(VTC News) - Thiếu tướng Lê Văn Cương phân tích mục đích sâu xa của Nga trong động thái đưa quân và vũ khí đến Crưm, Cộng hòa tự trị thuộc Ukraine và tương lai của khu vực này sau chính biến.
Khi trả lời phỏng vấn VTC News về nguyên nhân Nga đưa quân đội và khí tài đến Crưm và tương lai của khu vực sau chính biến, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an nói: "Mục đích của Nga khi triển khai quân là bảo vệ lợi ích của Nga, bao gồm về con người, kinh tế và an ninh quốc phòng, đặc biệt là căn cứ hải quân ở Sevastopol".
- Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết nguyên nhân Nga đột ngột có phản ứng mạnh mẽ bằng cách tuyên bố tập trận, rồi sau đó là sử dụng quân đội trong khi trước đó nước này tỏ ra khá ‘kiệm lời’ về chính biến Ukraine?
Các phản ứng của Nga mà đỉnh cao là quyết định can thiệp quân sự vào nước Cộng hòa Crưm thuộc Ukraine phục vụ mục đích mà Kremlin đã tuyên bố công khai đó là đảm bảo an toàn cho hơn 60% người dân Nga và nói tiếng Nga ở khu vực này.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an - Ảnh: Tùng Đinh
Sau những biến động chính trị ở Kiev, cuộc chính biến Ukraine đã lan rộng và đe dọa đến tính mạng cũng như cuộc sống thường ngày của những người dân ở Crưm. Vì vậy Nga có trách nhiệm bảo vệ công dân của mình và hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Đây được xem là hành động bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nga tại Crưm nói riêng và Ukraine nói chung. Đây không phải là hành động ‘gây sự’ của Nga như chính quyền mới của Ukraine cáo buộc, mục đích của Nga công khai và đúng luật.
Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu, tôi cho rằng thông điệp của Kremlin muốn gửi đến những lãnh đạo Kiev hiện nay là cảnh báo, họ có thể đi theo Mỹ hay châu Âu nhưng không được quay lại chống Nga, mọi hành động chống lại Matxcơva đều phải trả giá.
Mọi hành động của Kiev bây giờ đều phải đúng mực đối với Nga, nếu xâm phạm vào lợi ích của Nga ở Ukraine hay Crưm thì Nga sẽ có thái độ kiên quyết. Đây chính là thông điệp gián tiếp của Nga khi đưa quân vào Crưm mà không bắn một phát súng nào.
- Gần như ngay sau khi Nga tuyên bố tập trận ở quân khu miền Tây với 150.000 binh lính, cộng hòa tự trị Crưm thuộc Urkraine ra lời kêu gọi sự giúp đỡ của Nga. Thiếu tướng cho cho rằng điều này nằm trong kịch bản định trước?
Chính phủ Crưm nhờ Nga can thiệp để tránh đổ máu vì họ không tin tưởng những nhà lãnh đạo mới ở Kiev vì có thể chính quyền mới sẽ không cư xử đúng mực với khu vực này.
Tuy nhiên, theo tôi việc Nga đưa quân đến Crưm không phải chỉ vì lời thỉnh cầu của chính phủ Cộng hòa tự trị này.
Các cá nhân vũ trang không rõ danh tính ở Crưm
Mục đích của Nga khi triển khai quân là bảo vệ lợi ích của Nga, bao gồm về con người, kinh tế và an ninh quốc phòng, đặc biệt là căn cứ hải quân ở Sevastopol.
Mọi biến động xấu ở Crưm đều tác động đến Nga trên mọi phương diện, từ kinh tế, an ninh, quốc phòng và con người và Matxcơva phải tự tìm cách bảo vệ quyền lợi của mình.
- Sau một số xung đột chưa xác định được thương vong, cờ Nga đã tung bay trên các trụ sở chính quyền đảo Crưm, liệu đây có phải là dấu hiệu bán đảo có vị trí địa lý, chính trị chiến lược này sẽ trở thành cộng hòa thuộc Nga?
Hơn 60% cư dân Crưm là người Nga và nói tiếng Nga, từ xa xưa đã có quan hệ chặt chẽ với Nga về cả ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Trong số đó, nhiều người muốn Crưm tách khỏi Ukraine và thân Nga hơn, thậm chí là trở lại với Nga như trước năm 1954.
Ta nên nhớ rằng, khi Khrushchyov, một người gốc Ukraine nắm giữ chức vụ Tổng bí thư Liên Xô – quyền lực tối cao, ông đã chuyển Crưm từ Liên Xô về Ukraine. Tuy nhiên, đa số người Crưm vẫn mong muốn trở về Nga.
Tuy nhiên hiện thực lại là chuyện khác.
Doanh trại bộ binh Ukraine ở Crưm bị bao vây
Theo tôi, Kremlin sẽ không làm những việc trái với luật pháp Quốc tế để đưa Crưm trở về với Matxcơva.
Trái lại, Nga vẫn ủng hộ Crưm độc lập, thuộc Ukraine nhưng phải được Kiev tôn trọng, đặc biệt là quyền lợi của người Nga ở đó. Đây là mục đích nhân văn và đúng đắn, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thời điểm này, Nga không mong muốn Crưm tách khỏi Ukraine và trở về Nga. Bên cạnh đó, giới cầm quyền ở Kiev hiện nay, được phương Tây và Mỹ hậu thuẫn cũng không dễ dàng để Crưm về với Nga.
Nếu xét trường hợp Crưm trở về Nga sau xung đột quân sự thì cả Nga và châu Âu hay Ukraine đều không có lợi, chính vì vậy tôi cho rằng đây không phải là thời điểm Kremlin muốn lấy lại Crưm. Cái họ cần là Kiev tôn trọng các quyền lợi của Nga, người Nga ở Crưm.
- Tiếp sau bán đảo Crưm, hôm nay đến lượt thành phố Kharkov nổ ra biểu tình quy mô hàng ngàn người đòi sát nhập Nga. Thiếu tướng nhận xét thế nào về diễn biến sắp tới tại Ukraine, khi mà miền Đông và miền Tây nước này luôn chia rẽ giữa ‘hướng Nga’ hay ‘hướng phương Tây’?
Ukraine được tạo nên từ 3 vùng cư dân, 9 tỉnh phía Đông-Nam có quan hệ lịch sử, tôn giáo và nhân chủng học gắn chặt với Nga, 7 tỉnh miền Trung ở trạng thái trung lập và 7 tỉnh miền Tây thì ‘bài Nga’ và gắn với Tây Âu.
Từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ Ukraine là một nước thống nhất với ý nghĩa đầy đủ nhất của từ này. Do đó, Kharkov biểu tình, trưng cờ Nga là có lý do của họ khi mà đa số người dân ở đây đều mong muốn thắt chặt quan hệ với Matxcơva.
Người dân cắm quốc kỳ Nga ở Kharkov
Họ nói tiếng Nga, có truyền thống văn hóa Nga, tôn giáo Nga và thậm chí có những gia đình một phần ở Nga, một phần ở Kharkov.
Động thái cắm quốc kỳ Nga lên các tòa nhà chính quyền, theo tôi là thông điệp của người dân khu vực này với Kiev rằng các ngài có thể làm mọi việc nhưng không được xâm phạm lợi ích của Nga, của dân tộc Nga ở Ukraine.
- Thiếu tướng nhận xét thế nào về ý kiến cho rằng Nga đang muốn ‘bất chiến tự nhiên thành’, nghĩa là kịch bản cờ Nga tung bay ở các tòa nhà chính quyền Crưm sẽ khiến nơi này trở thành cộng hòa thuộc Nga mà Matxcơva sẽ không tốn mũi tên hòn đạn nào?
Có thể Kremlin muốn Crưm trở lại Nga nhưng không phải lúc này. Mọi hành động của Nga, kể cả đưa quân đến Crưm không phải vì muốn lấy lại bán đảo này.
Thực chất đây là hành động bảo vệ lợi ích và công dân Nga đồng thời gửi thông điệp cảnh cáo đến chính quyền mới ở Kiev.
Ngoài ra cũng nhắc nhở Mỹ và EU phải xử lý tình huống cẩn thận, nếu chà đạp lên lợi ích của Nga thì sẽ phải trả giá, Nga đủ sức để phản ứng lại điều đó.
- Sau khi Nga đưa quân đến Crưm, Ukraine đã phát động tình trạng khẩn cấp đồng thời ra lời kêu gọi tổng động viên, theo ông có khả thi không khi đã có nhiều sĩ quan Hải quân, Bộ binh nước này nộp đơn xin xuất ngũ, không nghe lệnh chỉ huy?
Những ngày gần đây, Ukraine là điểm nóng nhất hành tinh, cả thế giới theo dõi. Có 2 kịch bản có thể xảy ra ở khu vực này trong thời gian tới. Xấu nhất là chiến tranh nổ ra.
Theo tôi kể cả Nga, Ukraine hay phương Tây đều không muốn chiến tranh. Hiện nay, Ukraine chưa phải là thành viên NATO nên liên minh này không có lý gì phải đem quân can thiệp nếu súng nổ. Khi đó, chính quyền mới dựng lên ở Kiev chắc chắn sẽ bị sụp đổ, không chịu được đòn của Nga.
Tất cả việc làm của Nga hiện nay đều phục vụ 2 mục đích bảo vệ lợi ích của công dân Nga và đưa ra thông điệp cảnh báo cho Kiev như tôi đã nói.
Trong khi đó, mặc dù đã ra lời kêu gọi tổng động viên nhưng quân đội Ukraine đã rệu rã, kinh tế đã cạn kiệt, họ không có cơ sở để đánh nếu chiến tranh nổ ra.
- Ý Thiếu tướng là các bên đều mong muốn chiến tranh sẽ không xảy ra?
Tôi nghiêng về kịch bản thứ 2 là sau một thời gian căng thẳng leo thang sẽ có một cuộc tiếp xúc giữa Nga, Mỹ và EU để bàn thảo về vấn đề này.
Có thể nói chính quyền tạm thời ở Kiev hiện nay chỉ là bù nhìn, họ không có gì trong tay và tất cả phải phụ thuộc vào Nga, Mỹ và EU, khi họ ngồi với nhau để tìm ra lối thoát cho Ukraine nhưng cũng thỏa mãn các lợi ích tối thiểu của từng bên.
Một chính quyền mới nhiều khả năng sẽ được dựng lên nhưng sẽ bao hàm được lợi ích và mong muốn của người dân mọi khu vực ở Ukraine. Họ có thể sẽ ngả hẳn về phía châu Âu và Mỹ nhưng không quay lại chống Nga, như vậy các bên đều đảm bảo được lợi ích của mình.
- Nhưng Ukraine đã lên tiếng cầu cứu NATO, theo ông nhân cơ hội này Mỹ và phương Tây có lấy cớ để đưa quân đến Ukraine?
Chính quyền mới của Ukraine đang trong tình trạng nguy ngập, lời cầu cứu NATO là nước đi cuối cùng của họ, nhưng NATO có cứu hay không lại là chuyện khác.
Ngay trong châu Âu cũng chưa thống nhất về phương án với Ukraine. Một lực lượng không muốn gây sự với Nga vì có lợi ích gắn chặt với Matxcơva, ví dụ như Đức, nền kinh tế vững nhất châu Âu hiện nay. Bên cạnh đó là một số nước không ưa Nga và muốn can thiệp vào Ukraine như Anh, Pháp.
Không những vậy, quan điểm về Ukraine giữa Mỹ và EU cũng không thống nhất với nhau. Vì vậy khả năng NATO đưa quân vào đáp ứng lời cầu cứu của Ukraine là khó xảy ra.
- Nga tuyên bố nếu tàu chiến Mỹ tiến vào Biển Đen sẽ bị ‘mù và điếc’, điều này có dựa trên thực lực quân đội Nga không thưa Thiếu tướng?
Tuyên bố của Nga có lý của họ và người Nga không nói đùa. Dù thế nào thì tiềm lực quân sự của Nga, Mỹ hay NATO đều không đơn giản, các bên buộc phải xem xét rất kỹ lưỡng trước khi quyết định phát động chiến tranh.
Nên nhớ, tháng 8/2012, Mỹ và châu Âu đã từng muốn phát động chiến tranh nhằm vào Syria và bắn 2 quả tên lửa Tomahawk về phía quốc gia này.
Tuy nhiên, Nga đã phát hiện thành công chúng khi bay qua Địa Trung Hải, từ đó khẳng định sức mạnh quân sự của mình và dẫn đến sáng kiến đổi vũ khí hóa học lấy hòa bình của Tổng thống Putin, giải quyết êm thấm cuộc khủng hoảng ở quốc gia Tây Á này.
Tuần dương hạm tên lửa Matxcơva đang hiện diện gần Ukraine
Nga không phải là Trung Quốc, Bắc Kinh có thể nói nhiều nhưng tiềm lực quân sự so với Mỹ không phải là đối trọng. Trái lại, Matxcơva sở hữu những sức mạnh quân sự mà cả thế giới phải kiêng dè.
Mọi lời răn đe của Nga đều có cơ sở, buộc Washington phải tính toán chứ không thể hành động liều lĩnh.
- Lệnh trừng phạt của LHQ trong trường hợp Nga can thiệp quân sự vào Ukraine là điều không thể bởi Nga là thành viên thường trực HĐBA, theo thiếu tướng, tổng thống Mỹ Obama sẽ làm gì để cụ thể hóa điều ông này đe dọa ‘hậu quả nghiêm trọng’ nếu Nga động binh?
Hậu quả ở đây là trong trường hợp xấu nhất là chiến tranh nổ ra. Lời răn đe này của Washington có thể hiểu rằng Mỹ và EU vẫn còn những con bài được đưa ra để làm Nga suy yếu, chứ không nhất thiết là chiến tranh.
Trước tiên và kinh tế, 60% vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Nga là từ châu Âu, bên cạnh đó để nâng cao kỹ thuật và chất lượng công nghiệp Nga vẫn cần đến Mỹ và châu Âu.
Tàu chiến của Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga
Ngược lại, Mỹ và EU cũng cần Nga, đó là mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau. Ở Syria, ở Afghanistan, Mỹ đều cần đến Nga để thực hiện các kế hoạch của mình. Năm nay Mỹ cần rút quân khỏi Afghanistan, nếu không nhận được sự ủng hộ từ Nga, Mỹ sẽ lại sa lầy.
Với EU, 28% khí đốt là nhập khẩu từ Nga, riêng ở Đức là 40%, từ đó cho thấy EU không thể tách rời lợi ích của mình khỏi Nga.
Bên cạnh đó, trong Quốc hội Mỹ, cánh bảo thủ của Đảng Cộng hòa là những cá nhân hết sức hiếu chiến và có thái độ cứng rắn với Nga. Dưới sức ép đó, phát biểu của ông Obama là điều dễ hiểu.
- Trong trường hợp xấu nhất là có chiến tranh, thiếu tướng có thể cho biết quan điểm cá nhân mình về kịch bản Gruzia năm 2008 có xảy ra ở Ukraine?
Nếu chiến tranh xảy ra thì khả năng này không thể loại trừ.
Không chỉ Crưm mà cả khu vực Đông-Nam của Ukraine đều có tư tưởng thân Nga, những khu vực này không chỉ có nền kinh tế phát triển, trọng điểm mà dân cư còn đông hơn so với khu vực phía Tây thân châu Âu của Ukraine.
Tuy nhiên, khả năng này khó xảy ra vì với Nga hiện nay, họ không có nhu cầu trực tiếp đòi chia sẻ Ukraine. Mục đích quan trọng nhất của Nga lúc này là chính quyền Kiev có thể đi theo phương Tây nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích của Nga và các dân tộc Nga ở Ukraine.
Các hiệp định đã cam kết với nhau phải được đảm bảo và Ukraine không được cắt đứt các lợi ích của Nga đang có ở đây từ kinh tế, con người, an ninh hay quân sự.
Tùng Đinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét