Có nên "đòi công bằng" cho Hoàng Công Lương bằng cách đe dọa tư pháp, khủng bố xã hội?
Sau 7 tháng điều tra bổ sung, 11 ngày xét xử và 5 ngày nghị án, hôm 30/01/2019, Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên án 7 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trong đó, bác sĩ Hoàng Công Lương, người ký y lệnh chạy thận, bị tuyên 42 tháng tù vì tội "Vô ý làm chết người", theo Khoản 2, Điều 98 Bộ luật Hình sự 1999. Trong suốt 2 tuần xét xử và nghị án, dư luận trong và ngoài ngành Y, ngành Luật đã liên tục tranh cãi về việc ông Lương có phải chịu trách nhiệm trong vụ việc hay không. Sau khi bản án được tuyên, nhiều tổ chức, cá nhân chống đối đã lợi dụng cuộc tranh luận để tuyên truyền rằng tòa án Việt Nam "không có công lý".
Cuộc tranh luận vừa nêu xoay quanh một vụ việc hồi tháng 05/2017. Thừa lệnh Trưởng khoa, bác sĩ Hoàng Công Lương đã ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống máy lọc nước RO số 2, dùng cho chạy thận. Nhận đề xuất, ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch công ty Thiên Sơn, người ký hợp đồng liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo với Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình - đã thuê Bùi Mạnh Quốc tiến hành bảo dưỡng máy lọc nước RO số 2. Trong quá trình bảo dưỡng, Quốc đã sử dụng 2 hóa chất chưa được Bộ Y tế cấp phép dùng cho mục đích khử khuẩn trang thiết bị y tế, là HF và HCl. Quốc không sục xả hết lượng hóa chất đã dùng, để tồn dư 1 lượng HF vượt quá mức an toàn trong máy lọc nước. Trong quá trình đó, ông Trần Văn Sơn - cán bộ Phòng Vật tư của Bệnh viện Hòa Bình, người được giao quản lý, sửa chữa thiết bị y tế của đơn nguyên lọc nước - đã không giám sát Quốc, và nhận lại máy dù không có kết quả xét nghiệm nước và biên bản bàn giao. Ông Sơn nói với điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp rằng máy đã sửa xong, và bà Điệp nói việc này với bác sĩ Hoàng Công Lương, khiến ông Lương ra y lệnh dùng máy để điều trị cho 18 bệnh nhân vào ngày 29/05/2017 - chỉ 1 ngày sau ngày sửa máy. Kết quả là 9 bệnh nhân tử vong, số còn lại bị ảnh hưởng sức khỏe.
Trong 7 bị cáo liên quan đến vụ việc, có 5 bị cáo bị tuyên án vì tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Họ bao gồm:
_ Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hoà Bình, nhận 30 tháng tù. Ông Dương ký các hợp đồng liên kết chạy thận, sửa chữa máy móc liên quan đến chạy thận, song trong một thời gian dài đã không bổ nhiệm kỹ sư, kỹ thuật viên để quản lý hệ thống. Dù biết công ty Thiên Sơn không lấy mẫu nước đi xét nghiệm sau khi sửa chữa, ông Dương vẫn ký thanh lý hợp đồng cho xong thủ tục.
_ Trần Văn Thắng và Hoàng Đình Khiếu, hai người phụ trách Phòng Vật tư Bệnh viện Hoà Bình, nhận 36 tháng tù cho mỗi người. Là người trực tiếp phụ trách các thiết bị y tế, bao gồm máy lọc nước RO, hai bị cáo đã không làm tròn trách nhiệm trong việc xây dựng quy trình quản lý, bảo dưỡng các thiết bị này, khiến trong một thời gian dài các máy lọc nước RO được đem vào sử dụng ngay sau khi sục rửa, dù chưa tiến hành xét nghiệm chất lượng nước.
_ Trần Văn Sơn nhận 42 tháng tù, vì trách nhiệm đã nêu.
_ Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch công ty Thiên Sơn, nhận 30 tháng tù, do không làm tròn trách nhiệm khi để Quốc tự ý mua nguyên vật liệu sửa máy.
Bên cạnh đó, có 2 bị cáo bị tuyên án vì tội "Vô ý làm chết người", là Bùi Mạnh Quốc và Hoàng Công Lương. Tòa cho rằng dù theo quy chế của khoa lọc máu, ông Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước, thì với tư cách một bác sĩ được đào tạo chuyên môn và có chứng chỉ hành nghề, ông vẫn phải biết tầm quan trọng của chất lượng nước đối với việc chạy thận. Vì vậy, khi ông Lương đưa máy lọc nước vào sử dụng dù chưa được ai bàn giao, chưa biết chắc hệ thống đã đảm bảo an toàn, tòa kết luận rằng ông đã "cẩu thả, làm việc theo thói quen và tự tin vào kinh nghiệm của bản thân".
Tại tòa và trước dư luận, 10 luật sư đại diện cho ông Lương đã đưa ra 2 luận điểm bào chữa.
Thứ nhất, họ cho rằng ông Lương không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước chạy thận, vì theo Quy chế Bệnh viên do Bộ Y tế ban hành năm 1997, thì bác sĩ chạy thận không có trách nhiệm giám sát nguồn nước hay lo về văn bản, giấy tờ.
Thứ hai, họ cho rằng biên bản kiểm tra chất lượng thiết bị mà 3 ông Thắng, Sơn và Lương cùng ký vào ngày 20/04/2017 đã bị sửa để buộc tội ông Lương. Cụ thể, đó vốn là biên bản sửa chữa máy lọc nước RO số 1, chứ không phải máy số 2 như Viện Kiểm sát khẳng định.
Khi tranh luận trước tòa, đại diện của Viện Kiểm sát trả lời rằng cần tiếp tục điều tra để biết biên bản ngày 20/04/2017 có bị làm giả hay không. Tuy nhiên, kết quả điều tra không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án, vì dù sao ông Lương cũng thừa nhận rằng ông là người đề xuất sửa chữa máy lọc nước RO số 2, và ông biết máy được sửa vào ngày 28/05/2017.
Khoảng tháng 04/2018, gia đình Hoàng Công Lương và nhiều người trong ngành Y đã phát động một chiến dịch lớn để kêu gọi cộng đồng ký tên ủng hộ ông. Đến giữa tháng 12/2018, họ thu được 16 nghìn chữ ký giấy và 20 nghìn chữ ký điện tử, bao gồm chữ ký của gia đình 18 bệnh nhân bị tử vong hoặc ảnh hưởng. Ngoài ra, họ cũng sắp xếp để gia đình số bệnh nhân này tặng hoa cho ông Lương trước ống kính phóng viên. Nhờ các hoạt động truyền thông rầm rộ đó, trong 2 tuần diễn ra phiên tòa, dư luận ủng hộ ông Lương đã nổi lên một cách gay gắt. Ngoài việc nhắc lại 2 lập luận của luật sư bào chữa, luồng dư luận này cũng có một số biểu hiện cực đoan. Chẳng hạn, bác sĩ Phan Xuân Trung viết trên Facebook rằng "Từ nay tôi từ chối khám chữa bệnh cho bất cứ ai trong ngành tư pháp Việt Nam cho đến khi bác sĩ Hoàng Công Lương được tuyên vô tội". Nick Nha khoa Vũ Anh, tự xưng là Chủ nhiệm Bộ môn tại Bệnh viện 103 - Học viện Quân y, viết trên Facebook rằng "Tất cả nhân viên ngành Y hãy để cho bọn Kiểm sát viên và Tòa án tỉnh Hòa Bình chết trong bệnh tật, đừng cứu chúng". Nick Vũ Thị Đà, "học bác sĩ Nội-nhi tổng quát tại Đại học Y Thái Bình", đã comment rằng "Sự ngu dốt và thất đức của mày sẽ phải trả giá bằng tính mạng con mày" khi thấy một người trong ngành Y ủng hộ việc ông Lương phải chịu trách nhiệm hình sự... Theo một bài viết trên RFA tiếng Việt, thì nhiều bác sĩ khác cũng công khai đe dọa rằng họ sẽ không chữa bệnh cho những người không nghĩ Hoàng Công Lương vô tội. Họ chụp mũ những người bất đồng là "người nhà của công an, viện kiểm sát, tòa án TP Hòa Bình", là "ăn tiền của phe bên kia để cố đẩy bác sĩ Hoàng Công Lương vào tù", là "có hận thù cá nhân với bác sĩ Hoàng Công Lương", hoặc "không làm trong ngành y mới có thể suy nghĩ như vậy".
Trong tuần qua, các tổ chức, cá nhân chống đối đã đồng loạt hùa theo bên bào chữa và luồng dư luận cực đoan vừa nêu, để tuyên truyền rằng tòa án Việt Nam "không có công lý". Để củng cố cho thông điệp này, Trương Huy San so sánh việc Hoàng Công Lương lĩnh 42 tháng tù với việc hai cựu Thứ trưởng Bộ Công an chỉ lĩnh 30 và 36 tháng tù trong vụ "Vũ Nhôm", lại được đón bởi "xe sang" sau khi ra khỏi tòa án. Bài của San được 12 nghìn lượt Like và 2,8 nghìn lượt Share.
Ở chiều ngược lại, cũng có một phần nhỏ của dư luận phi chính thống cho rằng kết luận của Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình có phần hợp lý. Chẳng hạn, trên blog RFA, Nguyễn Trang Nhung lưu ý rằng lỗi "vô ý do cẩu thả" trong khoa học hình sự được xác định dựa vào 2 điều kiện. Thứ nhất, người phạm tội phải thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, do các quy tắc về sự thận trọng trong đời sống, nghề nghiệp, chuyên môn... Thứ hai, trong hoàn cảnh của vụ việc và với khả năng cá nhân, người phạm tội có thể thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Vì trong hoàn cảnh của vụ việc, bác sĩ Hoàng Công Lương vừa biết rõ rằng máy lọc nước RO được sửa chỉ 1 ngày trước ngày chạy thận; vừa có lý do và năng lực để hành động một cách thận trọng hơn (dựa trên những gì đã được học và nguyên tắc của nghề Y), tòa có lý do để kết luận rằng ông Lương phạm tội "vô ý do cẩu thả".
Trên Facebook cá nhân, Trang Nhung cũng phàn nàn rằng những người ủng hộ bác sĩ Hoàng Công Lương đang xâm phạm quyền tự do ngôn luận khi nguyền rủa, đe dọa những người khác chính kiến.
Sau khi xem xét, chúng tôi xin đưa ra 3 nhận xét về vụ việc này.
Thứ nhất, chúng tôi đồng ý với quan điểm của Nguyễn Trang Nhung, rằng tòa có lý do để khép ông Lương vào tội "vô ý làm chết người". Vì ông Lương biết rằng máy lọc nước RO được sửa vào ngày 28, và thợ sửa không có văn bản bàn giao, ông phải biết rằng máy chưa được xét nghiệm độ an toàn trước khi đem vào sử dụng vào ngày 29. Mặt khác, là một bác sĩ chuyên khoa đã được đào tạo, ông phải biết rằng chất lượng nước chạy thận rất quan trọng với sức khỏe của bệnh nhân, dù vấn đề này có hay không được nêu trong quy trình. Như vậy, ông cũng nằm trong số những người vô ý gây ra vụ việc vì hành xử cẩu thả.
Thứ hai, chúng tôi tin rằng khi các bác sĩ ủng hộ Hoàng Công Lương dọa không chữa bệnh cho gia đình của những người trong ngành tư pháp và những người tin rằng ông Lương có tội, để tìm cách tác động vào quyết định của tòa, họ đang đe dọa sự độc lập, công tâm của tòa án và xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Bên cạnh đó, họ cũng không làm tròn trách nhiệm của người bác sĩ, được quy định bởi pháp luật và đạo đức nghề Y.
Thứ ba, theo nguyên tắc tố tụng, tòa án không thể khép tội tham nhũng cho 2 cựu Thứ trưởng Bộ Công an, trừ phi có đủ bằng chứng vững chắc để khẳng định rằng họ phạm tội này. Khi Trương Huy San tung ra một "thuyết âm mưu" không có bằng chứng cụ thể để ám chỉ họ có tội và tòa xử sai, San có thể bị kiện vì tội vu cáo.
LP.
P/S: Tôi định xoá các còm mạt sát tôi nhằm bảo vệ BS Lương bằng cảm tính, không dựa trên các luận cứ pháp lý,... Nhưng thôi, vì phần lớn họ xuất thân từ ngành Y, cái nghề mà tôi ước mơ từ nhỏ,... Đôi khi cũng phải cảm tính vậy).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét