Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

KHỦNG HOẢNG UKRAINA NHÌN TỪ CHIẾN LƯỢC "DIỄN BIẾN HÒA BÌNH" - KÌ CUỐI

Bạn có thể đọc kỳ 1 ở đây


Kịch bản và các bước tiến hành

Những khó khăn về kinh tế, thiếu sót, hạn chế trong điều hành của chính quyền Ukraine cùng với sự nổi lên của lực lượng đối lập có thể xem là những biến đổi về “lượng”. Nhưng muốn tạo ra một “chất” mới là chính quyền thân Mỹ ở Kiev thì phương Tây phải cần tới “điểm nút”. Thời điểm ấy cũng đã đến khi Tổng thống Yanukovych từ chối kí hiệp định liên kết với EU. Điều mà truyền thông phương Tây ít đề cập là lý do ẩn sau quyết định này: Nếu chấp thuận, Ukraine coi như sẽ phải “phá tan” nền công nghiệp, bị giới hạn tham gia vào các liên minh kinh tế với Nga và đặc biệt là phải ký một hiệp định an ninh liên quan đến hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO. Đây quả thực là “liều thuốc đắng” đối với Ukraine. Ông Yanukovych không kí, làn sóng biểu tình đường phố nổ ra. Kể từ đây, sự can dự của Mỹ và phương Tây càng rõ nét.

Ảnh: Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland (phải) phát bánh cho người biểu tình đối lập Ukraine tại quảng trường Độc lập ngày 10/12/2013. Ảnh: AFP

Bước đầu tiên là can dự, gây sức ép về mặt ngoại giao. Ngay sau khi biểu tình nổ ra, các quan chức cấp cao của Mỹ và EU liên tục có các chuyến đi tới Kiev. Họ một mặt kêu gọi chính quyền kiềm chế, không sử dụng vũ lực đối với người biểu tình, thúc đẩy đối thoại, nhưng mặt khác lại tiếp xúc với các thủ lĩnh biểu tình, “tiếp sức” cho làn sóng chống đối chính quyền. Hình ảnh của Thượng Nghị sĩ Mỹ John McCain, Ngoại trưởng Đức Frank - Walter Steinmeier “tay trong tay” cùng người biểu tình trên đường phố Kiev nên được hiểu theo cách nào, nếu không phải là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.

Từ Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thậm chí còn lên tiếng yêu cầu chính quyền Ukraine phải thay đổi hiến pháp, nếu không “các quyền lực bên ngoài sẽ can thiệp”. Cùng lúc, Washington và Brussels liên tục đề cập đến khả năng áp đặt các hình thức cấm vận nhằm vào chính quyền của Tổng thống Yanukovych.

“Chiến tranh thông tin” là bước tiếp theo, với sự vào cuộc “tích cực” của truyền thông. Trong khi không ngừng đưa tin về nguyên nhân, diễn biến khủng hoảng, cùng những thương vong, thiệt hại đối với người biểu tình theo hướng quy kết trách nhiệm cho chính quyền Ukraine, truyền thông phương Tây lại bỏ qua hình ảnh các phần tử cực đoan cánh hữu, phát xít mới, với cờ và biểu tượng của Đức quốc xã xuất hiện trên đường phố Kiev; được vũ trang khiên, dùi cui điện, thậm chí là cả súng, sẵn sàng giao tranh với cảnh sát.

Để duy trì “sức nóng” của làn sóng biểu tình trong suốt 3 tháng nhằm gây sức ép với chính quyền Tổng thống Yanukovych, Mỹ và EU không thể bỏ qua công đoạn cung cấp tài chính, thậm chí là cả vũ trang cho người biểu tình đối lập. Ngày 6/2, ông Sergei Glazyev, Cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ đã chi tới 20 triệu USD/tuần tài trợ cho phe đối lập, trong đó có cả vũ khí. Đã có thông tin cho rằng, bất kì một thanh niên nào tham gia biểu tình ở Kiev cũng sẽ được Mỹ chi trả 500 USD/tuần - một khoản tiền khá lớn so với thu nhập bình quân của người dân Ukraine. Mỹ dường như cũng không có ý định che giấu điều này: Tại cuộc Hội thảo Quỹ Mỹ - Ukraine hôm 5/12/2013, Trợ lý Ngoại trưởng Victoria Nuland nói thẳng, Mỹ đã bỏ ra 5 tỉ USD nhằm xây dựng các “kĩ năng, thiết chế dân chủ ở Ukraine”.

Còn sớm để định nghĩa một cách chính xác về khủng hoảng chính trị vừa qua ở Ukraine, dù có người đã đưa ra khái niệm “Cách mạng nâu”, với hàm ý chỉ màu áo của các phần tử mang tư tưởng cực hữu ở Ukraine, có thời điểm chiếm đến 30% lượng người biểu tình ở Quảng trường Độc lập. Nhưng với những phân tích trên đây, có thể nhận thấy chính biến ở Ukraine gợi lại bóng dáng của các cuộc “cách mạng sắc màu”, làn sóng “Mùa xuân Arập” trước đây: Nó là hệ quả của chiến lược “Diễn biến hòa bình” mà Mỹ và phương Tây thực hiện nhằm thay đổi thể chế, thiết lập các chính quyền mới nằm trong vòng ảnh hưởng, dù tên gọi có thể khác nhau.

Hoài Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét