BBC VN: Crimea chưa ly thân đã vội cưới chồng
Nhân quyền Putin ở Crimea. Ảnh: BBC
Anh Nguyễn Giang có bài rất thú vị trên BBC VN. Xin phép đăng lên cho bà con fan Nga, fan Putin, fan Obama và cả fan Cua bình loạn. Cảm ơn anh Nguyễn Giang và BBC VN.
Ngoài những người trẻ hồ hởi với tinh thần dân tộc Nga, các cụ già cầm cờ cộng sản, ôm ảnh Lenin và Stalin cũng nức nở như được sống lại thời Liên Xô vĩ đại.
Nhưng đó là chuyện tình cảm, vì theo dõi chính những gì xảy ra tại bán đảo này, ta dễ cảm thấy một sự bất an.
Đầu tiên là sự khác biệt giữa phát biểu của Tổng thống Putin ở Moscow hôm 18/3 và hành xử của những chính trị gia nóng máu ở địa phương.
Ông Putin cam kết coi trọng cả ba ngôn ngữ Nga, Ukraine và Tatar, và tôn trọng quyền lợi của cả ba nhóm sắc tộc Crimea.
Nhưng chính quyền thân Nga sở tại đã bắt đầu bắn vào những quân nhân Ukraine tại Simferopol.
Có nơi người Tatar đã bỏ nhà bỏ cửa vì sợ các nhóm ‘dân quân’ người Nga.
Mà quả thật, nhìn các ‘chiến sỹ bảo vệ nhân quyền’ bịt mặt như băng đảng, áo quần không phù hiệu, tay lăm lăm tiểu liên, ai mà không sợ.
Chính quyền Crimea cũng có vẻ chưa ý thức được các vấn đề thực tiễn không dễ giải quyết không cuộc ly hôn tách khỏi Ukraine.
Mà trên thực tế, Crimea thậm chí còn chưa ly thân với Ukraine.
Vẫn cùng mâm cơm
Kiev vẫn coi Crimea là của mình theo hiến pháp và tiếp tục cung cấp điện nước cho dân tại đây.
Quốc hội sở tại vẫn ra luật để giữ tiền Ukraine, đồng hryvnia trong lưu thông tới tận năm 2016.
Chừng 25% dân số 2 triệu ở Crimea là người Ukraine, gồm nhiều quân nhân, cán bộ nhà nước do Kiev trả lương bằng tiền Ukraine.
Có vẻ như chính quyền Crimea không hề có một kế hoạch, một lộ trình gì cho chuyện ly khai nhanh chóng khỏi Ukraine và về với Nga.
Theo biên tập viên Olexiy Solohubenko của BBC, bản thân là người Ukraine, thì “hiện cũng không rõ Crimea có giữ tiền Ukraine hay không?”
“Và điều gì sẽ xảy ra với tài sản những quân nhân không muốn gia nhập quân đội Nga, họ sẽ bị buộc phải ra đi và mất tài sản? Điều gì sẽ xảy ra với công dân Ukraine và nhà cửa của họ?”
Ngoài ra, theo ông thì ngay cả quyết định ‘quốc hữu hóa’ tài sản của nhà nước và các công ty Ukraine mà chính quyền Nga ở Crimea làm cũng không rõ có hợp pháp không, kể cả theo luật Nga.
Crimea vẫn chung đồng tiền với Ukraine.
Ngoài đồng tiền, các đài như CNN và cả Russia Today của Nga đang chỉ ra những vấn đề cụ thể: điện nước, giao thông và dầu khí mà Ukraine phải giải quyết.
Nếu cắt giao thông với Ukraine, Crima cần xây cây cầu dài 4,5 km ở biển Azov nối với Nga, công trình mất nhiều năm mới xong.
Nếu không chính quyền địa phương phải vận chuyển mọi thứ bằng phà, gây ra chi phí lớn cho sinh hoạt, giá cả.
Còn nếu muốn dùng đường tiếp liệu qua đất Ukraine, chính quyền Crimea không thể giữ thái độ thù địch lâu dài với Kiev.
Crimea là nơi nghỉ mát của Liên Xô ngày xưa, và hiện vẫn nhận hàng năm 6 triệu du khách.
Vấn đề là, theo như chính đài Russia Today của Nga cho hay, 70% du khách tới bán đảo này hàng năm là người Ukraine, và năm nay, số du khách nói chung có thể sụt giảm 30% vì bất ổn chính trị.
Nếu muốn kinh tế không phá sản, các lãnh đạo Nga ở Crimea sau cơn say dân tộc chủ nghĩa, chắc sẽ phải nghĩ lại và làm lành với Kiev, và bỏ dần thái độ bài bác, công kích người Ukraine.
Du khách Nga có thể sẽ quay lại Crimea nhưng với giới có tiền, Crimea với kinh tế sa sút, dịch vụ lạc hậu đã thua dần các điểm đến xa hơn như Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Síp, Bắc Phi và Đông Nam Á.
Sau khi lấy Crimea, Nga sẽ không trả khoản tiền thuê quân cảng Sebastopol chừng 98 triệu USD một năm cho Ukraine nhưng sẽ phải gánh lấy khoảng 1,1 tỷ USD trợ cấp mỗi năm cho bán đảo này.
Trước mắt Crimea cần gấp 5 tỷ USD đầu tư nếu muốn phát triển các mảng kinh doanh, gồm cả dầu khí mà Crimea chiếm đoạt của Ukraine chỉ bằng văn bản hành chính và dự định chuyển cho Gazprom.
Trước mắt vì tình hình chưa rõ và các quan chức Crimea bị Mỹ và EU cấm vận, hãng Exxon Mobil của Hoa Kỳ tạm ngưng kế hoạch khai thác tại vùng này.
Nhưng mọi vướng mắc dù to hay nhỏ cũng sẽ giải quyết được nếu ba bên Nga, Ukraine và Crimea điềm tĩnh ngồi lại với nhau để đàm phán như bất cứ cuộc ly hôn và làm đám cưới nào cũng cần khi người ta còn tỏ ra văn minh được với nhau.
Ví dụ ở Anh, giả sử tháng 9 năm nay xứ Scotland tuyên bố độc lập thì đảng Dân tộc Scotland và chính quyền London sẽ đàm phán, bàn bạc với nhau về ‘cuộc chia tay’ tới tận tháng 3/2016 mới xong.
Báo chí Phương Tây tuy phê phán cách hành xử ‘côn đồ’ của ông Vladimir Putin nhưng cũng bắt đầu coi như việc Ukraine ‘mất đứt’ bán đảo Crimea là sự đặng chẳng đành.
Nếu khéo làm, thậm chí việc đổi chủ của Crimea có cơ hội được quốc tế công nhận.
Nhưng trong bối cảnh thù địch hiện nay vì Moscow không công nhận chính quyền Kiev và phe theo Nga ở Crimea thì dùng bạo lực để mong muốn nhanh chóng tạo sự đã rồi, việc đàm phán ôn hòa về Crimea là rất khó.
Giấc mơ bên bờ Hắc Hải
Điều đáng lo ngại cho tương lai Crimea hơn cả chính là tư duy và kiến thức của một số nhân vật đang nổi lên nhờ thời cuộc ở đây.
Ông Sergey Aksyonov tham vọng
Trả lời đài NTV hôm 9/3 vừa qua, lãnh đạo người Nga ở Crimea, ông Sergey Aksyonov vẽ ra viễn cảnh biến Crimea thành một Singapore trên bờ Hắc Hải.
Ông Aksyonov, năm nay 41 tuổi, từng kiếm tiền bằng buôn thuốc lá qua biên giới, nói:
“Với tôi, Singapore là một biểu tượng. Thành phố đó có hai triệu dân, diện tích chỉ có 52 km2 và có ngân sách 46 tỷ USD một năm. Ngày nay, Crimea có diện tích 26 nghìn km2, hai triệu người, và ngân sách chỉ 500 triệu USD. Tôi nghĩ rằng chúng tôi thừa khả năng thành Singapore, và tự mình giải quyết nhiều vấn đề, ít ra là tăng nhân sách lên ba bốn lần.”
Ai chú ý một chút sẽ thấy ngay ông Aksynov nêu ra các con số hoàn toàn vớ vẩn về Singapore.
Hiện có 5,3 triệu người, diện tích 710 km2 và GDP 273 tỷ USD năm 2012, Singapore còn thừa hưởng nền tư pháp theo mô hình Anh và một nền giáo dục tốt vào loại nhất thế giới.
Với một vị ‘thủ tướng’ như thế, chả trách đài báo Nga cũng không tin rằng Crima có thể đi theo con đường Singapore.
Chính quyền của ông Aksynov vừa nhanh chóng quyết định rằng từ 30 tháng 3 năm nay, Crimea sẽ theo giờ Moscow, chậm hơn giờ Kiev 2 tiếng.
Ngày mới sẽ đến với Crimea rất muộn, vào lúc 9 giờ 22 phút sáng, thay vì 7 giờ 22 như hiện nay, theo mô tả rất hình tượng trên trang CNN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét