FB Lê Gạch
Nhà máy nước sông Đuống ra đời như thế nào?
Ngày 21/3/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 499/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch cấp nước cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tại khoản 6, Điều 1 của Quyết định này có ghi: Hà Nội sẽ có 3 nhà máy nước mặt gồm Nhà máy nước sông Đà (công suất đến năm 2020 là 600.000 m3 mỗi ngày đêm), Nhà máy nước sông Hồng (300.000 m3 mỗi ngày đêm) và Nhà máy nước sông Đuống (240.000 m3 mỗi ngày đêm).
Quy hoạch này cũng xác định Nhà máy nước sông Đuống có nhiệm vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho các địa bàn khu vực đô thị trung tâm phía đông bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh); khu vực nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và vùng nông thôn liền kề. Ngoài ra nhà máy này còn cấp nước cho một số khu vực của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
***
Ngày 17/01/2013 Bộ Xây dựng có Quyết định số 72/QĐ-BXD về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và cho phép Tổng Công ty đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen), Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội (Hawaco), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và đối tác Nhật Bản thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước Nhà máy nước sông Đuống.
JICA đã tìm hiểu và đề xuất phương án tham gia với vai trò là nhà đầu tư, đồng thời là đơn vị thu xếp vốn vay từ quỹ PSIF của Nhật Bản. Để đáp ứng được các chỉ tiêu kinh tế tài chính của dự án, phía Nhật (Metawater) đề nghị giá bán nước là 14.000 - 18.000 đồng/m3; Đề nghị chỉ định thầu EPC đối với các hạng mục cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị của dự án...; Hà Nội phải có trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm ngay sau khi nhà máy nước sạch vận hành.
Tất nhiên với các điều kiện này thì Chính phủ không thể đồng ý nên Metawater rút lui. Sau đó JICA giới thiệu thêm nhà đầu tư Mitsubishi (tổng mức đầu tư được Bộ Xây dựng phê duyệt là 7.306 tỷ đồng) tuy nhiên nhà đầu tư này cũng đưa ra các cơ chế ưu đãi khác đề nghị áp dụng và không được Chính phủ đồng ý nên JICA không tiếp tục tham gia Dự án.
Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND thành phố Hà Nội kêu gọi nhà đầu tư khác. Và từ đây, Công ty Cổ phần Nước mặt Sông Đuống ra đời với 15% vốn nhà nước, các nhà đầu tư Aqua One, Quỹ đầu tư của Oman. Thoả thuận giữa sông Đuống và TP HN về giá nước tối đa dự kiến là 10.426 đồng/m3, tăng giá 7% mỗi năm.
***
Vì sao có chuyện trợ giá?
Tại Danh mục B của Nghị định 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích có quy định các dịch vụ như Vận tải công cộng tại các đô thị, Dịch vụ chiếu sáng, cấp điện tại các đô thị, Dịch vụ cấp, thoát nước đô thị… là Dịch vụ công ích.
Bởi là dịch vụ công ích nên việc sản xuất, cung ứng nước cho Hà Nội được Chính phủ cho phép trợ giá. Cụ thể, khoản 5 Điều 3 của Nghị định 130 có ghi: Mức trợ cấp sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích là phần chênh lệch giữa số tiền do người được hưởng sản phẩm, dịch vụ công ích (người dân) thanh toán theo quy định của Nhà nước với chi phí hợp lý của nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ.
Ai là người được hưởng lợi từ Nghị định 130? Đó là toàn bộ các nhà máy sản xuất và cung cấp nước của Hà Nội trong đó có Nhà máy nước sạch sông Đà.
Trích:
“Trong giai đoạn từ 1/4/2009 - 31/12/2009, theo Quyết định số 213/QĐ-UBND ban hành ngày 13/5/2010, UBND Tp. Hà Nội đã trợ giá tạm thời 1.996 đồng/m3 nước sạch cho Viwasupco. Đây là phần chênh lệch giữ chi phí sản xuất (4.269 đồng/m3) với giá bán nước sạch mà địa phương này quy định (2.273 đồng/m3) và theo khối lượng nước thực tế.
Hoạt động bù giá của UBND Tp. Hà Nội cho Viwasupco kết thúc kể từ năm 2015. Xét trong cả giai đoạn này, tạm tính, công ty đã nhận được khoảng 550 tỷ đồng tiền trợ giá của UBND. Tp Hà Nội”
(Link tham khảo:
Từ trường hợp của sông Đà, sông Đuống cũng đồng ý thực hiện dự án với niềm tin là sẽ được “bù lỗ” vì họ thuộc diện được “trợ giá” theo Nghị định 130.
***
Tuy nhiên, ngày 10/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 32/2019/NĐ-CP cũng về Sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, trong đó dịch vụ “cấp, thoát nước đô thị” không còn thuộc danh mục Dịch vụ công ích. Như vậy, việc trợ giá cho sông Đuống là không được nữa.
Sau khi Nghị định 32 ra đời, Hà Nội có tờ trình đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù, tiếp tục áp dụng cơ chế như quy định trong Nghị định 130 vì Nhà máy nước sông Đuống đã triển khai từ năm 2016. Bộ Tài chính sau đó đã chấp thuận.
Đến nay thế nào thì tôi không biết nên không thể nói tiếp tuy nhiên như Giám đốc Sở Tài chính HN phát biểu ngày 12/11 và ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch TP trả lời cử tri ngày 15/11 thì đến nay Hà Nội chưa hề bù lỗ cho sông Đuống đồng nào và “thành phố chắc chắn không bao giờ bù giá nếu doanh nghiệp lỗ”.
***
Tôi chỉ làm nhiệm vụ tập hợp thông tin và liệt kê dữ kiện chứ không phán xét chuyện đúng, sai của bất cứ bên nào trong câu chuyện này nên mọi người vui lòng kiềm chế & bình luận đúng mực.
Theo nghị định 32, dịch vụ cấp, thoát nước đô thị không còn là dịch vụ công ích, nên các đồng bào chuẩn bị sẵn tiền đóng thuế (phí) nước thải đi nhé.
Xem:
https://viettimes.vn/dau-chi-co-nuoc-sach-song-duong-ha-noi-cung-tung-tro-gia-khung-cho-nuoc-sach-song-da-372737.html?fbclid=IwAR3qTQFcjzbpwtBF9-L982gaty_rQt4V5NAx3UihzuiS4vMUKmzNX_6VLp4
Xem:
https://viettimes.vn/dau-chi-co-nuoc-sach-song-duong-ha-noi-cung-tung-tro-gia-khung-cho-nuoc-sach-song-da-372737.html?fbclid=IwAR3qTQFcjzbpwtBF9-L982gaty_rQt4V5NAx3UihzuiS4vMUKmzNX_6VLp4
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét