Thứ Hai, 11 tháng 2, 2019

CƠ QUAN TÌNH BÁO ĐỨC BND CHUYỂN NHÀ LÊN BERLIN


Cơ quan tình báo đối ngoại Liên bang Đức (tiếng Đức: Bundesnachrichtendienst, viết tắt BND, tiếng Anh: Federal Intelligence Service) là một trong ba cơ quan tình báo chính của Cộng hòa Liên bang Đức (ngoài ra còn Bundesamt für Verfassungsschutz tức tình báo đối nội và Bundesamt für den Militärischen Abschirmdienst tức tình báo quân sự). BND trực thuộc trực tiếp văn phòng Thủ tướng Đức.



Mười một năm sau khi viên đá nền tảng đầu tiên được đặt, BND khai trương trụ sở mới tại Berlin vào ngày 8-2-2019. Khoảng 4.000 trong số 6.500 nhân viên tình báo làm việc trong tòa nhà mới ở giữa thủ đô Berlin. Chi phí xây dựng lên tới 1,1 tỷ euro, dự kiến ban đầu là 720 triệu euro. Tổng diện tích sàn của tòa nhà là 260.000 mét vuông, kích thước to bằng 36 sân bóng đá. Tổng cộng 20.000 km cáp quang và 10.000 km cáp đồng đã được đặt để nối mạng. Nhưng toàn bộ bộ phận do thám kỹ thuật vẫn còn nằm ở Pullach (Bavaria). Đó cũng là chủ đề được tranh cãi giữa những nhà hoạch định và chuyên gia tình báo.

Một trong những nguyên dẫn đến sự chậm trễ trong xây dựng trụ sở mới là sự cố năm 2015 do người lạ mặt đã đánh cắp toàn bộ vòi nước tại công trường xây dựng. Một lượng lớn nước bị rò rỉ và chảy qua nhiều tầng nhà. 

Việc chuyển nhà của BND cho thấy, nước Đức có nhiều tiền và rất thoáng trong việc chi tiêu cho hoạt động tình báo. Nhưng sự „trang bị hiện đại đến tận răng“ không phải là yếu tố quyết định để có những chiến tích để đời, con người mới là yếu tố quyết định. Lịch sử hoạt động của BND cho thấy, trong quá khứ, những cú hích từ đối phương, tình báo của CHDC Đức đã làm cho BND nhiều lần bị choáng váng. Một trong những cú hích đó là kỳ tích của „Stasi“ trong việc thuyết phục thành công ông Alfred Spuhler. Từ năm 1958 ông là quân nhân quân đội tây Đức, làm việc từ năm 1968 đến 1989 trong bộ phận do thám kỹ thuật của BND, cấp bậc đại uý. Từ năm 1972 đến năm 1988, ông là điệp viên của tình báo CHDC Đức, mang hàm trung tá của Quân đội đông Đức. Mật danh của ông là "Peter". Do người đào tẩu năm 1989, ông Spuhler bị lộ và bị bắt giam. Sau đó ông bị Tòa án Tối cao bang Bavaria tuyên án vào ngày 5-11-1991 vì tội phản quốc trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng 10 năm tù. Đồng phạm là anh trai Ludwig Spuhler, người bị kết án năm năm tù giam. Ông Spuhler đã tiết lộ tất cả các kiến thức quân sự mà BND biết về toàn bộ khối Đông Âu, cụ thể, đánh giá hàng năm về sức mạnh quân sự. Ông được coi là một nguồn tin hàng đầu và tiết lộ khoảng 300 nguồn thông tin quân sự. Động cơ chính của ông là nhận thức và quan điểm chính trị.

Một nhân vật cao thủ hơn là bà Gabriele Gast, sinh ngày 2-3-1943, là cựu điệp viên hai mang của CHDC Đức trong Chiến tranh Lạnh. Hơn 20 năm bà làm gián điệp cho Stasi từ năm 1968 cho đến 1990. Năm 1973 bà được nhận vào làm việc ngay tại tổng hành dinh của BND ở Pullach. Bà mang mật danh Dr. Gabriele Leinfelder và được thăng chức đến ngạch giám đốc chính phủ (tiếng Đức Regierungsdirektorin). Trong biên chế nhà nước, Giám đốc chính phủ là cán bộ cao cấp. Bà bị kết án sáu năm chín tháng tù giam. Năm 1994 bà được thả ra sau khi chấp hành hai phần ba bản án. Bà vẫn là "một người cộng sản đầy nhiệt huyết" ngay cả sau khi bị giam cầm. Tháng tám 2015, Nhà xuất bản Eulenspiegel Verlagsgruppe ở Berlin tung ra thị trường sách cuốn hồi ký của bà „Nữ điệp viên ở tổng hành dinh BND“ (tiếng Đức Agentin in der BND-Zentrale).

Có một chi tiết khác làm BND không vui khi bị phanh phui. Đó là vụ việc liên quan đến cuộc chiến xâm lược chống lại chế độ ông Saddam ở Iraq. Liên quan đến khai trương trụ sở mới của BND, trang mạng TELEPOLIS, ngày 9-2-2019 đăng bài trong đó có đoạn viết: „… Không có gì phải bàn cãi khi một phần lớn các phương tiện truyền thông chính thống cho rằng, tin tức giả (Fake News) không bao giờ có nguồn gốc đến từ bộ máy nhà nước Đức. Vì vậy không ai muốn nhắc đến một điệp viên của BND (Let's play Curveball) đã giúp tạo ra những tin tức giả mạo dẫn đến cuộc chiến chống lại chế độ ông Saddam ở Iraq … vấn đề là cuộc chiến bắt đầu không chỉ vì những lý do bịa đặt, mà còn vì lợi ích của người dân Iraq không bao giờ đóng vai trò“.

Trong 27 năm ở nhiệm sở, tôi cũng có rất nhiều kỷ niệm không bao giờ quên với các nhân viên BND. Vào thời điểm khi tôi bắt đầu làm việc trong Cơ quan liên bang, hai nước láng giềng của Đức là Ba Lan và Tiệp Khắc vẫn là thành viên của Khối Warszawa (Vác-sa-va) và Chiến tranh lạnh chưa kết thúc. Năm 1991, trong số người xin ti nạn mà tôi phỏng vấn có cả công dân hai nước này. Những năm gần đây, tất cả mối giao lưu giữa tôi và các nhân viên BND đều gián tiếp thông qua một ban bệ của cơ quan. Trước đó, cho đến khi cơ quan nơi tôi làm việc thay đổi cơ cấu tổ chức, các nhân viên của BND vẫn thường xuyên ra vào phòng làm việc của tôi khi có nghi ngờ, ngoại kiều X có thể là thành phần khủng bố hay gián điệp ngước ngoài. Khi cần thiết tôi có thể gọi điện thoại trực tiếp cho nhân viên đã được giới thiệu từ nhiều năm trước. Trong giao lưu, họ dùng mật danh, còn tôi dùng họ tên thật bởi vì các quyết định tôi ký là các văn bản công khai của cơ quan quyền lực.

Foto 1: ảnh minh họa cho Bản tin thời sự của đài TH công cộng số 1 ARD,Tagesschau ngày 8-2-2019

Foto 2: ảnh bìa của hồi ký „Nữ điệp viên ở tổng hành dinh BND“, Nhà xuất bản Eulenspiegel Verlagsgruppe

Nguồn của bài viết mà trang mạng TELEPOLIS, đăng ngày 9-2-2019:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét