Thứ Bảy, 1 tháng 3, 2014

ĐÂM TRÂU, CHÉM LỢN - VÌ SAO THÀNH HỦ TỤC?

Dư luận viên Thu Cúc

Lễ hội đâm trâu ở Tây Giang, Quảng Nam. Ảnh: Thu Cúc

Hơn bao giờ hết, những tranh cãi về tục chém lợn, đâm trâu, chọi trâu... lại dấy lên trong mùa lễ hội Xuân 2014. Tại sao, vẫn tồn tại với cộng đồng địa phương trong hàng chục năm qua, những nghi thức này bỗng nhiên trở thành tiêu điểm cho hàng loạt ý kiến trái chiều?.

"Tiếng dữ đồn xa"

Vắn tắt, luồng quan điểm phản đối này tập trung vào khía cạnh "dã man", "bạo lực" "thiếu văn minh" trong nghi thức trực tiếp hạ sát trâu, lợn để lấy máu cho lễ hiến tế. Và, khi những cảnh tượng ấy được ghi lại rồi phổ biến trên mạng internet - thay vì chỉ hạn chế trước sự chứng kiến trực tiếp của người xem, số ý kiến đề nghị chấm dứt loại hình bị gọi là "lễ hội máu" này liên tục tăng vọt theo mỗi mùa lễ hội.

Thực tế, hội chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh) đã được khôi phục từ hơn chục năm nay. Trước đó, dù không còn phổ biến như thế kỷ trước, nghi thức đâm trâu của các tộc người Tây Nguyên cũng vẫn xuất hiện trong mỗi dịp lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa... của khu vực này.

"Trước đó, những lễ hội đó vẫn tồn tại song song với đời sống của chính chúng ta. Chỉ có điều, không trực tiếp nhìn thấy, hoặc bởi có nhiều thứ khác để quan tâm hơn, nên người ta ít bàn tới chuyện này" - GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cho biết. Theo quan sát do ông đưa ra, những ý kiến phản đối bắt đầu rộ lên vài năm nay, khi du khách nườm nượp đổ tới hội Ném Thượng, hội chọi trâu Đồ Sơn, Phú Thọ, hay khăn gói từ Đà Nẵng lên tận Tây Nguyên để chụp ảnh "đâm trâu".

Nghi lễ rước lợn quanh làng trước giờ chém tại làng Ném Thượng, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

Có nghĩa, như nhận xét của một số nhà xã hội học, sự phát triển ngày càng nhanh của các lễ hội trên cả nước đã khiến khách hành hương bắt đầu quan tâm tới những lễ hội có yếu tố mới lạ - hoặc ít ra có chút gì "khang khác" so với những mô hình đang diễn ra quanh mình. Ở hướng ngược lại, khi thông tin phát triển ngày càng nhanh, những du khách trẻ ngày càng chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, trong đó có quan điểm về yêu và bảo vệ động vật. "Tạm thời, tôi chưa muốn so sánh sự khác biệt trong cách nhìn của các nền văn hóa khác nhau. Nhưng, nếu chỉ coi đâm trâu, chém lợn là những nghi thức giết súc vật làm vui thì bất công và thiển cận quá" - GS Trần Lâm Biền, chuyên gia của Cục Di sản văn hóa nhận xét.

Theo phân tích của ông, người Tây Nguyên có nguồn gốc gắn với tộc người Malayo cư trú ở ven biển, đời sống gắn liền với thủy triều nên thờ Mặt trăng. Trâu là động vật có mầu đen tượng trưng cho nước biển và mây trời, cặp sừng dài mang hình trăng lưỡi liềm, những xoáy lông tròn tượng trưng cho sấm chớp nên được chọn làm vật "dẫn linh". Khi đâm trâu, một cây nêu được dựng lên để làm trục thông linh giữa trời đất, con trâu hiến tế có nhiệm vụ cõng "linh hồn" của thầy mo lên các tầng trời... Tương tự, trong tín ngưỡng của rất nhiều dân tộc, tiết của súc vật với mầu đỏ đặc thù luôn là biểu hiện cho sinh khí. Cư dân Việt Nam chém lợn để tiết thấm xuống vùng đất bản địa, rồi mang bát tiết lợn lên cúng thành hoàng cũng vì điều ấy.

"Du khách bây giờ chen nhau tới xem đâm trâu, chém lợn nhưng lại không bao giờ chịu tìm hiểu kỹ về bản chất tâm linh, hoặc quan niệm của cộng đồng bản địa"- GS Biền nói-"Càng nhiều người chê trách, phản đối thì người ta lại càng háo hức đổ về và tiếp tục nhìn mọi thứ với con mắt dung tục của sự hiếu kỳ".

"Dã man" để "du lịch hóa"?

Cách đây ba năm, cũng từ những ý kiến phản đối tục đâm trâu, một cuộc hội thảo của giới khoa học đã được tổ chức tại Hà Nội để bàn rõ về bản chất của nghi thức này. Ở đó, khá nhiều chuyên gia đã đề nghị phía tổ chức các lễ hội có đâm trâu, chém lợn hay chọi trâu cần có hình thức cung cấp thông tin, giúp đỡ khách thập phương hiểu rõ về bản chất văn hóa tín ngưỡng của những nghi thức này. Và kết luận cuối cùng khá thống nhất: Ở một chừng mực nào đó, việc duy trì các nghi thức này gắn với nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng bản địa, nên cần được tôn trọng.

Sự thật, từ những ý kiến phản ứng, lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng vào năm 2014 cũng có chút thay đổi. Thay vì chém đứt đôi thân lợn như trước đây, người hành lễ chỉ lấy dấu cứa cổ "cụ ỉn" để lấy tiết dâng thành hoàng. Thậm chí, một số ý kiến đã đề xuất "giảm nhẹ" nghi thức này bằng cách sử dụng trâu, lợn giả có chứa phẩm đỏ - cho dù theo các nhà nghiên cứu, việc này rất khó thực hiện bởi liên quan tới các niềm tin về tín ngưỡng.

Điều đáng nói, khi mà các nghi thức đâm trâu, chém lợn vẫn đang được duy trì thì việc cung cấp thông tin cho khách thập phương lại gần như chưa được nơi tổ chức lễ hội nào chú trọng đến. Thậm chí, với lượng du khách đổ về mỗi năm một tăng, không khó để nhận ra nhiều lễ hội có nghi thức hiến tế lại đang có tiềm năng "du lịch hóa" trước sự tò mò, hiếu kỳ này.

"Tôi bảo vệ tục chọi trâu, nhưng lại rất bất bình trước cách thực hiện của một số địa phương. Theo tục cũ, chỉ những con trâu chết mới mang ra xả thịt mời du khách. Còn lại, con trâu thắng trận sẽ được đưa lên mảng, thả trôi ra cửa biển để tế thần". - GS Trần Lâm Biền nói. "Còn bây giờ, con trâu thắng trận cũng được xả thịt, thậm chí là bán với giá cắt cổ vài triệu đồng/cân. Cách làm ấy đã bóp méo hẳn bản chất tín ngưỡng của nghi thức này".

Thậm chí, theo PGS Nguyễn Văn Huy (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia), một số lễ hội có nghi thức đâm trâu tại Tây Nguyên đã... cắt phăng phần cúng tế và chỉ duy trì mỗi màn đâm trâu trước con mắt của khách hành hương. Hoặc, dù không phải dịp lễ hội, nghi lễ đâm trâu đôi khi vẫn được tổ chức như một mô hình sân khấu hóa. Ở đó, bản thân khách thập phương nếu có nhu cầu cũng được mời cầm giáo để... đâm một nhát vào con trâu được mua về.

Có nghĩa, trong khi giới nghiên cứu cố gắng lên tiếng bảo vệ tục đâm trâu, chém lợn thì những nghi thức này lại đang đứng trước một mối đe dọa đang xảy ra chung với các lễ hội tín ngưỡng: nguy cơ bị phá vỡ không gian, phá vỡ bản chất trước lượng khách du lịch đang dồn về. Sự luẩn quẩn ấy phải chăng cũng là một lý do để đâm trâu, chém lợn gây ra nhiều phản ứng?.

"S Ngô Đức Thịnh Quan điểm của tôi là không khuyến khích, nhưng cũng không phản đối các tục đâm trâu, chém lợn. Điều khiến tôi bức xúc là việc một số người tự cho phép mình quyền phán xét và thiếu trân trọng địa phương khác, thậm chí là một dân tộc với nền văn hóa khác, bằng các cụm từ "dã man", "man rợ", "hủ tục". Nếu người ta muốn sử dụng các khái niệm của văn hóa phương Tây, thì tôi cũng xin dẫn lại một nguyên tắc của UNESCO đại ý rằng, phong tục, truyền thống văn hóa của mỗi cộng đồng đều bình đẳng như nhau. Những tục săn người, lấy máu tế thần linh của một số bộ lạc khi xưa bị xóa bỏ bởi đó là xâm phạm quyền con người. Còn với đâm trâu và chém lợn, việc các nghi thức này tồn tại đến nay cho thấy chúng vẫn có sự hợp lý tự thân đối với từng cộng đồng, và chúng ta nên tìm hiểu kỹ."

THU CÚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét