Tuấn Khanh
Nhân dịp cả một xã hội xôn xao chuyện một diễn viên điện ảnh về già kêu than trước gia sản 10 tỷ sắp mất. Chợt nhớ đến ông Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ, nay đã gần 100 tuổi.
2 con người, là 2 số phận khác biệt mà lại rất chung. Nam diễn viên điện ảnh này nổi lên nhờ một bộ phim do nhà nước đầu tư cho chính sách văn nghệ tuyên truyền và được lăng-xê hết cỡ. Sau phim đó, ông ít khi chứng minh được gì thêm ngoài việc đã sống trọn sức trẻ cho một tác phẩm tuyên truyền, đặc biệt ở một giai đoạn mà người Việt Nam hầu như không được tiếp xúc với các tiêu chuẩn điện ảnh thế giới.
Với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ông cũng lừng danh từ các bài hát mà ông sống và làm việc ở miền Bắc trong thời chinh chiến phân chia. Và dù được biết nhiều với các ca khúc như Mẹ Yêu Con, Dáng Đứng Bến Tre… Nhưng ông luôn khẳng định rằng mình thương nhớ nhất vẫn là bài hát Dư Âm.
Theo lời ông kể, đó là đứa con tinh thần mà cuối những năm 50, ông bị kiểm điểm và buộc viết cam kết từ bỏ bài hát này như một sản phẩm nhuốm tinh thần bệnh hoạn tiểu tư sản. Những chính trị viên văn hóa đã lôi ông đi khắp nơi, để buộc ông nói lời xin lỗi trước ‘nhân dân’ và nhận sai vì đã sáng tác bài hát ủy mị này.
Năm 2005, khi tôi hỏi ông vì sao ông vẫn yêu nhất Dư Âm. Ông nói “đó là tiếng lòng của tôi bị tước bỏ. Những cái khác dù hay, dù nổi tiếng cũng chỉ là tuyên truyền, là đồ bỏ”.
Năm 2014. Khi diễn viên điện ảnh này kêu gọi mọi người chú ý về cuộc đời riêng của ông, như một cách nhắc lại công lao tuyên truyền mà ông đã đóng góp, thì đâu đó ở khu chợ Tân Định, Saigon, người nhạc sĩ già đầy bệnh tật, thiếu thốn tiền bạc vẫn lặng im, ngồi nhìn qua cửa sổ. Ông như một phần lịch sử của Việt Nam đang héo úa, chờ ra đi trong kiêu hãnh và tự trọng.
Trở lại câu chuyện của Nam diễn viên điện ảnh. Quyền lên tiếng là quyền của bất cứ ai. Nỗi khổ đang được chia đều trên tất cả sinh linh của đất nước này, theo một cách tính nào đó. Nỗi khổ hằn rõ trên gương mặt của những mẹ già thất thểu vé số cầm tay qua mọi con đường, nỗi khổ khắc rõ hình dạng những người vợ, người con chôn đời mình kêu oan trước các cánh cửa công đường, nỗi khổ là tương lai bấp bênh của những đứa trẻ không cơm, không quần, không được học hành ở các đồi núi Việt Nam.
Nỗi khổ cũng vẫn đang lặng im và hằn rõ trong đuôi mắt của người nhạc sĩ già vang danh chờ tử thần đến gọi, mà tôi được thấy.
Khác với muôn loài, Ngựa vằn Châu Phi chỉ cất tiếng kêu vào lúc tuyệt vọng. Tiếng kêu khổ đau đó là tiếng kêu ý nghĩa nhất để gọi bầy khi cái chết đến, chứ không phải là tiếng kêu vì mất phần cỏ tươi xanh khi sống giữa bầy đàn.
Là con người với nhau, hãy cất tiếng kêu đó cho điều xứng đáng nhất, cho nỗi khổ đau nhất mà chung quanh có thể mở lòng chia sẻ. Mất phần cỏ tươi cho riêng mình, chưa bao giờ được coi là điều đáng nhớ trong lịch sử con người. Đó chắc chắn là một nỗi buồn, nhưng chưa bao giờ được xứng gọi là khổ đau giữa cõi nhân sinh vô vọng này.
Tôi xin gửi nơi đây lòng kính trọng với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, một trong những đại thụ của âm nhạc Việt Nam. Ở nơi nào đó với chiếc gậy, run rẩy bước đi, ông vẫn lặng im.
Nguồn: Dân News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét