Dư luận viên Hoài Thanh
Về mặt nghiên cứu chiến lược, cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Ukraine có lẽ cần phải được nhìn nhận dưới lăng kính địa - chính trị toàn cầu. Hay nói cách khác, đó là những toan tính của Mỹ và phương Tây tại một khu vực có sức nặng địa - chính trị, gắn với ý định bao vây, kiềm chế nước Nga.
Kỳ 1: Ý đồ, bước đi can dự tiền khủng hoảng
Chiến lược toàn cầu của Mỹ những năm đầu thế kỉ 21 dù có được điều chỉnh ở một số thời điểm khác nhau, với các tầm mức khác nhau, nhưng trên “Bàn cờ lớn” đó, lục địa Á - Âu chưa bao giờ là điểm mà Washington bỏ qua. Nói như Zbigniew Brzezinski, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ: Lục địa Á - Âu là nơi diễn ra những tranh chấp chủ yếu; Mỹ chỉ duy trì được vị thế lãnh đạo thế giới nếu như thiết lập được ảnh hưởng ở khu vực này. Tại đây, Ukraine nổi lên là “điểm then chốt địa - chính trị” - khái niệm dùng để chỉ một quốc gia mà qua đó, các cường quốc có thể mở rộng ảnh hưởng của mình và ngăn cản sự phát triển của đối phương.
Những người biểu tình chống chính phủ trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kiev ngày 25/2. Ảnh: AFP/TTXVN
Tạo được thế đứng ở Ukraine, Mỹ và phương Tây sẽ có điều kiện thiết lập các cấu trúc quân sự, kinh tế có lợi cho mình, tiến đến sát biên giới nước Nga. Nói như cựu Nghị sĩ Mỹ Dennis Kucinich tại thời điểm chưa xảy ra khủng hoảng: “Đối với NATO, mục tiêu là mở rộng. Phần thưởng trước mắt sẽ là vươn đến một quốc gia có 1.426 km đường biên giới với Nga. Bản đồ địa - chính trị khi đó sẽ bị vẽ lại bởi một Hiệp định dưới vỏ bọc kinh tế, mà ở đó Ukraine sẽ là tiền tuyến mới cho hệ thống phòng thủ tên lửa của phương Tây ở sát nách nước Nga”. Muốn làm được điều đó, Mỹ và các đồng minh cần xây dựng được một chính phủ ở Kiev nằm trong tầm khống chế. Thay đổi thể chế, loại bỏ Tổng thống Yanukovych là mục đích của giới lãnh đạo ở Washington và Brusells.
Ngay từ năm 2009, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai sáng kiến “Đối tác Đông Âu”, hướng đến 6 nước trong không gian hậu Xô Viết là Armenia, Azerbaijan, Belarus, Grudia, Ukraine và Moldova mà trong đó Ukraine nằm trong diện ưu tiên hàng đầu. Ngoài “lời hứa” kết nạp trở thành thành viên EU, các nước đối tác còn được đề nghị kí kết một Hiệp định liên kết kinh tế riêng rẽ với EU. Đi kèm với cái được xem là “quả ngọt” đó là những cam kết về “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “pháp trị”... Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước lâm vào khủng hoảng, đình đốn, Tổng thống Yanukovych cũng đã buộc phải có bước đi hướng tới châu Âu. Nhưng vì không nắm được thế chủ động, Ukraine đã bị EU đặt điều kiện, gây sức ép và cuối cùng chỉ còn nỗi thất vọng.
Bên cạnh đó, Mỹ và các đồng minh EU cũng đặc biệt chú trọng việc tập hợp lực lượng đối lập. Không có gì là ngạc nhiên khi cả ba thủ lĩnh biểu tình trong chính biến vừa qua là Vitali Klischko (đảng UDAR), Arseniy Yatsenyuk (Batkivshichina), Oleh Tyahnybok (Svoboda) đều là những người có quan điểm thân Mỹ, phương Tây. Thông tin mà tờ Der Spiegel (Đức) công bố cho thấy: Klischko thậm chí còn được đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Nhân dân châu Âu - EPP (một chính đảng của EU) chọn là người “đại diện” của họ ở Ukraine. Thủ lĩnh Klischko cùng nhiều thành viên UDAR đã được nhiều tổ chức chính trị ở châu Âu đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm về đấu tranh chính trị, hoạt động nghị trường, cách thức mở rộng mạng lưới ở Ukraine.
Khi đã xuất hiện các phe phái đối lập, bước tiếp theo là thống nhất các lực lượng này. Dưới sự trợ giúp từ bên ngoài, một liên minh “những người theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa tự do” đã được thành lập ở Ukraine, với tên gọi “Liên minh tất cả những người Ukraine” (AUU), nòng cốt là ba đảng UDAR, Batkivshichina và Svoboda, cùng với một số nhóm cực đoan khác. Liên minh này nhận tài trợ chủ yếu từ các chính phủ phương Tây, các tổ chức phi chính phủ có các chương trình, dự án ở Ukraine.
Hoài Thanh
Đón đọc kỳ cuối: Kịch bản và các bước tiến hành
Nguồn: Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét