Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

NGƯỜI ĐỨC NÓI VÀ VIẾT VỀ NHẬT BÁO TAZ Ở BERLIN


Một trong những địa chỉ truyền thông ở Đức những năm qua đăng tải nhiều bài viết về Việt Nam là tờ Báo hàng ngày ở Berlin (tên tiếng Đức Tageszeitung, viết tắt Taz, phiên bản điện tử taz.de). Vì cách đưa tin và viết bình luận về Việt Nam của tờ báo này, nhiều người Việt Nam rất bất bình. Có người muốn biết, báo chí và dư luận phương Tây đánh giá như thế nào về tờ báo này. 


Liên quan đến vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử 70 năm của Tạp chí tin tức Tấm Gương (Der Spiegel), mấy tháng qua, tờ TAZ, cũng được nhắc đến nhiều. Bởi vì biên tập viên/phóng viên Claas Relotius bắt đầu khởi nghiệp bằng việc làm thực tập ở ban biên tập TAZ tại Hamburg. Khi trở thành nhà báo tự do, nhiều năm ông ta viết chủ yếu cho Tạp chí Tấm gương và cho các tờ báo khác. Nếu tính về số lượng bài viết của Claas Relotius được đăng, báo TAZ đứng ở vị trí thứ tư, sau Spiegel, Cicero và Weltwoche. Tất cả các giải thưởng sau, Claas Relotius đã phải trả lại hoặc bị thu hồi: hai giải của Kênh CNN „Journalist of the Year“ (Nhà báo của năm), bốn lần giải „Deutschen Reporterpreis“ (Giải thưởng phóng viên Đức), giải „Peter Scholl-Latour-Preis“, „European Press Prize“, Giải thưởng Truyền thông của Nhà thờ Công giáo, giải „Reemtsma Liberty Award“ (Giải thưởng Tự do Reemtsma) …

Theo Wikipidia tiếng Đức, Taz được thành lập ở Tây Berlin vào năm 1978 khi chiến tranh lạnh đạt đỉnh điểm và lúc đó Taz được coi là một trong các địa chỉ truyền thông theo xu hướng cánh tả. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, số lương người đọc Taz ngày càng ít đi đáng kể. Cũng theo Wikipedia tiếng Đức, hiện nay lượng báo được bán là 50.519 bản, giảm 7951 bản, tương đương 13,6% kể từ năm 1998. Ở một đất nước có hơn 82 triệu người dân, với số lượng xuất bản như thế thì sự tồn tại của nó luôn luôn bị đe dọa vì giảm lượng xuất bản đồng nghĩa với với sự thất thu nguồn tài chính có được từ phí quảng cáo. 

Taz trả tiền lương rất rẻ mạt, lương chưa trừ thuế cho đại đa số nhân viên là khoảng 2.000 euro mỗi tháng, tất cả nhân viên không được nhận tiền thưởng cuối năm, và như vậy không đạt tới 50% mức tiền lương thông thường cho những người làm báo ở Đức. Chỉ một số cán bộ lãnh đạo được nhận thêm khoản phụ cấp trách nhiệm với vài trăm euro. Vào tháng 11-2013, Taz đã bị dư luận phê bình vì qua một quảng cáo muốn tìm thực tập viên với mức lương tháng trước thuế chỉ 903,15 € tương đương 5,39 euro cho một giờ. Vào thời điểm đó Chính phủ Đức có chủ trương đưa mức lương tối thiểu là 8,50 euro cho một giờ làm việc giành cho người lao động phổ thông. 

Một sự việc liên quan đến việc tuyển chọn nhân viên cũng đã trở thành một vụ kiện bởi vì một người xin việc cho rằng mình bị phân biệt đối xử không hợp pháp và Tòa án tiểu bang phụ trách luật lao động của bang Berlin-Brandenburg đã phán quyết trong tháng 6-2014 rằng, Nguyên đơn hoàn toàn có lý, đồng thời buộc Taz phải trả một khoản tiền bồi thường tương đương ba tháng lương.

Nhiều vụ bê bối khác đã gây ra sự chú ý đến Taz, thí dụ, thông cáo báo chí của Tòa án tiểu bang Berlin đề ngày 16.08.2013 cho biết, phán quyết ngày 15-8-2013, số hồ sơ: Az 27 O 183/13, buộc Taz phải trả bồi thường 20.000 euro cho ông Thilo Sarrazin một Chính trị gia của đảng SPD và là tác giả nổi tiếng vì vi phạm nghiêm trọng nhân cách qua một bài bình luận đã đăng. Ngoài ra, tờ Taz không được phép lặp lại lời lẽ đã đăng trong bài bình luận bị cáo buộc. 

Trước đó, năm 2010, bà Alice Schwarzer, sinh năm 1942, nữ nhà báo Đức nổi tiếng, là người sáng lập và nhà xuất bản Tạp chí phụ nữ Emma và là một trong những đại diện nổi tiếng nhất của Phong trào Nữ quyền Đức, đã tố cáo Taz, những năm 1980 tờ báo này đã tạo ra một "diễn đàn chính cho tuyên truyền ấu dâm". Năm 2011, tờ Frankfurter Khái quát và tờ Frankfurt Toàn cảnh cũng đưa ra những lời chỉ trích tương tự liên quan đến vấn đề này. Nhiều người cho rằng, như vậy hai tờ báo này đã xác nhận sự chuẩn xác lời tố cáo mà bà Alice Schwarzer đã công khai đưa ra. Một vụ bê bối khác cũng gây tiếng vang trong làng báo phương Tây và được gọi là „Vụ Keylogger“. 

Trong một phòng biên tập của Taz, vào ngày 17-2-2015, một nhân viên kỹ thuật máy tính đã phát hiện ra một bộ phận được gọi là keylogger trên máy tính của một thực tập sinh và đó là một cái bẫy. Bởi vì Keylogger là một chương trình máy tính nhằm mục đích theo dõi và ghi lại mọi thao tác thực hiện trên bàn phím. Do chức năng mang tính vi phạm vào riêng tư của người khác này nên các chương trình keylogger được xếp vào nhóm các phần mềm gián điệp. Theo điều tra, thủ phạm là một biên tập viên làm việc lâu năm của Taz. Để trốn tránh trách nhiệm hình sự, biên tập viên lâu năm này đã trốn ra nước ngoài. Khi tiến hành thủ tục xét xử theo luật hình sự, biên tập viên này không chấp hành giấy triệu tập đến tham gia phiên tòa. Do Đức và quốc gia, nơi mà ông này đang lẩn trốn không ký kết Hiệp định dẫn độ, nên đầu năm 2017 tòa án Đức phải xử vắng mặt và tuyên án ông ta với hình phạt tiền. 

Một vụ kiện Taz xảy ra đã hơn 10 năm nhưng nhiều người chưa quên. Ông Kai Diekmann lúc đó là Tổng biên tập tờ Báo Ảnh (Bildzeitung) kiện ra Tòa án tiểu bang Berlin. Không biết vì châm biếm hay nhằm mục đích hạ uy tín, vào ngày 8-5-2002 Taz cho đăng trên trang báo của mình câu chuyện giật gân, ông Kai Diekmann đã cho làm một cuộc phẫu thuật để tăng độ dài dương vật của mình. Tòa án tiểu bang Berlin đã tuyên án, bài viết đã vi phạm quyền cá nhân, Taz không được phép lặp lại lời lẽ đã đăng trong bài báo bị kiện. Tuy Taz không nhắc lại câu chuyện này, nhưng sau đó người đi đường vẫn tiếp cận với câu chuyện này. Bởi vì ngày 15-11-2009 trên mặt tiền của ngôi nhà mà Taz đặt văn phòng biên tập, một tác phẩm điêu khắc theo kiểu phù điêu đắp nổi có màu như màu da người được gắn lên. Từ xa, người đi đường bị đập vào mắt tác phẩm điêu khắc, người đàn ông to lớn trần truồng để lộ bộ phận dương vật dựng đứng cao lên tận tầng thứ 5 của ngôi nhà (xem ảnh minh họa). 

Để đánh giá sự đáng tin cậy của một địa chỉ truyền thông, những người làm báo nghiêm túc ở Đức thường xem thống kể hình thức kỷ luật của Hội đồng báo chí Đức. Xin nói thêm, Hội đồng báo chí Đức, thành lập ngày 20-11-1956, là cơ quan của các Hiệp hội báo chí và Hiệp hội xuất bản, đã soạn thảo các Nguyên tắc báo chí và được xem là „Tiêu chí báo chí“. Nếu một đơn vị báo chí vi phạm một hoặc nhiều Tiêu chí báo chí, bất cứ ai cũng có thể gửi đơn khiếu nại lên Hội đồng Báo chí. Một hội đồng sẽ xem xét và có thể cho ra một trong trong ba biện pháp kỷ luật sau: Nhắc nhở, Khiển trách và Cảnh cao. Biện pháp kỷ luật nặng nhất là Cảnh cáo, được chia ra hai loại, Cảnh cáo công khai và Cảnh cáo không công khai. Biện pháp cảnh cáo không công khai được vận dụng chủ yếu để bảo vệ người bị hại. Trong mấy thập kỷ qua, Taz nhiều lần bị Hội đồng báo chí Đức cảnh cáo công khai và không công khai. Thí dụ, năm 1991 bị cảnh cáo công khai một lần do vi phạm liên quan đến tôn giáo, thế giới quan và nếp sống; 1997 một lần cảnh cáo công khai vì không chân thành và thiếu tôn trọng nhân phẩm con người; 1999 một lần cảnh cáo công khai vì thiếu bảo vệ danh dự người khác; 2000 một lần cảnh cáo không công khai vì vi phạm quyền cá nhân; 2001 ba lần cảnh cáo công khai vì vi phạm tính cẩn trọng, không chân thành và thiếu tôn trọng nhân phẩm con người; 2002 một lần cảnh cáo công khai vì không chân thành và thiếu tôn trọng nhân phẩm con người; 2009 một lần cảnh cáo không công khai vì vi phạm tính cẩn trọng, vi phạm quyền cá nhân; 2012 một lần bị khiển trách vì vi phạm quyền cá nhân; 2013 một lần cảnh cáo công khai vì vi phạm tính cẩn trọng, không chân thành và thiếu tôn trọng nhân phẩm con người; 2016 một lần cảnh cáo công khai vì đưa tin kiểu giật gân, vi phạm trách nhiệm bảo vệ trẻ vị thành niên. 

Hội đồng báo chí ở Cộng hòa Áo năm 1998 đã cảnh cáo Taz vì một bài báo cho đăng cả ở Đức và ở Áo trên tờ nhật báo Presse. Bài báo này viết về một ngôi mộ tập thể ở Orahovac/Kosovo và bị phê phán vì vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chuyên môn báo chí.

Không biết có sự phối hợp giữa Taz và các thế lực chống Việt Nam hay không, nhưng trang mạng của người Việt lưu vong đều đăng lại các bài viết của Taz viết về Việt Nam.

Foto 1: Ảnh chụp tác phẩm điêu khắc của tác giả Peter Lenk,

Foto 2: Trụ sở của TAZ ở Rudi-Dutschke-Straße, Berlin cho đến tháng 10 năm 2018

Nguồn: tin và ảnh Bách khoa toàn thư mở Wikipidia tiếng Đức: https://de.wikipedia.org/wiki/Die_Tageszeitung

Bài viết Relotius & Co (tạm dịch Relotius và những kẻ đồng lõa), Đài phát thanh Đức Deutschlandfunk phát tán ngày 7-2-2019 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét