Nêu cao cảnh giác, ngăn chặn kịp thời việc bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước
(HNM) - Một trong 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra là: Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Như vậy, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước là một trong các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đồng thời, đó cũng là một nội dung trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Do đó, kịp thời ngăn chặn biểu hiện này không chỉ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng mà còn là biện pháp để đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Trong các lãnh tụ tiền bối, người bị các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt nhiều nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng bịa đặt, Hồ Chí Minh thực chất chỉ là người “dân tộc chủ nghĩa”(!). Chúng xuyên tạc tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không có gì quý hơn độc lập tự do của Hồ Chí Minh là “phi nhân tính”(!).
Chúng suy luận: “Nhân dân Việt Nam đi theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh là sai lầm, là đi vào ngõ cụt”(!). Chúng còn dựng những câu chuyện hoang đường về thân thế, đời tư của Người cùng với việc vẽ lên “chân dung” người cộng sản không có tình cảm, tình nghĩa cha con, vợ chồng, anh em; công khai mục tiêu phá bỏ thần tượng Hồ Chí Minh.
Để tăng cường xuyên tạc, vu cáo, các thế lực thù địch đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm, diễn đàn quốc tế ở các nước có đông bà con Việt kiều sinh sống và làm việc như: Australia, Mỹ, Canada... rồi gửi thư ngỏ, tài liệu truyền bá tư tưởng phản động, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng trong nước, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, chúng ra sức rêu rao rằng tư tưởng Hồ Chí Minh đã lỗi thời, lạc hậu, đề nghị Đảng, Nhà nước Việt Nam cần thay đổi bằng hệ tư tưởng mới.
Sự chống phá của các thế lực thù địch quyết liệt là vậy, nhưng thực tế đã cho thấy, thân thế, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là một di sản quý báu của Đảng và dân tộc Việt Nam. Cho đến nay, nhiều công trình khoa học, chương trình nghiên cứu, bài nói, bài viết của các học giả, nhân sĩ, trí thức, nhà chính trị… trong và ngoài nước đã công bố là minh chứng rõ nét.
Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh được toàn thể nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ và nhiều tổ chức, cá nhân có lương tri trên thế giới ngưỡng mộ, tôn vinh. Trong đó, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), năm 1987, đã ra Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó, đánh giá Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”.
Với ý nghĩa đó, mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người đã trở thành giá trị văn hóa có sức thẩm thấu và lan tỏa mạnh mẽ; là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển; cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị lãnh tụ tiền bối khác cũng bị bôi nhọ, xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo. Điển hình như, ngày 27-9-2018, Tòa án nhân dân quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) đã xét xử sơ thẩm bị cáo Bùi Mạnh Đồng (“tự” Beo, 40 tuổi, ngụ quận Thốt Nốt) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo đó, từ năm 2017 đến tháng 7-2018, Bùi Mạnh Đồng đã lấy hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trên mạng internet, sau đó chèn chữ vào hình ảnh, tạo nên nội dung xuyên tạc, vu khống, nhằm bôi nhọ lãnh tụ. Qua đó, đã tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước chống phá chế độ; gây khó khăn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Không chỉ lãnh tụ tiền bối, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng luôn bị bịa đặt, vu cáo. Thủ đoạn của chúng là tạo hàng loạt bài viết, video, hình ảnh xuyên tạc để đăng tải trên tất cả các mạng xã hội. Điển hình như Nguyễn Chí Khương (23 tuổi, trú tại Bến Tre) quay và đăng tải lên Facebook đoạn clip bịa đặt “Đoàn xe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm Bến Tre”.
Clip cho thấy sự xuyên tạc trắng trợn khi ngày hôm đó (27-10-2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đang điều hành phiên họp Quốc hội tại Hà Nội. Thực chất, đoạn clip mà Khương quay và tải lên mạng xã hội là đoàn xe của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đơn vị chức năng của tỉnh Bến Tre tham gia diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2016.
Nhìn chung, hành động bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch tuy không mới nhưng hết sức thâm độc, qua đó gieo rắc hoang mang, sự nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tác động thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hành vi tung tin bịa đặt, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được một số nước xếp ngang với những nguy cơ đe dọa an ninh lớn nhất. Chính phủ Anh xếp loại tội phạm này ngang hàng với tấn công khủng bố, tấn công bằng vũ khí hóa học.
Trên tinh thần đó, đối với các cơ quan pháp luật Việt Nam, dù đề cao tính giáo dục thuyết phục nhưng phải chủ động trong đấu tranh, phòng ngừa và đẩy lùi các hoạt động bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phải kết hợp chặt chẽ nhiều biện pháp trong đó có cả biện pháp xử lý hành chính, xử lý hình sự.
Đặc biệt, với những kẻ cố tình xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo vì động cơ chính trị, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự an toàn xã hội cần được xử lý một cách kiên quyết, nghiêm minh. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 là cơ sở pháp lý và là biện pháp răn đe đủ mạnh để xử lý các đối tượng tung tin, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với đảng viên, bên cạnh việc đề cao cảnh giác, sẵn sàng phản bác luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch, cần thực hiện nghiêm Quy định số 102-QĐ/TƯ ngày 15-11-2017 của Ban Chấp hành Trung ương quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, trong đó áp dụng hình thức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng đối với nhiều vi phạm, trong đó có trường hợp bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước…
Cuối cùng, để kịp thời ngăn chặn tình trạng bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần phải chủ động trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng văn hóa nhằm phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá, bịa đặt, vu cáo của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị.
Tuy nhiên, phải có phương pháp đấu tranh khoa học; trong phê phán phải lập luận chặt chẽ; phải thể hiện tính chiến đấu, tính sắc bén và tính thuyết phục cao. Bên cạnh đó cần phải kịp thời chấn chỉnh những tư tưởng, quan điểm không đúng, lệch lạc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về biểu hiện bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Làm được như vậy sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét