Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

CÓ PHẢI TÌNH ĐẦU KHÔNG NHỈ?

Cuteo@


Cuối cấp 3, lũ con gái lớn tướng, vú sừng trâu ngúng nguẩy thụt thò sau cánh áo mỏng rẻ tiền. Bọn con trai chúng tôi, chim còn chưa ra giàng nhưng hay ngắm của mình, suy tư như lãnh tụ. Là năm cuối cấp, viêc học hành cũng chộn rộn nhưng vẫn không quên những trò ma quái học trò. Tôi là lãnh tụ của những trò đó, kẻ đầu têu vĩ đại, ngồi phòng giám hiệu với chủ nhiệm hay hiệu trưởng còn nhiều hơn ngồi học. Những trò tôi bày ra hồi đó kinh hãi lắm, đại khái như tổ chức nhìn trộm bạn gái thay quần áo, lập hội búng chim bạn trai, đánh rắm nắm tay phả mồm bạn quản ca kiêm lớp phó văn thể hay đặt vè chế nhạo thày cô. Sinh hoạt lớp tuần nào chúng cũng lôi tôi ra phê bình, kiểm điểm. Hạnh kiểm tôi xấu tệ nhưng cô chủ nhiệm vẫn cho khá. Tôi mà bị hạnh kiểm tồi cô mất chủ nhiệm, khỏi tăng lương hay bi bô cột cờ đọc thành tích. Ông hiệu trưởng tên Lê Bá Bầu, lúc tử tế tôi gọi là Bấu Bà, ghét tôi như ghét đế quốc, thù tôi như mẹ chồng thù con dâu. Liên thiên thế để thấy, tôi mất dạy toàn tập, may được cái học giỏi chứ không thì đã bị tống cổ từ lâu.

Cũng năm đó, đời tôi thay đổi lớn, đến tận giờ. Tôi ngoan ra và suy tư nhiều lắm nhưng học lại ngu đi như con bò Trung Quốc. Lớp chúng tôi đón đoàn sinh viên thực tập, 6 người, cô trưởng nhóm tên Ái, xinh thôi rồi. Ban đầu, tôi kệ mẹ với những trò dự giờ dạy thử, văn nghệ văn gừng, kể chuyện làm thơ. Tôi không khoái những trò đó, vô bổ bỏ mẹ. Tôi chỉ thích nghịch những trò tinh quái. Thày cô thực tập tôi bắt nạt, nghịch đểu, trêu ngươi cho đến khóc. Tôi phá hoại công cuộc thực tập của thày cô như quân ta phá hoại trong vùng bị địch tạm chiếm. Ai cũng ghét tôi, mỗi cô Ái là không. Cô che chở tôi những tội lỗi dại khờ, hay cho tôi đi nhờ xe, cho tôi kẹo dồi, bút bi và sách vở. Nhẽ thế nên tôi bớt nghịch đi. Tôi coi cô như cô Tấm dịu hiền ( lớn lên tôi mới biết cô Tấm ác bỏ mẹ, đóe dịu hiền tý nào).

Tôi mến cô thực sự. Cô cũng mến tôi. Những khi rảnh rỗi, cô hay chở tôi xuống thị xã cho ăn kem cốc trong khi tôi chỉ thèm kem que. Cô còn chở tôi về nhà chơi. Nhà cô đẹp, giường cô nhiều tranh ảnh diễn viên, thơm bát ngát. Cô hay hỏi tôi về trường lớp, chán lại hỏi ước mơ. Trường lớp thì tôi không biết gì, ước mơ thì tôi chỉ thích được bóp mấy thứ của con bạn gái quản ca kiêm lớp phó văn thể xinh xinh. Cả hai thứ tôi đều chẳng nói với cô được.

Ngày hết kỳ thực tập, cả lớp tôi buồn như đưa đám. Bọn con gái mau nước mắt khóc chia ly như đám ma đại cố. Mấy thằng con trai cũng sụt sùi mào gà, nức nở. Tôi ráo hoảnh, chỉ thấy tiêng tiếc thứ gì đó, đại khái như ăn kem, đi nhờ xe của cô Ái. Tức là tôi mất đi đặc quyền, sự yêu chiều và hưởng thụ. Chúng tôi góp tiền mua tặng phẩm tặng thày cô thực tập. Họ cũng thế, góp tiền mua tặng lại. Cô Ái tặng riêng một cuốn sổ bìa đỏ gáy vàng to vật, dày cộp. Cô nhìn tôi ưu tư, dặn bớt nghịch đi, dành nhiều thời gian ghi chép cuộc đời vào cuốn sổ. Tôi không nghe lời cô, đem bán cho con quản ca kiêm lớp phó văn thể để nó làm thơ, ghi lưu bút.

Cô cùng đoàn thực tập trở lại trường. Cô bảo tôi mấy tháng nữa sẽ tốt nghiệp rồi đi làm cô giáo. Tôi cười bảo cô dạy gì em chả hiểu mà làm được cô giáo kể cũng tài nhỉ. Cô không buồn, véo má tôi, day day, cười nắc nẻ. Cô còn dặn tôi, biết nhà rồi, cứ xuống chơi với cô, tất nhiên, phải sau mấy tháng nữa, chứ xuống giờ, chơi mới ai. Cô ôm lấy tôi. Tôi cao hơn cô một cái đầu nhưng vẫn ngửi thấy mùi thơm ở mặt và nhịp phập phồng nơi áo ngực (ngày đó áo ngực nhọn hoắt trần chéo như áo trấn thủ Điện Biên).

Cô đi rồi, tôi tự dưng buồn hẳn. Nếu như cái cảm giác tiêng tiếc trước kia là có thật thì giờ thay vào là sự buồn bã nhớ nhung tận cùng. Tôi không hiểu vì sao. Tôi nhớ dáng hình cô, nhớ ánh mắt, nhớ mùi thơm da mặt, và cả cái cảm giác âm ấm, phập phồng. Tôi chẳng còn nghịch ngợm, giờ chơi cứ thu lu góc bàn vê gấu áo, cắn móng tay. Lũ bạn tưởng tôi tu chí cho việc học, nhưng đéo phải, tu chí gì mà học ngu đi ngày một. Không ngày nào là tôi không vẩn vơ đến cô, tất nhiên nhớ cả vị kem cốc, kẹo dồi.

Tôi đến thăm cô vào chiều thu êm ả khi thi xong đại học và cô cũng đã ra trường đang ở nhà chờ việc. Cô ngạc nhiên lắm, không nghĩ là tôi thăm. Cô tíu tít kể tôi chuyện sinh viên, hướng đạo tôi đủ thứ về cuộc sống KTX. Tôi nghe háo hức, thích thú thực sự vì nghĩ cũng ít ngày nữa thôi tôi cũng có thể thành thằng tân sinh viên lắm chứ. Rồi cũng như trước kia, cô lại hỏi tôi về trường lớp, về bạn bè, rồi lại ước mơ. Trường lớp tôi đã chia tay rồi, bạn bè sau ra trường bận thi cử chả biết ai đường nào. Còn ước mơ à, tôi ước cô lại ôm tôi như ngày trước. Cả hai thứ tôi lại chẳng nói được với cô.

Cô bắt tôi ở lại ăn cơm. Tôi đồng ý. Tôi với cô xách làn đi chợ. Đi song song, như đôi tình nhân hạnh phúc hay chí ít cũng giống như cặp vợ chồng son. Tôi nhớn lắm rồi.

Cơm cô nấu ngon, gã trai mới nhớn như tôi đánh tì tì. Bố mẹ cô gắp thức ăn cho tôi nhiệt tình như tiếp đạn cho pháo cối giã mục tiêu. Cô ngồi đầu nồi, ôm chân ý tứ, nhìn tôi không chớp. No nê, cô kê chõng ngoài sân bảo tôi ngồi chờ cô rửa bát. Trăng thu sáng nhẹ, hàng xoan lá rụng tơi bời, tiếng dế ỉ i ngoài vườn, tiếng cô se sẽ hát bài gì mà giáo viên nhân dân, tất cả thơ tợn. Trong nhà, mẹ cô đang thắp hương bàn thờ, trên đó còn nguyên bát cơm và mấy đĩa thức ăn bé xíu, rì rầm khấn. Tôi thấy ảnh một ông trẻ măng, giông giống tôi, ngồi chễn trệ.

Cô ngồi chõng cùng tôi, lại líu lo chuyện. Tôi ăn no rồi bụng chỉ muốn về kẻo muộn mẹ tôi mắng. Tôi hỏi cô người trên bàn thờ là ai, nhà cô có liệt sĩ? Đang líu lo, cô im bặt, đèn vàng quyện ánh trăng hắt mặt cô lóng lánh. Cô khóc. Đó là em trai cô, đi bơi sông chết đuối. Cô bảo bằng tuổi tôi nếu còn sống và giống tôi y lột. Tôi thoáng rùng mình rồi run bắn khi cô ôm chặt lấy tôi, nức nở. Tôi lại thấy mùi thơm trên da mặt, có điều nó lẫn vào nước mắt, ngực cô phập phồng, rung lên từng chập theo tiếng nấc. 

Cô cứ ôm ghì lấy tôi như thế cho đến khi có tiếng vè vè động cơ con Simson lao ập vào sân, khói phun mù mịt. Tôi nhao người lấy xe đạp, vẫn kịp chào to bố mẹ cô một tiếng. Tôi mải miết đạp. Nghĩ miên man.

Đến lối rẽ qua cầu về nhà, tôi quặt xe. Pha đèn xe máy lẫn tiếng vè vè cũng ngoặt theo. A, hình như con Simson đổ ập sân nhà cô lúc nãy. Tôi nghe tiếng rú ga, nó vọt lên, giọng một thằng sặc mùi rượu quát, địt mẹ, thích phá đám hả mày. Tôi chưa kịp định thần, nó đã co chân đạp tôi một phát, cả xe lẫn người đổ ụp vào bụi rứa dại. Tiếng vê côn ồn ĩ rồi im bặt.

Tôi khập khiễng dong con xe đạp bị sang vành về nhà. Mẹ tôi hỏi sao, tôi cứ ú ớ. Khi đã yên thân, tôi nghe mẹ tôi thì thầm với bố, thằng này đi tán gái đâu bị nó đánh chứ tự dưng thì ngã làm sao được. Tôi nín thinh, cả đêm không chợp mắt. 

Tôi làm sao có thể giống em trai cô được, một thằng bị chết đuối . Tôi muốn là người yêu của cô. Có điều, hehe, tôi sợ bị thằng đi Simson nó đạp bỏ mẹ. 

Cô giờ già và xấu lắm, nghe đâu đã bỏ thằng Simson rồi. Mai tôi về quê và sẽ đi tìm. Em thương cô, Ái ôi!

LÃNH PHÍ CHƯA CÓ HỒI KẾT

Lãng phí chưa có hồi kết

Lựa chọn trang thiết bị giáo dục nào cần phải phù hợp lứa tuổi và sự đón nhận của học sinh.

Trong chưa đầy một tuần, đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông sau 2015 được cơ quan chủ trì là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) liên tục đưa ra những dự toán kinh phí khác nhau, thậm chí trái ngược. Dư luận xã hội đang đặt những câu hỏi về tính chuyên nghiệp của những người xây dựng đề án. Trong phạm vi bài viết này, xin tập trung vào câu chuyện đổi mới trang thiết bị dạy và học - hạng mục được cho là chiếm phần lớn tổng kinh phí đề án.

Lãng phí vẫn hoàn lãng phí

Cách đây gần hai năm, qua phản ánh của bạn đọc và nhiều giáo viên về những bất cập, lãng phí trong việc cấp phát, sử dụng trang thiết bị trong nhà trường phổ thông; Báo Nhân Dân cuối tuần số 36 (2-9-2012) có bài "Lãng phí thiết bị dạy và học", chỉ ra thực trạng và đề xuất giải pháp cho vấn đề này. Sau đó, nhiều cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh thực trạng tương tự ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước. Mặc dù vậy, cho đến tháng 11-2013, Bộ GD-ĐT mới gửi văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT các địa phương khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh hiệu quả sử dụng trang thiết bị. Song, cho đến nay vấn đề lãng phí trong đầu tư trang thiết bị dạy và học vẫn chưa được giải quyết, nếu không muốn nói đang ngày càng lúng túng, gây nhiều bức xúc cho xã hội.

Đơn cử như tại TP Hồ Chí Minh, khi việc dạy học từ phấn trắng bảng đen chuyển dần sang hướng tích hợp, dạy bằng giáo án điện tử (máy chiếu, màn hình LCD) ít nhiều mang lại hứng thú cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, việc gần đây thành phố chủ trương quyết liệt thực hiện việc nâng cao ứng dụng công nghệ trong dạy học ở bậc mầm non và tiểu học lại gây nhiều ý kiến trái chiều.

Theo đó, năm học 2013-2014, thực hiện Quyết định số 448/QĐ-UBND ngày 31-1-2012 của UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố chủ trương đưa vào sử dụng gần 1.000 bảng tương tác với tổng kinh phí hơn 180 tỷ đồng cho 412 trường mầm non và 194 trường tiểu học (thành phố hỗ trợ 50% kinh phí). Chủ trương này nhằm từng bước hiện đại hóa các nhà trường, giúp học sinh tiếp cận các thiết bị giáo dục hiện đại. Tuy nhiên, điều này lại khiến không ít trường lúng túng vì không biết giải quyết bài toán kinh tế ra sao với phụ huynh, cũng như chưa có phương cách chuẩn hóa kỹ năng cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao tính hiệu quả mà các thiết bị này mang lại.

Điều đáng nói là trong quá trình tìm hiểu vấn đề, khá nhiều hiệu trưởng các trường mầm non tỏ ra lo ngại với câu hỏi: Ở lứa tuổi mầm non, các cháu thường thích chơi những đồ chơi trực quan, cụ thể; vậy các cháu đã thật sự cần đến bảng tương tác chưa? Liệu việc đầu tư có rơi vào cảnh "trùm mền" để đó vì tính không thiết thực như bao thiết bị khác?

Dư luận còn chưa hết hoang mang, thì mới đây, Bộ GD-ĐT lại rục rịch dự toán hàng chục nghìn tỷ đồng cho việc đổi mới trang thiết bị dạy và học. Trách gì thông tin này không gây "choáng" cho xã hội!

Đề cập vấn đề này, PGS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT DL Lương Thế Vinh), thẳng thắn: Thực tế là nhiều thiết bị do chính ngành giáo dục cấp phát xuống các trường đã không thể sử dụng hoặc gặp nhiều trục trặc. Nhiều trường chưa có phòng thí nghiệm, hoặc vướng phải "độ vênh" giữa thời lượng học lý thuyết và thực hành đã phải xếp kho thiết bị để rồi cả thầy trò vẫn "dạy chay, học chay". Những lãng phí và bất cập trong sử dụng trang thiết bị còn nhỡn tiền, chưa thể khắc phục thì lý do gì để lập đề án mua sắm mới?

Đầu tư sao cho hiệu quả?

Đây cũng là câu hỏi được nhiều chuyên gia và những người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà chia sẻ. Trong khi rất nhiều học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa còn phải học lớp ghép, có nơi phải đứng để học hoặc cả thầy và trò phải chui vào túi ni-lông để vượt sông đến trường; nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thì dù chi một đồng ngân sách cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng và cầm chắc hiệu quả, huống hồ đây là một đề án mấy chục nghìn tỷ đồng mà sao nghe cứ như đùa!

TS Giáp Văn Dương, người sáng lập cổng giáo dục trực tuyến mở Giapschoolbày tỏ lo ngại về những thông tin liên tục bị cải chính cũng như tính khả thi của đề án về mặt tài chính. "Chính phủ phải cân đối làm sao cho hợp lý, chứ không thể lãng phí khoản tiền quá lớn mà hiệu quả mang lại chưa rõ ràng. Đề án hay mà không có tiền thực hiện thì cũng phải dừng, nữa là một đề án rất sơ sài và tiêu tốn tiền của. Tuy nhiên, nếu Bộ nhất quyết làm CT-SGK thì hãy tách việc này ra khỏi khoản trang bị cơ sở vật chất. Đồ dùng dạy học, thiết bị thí nghiệm... không thể cứ mỗi lần đổi SGK mới lại vứt đi mua lại, trong khi những đồ dùng của lần đổi mới trước còn đang đắp chiếu." -TS Dương bức xúc.

Cũng có không ít ý kiến kiến nghị những giải pháp nhằm tiết kiệm kinh phí song vẫn bảo đảm hiệu quả. GS Nguyễn Lân Dũng đề cập: Vấn đề quan trọng trước hết là phải xây dựng chương trình chuẩn. Chương trình đó phải bảo đảm ba yêu cầu: đủ sức hội nhập quốc tế, phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và phải sử dụng được lâu năm. Ông gợi mở, chúng ta có Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam, trong đó có đầy đủ các Hội khoa học chuyên ngành và các Viện nghiên cứu. Bộ GD-ĐT nên tận dụng sự tâm huyết của các nhà khoa học ở các đơn vị này để giúp biên soạn chương trình. Khi đã có chương trình chuẩn, việc làm SGK sẽ thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Trên cơ sở CT-SGK thì mới tính đến trang thiết bị sao cho hợp lý.

Với một đề án tầm quốc gia, đồng thời vừa là nòng cốt vừa khởi động cho lộ trình "Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục" mà còn lúng túng, mù mờ đến vậy thì xã hội lấy gì để tin vào thành công của "trận đánh lớn" lần này.

Việc cung cấp trang thiết bị phù hợp là điều cần thiết, song quan trọng hơn cả không phải là chỉ tốn tiền đầu tư vào SGK hay trang thiết bị, trong khi đó con người, cụ thể hơn là đội ngũ giáo viên mới là nòng cốt quyết định chất lượng giáo dục. Vì thế, tập trung đổi mới tư duy dạy và học; đồng thời đổi mới cả người làm và cách làm chính sách sao cho thật sự chuyên nghiệp, đặt lợi ích của đất nước lên trên hết.

KHÚC HỒNG THIỆN

Vụ dương Chí Dũng: LUẬT SƯ NGHI NGỜ TÍNH PHÁP LÝ CỦA TÀI LIỆU PHÁT SINH TỪ NGA

Xét xử Dương Chí Dũng: Luật sư nghi ngờ tính pháp lý của tài liệu phát sinh từ Nga

Sau khi phiên toà xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm phải tạm dừng vào chiều ngày 28.4 do xuất hiện tài liệu từ Nga, sáng 29.4, các luật sư đã liên tục đặt các câu hỏi nghi ngờ tính pháp lý của tài liệu này.

Sáng 29.4, HĐXX đã công bố tài liệu từ Nga, trong đó có giấy chứng nhận ngừng đăng kiểm tàu đối với ụ nổi 83M, giấy phép xuất xưởng… Tòa công bố nội dung xác minh về ông Andrevich không phải là người của Nakhodka. Ông Andrevich chính là người đại diện đã ký thỏa thuận hợp tác giữa Global Success và Công ty AP.

Theo đó, từ giai đoạn 2007 đến nay, Nakhodka không có quan hệ nào với Cty Global Success (GS). Ông Andrevich nói chỉ là người đại diện của GS, không có vai trò gì trong công ty, còn Cty GS chỉ đóng vai trò đại lý. Khi ông Goh đến, ông Andrevich đón ở sân bay đưa đến khách sạn giao dịch với lãnh đạo nhà máy Nakhodka. Ông không biết có ký các thỏa thuận khác ngoài thỏa thuận làm đại lý bán ụ nổi - việc ký này có lợi cho các bên và được bên GS đồng ý.

GS đã chuyển cho AP hơn 3,4 triệu USD và cho cá nhân ông Andrevich nhận hơn 1 triệu USD. Ông này khẳng định bản thân không nhận khoản tiền mặt nào từ thương vụ này, chỉ nhận “lương của công ty”.

Ông này cũng thừa nhận có thể ký một số văn bản mà không nhớ nội dung. Tuy nhiên, ông này không biết tiền được chuyển cho Phú Hà cũng như tiền chuyển cho ai, qua đâu. Từ khi ký cũng không có ai chuyển tiền, thông tin tới ông này.

Cục quản lý di cư liên bang Nga cũng cung cấp lý lịch của nhân chứng đã ký hợp đồng thỏa thuận giữa GS với AP. Bộ Nội vụ liên bang Nga thì chứng nhận về việc di chuyển ụ nổi khỏi địa phận Nga.

Về tài liệu thể hiện các thông số của ụ nổi 83M Cty Nakhodka cũng trình với hải quan Nga về những hợp đồng mua bán, thanh toán qua ngân hàng Bờ biển. Điều khoản hợp đồng nêu rõ, 28.2.2007, bên bán là Cty Nakhodka, bên mua là Công ty AP.

Về tài liệu có nguồn gốc từ Nga, luật sư Ngô Ngọc Thủy nêu băn khoăn, không biết tòa, VKS tiếp nhận hồ sơ này như thế nào, đây có thể coi là hồ sơ gì về mặt tố tụng khi nhiều văn bản không có chứng thực.

Còn luật sư Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng tập tài liệu này không đúng giá trị pháp lý để sử dụng như chứng cứ tại tòa khi không có bản chính tiếng Nga đính kèm (tài liệu do văn phòng công chứng, dịch thuật Hoài Đức, Hà Nội thực hiện dịch, chứng thực).

Còn luật sư Trần Đình Triển nêu rõ tập tài liệu từ Nga thể hiện ngày 12.3.2014 đã gửi, kèm đó là bản khai của nhân chứng từ tháng 11/2013. Như vậy trước phiên xử này đã có hồ sơ. Theo trả lời của Nga, họ rất để ý đến khoản 1,2 triệu USD và 2,3 triệu USD là tiền thanh toán ụ nổi và tiền thù lao cho công ty trung gian. Vậy mà sao những tài liệu theo hướng có lợi cho thân chủ của ông Triển như này mà giờ mới đến tòa?

Liên quan đến hồ sơ trên, luật sư Nguyễn Văn Chiến đề cập chi tiết ụ nổi trong tài liệu được dịch là tàu nhưng theo các khái niệm là “tàu sức nâng”. Ông Chiến yêu cầu việc dịch phải giao cho một cơ quan có đủ chuyên môn, thẩm quyền thực hiện.

Còn luật sư Lê Minh Công đặt vấn đề, tài liệu được thu thập sau khi vụ án đã được đưa ra xét xử sơ thẩm. Như vậy, không rõ quy trình thu thập như nào, có thể xem đây là tài liệu của vụ án này không? Ông Công đề nghị bỏ ra ngoài tập tài liệu mới này vì chỉ làm mất thời gian của tòa.

Riêng luật sư Hoàng Huy Được khẳng định tài liệu tư pháp với nước ngoài theo quy định phải được dịch và chứng thực tại cơ quan lãnh sự ngoại giao. Không đáp ứng điều kiện này, tài liệu dù có lợi hay không có lợi cho bị cáo thì cũng không được sử dụng như một chứng cứ của vụ án.

HACKER TRUNG QUỐC ĐÃ ĐÁNH CẮP DỮ LIỆU CỦA NHIỀU BỘ, NGÀNH VIỆT NAM

Hacker Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu nhiều bộ, ngành Việt Nam

Đại tá Trần Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), vừa trở thành đối tượng tấn công có chủ ý của hacker Trung Quốc.

Đây là thông tin được chính đại tá Trần Văn Hòa công bố tại Hội thảo về an toàn thông tin Security World 2013 được tổ chức hôm qua (26.3) tại Hà Nội.

Giải mã một email lạ

Cụ thể vào ngày 5.3, ông Hòa có nhận được một thư điện tử gửi đích danh “TS Trần Văn Hòa, C15, BCA” từ địa chỉ email mang tên của một cán bộ thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ. Email có chữ ký với đầy đủ thông tin, số điện thoại di động của người gửi, kèm theo một tập văn bản đính kèm là công văn mang tên“CV xin xác nhận LLKH-CN.doc”.

Nhận thấy email này có một số điểm nghi vấn, đại tá Hòa liên lạc lại với người gửi thì được biết email này thực ra đã bị đánh cắp password từ lâu và hiện chủ sở hữu đã mất quyền sử dụng. Người gửi email cũng không hề quen biết đại tá Hòa.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chuyên môn đã xác định được email này được đưa lên máy chủ của Yahoo từ một máy tính nối mạng có địa chỉ IP 118.145.2.250 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), thông qua một công ty cung cấp dịch vụ internet có tên Beijing Hua Si Wei Tai Ke Technology Co.Limited.

Lấy file văn bản đính kèm đi giải mã, cơ quan cảnh sát phát hiện đây là một vi rút backdoor có chức năng gửi truy vấn tới máy chủ ctymailinh.vicp.cc có địa chỉ IP là 182.242.233.53 (thuộc Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, thông qua nhà cung cấp dịch vụ Chinanet Yunnan Province Network) và tải các phần mềm từ máy chủ này về. Nếu như không bị phát hiện và ngăn chặn, vi rút này sẽ bắt đầu quá trình âm thầm đánh cắp dữ liệu mà nạn nhân không hề biết.

Hình thức phát tán vi rút của hacker vào máy của nạn nhân rất tinh vi và được ngụy trang rất tỉ mỉ để làm cho nạn nhân sập bẫy. Sau khi cài đặt thành công “cửa hậu” (backdoor), vi rút này không hề phá hoại máy tính của người sử dụng mà chỉ nằm im đó để đưa dữ liệu đến những địa chỉ đã định trước, đại tá Hòa cho biết.

Đối tượng là những người có chức vụ

Cũng theo đại tá Hòa, một vụ việc tương tự với mục đích tấn công vào những người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước với mục tiêu lấy trộm dữ liệu từ toàn bộ hệ thống cũng đã được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện.

THU PHỤC KHÔNG ĐỒNG NGHĨA HÓA GIẢI HẬN THÙ

“Thu phục không đồng nghĩa hóa giải hận thù”

Vẻ hồn nhiên vô tư lự của giới trẻ. Tương lai nào đang chờ họ?. ảnh: như ý

TP - “Trong hòa giải, người chiến thắng phải là người chìa bàn tay ra trước, chỉnh đốn mình trước, bền bỉ hơn, bao dung hơn”- câu chuyện hậu chiến và hòa giải, và không chỉ có thế, của phóng viên Tiền Phong với một Việt kiều là chuyên gia tư vấn giải pháp công nghệ thông tin tại Pháp, có niềm say mê nghiên cứu các vấn đề xã hội- anh Hoàng Hồng Minh.

Anh dẫn câu chuyện có nhiều người phạm tội nhưng thỏa thuận được với bên bị hại dẫn đến chả ai phải ra tòa, để nói rằng: “Ở Việt Nam pháp luật đôi khi không có việc để làm, bộ máy không hoạt động vì sự kém hiểu biết không chỉ của dân thường”?

Cho nên mới có chuyện những đứa trẻ bị xâm hại chỉ cần được đền vài chục triệu đồng là bố mẹ nạn nhân xí xóa, khác nào bán con. Lỡ gây tai nạn thì chịu khó nhận con nuôi, em nuôi chị nuôi, thậm chí lấy nhau luôn là xong.

Trong một đời sống tối giản, tỉ như mươi nóc nhà với ba dòng họ quần lại thành một cái làng, tất cả các va chạm xung đột bên trong đó thường sẽ chỉ là những vụ việc giữa các cá nhân, to tát hơn thì là giữa các nhà, rồi nữa thì là giữa các dòng họ… Về căn bản, họ sẽ “tự xử”, tuy có phải lựa khảo thêm tập quán.

Tự xử thì thường bao giờ cũng sẽ theo hướng có lợi cho bên nào giàu hơn, có thế lực hơn, hoặc hung bạo hơn. Nếu không tự xử nổi vì “nhân thân cân sức”, thì vụ xung đột sẽ thành ra mối thù truyền kiếp, được khắc cốt ghi xương, “con ơi nhớ lấy thù này” để “sau này sẽ hay”, trừ phi may ra cái làng ấy lại đã có được một tổ chức đặc biệt phát triển để sẽ có đại diện làng đứng ra phán quyết được, có tính đến các tập tục, các thế lực.

Ngày nay, xã hội của chúng ta đang dần được khế ước theo thể thức “nền cộng hòa”. Khi các công dân có xung đột, thì họ không chỉ xung đột với nhau như những dân làng lẻ loi cô độc nữa, tùy theo mức độ nghiêm trọng mà họ còn có thể xung đột với nền cộng hòa, nghĩa là với nền pháp quyền công cộng.

Nếu mức độ xung đột nhỏ nhặt, chưa vi phạm nặng đến những thiết chế pháp lý công cộng, việc dàn xếp giữa họ là điều khả dĩ. Chẳng hạn như hai xe đạp bị ngoắc ghi- đông vào nhau làm cho hai tài xế lành lặn phải xuống xe gỡ chúng ra.

Nếu mức xung đột nghiêm trọng, ví dụ trả thù nhau bằng tưới xăng đốt nhà, thì về bản chất sẽ có hai vụ án khác nhau: “Vụ án thứ nhất” về sự xung đột giữa hai bên công dân, và “vụ án thứ hai” giữa người gây án đó với nền cộng hòa - hệ thống qui pháp của nền cộng hòa không cho phép mang xăng đốt nhà công dân.

Trong trường hợp này, việc xét xử, dàn xếp của “vụ án thứ nhất” không xóa bỏ được “vụ án thứ hai”, bởi vì nếu nền cộng hòa bị xâm phạm mà việc đó không bị xét xử, với việc cụ thể đó, uy tín của nền cộng hòa thực chất đã tự tiêu vong.

Cuối cùng thì phải nói: Nền tư pháp phải hoàn toàn độc lập xét xử, chỉ chiểu theo hệ thống pháp lý, và phải tuân thủ hệ thống pháp lý, nếu không, nền cộng hòa chỉ tồn tại hình thức.

Một vấn đề cả xã hội bức xúc nữa đó là an toàn vệ sinh thực phẩm. Biết rằng có khi càng ăn nhiều càng chóng chết nhưng đành cùn “chết có số”, “lợn chết không sợ nước nóng”. Nhà gần chợ, tôi quan sát thấy rất nhiều người mua thịt bò thịt lợn không rửa, cứ thái tại chỗ, xay tại chỗ, thịt cũ thịt mới đè lên nhau mà xay xay thái thái. Như vậy, chúng ta đã tự rước lấy nguy cơ tật bệnh, còn kêu ai?

CÁC BẠN CẢNH GIÁC VỚI KIỂU LỪA ĐẢO QUA TIN NHẮN NHÉ

Trộm hơn 2 tỷ đồng từ thuê bao di động bằng thủ đoạn tinh vi

TPO - Khi người dùng cài đặt, các ứng dụng này sẽ khiến số thuê bao di động tự động gửi tin nhắn tới các đầu số dịch vụ (với mức phí 15.000/tin nhắn) mà chủ thuê bao không hề biết. Với thủ đoạn này, nhóm đối tượng đã chiếm đoạt khoảng 2,1 tỷ đồng của hơn 100.000 thuê bao điện thoại di động.

Ngày 29/4, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (PC50) – Công an Hà Nội vừa triệt phá đường dây tội phạm sử dụng công nghệ cao để trộm tiền từ các thuê bao di động.

“Bằng thủ đoạn mới, hết sức tinh vi, các đối tượng đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 2 tỷ đồng của các nạn nhân” - Thượng tá Thành Kiên Trung, Phó trưởng Phòng PC50 Công an Hà Nội nói.

Trước đó, qua công tác trinh sát, Đội 4 – PC50 phát hiện trang web soundfest.com, clickdi.com phát tán các ứng dụng di động không có nguồn gốc rõ ràng. Ngay khi người dùng cài đặt, các ứng dụng này sẽ khiến số thuê bao di động tự động gửi tin nhắn tới các đầu số dịch vụ (với mức phí 15.000/tin nhắn) mà chủ thuê bao không hề hay biết….

Sau một thời gian điều tra, Phòng PC50 đã làm rõ, bắt giữ 4 đối tượng gồm: Hà Xuân Tiến (SN 1991, quê Hà Nam); Nguyễn Đức Lực (SN 1990, ở Thạch Thất, Hà Nội); Nguyễn Văn Tú (SN 1989, ở Khoái Châu, Hưng Yên); Trần Ngọc Hải (SN 1985, Hàng Buồm, Hà Nội).

Kết quả điều tra bước đầu xác định: Tú (Giám đốc Cty TNHH đầu tư, xây dựng và TM Soloha) là người “truyền bá” cho Tiến, Lực và Hải (chủ sở hữu trang web adrocket.vn) thực hiện chỉnh sửa nội dung các ứng dụng của điện thoại di động. 

Khi cài đặt các ứng dụng trên di động, ứng dụng sẽ tự động gửi tin nhắn đến các đầu số dịch vụ 8xx8; 6xx6;8xx7 với mức phí 15.000 đồng/tin nhắn mà chủ thuê bao hoàn toàn không biết. Hoặc khi chủ thuê bao tải ứng dụng trên các trang web mà Lực, Tiến phát tán thì thiết bị di động sẽ bị trừ 15.000 đồng trong tài khoản.

Sau khi thống nhất kế hoạch, Lực và Tiến cùng nhau tạo lập tài khoản ‘tiensoloha’ trên web adrocket.vn và đầu tư khoảng 40-50 triệu đồng để thuê máy chủ, xây dựng các trang web soundfest.com, clickdi.com và 1 số trang web khác với mục đích dùng các trang web này để phát tán ứng dụng đã qua chỉnh sửa bởi web adrocket.vn.

Qua hồ sơ chứng cứ thu thập được và lời khai của các đối tượng cho thấy, hệ thống adrocket.vn được các đối tượng phát triển từ tháng 12/2013 với mục đích cung cấp công cụ chỉnh sửa ứng dụng di động để lừa đảo người dùng. 

Từ cuối năm 2013 đến nay ổ nhóm này đã chiếm đoạt tài sản trị giá khoảng 2,1 tỷ đồng của hơn 100.000 thuê bao điện thoại di động trên cả nước. Tính riêng, từ đầu năm 2014 đến nay, Hải đã thu lợi 850 triệu đồng và chia cho Tiến, Lực gần 400 triệu đồng.

Theo Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, các đối tượng có dấu hiệu hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 226b- BLHS.

BỘ CÔNG AN, UBND TỈNH YÊU CẦU ĐIỀU TRA LÀM RÕ

TPO - Chánh văn phòng Công an tỉnh Đắk Lắk- đại tá Phạm Minh Thắng cho biết ngay sau khi số báo trên phát hành, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi- Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan nhanh chóng vào cuộc, làm rõ.

Ông Jairo chia sẻ về “hiện tượng mãi lộ” trước hội nghị

Báo Tiền Phong ra ngày 22/4/2014 có bài “ Mãi lộ trước mặt chuyên gia chống tham nhũng”, phản ánh: Tối 20/4/2014, ông Jairo Accuna Alfaro, cố vấn chính sách về Cải cách hành chính và Chống tham nhũng của Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng trợ lý lên xe taxi của hãng Quyết Tiến từ sân bay Buôn Ma Thuột ( tỉnh Đắc Lắc) vào thành phố Buôn Ma Thuột. Trên đường đi, ông Jairo Accuna Alfaro đã chứng kiến việc 2 Cảnh sát giao thông có dấu hiệu mãi lộ. Theo lời kể của tài xế taxi, thì anh này vừa phải nộp 200 nghìn đồng dù không rõ mình phạm lỗi gì, cũng không có chứng từ hóa đơn.

Sau khi báo phát hành, ngày 23/4/2014 đại tá Hoàng Tiến Hiểu phó Văn phòng Bộ Công an đã ký văn bản số 1256a/V11-TTTTBC về việc “Thông báo yêu cầu kiểm tra vụ việc báo nêu”, gửi Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk và các bên liên quan, đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xử lý thông tin trên.

Ngày 26/4/2014, ông Trần Hiếu phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng ký văn bản số 2778/UBND-CN, giao cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông cùng các đơn vị liên quan tổ chức điều tra, làm rõ, có thông tin phản hồi cho cơ quan báo chí, xử lý các nội dung thuộc thẩm quyền hoặc tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền.

Vấn đề này đã được đại diện Sở TT&TT nêu trong cuộc họp báo chiều ngày 29/4/2014 tại UBND tỉnh Đắk Lắk. Chủ trì họp báo, ông Trần Hiếu cho rằng sự việc liên quan tới danh dự của tỉnh nên phải xử lý sớm, đúng, nghiêm khắc.

Trao đổi với tác giả bài báo sau cuộc họp, Chánh văn phòng Công an tỉnh Đắk Lắk- đại tá Phạm MinhThắng cho biết ngay sau khi số báo trên phát hành, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi- Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các bộ phận chức năng liên quan nhanh chóng vào cuộc, làm rõ. Bước đầu đã xác minh chính xác được các đối tượng liên quan vào thời gian và địa điểm xảy ra sự việc. Hai cảnh sát giao thông nhận nhiệm vụ trực chốt tại nơi ông Jairo đã thấy cũng có lỗi, tuy nhiên hành vi nhận tiền mãi lộ không hoàn toàn đúng như lời kể của tài xế taxi. 

Sau dịp nghỉ lễ, ngay trong tuần đầu tháng 5 Công an tỉnh sẽ cung cấp đầy đủ hồ sơ, kết quả xử lý vụ việc để báo Tiền Phong tiếp tục thông tin cho bạn đọc và ông Jairo Accuna Alfaro được biết.