Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

BỆNH KHẨU HIỆU!

Bệnh khẩu hiệu!

Đọc bài viết ‘Phía sau câu khẩu hiệu’ đăng trên Thanh Niên, tôi thực sự muốn nói rộng hơn về đề tài này, về một ‘căn bệnh’ mà người mắc không nhận thấy.

Một kiểu khẩu hiệu vô tác dụng - Ảnh: Lê Thanh

Khẩu hiệu, tiếng Anh là slogan. Hiểu nôm na, “khẩu” là miệng, “hiệu” là hiệu triệu, kêu gọi. Nghĩa là những câu ngắn gọn, dễ nhớ nhằm kêu gọi mọi người thực hiện. Thực tế ở xứ ta thì không phải vậy. Khẩu hiệu đang bị lạm dụng, hô hào là chính, chẳng mấy ai thực hiện. Thế mới có thành ngữ “Chỉ hô khẩu hiệu suông”.

Trước đây, Trung Quốc là cường quốc khẩu hiệu số 1 thế giới. Trung Quốc bây giờ đổi mới, họ nhường lại vị trí quán quân choTriều Tiên và Việt Nam thống lĩnh. Lại thêm một cái “nhất” khác thiên hạ nhưng không dám tự hào. Ở đây, tôi chưa dám bàn về những khẩu hiệu kỳ cục kiểu “Tích cực chữa cháy” (phải có cháy nhiều), “Nhiệt liệt chào mừng ngày Thương binh Liệt sĩ” (ngày buồn thương), “Cấm không được…” (phủ định của phủ định là xác định)…

Hơn thế, nhiều khẩu hiệu ở Việt Nam còn mang ý nghĩa tiêu cực. Ví dụ: Cấm đái bậy, xả rác hoặc khạc nhổ chỉ kích thích hành động . “Cấm mại dâm” nghĩa là tại đây có, chẳng cần tìm đâu xa ...

Các nước đều có khẩu hiệu hành động nhưng đơn giản và không bị lạm dụng. Trong công xưởng, thường có khẩu hiệu “Safety first” (An toàn là trước hết, là số 1). Khi đền Preah Vihear bị tranh chấp, Campuchia có pano ảnh đền thờ và khẩu hiệu khẳng định bên dưới “Preah Vihear là của chúng ta”. Khi tổ quốc lâm nguy, nhiều nước cũng giương cao khẩu hiệu “Tổ quốc hay là chết”. Du khách thường gặp các biển hiệu cấm chứ không có khẩu hiệu, đặc biệt là những khẩu hiệu mang ý nghĩ chủ quan và tinh thần, dài lằng ngoằng như Việt Nam.

Ở Úc và nhiều nước khác, treo những khẩu hiệu kiểu đó có thể bị phạt vì vi phạm không gian đô thị, làm phân tâm người đi đường, nhất là lái xe. Việt Nam thường dùng khẩu hiệu, băng rôn như một phương thức tuyên truyền. Tuy nhiên, hoạt động này thực ra cũng là một dạng quảng cáo. Mà ở nước ngoài, quảng cáo có luật riêng, không phải lúc nào và chỗ nào cũng quảng cáo được.

Ở Triều Tiên, khẩu hiệu được ban hành từ cơ quan chuyên trách của trung ương, thống nhất cả nước. Vừa rồi, báo chí đưa tin, nhà nước Triều Tiên đã biên soạn 310 khẩu hiệu mới. Danh sách khẩu hiệu dày đặc này rất đa dạng, từ những câu ca ngợi người cầm quyền cho tới việc trồng rau. Nhưng so ra thì Việt Nam còn vượt Triều Tiên về mặt này. Thứ nhất, chuyện này ở Việt Nam có vẻ “dân chủ” hơn. Ai cũng có thể nghĩ ra khẩu hiệu và treo khẩu hiệu, từ xã phường đến các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị nhà nước hay tư nhân... Thứ hai, không ai có thể thống kê được có bao nhiêu khẩu hiệu đang hiện diện khắp mọi nơi chốn, được thay đổi thường xuyên và chăm chỉ.

Thế nên mới có lắm chuyện buồn cười. Từ ngữ pháp đến chính tả, từ nội dung đến cách trình bày khẩu hiệu ở xứ mình chẳng giống ai. Báo chí và dư luận xã hội đã tốn khá nhiều giấy mực vì chuyện này nhưng tình hình thì vẫn cứ… tình hình như thế. Chỗ nào cũng treo, dán, viết khẩu hiệu được. Khẩu hiệu tràn lan khắp nơi, từ cột điện, cây xanh, đường phố, tường rào đến cổng cơ quan…

Các bạn nước ngoài nhận xét, bệnh “nghiện” khẩu hiệu này không có ở các nước tư bản, dù kinh tế thị trường cạnh tranh rất khốc liệt. Với họ, luật là bắt buộc, là nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân. Ở những nơi mà mọi người “sống và làm việc theo pháp luật”, không có kiểu kêu gọi, vận động, thuyết phục chung chung. Lạm phát khẩu hiệu là thể hiện sự bất lực trong quản lý. Lạm dụng khẩu hiệu là để xoa dịu nỗi bất an về trách nhiệm, để “tự sướng” với nhau và che đậy sự yếu kém trước nhiều vấn nạn xã hội… Có người bảo, làm không được thì phải nói bù vào, kể cả khẩu hiệu. Làm tốt thì cần gì khẩu hiệu.

Trung Quốc cho rằng những khẩu hiệu một thời tràn ngập là lực cản cải cách kinh tế. Giải phóng được khẩu hiệu là cởi bỏ gánh nặng và kinh tế Trung Quốc đã tăng tốc thần kỳ.

Tôi từng đem chuyện này trao đổi, có mấy vị lãnh đạo bảo: “Chuyện nhỏ, đất nước còn bao nhiêu chuyện lớn lao phải làm”. Ừ, chuyện nhỏ thật nhưng thể hiện bộ mặt của đất nước, là văn hóa của dân tộc. Chuyện nhỏ mà không sửa được thì đừng mơ thay đổi chuyện lớn.

Chữa bệnh này không tốn nhiều tiền, chủ yếu là nhận thức và tư duy của lãnh đạo. Bệnh đang ngày càng nặng thêm, coi chừng thành nan y thì hết thuốc chữa.

Quỳnh Vân*

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một kiều bào sống tại Sidney, Úc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét