Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

Đề tài sớm cho ngày 21/6: BÁO CHÍ GIẺ RÁCH

Thủy Cúc (*)

Chưa khi nào báo chí xuống tới mức mạt hạng như hiện nay, chắc không cần nhắc lại ở đây. Những bài “nổi bật” mà tôi nhớ được là Người mẫu bán dâm hiện giờ ra sao, Hoa hậu lừa đảo đã từng gõ cửa phòng Giám khảo, bác sĩ từ chối mổ cấp cứu vì biết bệnh nhân là nhà báo, loạt bài về bà Trần Lệ Xuân,…

Hôm thứ Bảy, 28/3/2015, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA - nơi tôi làm việc ) tổ chức buổi nói chuyện đề tài “Giải quyết khiếu nại của khách hàng : Sao cho hợp luật hợp tình”. Trong buổi nói chuyện, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ sự sợ hãi báo chí.

Một số luật sư cũng cho biết trong quá trình Giải quyết khiếu nại khách hàng tại Hội bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng, chuyện nhà báo xuất hiện, “đứng về phía” người khiếu nại để hăm dọa, tống tiền doanh nghiệp… là chuyện thường gặp. Thậm chí , có cả chuyện “tống tiền tập thể” , cả BBT cùng tham gia.

Trong những buổi làm việc khác với doanh nghiệp, tôi cũng được nghe nhiều về sự nhũng nhiễu của những nhà báo, đến từ những tờ báo có cái tên rất kêu nhưng quanh năm suốt tháng chẳng thấy có bài viết nào cho ra hồn. Có giám đốc phải “đánh dấu” tên của những nhà báo loại này; có giám đốc truyền đạt kinh nghiệm, thủ thuật né tránh nhà báo hội thảo,; có giám đốc nói một tháng nhận hàng trăm cuộc gọi xin quảng cáo, nhà báo tới gặp xấc xuợc, hù dọa, khoe khoang quen anh Ba, chị Tư, chú Bảy, cô Tám ...

Từ lâu tôi đã nhận ra, từ vị trí được người dân tin tưởng – đến mức quá đáng, báo chí nói chung đã đi đến chỗ bị coi thường, khinh bỉ. “Bị coi thường”, có khi không hẳn lỗi 100% do báo chí nhưng “bị khinh bỉ” thì không chạy tội đâu cho được. Nhà báo, tờ báo có thể không được viết, được đăng những điều nên viết và phải viết (và có thể được thông cảm), nhưng tự nguyện viết/ cho đăng những điều mà chính bản thân mình thấy không đúng, không ngữi được thì phân trần vào đâu?

Tôi cũng nhận ra bây giờ người ta sợ báo chí là sợ bị dây với đám kền kền, với kẻ tiểu nhân , chớ không phải là nổi sợ bị phanh phui tiêu cực như đã từng có một thời ngày trước

Việc những nhà báo, tờ báo đàng hoàng lên tiếng về tình trạng báo chí như giẻ rách này không chỉ là nghĩa vụ với xã hội mà còn vì sự sống còn của các bạn. Các bạn làm sen giữa bùn? Được thôi, nhưng nếu vũng bùn quá ngập ngụa, hôi thúi và đầy độc chất, ai thuởng lãm được sen? Các bạn đừng chờ tới lúc đi đâu cũng nghe thiên hạ nói câu “Anh chị xyz đó là nhà báo nhưng tử tế”
------------
TB: Sực nhớ ông bà xưa có câu “Giẻ rách cũng đỡ móng tay” nên viết thêm phần “TB” này . Đúng là giẻ rách cũng có lúc hữu dụng nhưng bốc mùi và dơ lắm lắm

-----------------------

* Thủy Cúc là nhà báo đang sống và làm việc tại TP.HCM, có thời gian công tác trên 20 năm tại báo Tuổi Trẻ. Từng là Biên tập viên phụ trách trang Pháp luật báo Tuổi Trẻ nhiều năm gần đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét