Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Chiến tranh biên giới 1979: DÙ CHIẾN THUẬT "BIỂN NGƯỜI" HAY "BIỂN XE TĂNG", TRUNG QUỐC ĐỀU THẤT BẠI

Chiến tranh biên giới 1979: Dù chiến thuật “biển người” hay “biển xe tăng”, Trung Quốc đều thảm bại

Trong đợt tấn công Việt Nam tháng 2/1979, riêng về tăng thiết giáp, Trung Quốc đã huy động 6 trung đoàn với tổng số 550 chiếc.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2/1979, Trung Quốc đã sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn) cùng nhiều đơn vị binh chủng với quân số lên tới hơn 60 vạn.

Xe tăng Trung Quốc ồ ạt tiến vào Việt Nam sáng ngày 17/2/1979.

Riêng về tăng thiết giáp, Trung Quốc đã huy động 6 trung đoàn với tổng số 550 chiếc. Mặc dù chiến sự trải dài trên toàn tuyến biên giới song số cửa khẩu tăng thiết giáp có thể vượt qua chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vì vậy, không hề nói quá khi kết luận rằng trong cuộc tấn công này, Trung Quốc không chỉ sử dụng chiến thuật “biển người” mà còn sử dụng cả chiến thuật “biển xe tăng”. Nhưng dù cho có dùng chiến thuật gì đi chăng nữa thì số phận quân xâm lược đều giống nhau mà thôi.

Từ trận phục kích Bản Sẩy

Đó là trận đánh của Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 851, Sư đoàn 346, Quân khu 1 ngày 18-2-1979.

Bản Sẩy thuộc xã Bế Triều, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng ở về phía đông bắc đường 166 (thị xã Cao Bằng đi Hà Quảng), cách thị xã Cao Bằng 12km về phía tây bắc, cách biên giới Việt-Trung và mốc 113 khoảng 30km về phía đông nam. Dân cư chủ yếu là người Tày-Nùng, chỉ có dân quân ở lại còn đã sơ tán hết.

Bản Sẩy dài khoảng 600m, rộng 300m, nằm trên một ngọn đồi thấp, gồm 2 xóm: 1 và 2, cách nhau khoảng vài trăm mét. Xung quanh các xóm có lũy tre tương đối dày và kín đáo tiện giấu quân, bí mật, bất ngờ. Trong bản nhà ở thưa, làm bằng gỗ và xây gạch, có vườn, cách nhau 50-70m. Xa khoảng 1km là núi cao, rừng rậm khi cần cơ động được kín đáo.

Đường 166 từ mốc 113 qua Hà Quảng, ngã ba Đôn, huyện lị Hoà An theo đường 3 về thị xã Cao Bằng. Đường rộng 4-5m, trải đá dăm xe cơ giới đi lại thuận tiện, đoạn qua Bản Sẩy thấp hơn khu dân cư. Hai suối phía tây bắc và đông nam bản cách nhau 2km, rộng 6-7m có cầu bắc qua. Nếu 2 cầu bị phá xe cơ giới cơ động khó khăn.

Tóm lại, đoạn đường qua Bản Sẩy có thể tổ chức phục kích, khi cần thiết dựa vào địa hình làng mạc chuyển vào phòng ngự ngăn chặn địch, tạo thời cơ cho lực lượng ở thị xã chuẩn bị chiến đấu.

Xe tăng Trung Quốc bị quân ta bắt giữ tại khu vực cầu Bản Sẩy, Hòa An Cao Bằng. Ảnh: Trần Mạnh Thường

Về phía Trung Quốc, sau khi chiếm Thông Nông, Thạch An, để phối hợp với các hướng Trà Lĩnh, Trùng Khánh, ngày 18.2.1979, 1 sư đoàn tăng cường có 1 phân đội xe tăng phái đi trước từ Thông Nông tiến theo đường 166 về thị xã Cao Bằng. Ta không nắm được ý định, lịch trình cụ thể.

Về phía ta, Đại đội 10 của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 81, Sư đoàn 346 Quân khu 1 chuyển vào phòng ngự từ cuối năm 1978. Tổ chức biên chế của đại đội tương đối đủ, ngoài ra có phó chính ủy trung đoàn, phó chính trị viên tiểu đoàn đi cùng. Trang bị vũ khí có 1 ĐKZ 82mm, 1 cối 82mm, 2 cối 60mm, 12 B41, 1 đại liên, 7 trung liên, 60 AK và 1 máy VTĐ.

Ngày 17.2.1979, Đại đội 10 đang phòng ngự ở đèo Mã Phục cách thị xã 11km về phía đông bắc. 22h00 cùng ngày được lệnh cơ động về xã Đức Long cách thị xã 20km về phía tây bắc ngăn chặn địch từ Thông Nông tiến theo đường 166 về thị xã. Sau khi nhận lệnh, đại đội tiến hành chuẩn bị và hành quân bằng 4 xe vận tải, khởi hành lúc 04h00 ngày 18.2. Lúc 05h30 ngày 18.2.1979, xe đến Bản Vạn cách vị trí quy định 10km dừng lại nghỉ. cán bộ tranh thủ hội ý xác định nơi sẽ chặn địch.

Trong lúc đang hội ý thì nghe tiếng súng phía tây bắc và thấy bộ binh địch xuất hiện cách khoảng 600-700m, sau khi trao đổi, phó chính uỷ cho đơn vị quay lại chọn địa hình có lợi đánh địch. Xe về đến Bản Sẩy thấy địa hình có lợi, phó chính ủy cho đại đội triển khai lực lượng ở đây.

Ý định chiến đấu: Tổ chức trận địa phục kích trên đoạn đường dọc theo xóm 1 dài 500-600m, chặn đầu ở đông nam xóm 1 (sát sông Bằng Giang), khoá đuôi ở cầu phía đông trạm xá. Đoạn chủ yếu giữa xóm 1 (200-300m). Bố trí lực lượng phục kích gần đường, cách khoảng 15-20m.

Tổ chức các bộ phận chặn đầu, khoá đuôi, chặn địch đánh vào làng và cơ động. Hoả lực ĐKZ, cối, đại liên do đại đội nắm chi viện chung, bố trí phía sau.

Diễn biến chiến đấu:

07h10: đại đội vừa vào hết trong bản chưa triển khai xong thì có 4 xe tăng địch, mỗi xe chở khoảng 10 tên lính đi cách nhau 50m chạy qua Bản Sẩy về phía Cao Bằng. Địch không phát hiện ta bố trí ở đây mặc dù lúc đó cạnh đường còn 2 xe vận tải của ta chưa giấu kịp.

07h20: đại đội triển khai xong đội hình. Cùng lúc đó có 3 xe tăng (cách tốp đi đầu 500-600m) chở bộ binh tiến vào trận địa. Xe địch đến giữa trận địa, khoảng đầu đội hình trung đội 5, đại đội trưởng ra lệnh nổ súng. B41 của 2 trung đội diệt ngay 3 xe tăng này, bộ binh trên xe bị trung liên, AK tiêu diệt. Các xe chạy sau dừng lại bên kia cầu, triển khai quanh trạm xá ở bên tây đường dùng pháo trên xe và hoả lực bộ binh bắn mạnh vào luỹ tre và trong bản, sau đó cho xe vừa chạy vừa bắn định vượt qua Bản Sẩy để tiến vào thị xã.

Trung đội 4 và 5 lợi dụng mô đất, khóm tre ẩn nấp để địch vượt qua cầu vào sâu trong trận địa (gần hết phạm vi trung đội 4) mới nổ súng diệt tiếp 5 xe tăng này và số bộ binh trên xe. Sau đợt chiến đấu, đại đội trưởng cho củng cố đội hình, giải quyết thương binh tử sĩ, bổ sung đạn, sửa sang công sự.

14h00: 4 xe tăng đi đầu lúc trước quay lại tiến vào trận địa. Đại đội trưởng ra lệnh để xe lọt vào giữa trận địa Trung đội 5 mới được nổ súng.

4 xe tăng địch vừa đi vừa thăm dò thận trọng, đến 14h30 lọt vào trận địa trung đội 5. Phó chính trị viên đại đội ra lệnh nổ súng. B41 bắn cả 4 xe bốc cháy. Số bộ binh trên xe nhảy xuống chống cự sau ít phút thì bị tiêu diệt. Trận đánh nhanh chóng kết thúc.

Kết quả: Chúng ta diệt 150 tên địch, bắn cháy 12 xe tăng, thu 1 đại liên, 3 AK cùng một số đạn, khí tài khác.

Bên phía ta hy sinh 4 đồng chí, bị thương 12. Bộ phận địch bị tiêu diệt trong trận chiến đấu này là Đại đội 6 thuộc Trung đoàn xe tăng của quân đoàn 42, cùng một số bộ binh, công binh hộ tống. Phía TQ cũng đã phải thừa nhận trận phục kích đã gây thiệt hại nặng nề cho họ.

Đến các hướng chiến đấu khác 

Chỉ phải đối phó với bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng (lúc đó gọi là công an vũ trang) và dân quân tự vệ nên quân Trung Quốc áp đảo cả về binh lực và hỏa lực. Tận dụng sự hơn hẳn đó, song song với chiến thuật “biển người”, Trung Quốc đã áp dụng chiến thuật “biển xe tăng” ở nhiều nơi.

Trong hầu hết các trận đánh, đầu tiên phía TQ thường sử dụng pháo binh bắn cấp tập vào trận địa phòng ngự của ta. Sau đó dùng xe tăng dẫn dắt, chi viện bộ binh xung phong với số đông tham gia để tràn ngập trận địa.

Do đã có sự chuẩn bị từ trước, các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) đã tận dụng công sự có sẵn, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, linh hoạt… tiêu diệt được nhiều địch- trong đó có nhiều tăng thiết giáp, phá vỡ âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của đối phương.

Trên mặt trận Cao Bằng, ngoài trận phục kích ở Bản Sẩy, quân và dân Cao Bằng đã có nhiều trận đánh cơ giới trên các ngả đường tiến về thị xã, tiêu diệt và phá hủy 134 tăng thiết giáp của Trung Quốc.

Trên mặt trận Lạng Sơn, trong các trận đánh tại Đồng Đăng, Thâm Mô, Pháo Đài, Khánh Khê… các đợt xung phong của TQ đều có sự chi viện, yểm trợ của xe tăng. Tuy nhiên, các chiến sĩ QĐNDVN đã bắn cháy, phá hủy 76 xe tăng địch, giữ vững trận địa đến nhiều ngày sau đó.

Tại mặt trận Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) cũng có đến 66 tăng thiết giáp của Trung Quốc bị loại khỏi vòng chiến đấu.


Tính chung, trong số 550 tăng thiết giáp tham gia xâm lược Việt Nam thì đã có quá nửa – 280 chiếc bị tiêu diệt. Để che giấu thất bại ê chề này, khi rút quân TQ đã cất công kéo hầu hết xác tăng thiết giáp bị cháy ở Việt Nam về bên kia biên giới.

Vậy là “biển người”, “biển xe tăng” hay biển gì đi chăng nữa, khi xâm lược Việt Nam cũng sẽ chuốc lấy thất bại thảm hại mà thôi!

(Theo Soha News)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét