Hôm nay nói chuyện cái váy, là muốn nói cái váy cổ của phụ nữ người Kinh mà thế hệ bà nội tôi còn mặc. Kể từ sau đó đến nay thì…chỉ trên ti vi mới thấy nó trong những show diễn khi váy đã thành ra vật kiểng, không còn là trang phục thường ngày của phụ nữ người Kinh nữa. Thứ có tên là váy mà một số đàn bà VN hiện nay đang mặc là jupe của đàn bà Tây chứ không phải váy.
Thời còn nhỏ tôi biết một tên khác của váy là… quần nơm rất hình tượng vì nó hao hao một cái nơm bắt cá thượng thu hạ sách, lưng túm gấu xòe. Giống cái nơm vì váy rộng vành khác với váy hơi bó của phụ nữ dân tộc thiểu số. Vải may váy là vải thô được nhuộm bằng bùn màu đen. Cho đến ngày tôi rời quê lên thành phố, bà nội tôi vẫn mặc váy, có thể bà là người cuối cùng trong làng mặc thứ "quần" cổ này?!
Điều tôi biết là ngày xưa váy chỉ là vật che phần thân từ lưng xuống, hoàn toàn không có nghĩa phô trương đường cong này nọ của “nội thất”, là một công dụng hơn là một trình diễn thẩm mỹ học phái đẹp.
Nhưng tôi cũng thắc mắc và rất cảm thông với nỗi khổ của phụ nữ nông thôn thời văn minh lúa nước thủ công, vì với một thứ váy loe như vậy thì hẳn là trong công việc đồng áng liên quan đến cỏ sắc, cây có gai, côn trùng… người mặc nó ắt có nhiều phen cảm thấy quá khó chịu.
Ở cái thời kém văn minh, người phụ nữ lao động ngoài đồng trên rẫy đâu có được bảo vệ chu đáo, có chăng họ được bảo vệ phần phẩm hạnh còn thì bỏ ngỏ phần quan trọng là thân thể phía dưới vốn có lớp bì rất mỏng và nhạy cảm!
Quả đúng là sự tôn trọng phụ nữ rất “ẻo lả” vào thời xưa. Ngoài cách nói coi thường “đàn bà trẻ con”, trang phục phụ nữ càng không được coi đúng với vai trò bình thường của nó cho nên không ai dám phơi chúng trên sân nắng bao giờ.
"Sự ô uế của bàn tay chỉ có trong hai trường hợp. Một là, tay dính chất thải, chất độc, dính máu do giết người, hai là tay ấy đã cầm những đồng tiền hoặc cầm những thứ khác không phải của mình mà là ỉ vào quyền lực để bóc lột của người khác".Trong đó cái váy bị coi là biểu tượng “ô uế” nhất.
Truyện kể là, một đêm đông nọ anh thầy đồ sau khi miệt mài với những cuốn sách mà ngay cả trang giấy cũng là thiêng liêng của thánh hiền, đã vào buồng vợ theo tiếng gọi của cả phần con lẫn phần người. Bà vợ mặc váy và bàn tay thầy đồ cầm gấu váy vợ kéo lên – tất nhiên không thể làm khác thế - nhưng anh đồ nhận ra bàn tay mình đã “ô uế” làm sao còn dám mở trang sách.
Thế là anh vội ra sau rửa bàn tay “bị cáo”, khi trở vào thì cái váy đã trở về vị thế cũ do bà vợ mơ màng thấy lạnh giò bèn phản xạ tự nhiên dùng váy làm mền. Cứ thế, anh đồ lại kéo, lại tẩy uế tay, lại vào kéo và tẩy uế tiếp như một chuỗi sự kiện liền lạc… cho đến khi có tiếng gà gáy sáng, ngày đến, đêm tan.
Nghĩ là chuyện đùa nhưng nếu quả thánh hiền quán triệt cho anh đồ kia có ý ấy về cái váy thì thánh hiền cũng hơi bị... ác.
Sự ô uế của bàn tay chỉ có trong hai trường hợp. Một là, tay dính chất thải, chất độc, dính máu do giết người, hai là tay ấy đã cầm những đồng tiền hoặc cầm những thứ khác không phải của mình mà là ỉ vào quyền lực để bóc lột của người khác.
Chỉ hai lần đó bàn tay mới cần tẩy uế và đã “tẩy uế” đúng đắn tay sẽ không còn là “những bàn tay bẩn” nữa. Quan trọng là cái váy phụ nữ sao lại có thể bị xếp vào hàng những vật không tinh sạch, về mặt tinh thần?
Tôi không quên khi còn nhỏ mình đã nghe biết bao lần người ta chửi “Đồ giặt váy” khi muốn trút sự khinh bỉ vào một người đàn ông nào đó, ám chỉ như người đó đã làm công việc người chửi cho là rất tệ hại đáng khinh: giặt váy cho đàn bà!
Trời ạ, anh ấy ô uế và bẩn thỉu về tư cách chứ sao lại do giặt váy cho đàn bà? May mà thời lạc hậu đã qua rồi bằng không thì số lượng “đồ giặt váy” ngày nay tràn lan khắp thế giới! Chỉ trừ các đấng tu hành ra, đàn ông nào cũng có thể là thứ “đồ” kia vậy!
"Nó là thời trang thuần túy Việt Nam giống như thơ lục bát, và nó tồn tại cùng với những vị nữ lưu suốt mấy ngàn năm lịch sử".Suy nghĩ về cái váy cổ tôi mới liều phát biểu rằng váy là sản phẩm sáng tạo của tổ tiên trong nền nông nghiệp lúa nước giờ tất nhiên đã lạc hậu nhưng đó không hề bắt chước của bất kỳ một nước nào.
Nó là thời trang thuần túy Việt Nam giống như thơ lục bát, và nó tồn tại cùng với những vị nữ lưu suốt mấy ngàn năm lịch sử.
Còn bây giờ, bắt chước Jupe với cũng cái tên "váy" mà là loại váy cũn, xẻ, bó, mỏng và rất linh hoạt khi khoe của, lộ "hàng"... thì đó thể hiện cái tính xấu của đồng bào tôi là nhắm mắt bắt chước cả những cái lố lăng dị hợm trời ơi đất hỡi rác thải xứ người, trong đó tất nhiên đã có chuyện nhắm mắt “khuân" về những ảo tưởng về một tương lai chẳng giống ai.
Tiếp thu có chọn lọc và tôn trọng sĩ diện dân tộc thì thật sự tôi rất phục người Nhật, người Hàn qua cách chào, cách ngồi và nhất là những váy áo truyền thống của phụ nữ hai nước này.
Cũng có chuyện nhìn vui để cười nhẹ nhàng rằng những người lính gác Vatican mặc áo rất đẹp và thay vì cái quần như mọi người đàn ông khác, họ lại mặc váy.
GS Cao Thoại Châu
Ảnh: Tư liệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét