Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

CHA CON ÔNG KÌNH ĐANG MUỐN BIẾN ĐỒNG TÂM THÀNH LÀNG NHÔ?

Ngày 19/10/2017 trong một cuộc họp thôn, nhóm Đồng Thuận đứng đầu là Lê Đình Kình và con trai ông ta là Lê Đình Công đã lớn tiếng đe dọa chính quyền TP Hà Nội mà trực tiếp là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Thành Phố 

Nguyên văn lời đe dọa này như sau: "Một lần nữa, tôi xin thức tỉnh ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội là ông phải dừng lại ngay, và làm như thế nào gần dân, về đất đây để đối thoại với nhân dân, chứ không để như thế này nữa, và nhân dân đã có những gợi ý, ngỏ với chúng tôi rằng, nếu lần này mà nó sẽ xảy ra như ngày 14/4 thì không phải là như thế nữa, mà nếu như nhân dân người giữ được người nào, là sẽ cho ăn cơm tù, và sẽ xử lý như công an xử lý đối với nhân dân chúng tôi hiện nay. Vậy, thì tôi xin cảnh báo ông Nguyễn Đức Chung một vấn đề như thế". 

Xem ra, cha con Lê Đình Kình đã quá lộng ngôn, ngạo mạn thách thức cả chính quyền. Dư luận cho rằng, đó là đỉnh cao của sự ngu xuẩn khi lấy "trứng chọi đá", thách thức dư luận, chà đạp lên tình người và pháp luật. Mời xem link dưới từ giây thứ 50 trở đi. 

https://www.facebook.com/100020331646724/videos/122956481725406/ 

Nói đến vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng tại Đồng Tâm hôm nay, người ta liên tưởng ngay đến việc cha con Lê Đình Kình đang "sao y bản chính" vụ việc xảy ra tại Thôn Lác Nhuế, xã Ðồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, vốn nổi tiếng bởi sự kiện "làng Nhô". 

Ông Trịnh Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa, kể lại: Thực hiện chế độ khoán ruộng đất mới, huyện Kim Bảng đã cắt 75 mẫu ruộng của thôn Lác Nhuế cho các thôn và xã khác trong huyện. Không tán thành việc này, Trịnh Văn Khải, vốn là một kỹ sư điện máy thủy, sau khi du học trở về thì làm giảng viên trường Đại học Hàng hải, đã đại diện dân trong thôn gửi đơn kiện đòi đất lên ủy ban nhân dân huyện Kim Bảng, ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh, và Tổng cục Quản lý ruộng đất. 

Sau khi đơn kiện bị bác bỏ, Trịnh Văn Khải lập Ban 447 với thành viên là những người chống đối chính quyền núp bóng chống tham nhũng ở địa phương. Cùng với đó, Trịnh Văn Khải tập hợp dân trong thôn lập rào ngăn làng, ngăn cản việc đi lại của dân và chống lại cán bộ đến làng thu thuế. Không những thế, Khải còn đề ra khẩu hiệu o ép dân làng "Ai không đi đòi ruộng đất, khi chết không cho chôn ở làng" và "Ai không góp tiền, gạo để Ban 447 đi đòi ruộng đất, khi đòi được sẽ không được chia". 

Đỉnh điểm của vụ việc, có hai thanh niên cùng huyện vào làng mua cá giống đã bị tra tấn dã man và đánh tới chết ngay trong sân nhà của Trịnh Văn Khải. Vụ này, theo báo Công An Nhân Dân, lấy từ hồ sơ vụ án, Trịnh Văn Khải sau đó còn ra lệnh cho đám tay chân giữ xác họ nhiều ngày để đòi tiền chuộc. Sau cùng, Trịnh Văn Khải bị bắt và kết án tử hình. 

Nhân sự kiện làng Nhô, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã viết tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng (Nhà xuất bản Công an Nhân dân năm 1994), sau đó tiểu thuyết này đã được dựng thành phim truyền hình nhiều tập Chuyện làng Nhô. Phim đã được chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam vào năm 1998 (trong phim Trịnh Văn Khải có tên là Trịnh Khả) và thu hút được sự quan tâm của độc giả. 

Vụ việc xảy ra ở thôn Hoành xã Đồng Tâm hôm nay, giống hệt kịch bản "làng Nhô" năm xưa và người ta dễ dàng nhận thấy hậu quả nhãn tiền. 

Một kết cục không mấy tốt đẹp, phù hợp với quy luật "kẻ gieo gió sẽ phải gặt bão". Khải bị bắt và bị kết án tử hình. 

Chết chưa phải đã hết, tiếng xấu để đời, cả làng chịu chung. "Làng Nhô" là một vết nhơ của Thôn Lác Nhuế, xã Ðồng Hóa, huyện Kim Bảng Tỉnh Hà Nam vẫn còn đó. Vết nhơ của Làng Nhô thế kỷ 20 đang được cha con Lê Đình Kình sao y bản chính, nâng tầm ở thế kỷ 21, và định vị tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. 

Nếu như vết nhơ Làng Nhô năm xưa chỉ gắn với Trịnh Khải, thì vết nhơ thôn Hoành Đồng Tâm hôm nay sẽ là nỗi nhục gắn với nhóm Đồng thuận và dòng họ Lê Đình. 

Cái ác sẽ bị trừng trị, hành vi xấu sẽ bị đào thải, tôi không tin người dân của một xã anh hùng như Đồng Tâm lại chịu ngồi yên để cha con Lê Đình Kình thao túng, khống chế chà đạp lên luật pháp và truyền thống anh hùng để nhân bản một thảm trạng Làng Nhô, để lại nỗi nhục, vết nhơ cho hậu thế. 

Tham khảo: http://thanhnien.vn/van-hoa/sao-phim-truyen-hinh-ngay-ay-bay-gio-trinh-kha-va-am-anh-chuyen-lang-nho-569923.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét