Không ai lại bổ nhiệm hàng loạt ở phút 89
TT - Ông Vũ Phạm Quyết Thắng (nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ - TTCP) nhận xét như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc ông Trần Văn Truyền (nguyên tổng TTCP) bổ nhiệm 60 cán bộ trong vòng sáu tháng trước khi về hưu.
Ông Vũ Phạm Quyết Thắng - Ảnh: Việt Dũng
- “Biết sử dụng nhân tài là tư cách của bậc quân vương”. Trong một lần tranh luận trên mạng với những thanh niên thế hệ 9X, tôi được nghe câu ấy bật ra từ một bạn trẻ người Việt (hiện đang ở TP Portland, Hoa Kỳ) có tâm huyết trước những dư luận xôn xao về việc bổ nhiệm cán bộ chẳng giống ai đang được các cơ quan thông tin đại chúng bàn thảo. Chữ quân vương thời nay hiểu rộng ra hàm ý chỉ có người tài mới sử dụng được người tài. Phải chăng các bạn trẻ đang nhìn vào tư cách của người lãnh đạo qua những quyết định về nhân sự.
* Nghe nói ông từng đóng góp ý kiến với lãnh đạo TTCP nhiệm kỳ này về công tác cán bộ?
- Trong lần thực hiện kiểm điểm theo nghị quyết trung ương 4, với tư cách là ủy viên Ban cán sự Đảng TTCP thời kỳ trước, tôi có đóng góp thẳng thắn bằng văn bản gửi tới TTCP về vấn đề này, chắc cơ quan TTCP còn lưu. Rõ ràng ở ta công tác cán bộ có ảnh hưởng quyết định đến việc sử dụng nhân tài. Chừng nào không làm tốt công tác cán bộ, chừng đó sẽ có những sai lầm.
Ai là người sử dụng cán bộ? Đó là những người đứng đầu cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương. Chúng ta hay nói người đứng đầu là tư lệnh lĩnh vực, là thuyền trưởng, nếu chọn thuyền trưởng đủ đức đủ tài thì đến lượt người thuyền trưởng sẽ biết chọn thủy thủ giỏi. Nếu chọn thuyền trưởng sai thì đó có thể không phải là thuyền chiến, không phải là thuyền buôn mà là con thuyền tiêu cực.
Về sự việc mà báo chí nêu, có nhiều ý kiến đủ rõ rồi nên tôi không muốn nói thêm. Rõ ràng là không nên bổ nhiệm cán bộ vào phút 89, thậm chí vào phút 90 khi sắp rời nhiệm sở. Cách làm như vậy không thể nói là trách nhiệm với thế hệ sau. Còn làm vì cái gì thì tự mỗi người trong chúng ta có thể phần nào hiểu được.
* Thời kỳ ông còn công tác ở TTCP đã bao giờ chứng kiến việc bổ nhiệm nhiều cán bộ trong thời gian ngắn như vậy chưa?
- Thời kỳ tôi chưa bao giờ có những chuyện như thế.
* Với đặc thù ngành thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng phải chọn được những cán bộ đặt sự liêm chính lên đầu. Ông có đồng tình không?
- Chọn được cán bộ đủ đức đủ tài là yêu cầu không riêng gì với ngành thanh tra. Chúng ta chỉ có thể kiểm chứng được người hiền tài qua thực tiễn, qua sự đánh giá khách quan của xã hội. Cho nên phải có dân chủ thật sự từ cơ sở. Chẳng hạn như trong công tác cán bộ có quy trình lấy phiếu tín nhiệm, nhưng với ông lãnh đạo nào đó thì phiếu tín nhiệm chỉ có ý nghĩa nếu người được lấy phiếu đã “chấm” từ trước, còn nếu không thì phiếu tín nhiệm cũng chỉ là một kênh tham khảo. Nghĩa là tín nhiệm từ cơ sở, từ đơn vị được đặt lên bàn hay vứt vào sọt rác là do ý chí chủ quan của ông lãnh đạo. Cá nhân tôi quan tâm đến cái tâm của người cán bộ, rồi mới đến cái tài. Trước đây, thời anh Tạ Hữu Thanh làm tổng thanh tra, anh thường nói với tôi rằng phải chọn người tử tế. Người tốt chưa đủ, vì người tốt có thể tốt với gia đình, với người thân nhưng chưa chắc tốt cho xã hội. Vấn đề là anh phải tử tế, sống đàng hoàng theo quy định pháp luật, liêm chính và minh bạch. Bản thân tôi cũng nói với đồng chí vụ trưởng Vụ Tổ chức lúc bấy giờ là chúng ta phải chọn người tử tế, nếu không thì về sau sẽ rất mệt mỏi, rất phức tạp.
* Ông quan niệm thế nào về sự giàu - nghèo của người cán bộ?
- Năm 2007, trong chương trình “Người đương thời”, nhà báo hỏi tôi có giàu không? Tôi trả lời thật là rất giàu. Nhưng giới hạn giàu của mình với người khác sẽ khác nhau. Anh chấp nhận như thế nào là giàu? Với người nào chỉ cần có hai bữa cơm ăn no, đủ chất, sáng có ly cà phê, ấm trà, như vậy đã tự thấy đủ. Ngược lại có những tỉ phú biệt thự này, biệt thự kia nhưng họ vẫn cảm thấy chưa đủ. Trong khi rất nhiều người chỉ mong có căn hộ 30m2 để hai vợ chồng và hai đứa con ở là thấy hạnh phúc rồi.
* Ông có nghĩ rằng nên nhân rộng cách thức thi tuyển cán bộ có số dư để hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ?
- Tôi ủng hộ, nhưng thi tuyển suy cho cùng cũng do con người. Vấn đề chính là ai sẽ chấm bài, ai ra đề thi, tư cách của ban giám khảo như thế nào? Cho nên, theo tôi, chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, trước hết là phải có một “bộ lọc” - mà ở xã hội ta “bộ lọc” đó là cấp nào thì mọi người đều rõ, chính ở đấy sẽ chọn ra được những vị tư lệnh, những thuyền trưởng xứng đáng để chèo lái con tàu đi tới đích.
VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét