Thứ Ba, 4 tháng 3, 2014

BỆNH HÌNH THỨC BAO GIỜ BỊ ĐẨY LÙI?

Căn bệnh hình thức trong giáo dục bao giờ được đẩy lùi!

Nghề nào cũng vậy! Bao giờ cũng có những “niềm vui – nỗi buồn”, “đến rồi đi”, “hội ngộ - chia ly” như dòng chảy nghiệt ngã của thời gian. Họ “đến” với nghề bằng niềm đam mê, nhiệt huyết và cả lòng yêu nghề; hay đơn thuần chỉ là cái duyên với nghề mà thôi. Nhưng rồi cũng lặng lẽ cất bước “ra đi” vì những trớ trêu của “nghiệp” mà họ đã trót trao thân gửi phận.

Ngày đó, tôi mới ra trường và tập tành đứng lớp trong sự ngượng nghịu của một người thầy mới vào nghề. Ngày đó, đồng lương của một người giáo viên hợp đồng ở một trường tư khá là “bọt bèo”. Cứ đến cuối tháng, tôi lại ngửa tay chìa vào lòng mẹ để xin vài đồng đổ xăng đến trường.

Nhiều lúc nghe anh chị em, bạn bè và bà con chòm xóm cứ hay đàm tiếu chuyện đi dạy của tôi với ba mẹ. Kèm theo đó là những câu chuyện buồn, những trớ trêu hiện hữu của nghề đi dạy vẫn luôn ám ảnh. Nhiều lúc cũng nản và cũng muốn từ bỏ cái nghề cao quý này.

Quãng thời gian đứng bảng để “truyền lửa” cho học sinh, tôi đã gặp nhiều câu chuyện “khó xử” về “phương pháp sư phạm” thời hiện đại. Dần dần, bằng sự nhiệt huyết, yêu nghề cùng lòng tin với nhà trường, tôi liên tiếp được tín nhiệm cử đi học nâng cao trình độ. Tôi cứ nghĩ sẽ cố theo đuổi cái nghiệp “gieo con chữ”. Nhưng rồi,… cho đến một ngày, tôi nhận ra…

Tôi còn nhớ rất rõ cái lần đầu tiên được nhà trường cử đi tập huấn hai ngày dành cho giáo viên dạy môn Giáo dục công dân bậc THPT tầm cấp tỉnh. Sau khóa tập huấn, vinh dự đâu không thấy mà chỉ biết lắc đầu, thở ngắn than dài.

Theo lịch, buổi tập huấn sẽ chính thức bắt đầu đúng vào lúc 7 giờ 30 sáng, kết thúc 11 giờ trưa; còn buổi chiều từ 13 giờ 30 – 17 giờ. Tôi luôn coi đây là niềm hạnh phúc của bản thân vì dễ gì có một giáo viên trẻ, mới vào trường lại được đề đạt đi tập huấn lớp chuyên môn lớn như thế này.

Quãng đường từ nhà đến địa điểm tập huấn xa gần 25 cây số nên tôi phải thức dậy từ rất sớm, chạy xe mà lòng cứ nơm nớp lo sợ sẽ bị trễ giờ. Nhưng chẳng may, trên đường đi, xe máy bị chết máy làm tôi đến trễ 15 phút so với quy định.

Lạ kỳ thay! Khi tôi đến, trên khắp dãy hành lang của địa điểm tập huấn vẫn có từng tốp thầy cô giáo ngồi đó mong ngóng. Nhiều thầy cô cứ mãi than phiền về thời gian. Đồng hồ nhích dần dần qua con số 8 nhưng người quản lí lớp tập huấn vẫn chưa đến.

Chầu chực mãi, cuối cùng cũng đến hơn 8 giờ 30, lớp tập huấn mới bắt đầu đi vào ổn định và khai mạc. Các vị lãnh đạo Sở lên báo cáo, nói toàn những chuyện bên lề, không đi thẳng vào nội dung lớp tập huấn. Tầm 10 giờ, một vị báo cáo viên đứng lên bục để nói chuyện và trao đổi chuyên môn. Vị này bắt đầu phân nhóm, chia cụm và ra chủ đề để chiều thảo luận. Tiếp đó, được phát một tập tài liệu coi như là nội dung bài giảng lớp tập huấn.

Cầm trên tay tập tài liệu, nhiều giáo viên có thâm niên trong nghề “thở phào” rồi buột miệng nói: “Nội dung này đã được Sở triển khai cách đây 2 năm rồi! Giờ còn tập huấn gì nữa? Chán cho mấy ông Sở này quá”. Giải thích về vấn đề này, vị báo cáo viên phân trần: “Đáng lí ra là Sở nên ghi rõ trong công văn gửi về là cử những giáo viên trẻ đi tập huấn, những thầy cô giáo nào đã đi tập huấn rồi thì đợt này miễn đi”.

Buổi sáng kết thúc khi chuông đồng hồ điểm 10 giờ 30. Trong suốt thời gian 2 ngày diễn ra, tôi chả học được gì ngoài “mớ” kiến thúc “định vị” sẵn khi còn học đại học. Mặc dù lớp học có điểm danh, quản lí hẳn hoi nhưng xem ra để đối phó, chiếu lệ. Đại đa số người ngồi trong phòng đều làm việc riêng, mặc sức làm những chuyện như chốn không người.

“Thầy” nói, “trò” ngồi ngơ ngơ ngác ngác. Mà đúng thật! Những vấn đề vị báo cáo viên này đặt ra rất “tầm thường” và không hấp dẫn, mới lạ. Ngay cả bản thân tôi cũng tự lấy laptop ra vào mạng để chát chít… Cứ như thế, 2 ngày trôi qua trong sự tẻ nhạt và vô vị theo lịch: bắt đầu 8 giờ, 14 giờ 30; kết thúc 10 giờ 30, 16 giờ; chưa kể chuyện ăn “xén” một buổi chiều ngày thứ 2.

Nhiều giáo viên phàn nàn: “Đã có tài liệu thì phát luôn về mỗi trường tự nghiên cứu cho khỏe, khỏi phải tổ chức lớp học, vừa tốn thời giờ giáo viên, vừa tiêu tốn tiền của Nhà nước một cách vô bổ”.

Riêng bản thân tôi, thật tình thì ngồi hai ngày nhưng chả tiếp thu được gì về chuyên môn. Dù xin mở ngoặc là giáo viên THPT thì chắc chắn tôi không phải là người thiểu năng về trí tuệ đến nỗi không “nhồi nhét” được.

Một nam giáo viên năm nay chừng 35 tuổi bước ra về mỉm cười với tôi và cười gượng nói rằng: “Đó chỉ là bắt đầu thôi em à. Ngành giáo dục mình còn nhiều và nhiều kiểu hội họp, tập huấn như thế này nữa. Rồi dần em sẽ quen thôi”.

Không biết bao giờ cái căn bệnh hình thức trong giáo dục sẽ được đẩy lùi. Chỉ biết giờ nó đã bén rễ, ăn sâu đến nỗi “thâm căn cố đế” và đang len lỏi vào ngành giáo dục như là một “trào lưu”. Và dĩ nhiên, người giáo viên nào cũng biết, cũng hiểu và thừa biết về nó nhưng không sao có thể nhổ được tận gốc, bởi rễ nó đã ăn quá sâu.

Giờ nghĩ lại chuyện đó, tôi luôn xem đó là một “ký ức” xa xăm trong cuộc đời đi dạy của mình. Lòng nhiệt huyết, tình yêu nơi trường lớp và cả niềm đam mê con chữ dường như bị hụt hẫng...

Tôi thật sự cảm thấy thất vọng như thể đạo đức nhà giáo đang bị xúc phạm, bị tổn thương, bị đối xử “rẻ mạt”, khác với nghề dạy học là nghề luôn được xã hội coi trọng và tôn vinh như tôi thường hằng tưởng. Và tôi đã từng rơi vào tâm trạng như thế…

Kể lại câu chuyện, tôi luôn trăn trở: chừng ấy năm qua rồi mà bệnh thành tích, căn bệnh dối trá, căn bệnh hình thức, căn bệnh ăn bớt trong giáo dục vẫn còn đó...

Thật mỉa mai, ngẫm lại mình tôi thấy cũng vậy thôi. Đã biết bao lần tự nhủ với lòng mình phải “chiến đấu”, nhưng vẫn không đủ can đảm đương đầu trước những sự thật trêu ngươi...

Dương Văn
Ảnh bìa chỉ mang tính chất minh họa (nguồn ảnh: internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét