VTC News – GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng nghi án hối lộ 80 triệu yên là thách thức đối với quyết tâm chống tham nhũng của Nhà nước ta.
Gần đây báo chí đề cập nhiều tới thông tin Tập đoàn Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC) khai báo với Văn phòng Công tố Tokyo rằng họ đã đưa hối lộ cho cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam 16 tỉ đồng để có được hợp đồng tư vấn thiết kế dự án sử dụng vốn ODA của Nhật tại Hà Nội.
Liên quan tới vấn đề đang rất được dư luận quan tâm này, phóng viên VTC News đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
- Nếu cáo buộc “nhận hối lộ” từ ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch JTC của Nhật Bản là thật, Việt Nam sẽ đứng trước một bê bối lớn về tham nhũng có yếu tố nước ngoài. Theo ông liệu đây có phải là một vụ PCI thứ hai đang thử thách quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam không?
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
Tôi nghĩ đây là những thông tin chính thức từ phía Nhật Bản vì cơ quan bảo vệ pháp luật của họ đã có kết luận và các đối tượng phạm tội hối lộ cũng đã thừa nhận. Vấn đề còn lại chỉ là các cơ quan chức năng của Việt Nam cần chủ động vào cuộc để tiếp cận các thông tin từ Nhật Bản, từ đó có hướng xử lý.
Rõ ràng nó liên quan tới một số quan chức trong ngành giao thông Vận tải. Nhưng chắc một mình mấy ông dự án cũng không thể “nuốt trôi” 16 tỉ đồng đó đâu.
Đây đúng là một vụ PCI thứ hai, nhưng tôi nghĩ sẽ chưa phải là vụ cuối cùng, cho nên lần này chúng ta phải làm thế nào để bịt chặt tất cả các kẽ hở trong công tác đầu tư, đấu thầu nhằm chấm dứt tình trạng này.
Rõ ràng nó liên quan tới một số quan chức trong ngành giao thông Vận tải. Nhưng chắc một mình mấy ông dự án cũng không thể “nuốt trôi” 16 tỉ đồng đó đâu.
Thế nên đây không chỉ là thách thức đối với riêng Bộ Giao thông Vận tải mà còn là thách thức đối với quyết tâm chống tham nhũng của Nhà nước chúng ta nói chung.
Trong vụ này tôi được biết Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cử Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sang Nhật Bản trực tiếp làm việc với các cơ quan hữu quan của bạn. Sự sốt sắng của Bộ Giao thông Vận tải rất đáng hoan nghênh, nhưng thực ra việc này là của Bộ Công an.
Đúng ra Bộ Công an phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Họ cũng phải cử đại diện sang Nhật hoặc bằng cách nào đó tiếp cận với các nguồn thông tin từ Nhật Bản một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất
Rõ ràng đây là một vụ án tham nhũng và nó sẽ tác động rất sâu tới kinh tế, xã hội nói chung và việc viện trợ của nước ngoài cho Việt Nam nói riêng.
- Nếu đây là việc có thật, ông có thể dự đoán các diễn biến, kịch bản pháp lý và ngoại giao giữa 2 nước Việt Nam – Nhật Bản sau đó?
Nếu ông Thăng không trảm thì cũng có người khác trảm vì đây là pháp luật chứ không phải chuyện nội bộ ngành!
Trong buổi tiếp xúc với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gần đây, người đứng đầu cơ quan viện trợ quốc tế của Nhật Bản đánh giá Việt Nam là nước sử dụng viện trợ ODA của Nhật Bản hiệu quả nhất. Không rõ sau vụ tham nhũng này, các bạn Nhật Bản sẽ đánh giá như thế nào chứ “sử dụng hiệu quả nhất” mà như thế này thì thật đáng sợ!
Nhưng không có người đưa thì làm sao có người nhận hối lộ? Và vì sao cả hai vụ đưa và nhận hối lộ liên quan đến sử dụng vốn ODA ở Việt Nam đều liên quan đến các công ty của Nhật? Chắc chắn phía Nhật Bản cũng sẽ phải nghiêm khắc với người của mình.
Còn về mối quan hệ giữa hai nước thì điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là những lợi ích mà mối quan hệ này đem lại và truyền thống hợp tác của hai bên, chứ không dễ gì bị ảnh hưởng xấu chỉ vì một, hai vụ việc như thế này.
- Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa cho chúng tôi biết, thái độ nôn nóng của ngành đường sắt khi đề xuất xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã khiến ông ấy nghi ngờ. Còn cá nhân ông có thấy nghi ngờ gì không?
Nhiều cán bộ ngành đường sắt Việt Nam bị tạm đình chỉ công tác (Ảnh: Internet)
Khi còn là đại biểu Quốc hội, tôi thấy có những dự án cực kỳ vô lý nhưng vẫn được đưa ra, ráo riết vận động đại biểu đồng ý và thể hiện quyết tâm thực hiện rất cao. Không biết các dự án đó phục vụ cho lợi ích nào?
Một trong những dự án vô lý đó là Dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Vận động ráo riết lắm. Theo phản ánh của đại biểu Quốc hội và báo chí lúc đó, trước kỳ họp, có trên 20 đại biểu được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam mời đi nước ngoài tham quan đường sắt cao tốc.
Cuối cùng, dự án này vẫn bị Quốc hội bác bỏ. Nhưng Bộ và cấp cao hơn Bộ sau đó vẫn chỉ thị nghiên cứu, lập ban quản lý để làm các đoạn đường sắt cao tốc Nha Trang – TP. HCM và Hà Nội – Vinh.
Vì vậy, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 12, tôi từng chất vấn Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng về chuyện này. Để biện minh, Bộ trưởng dẫn ra diễn văn bế mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội và cho rằng dựa theo diễn văn này, có thể hiểu là Quốc hội đã cho phép.
Khi đó, tôi đành phải nhắc Bộ trưởng là theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì diễn văn khai mạc, bế mạc kỳ họp Quốc hội không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Đến nhiệm kỳ này, Bộ Giao thông Vận tải đã cho dừng dự án. Thật may vì trong tình hình kinh tế như hiện nay, làm sao có thể thực hiện được dự án 56 tỉ USD đó?
Tôi còn nhớ trong cuộc thảo luận về Dự án Đường sắt cao tốc, đại biểu Quốc hội Lê Văn Học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Hà Nội, đã từng phát biểu là ông chưa bao giờ thấy một dự án mà tiền dành cho việc nghiên cứu chiếm tới 11% tổng mức đầu tư như dự án này, cụ thể là tới 7 tỉ USD.
- Theo ông, sau vụ việc này, liệu Nhật Bản có lặp lại tuyên bố tạm dừng cung cấp vốn ODA cho Việt Nam không?
Viện trợ ODA tức là cho vay dài hạn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất. Nước ngoài viện trợ ODA cho Việt Nam không phải chỉ để giúp đỡ ta mà đó cũng là cách tạo công ăn việc làm, thu nhập cho các công ty của họ.
Việc viện trợ hay không, viện trợ đến bao giờ còn phụ thuộc vào lợi ích trong việc phát triển quan hệ nhiều mặt giữa hai nước nữa.
Vì vậy, khả năng dừng viện trợ ODA lúc này khó có thể xảy ra, nhưng chắc chắn hai bên sẽ phải có sự điều chỉnh. Về phía Việt Nam, tôi cho rằng Chính phủ, Quốc hội cần nghiên cứu hết sức nghiêm túc về chủ trương tiếp nhận viện trợ ODA vì đây không phải là tiền cho không. Sớm muộn gì chúng ta cũng phải trả nợ.
Nếu vay nhiều mà thất thoát nhiều như thế này thì chúng ta sẽ để lại một gánh nợ lớn cho con cháu.
- Ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của sự việc này, đặc biệt ảnh hưởng của nó tới hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng như niềm tin của nhân dân vào các chủ dự án?
Cung cách quản lý cùng những vụ việc như thế này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người dân nhất là trong cả hai lần xảy ra tham nhũng ở các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, phía Việt Nam hoàn toàn bị động, hoàn toàn không biết gì cho đến lúc Nhật Bản điều tra, xét xử xong.
Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, đặc biệt nó lại xảy ra sau 6 năm kể từ ngày có vụ PCI. Điều này chứng tỏ rằng Nhà nước ta chưa có biện pháp nào hữu hiệu để chấm dứt việc lợi dụng viện trợ mà đục khoét của công, cũng như chưa có biện pháp nào hữu hiệu để chấm dứt việc thông thầu, vận động đi đêm kiểu này.
Sử dụng viện trợ của nước ngoài như thế thật sự là điều rất đáng lo ngại cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời điều đó cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh, uy tín của chúng ta trên trường quốc tế, Các nước không dại gì mà đổ tiền vào một cái túi thủng như thế.
Cung cách quản lý cùng những vụ việc như thế này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người dân nhất là trong cả 2 lần xảy ra tham nhũng ở các dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, phía Việt Nam hoàn toàn bị động, hoàn toàn không biết gì cho đến lúc Nhật Bản điều tra, xét xử xong.
- Theo ông số phận của dự án đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên (tuyến số 1) sẽ ra sao?
Chắc chắn là tiến độ của dự án này sẽ chậm lại vì hiện nay còn phải rà soát, kiểm tra, điều chỉnh, xử lý các cán bộ có liên quan rồi thành lập bộ máy quản lý mới. Cái hại của tham nhũng là như thế. Nó không chỉ làm mất tiền mà còn làm hỏng việc.
- Cộng đồng quốc tế hẳn đang theo dõi xem Việt Nam có ứng xử thế nào trước một cáo buộc nghiêm trọng, không chỉ là về trách nhiệm pháp lý của một hay một số cá nhân cụ thể, mà còn là về thanh danh quốc gia. Theo ông chúng ta nên làm gì vào lúc này?
Trước hết chúng ta phải xử lý nhanh chóng, nghiêm minh vụ việc này. Nhưng quan trọng hơn là phải chấn chỉnh lại công tác đầu tư, đấu thầu để khả năng xảy ra những vụ việc như thế này ở mức thấp nhất.
- Đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc của các cơ quan chức năng ở Việt Nam trong việc chống tham nhũng ở vụ việc cụ thể như thế này?
Bộ Giao thông Vận tải đã vào cuộc nhanh chóng. Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thể hiện sự nghiêm khắc và quyết tâm chống tham nhũng của mình bằng những hành động cụ thể như giao việc cho các bộ phận có liên quan để xử lý vụ việc này.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trách nhiệm thu thập bằng cứ từ phía Nhật để điều tra và xử lý là của các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam, trước hết là của Bộ Công an.
- Vụ Dương Chí Dũng còn chưa qua, dư luận lo lắng liệu Bộ trưởng Thăng có đủ kiếm để "trảm"?
Nếu ông Thăng không trảm thì cũng có người khác trảm vì đây là pháp luật chứ không phải chuyện nội bộ ngành.
- Xin cảm ơn ông.
Minh Quân (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét