Đám đông trên mạng xã hội có quyền thay mặt công an "xin lỗi cô gái Điện Biên" không?
Ngày 18/02/2019, UBND tỉnh Điện Biên đã trao bằng khen và tiền thưởng cho các chiến sĩ công an có công điều tra, bắt giữ 5 nghi phạm bị cáo buộc đã hãm hại nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên, 22 tuổi. Nhân đó, nhiều bộ phận của dư luận phi chính thống đã dấy lên một dư luận công kích ngành công an, khi đồng loạt tuyên truyền rằng trong vụ việc này, công an phải bị trách phạt thay vì khen thưởng, do không kịp thời bảo vệ người bị hại.
Vụ việc này bắt đầu vào chập tối ngày 04/02 (tức 30 Tết Âm lịch), khi nữ sinh Cao Thị Mỹ Duyên mất tích sau khi đi giao gà cho một người đặt mua qua điện thoại. Ngay tối hôm đó, gia đình cô Duyên đã trình báo công an, nhờ họ hàng tìm kiếm, và "cầu cứu" trên mạng xã hội. Ngày 07/02, tức 3 ngày sau thời điểm đó, một người dân thường phát hiện thi thể của cô Duyên ở một ngôi nhà hoang. Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ nghi phạm đầu tiên vào ngày 10/02, và bắt 4 nghi phạm còn lại vào các ngày 12, 15 và 16. Các nghi phạm khai nhận rằng họ đã thay phiên nhau xâm hại tình dục cô Duyên, trước khi sát hại cô vào ngày 06/02.
Ngày 18/02, khi UBND tỉnh Điện Biên trao bằng khen và tiền thưởng cho các chiến sĩ công an có công phá vụ án, nhiều bộ phận của dư luận phi chính thống, bao gồm các gương mặt chống đối, bất mãn, đã đồng loạt phản đối quyết định này. Họ nói rằng hiện trường vụ án đã được phát hiện bởi một người dân thường thay vì công an; rằng công an tỉnh Điện Biên lẽ ra "phải bị trách phạt" thay vì được khen thưởng, do đã không kịp thời hành động để người bị hại; và đặt nghi vấn rằng công an đã không nhập cuộc ngay khi gia đình báo án (tức tối 30 Tết). Về ý cuối, Nguyễn Trang Nhung viết rằng trong thực tế, có nhiều vụ việc mà công an "bỏ mặc gia đình nạn nhân, không điều tra vụ án, thậm chí trơ trẽn đến mức mặc cả với gia đình nạn nhân để tìm hung thủ", khiến "gia đình không có tiền nhìn con chết tức tưởi mà không thể làm gì". Đỗ Ngà quy chụp rằng công an Việt Nam chuyên "nuôi án" - tức không xử lý ngay mà đợi vụ án lớn dần rồi mới phá để lấy thành tích, bất chấp sự an toàn của người dân - dù bài viết của Ngà không cung cấp được bằng chứng vững chắc cho việc đó.
Tối 19/02, Hoàng Hường kêu gọi cộng đồng mạng share một biểu ngữ có dòng chữ "Chúng tôi xin lỗi! #cô gái Điện Biên", đặt kèm biểu tượng bông hồng đen, nằm trên nền màu xanh bầm nhạt. Hường giải thích:
"... Tôi xấu hổ thay cho những người mà lẽ ra giờ này họ phải đứng cúi đầu xin lỗi vong linh em và gia đình vì đã không làm tốt phận sự, không cứu được em, họ lại khen thưởng tặng hoa nhau, khiến em và gia đình cô đơn hơn, đau đớn hơn. Tôi xấu hổ thay cho họ. Xin hãy để tôi và những người bạn nói thay: “CHÚNG TÔI XIN LỖI! Cô gái Điện Biên”...".
Dư luận phi chính thống đồng loạt share lại bài và ảnh của Hường, tạo thành phong trào. Một số cá nhân chống đối share ảnh, rồi bình luận rằng nếu họ quan tâm đến chính trị nhiều hơn, "lên tiếng" chống tiêu cực trong xã hội nhiều hơn, thì có thể "cô gái Điện Biên" đã được cứu. Trong khi đó, một số ít đặt câu hỏi rằng vì sao họ phải xin lỗi, trong khi họ không làm gì sai.
Ở chiều ngược lại, cũng có một số tiếng nói trong dư luận phi chính thống bình luận rằng dư luận đang quy chụp ngành công an. Lương Lê Minh viết rằng "vụ việc ở Điện Biên đáng lẽ sẽ kết thúc trong 1 nốt nhạc, nếu như tất cả các sim số điện thoại đều là chính chủ", để "công an dò trong phút mốt ra ngay"; nhưng tiếc rằng những đề xuất kiểu này "đều bị phản đối dữ dội bởi nhân dân anh hùng và các bạn nhà báo khối C điểm cộng". Minh giải thích:
"...Trong hoàn cảnh án mờ, thiếu dấu vết, công an Điện Biên bị phân tán đi quá nhiều hướng giả thuyết các khác nhau. Có thể nạn nhân chỉ đơn giản là bị TNGT (điều dễ xảy ra vào chiều ngày 30 Tết) và đã được đưa vào 1 bệnh viện nào đó cấp cứu. Có thể nạn nhân bị bắt cóc và bán qua biên giới Trung Quốc... Việc thiếu dấu vết đẩy công an vào 1 kiểu phá án be bờ đắp đập, tức là chỉ có thể tung quân xuống địa bàn để rà soát các đối tượng có nhân thân xấu, xem có đứa nào bất thường không. Làm được điều ấy cần quân số lớn đã đành, nhưng sáng mồng 1 Tết các bạn thấy Công an phường đến nhà, các bạn có niềm nở đón tiếp không?...".
Theo nguyên tắc hoạt động của ngành cảnh sát, nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản của công dân được xem là quan trọng và khẩn cấp hơn so với nhiệm vụ truy bắt tội phạm. Vì vậy, khi cho rằng công an tỉnh Điện Biên đã không hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ của mình, dư luận đã có phần có lý. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền về vụ việc này, giới "dân chửi" đã mắc 4 lỗi sai.
Thứ nhất, dù không có bằng chứng nào cho thấy công an tỉnh Điện Biên "nuôi án", làm việc tắc trách, hoặc không lập tức nhập cuộc từ đêm 30 Tết, họ vẫn dùng các giả thuyết này để tuyên truyền, nhằm cố tình gây ác cảm với ngành công an.
Thứ hai, họ đã không xét đến những trở ngại mà Lương Lê Minh đề cập.
Thứ ba, họ tùy tiện phán xét rằng công an tỉnh Điện Biên "đáng lẽ phải bị trách phạt" thay vì được khen; trong khi công tác khen thưởng, xử phạt phải được tiến hành dựa trên quy định của Luật Thi đua Khen thưởng và các văn bản chi tiết hơn, thay vì dựa trên cảm tính nhất thời của dư luận.
Thứ tư, đám đông của Hoàng Hường không có tư cách thay mặt công an "xin lỗi" người bị hại; vì trong vụ việc này, chỉ ngành Công an hoặc tòa án mới có tư cách phán xét công an tỉnh Điện Biên, và chỉ Chủ tịch nước mới có tư cách thay mặt quốc gia để xin lỗi người bị hại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét