"We are one" – Thêm một phong trào dân chủ giả hiệu
Thời gian gần đây, xuất hiện “chiến dịch” Vận động nhân quyền, tự do, dân chủ cho Việt Nam năm 2015 (2015 human rights, freedom, demoracy for Viet Nam campaign) với khẩu hiệu “We are one” (chúng ta là một). Mục tiêu của “chiến dịch” là sưu tầm đủ 100.000 chữ ký bằng cách đăng nhập vào trang web www.nhanquyen2015.net. Khi đã đủ 100.000 chữ ký, những người đứng đầu phong trào này kêu gọi những người đã ký ủng hộ, rời bỏ bàn phím, xuống đường biểu tình đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam!
Thực sự, tôi sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, mang hai dòng máu Việt – Mỹ. Ba tôi sang đây lập nghiệp từ trước những năm 1975. Mặc dù, xa quê nhưng gia đình tôi luôn theo dõi sự phát triển của Việt Nam, xem quê hương đổi mới từng ngày. Trước đây, khi kinh tế gia đình chưa có điều kiện, khi Internet chưa phát triển, chúng tôi thường xuyên đóng góp cho những phong trào tự xưng là đòi tự do, dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Họ tuyên truyền cho chúng tôi một hình ảnh Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu, người dân bị đàn áp dã man về mọi mặt, không có tự do dân chủ. Chính vì thế tôi đã chọn học ngành Khoa học Chính trị, với mong ước mang cái gì đó tốt đẹp cho quê hương. Nhưng khi tôi càng học, càng lớn lên, tôi nhận thấy những “phong trào, chiến dịch” đó, không mang lại một lợi ích nào cho nhân dân Việt Nam, thực chất đó là phương tiện kiếm sống của một nhóm người. Khi mâu thuẫn về lợi ích, ăn chia không đồng đều, thì họ nói xấu nhau, bôi nhọ, hạ bệ nhau mà những người này toàn những bậc cha, chú. Họ hưởng welfare (phúc lợi xã hội) không đủ, khi nào thiếu tiền thì họ sẵn sàng hùa theo để kiếm ít tiền tiêu vặt.
Giữa năm 2014 vừa rồi, có một nhóm người vận động đóng một con tàu ra Trường Sa để khẳng định chủ quyền, phản đối Trung Quốc. Nhưng khi nghe toàn bộ những luận điệu của họ, tất cả những người có hiểu biết đều khẳng định, họ bị hoang tưởng về mặt chính trị, hoặc tìm cách đánh bóng tên tuổi mình để kiếm chút tiền hỗ trợ từ những chương trình tuyên truyền của Chính phủ Mỹ.
Đối với đa số bà con Việt kiều ở Mỹ đều đã chán ngán với tất cả những gì họ làm, chúng tôi không còn muốn đóng tiền cho những “dự án, phong trào” trên mây nữa! Tất cả đều là giả hiệu! Chính những người tự xưng là “dân chủ chính hiệu” như Phạm Văn Hải, Lê Công Định qua đây thời gian đầu còn được tiền hô, hậu ủng nhưng khi miếng bánh lợi ích không được như cũ thì tất nhiên, trong chính trị, ma mới phải im lặng và dần mất tiếng! Khi nào cần tiền họ sẽ viết bài, hoặc khi nào có một vấn đề gì đó xảy ra trong nước, các đài truyền hình của người Việt ở bên này “đoái hoài” đến họ thì sẽ cho họ một cuộc phỏng vấn! Nhưng cũng chẳng trúng trật vào đâu.
Quay trở lại chiến dịch “Vận động nhân quyền, tự do, dân chủ cho Việt Nam năm 2015”, điểm qua những cá nhân, những tổ chức tự xưng tham gia phong trào này đều là “những gương mặt thân quen” như Mạng lưới blogger Việt Nam, Hội Bầu Bí tương thân, Bauxit Việt Nam, Dân làm báo, Diễn đàn xã hội dân sự, Câu lạc bộ nhà báo Tự do…, Nguyễn Quang A, Huỳnh Ngọc Chênh, Lê Công Định, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Văn Hải…v.v. Thực ra, tên hội thì nhiều nhưng hội viên thì cũng chỉ có một số người đó. Còn có một số người ghi tên và địa chỉ ở nước ngoài, thực chất là tên giả địa chỉ thật, nhưng không phải người đó tham gia, hoặc tên thật địa chỉ giả, hỏi ra cũng không phải người đó tham gia! Và chắc chắn kết cục của “chiến dịch” này cũng giống như các phong trào trước đây, cũng chỉ có nhiêu đó người, lên Internet tung ra “chiến dịch” rồi tự chìm nghỉm và rơi vào quên lãng. Nhưng mục đích của những người này có thể chỉ để kiếm một chút ít từ tiền tài trợ từ các chiến dịch tuyên truyền của Chính phủ Mỹ, hoặc đánh bóng tên tuổi mình, hoang tưởng về mặt chính trị. Tiếc thay, có vẫn có một số bạn Việt Nam trẻ tuổi tiếp nhận thông tin một chiều, thiếu khách quan, vội vã kết luận mà đi ngược lại con đường phát triển của đất nước.
Theo sự phát triển, bất kỳ quốc gia nào đều có hai mặt, những việc chưa làm được và làm được. Nếu như, các nhà “dân chủ” ở Việt Nam hay lấy hình mẫu tự do, dân chủ kiểu Mỹ thì Mỹ cũng có pháp luật, và mọi thứ đều trong khuôn khổ của pháp luật. Hơn nữa, tại Mỹ hay bất kỳ đâu ở châu Âu, luôn có những thành phố bị bỏ hoang sau một thời gian phát triển thịnh vượng vì nó không còn có tác dụng kiếm ra tiền cho các ông chủ dầu mỏ, khai khoáng. Năm 2014, cử tri ở thị trấn nhỏ Cormorant bang Minnesota bầu chú chó Duke 7 tuổi làm thị trưởng; thành phố Hampton bang Florida đứng trước nguy cơ biến mất mãi vì tham nhũng; rồi những thanh niên da đen bị cảnh sát đánh, bắn chết không vì bất kỳ lý do nào…, da đen và da vàng chỉ là sắc dân thứ 2, thứ 3. Như vậy, dân chủ kiểu Mỹ luôn có hai mặt, khuyến khích người ta nói, phát triển cá nhân nhưng tự mọi người phải biết điều đó luôn nằm trong pháp luật. Hơn nữa, dân chủ kiểu Mỹ cũng chứa đựng trong nó những điều “bất ngờ bật ngửa” mà không có nơi nào có.
Việt Nam mấy ngày gần dây, xảy ra hai vụ việc thu hút sự chú ý của là chặt 6.700 cây ở Hà Nội, lấp sông Đồng Nai làm dự án xây nhà cao tầng. Thế là được dịp, các nhà dân chủ tự xưng lu loa lên. Nhưng nếu như bình tĩnh thì có thể nhận thấy, bất kỳ quốc gia đang phát triển nào cũng đều mắc phải những vấn đề khó khăn nhất thời, điều quan trọng là nhận thấy và khắc phục, không mắc phải sai lầm nữa. Trong dịp Tết Ất Mùi vừa rồi, tôi có về Việt Nam, đi về Bến Tre, Cà Mau. Trái ngược với lời kể của ba tôi lúc trước là những căn nhà lụp xụp, ánh đèn dầu leo lét, là những con đường quê lát beton, những mái ngói đỏ, tất nhiên vẫn còn đó những khó khăn, vất vả nhưng tất cả đều tin vào một tương lai tốt hơn. Mong rằng, với nhận thức của mình, các bạn trẻ tại Việt Nam, những người bằng lứa sinh viên năm thứ 3 như tôi hiểu, biết, nhận thức được một cách khách quan. Và một ngày kia, tôi sẽ về Việt Nam làm việc, cống hiến cho quê hương là điều tôi mong ước.
Hoàng Ly (viết từ California)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét