Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
Thực hiện cam kết khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR), Việt Nam đã xây dựng và nộp Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR tới Uỷ ban Nhân quyền của Liên hợp quốc vào cuối năm 2017.
Thực hiện cam kết khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR), Việt Nam đã xây dựng và nộp Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR tới Uỷ ban Nhân quyền của Liên hợp quốc vào cuối năm 2017.
Báo cáo lần này đã cung cấp những thông tin một cách đầy đủ và toàn diện về tình hình thực thi Công ước ICCPR từ năm 2002 đến tháng 9-2017 tại Việt Nam, gồm những thông tin chung khái quát về hệ thống các cơ quan nhà nước, khuôn khổ pháp luật về bảo vệ quyền con người ở phạm vi quốc gia, thực hiện cam kết quốc tế về quyền con người thách thức đối với Việt Nam và những thông tin chi tiết về tình hình thực thi các quy định cụ thể của Công ước.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng tập trung vào những Kết luận quan sát của Ủy ban Công ước nêu ra sau khi xem xét Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam đệ trình năm 2002.
Theo Cổng Thông tin Bộ Tư pháp, sau khi Việt Nam nộp Báo cáo lần thứ ba nêu trên, tháng 6-2018, Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc đã đưa ra Danh mục các vấn đề quan tâm.
Sau đó, vào tháng 10-2018, Việt Nam đã có Báo cáo trả lời Danh sách các vấn đề quan tâm của Ủy ban Nhân quyền, trong đó làm rõ thêm những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy quyền con người và quyền công dân, đồng thời khẳng định việc tuân thủ các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước ICCPR do Bộ Tư pháp chủ trì với sự tham gia của các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Nội dung của Báo cáo được xây dựng trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu về quyền con người, một số cơ sở đào tạo và người dân. Dự thảo Báo cáo đã được đăng công khai để lấy ý kiến toàn dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Nhiều hội thảo tham vấn đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa Ban soạn thảo và các bên liên quan.
Dự kiến, tại Phiên họp ngày 11 và 12-3-2019 tới đây, Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc sẽ tiến hành xem xét Báo cáo lần thứ ba của Việt Nam về việc thực thi Công ước ICCPR và sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp với Đoàn Việt Nam về những nội dung của Báo cáo.
Để chuẩn bị cho việc tham gia Phiên họp này, trong vai trò là cơ quan đầu mối triển khai thực hiện Công ước ICCPR, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hội thảo để tham vấn các ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức phi chính phủ.
H.L
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét