2 điểm khác tại tỉnh Đắk Nông.

Hiện tại, Cục CSĐT Tội phạm về ma túy tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương, các lực lượng liên quan điều tra mở rộng vụ án.