Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

PHỤ NỮ TRONG MẮT TÔI

Tên bài nguyên bản là: Muôn mặt phụ nữ

Với tôi, cho dù đúng như truyền thuyết phụ nữ có mang đến mọi tai họa trên đời này đi nữa thì họ vẫn là đồng hành không thể tách rời của đàn ông chúng tôi.
Sự ra đời của đàn bà trên trái đất

Theo thần thoại Hy Lạp, người phụ nữ đầu tiên trên trái đất này là nàng Pandore, được tạo ra theo lệnh vị thần tối cao, thần Zeus, để trả thù thần Prometheo đã quá yêu quí con người hạ giới mà trộm lửa thiêng mang xuống trần khiến đời sống của họ sung sướng chả kém cạnh các vị thần trên đỉnh Olympus. Vị thần Thợ Rèn danh tiếng Hephaistos tài ba lấy đất và nước nhào nặn ra 1 người đàn bà phỏng theo hình dáng diễm lệ của các vị nữ thần và đương nhiên nàng vô cùng xinh đẹp. Hephaistos còn ban cho nàng tiếng nói thánh thót như chim, sức sống bừng bừng, rạo rực như ngọn lửa lò rèn trong một thân hình mềm mại như sóng biển, uyển chuyển như loài dây leo và sáng ngời như trăng rằm, long lanh như sương buổi sớm mai. Nữ thần Athena ban cho nàng chiếc thắt lưng xinh đẹp của mình và một tấm áo dài trắng muốt. Nữ thần Sắc đẹp và Tình yêu Aphrodite ban cho cô gái vẻ đẹp duyên dáng, dục vọng đắm say và sự khêu gợi thầm kín... Cô gái còn nhận được rất nhiều tặng vật quí giá của các vị thần khác.

Nhưng có một tặng vật rất đặc biệt nàng được vị thần thông minh, lanh lợi nhưng còn có tên là vị thần Trộm cắp, thần Hermes, ban cho ngoài khả năng ăn nói tế nhị, dịu dàng có thể cám dỗ xiêu lòng người khác và khả năng che dấu ý nghĩ thật của mình, nghĩ một đàng, nói một nẻo- đó là sự không trung thực, thói xảo trá, ỏn thót, điêu ngoa.

Tên của ngươì đàn bà được đặt là Pandore có nghĩa là có đủ mọi tài năng. Mà đúng thế, các vị thần đã ban cho nàng tất cả những gì hay nhất. Từ nàng Pandore sẽ sinh sản ra giống đàn bà, một loại độc hại cho đàn ông mà họ không sao dứt bỏ được. Vì theo sáng tạo của các thần, đàn bà là giống không chịu được vất vả nhọc nhằn, nghèo túng và khó khăn mà chỉ sinh ra để sống trong an nhàn, sung túc và hưởng thụ kết quả lao động khó nhọc của đàn ông, cũng như mang lại bao điều đau khổ, phiền não trong chuyện hôn nhân, gia đình...

Xong đâu đấy, thần Hermes mang nàng Pandore xuống trần để làm vợ chàng Epimethee nhằm sinh sôi ra loài người. Thần Zeus còn trao cho Pandore 1 cái chum lớn và dặn nàng không bao giờ được mở ra xem.

Khỏi phải nói cũng biết chàng Epimethee sung sướng thế nào khi có nàng Pandore làm bạn đời. Chàng bối rối, đờ đẫn cả ra trước sắc đẹp và sự thông minh, duyên dáng của nàng. Họ sống với nhau hạnh phúc vô bờ cho đến một ngày vì sự tò mò quá đỗi mà nàng Pandore không thể kìm được mà mở cái chum của thần Zeus ban cho ra xem. Một cơn gió lốc từ đáy chum cuốn lên, bay ra ngoài làm nàng tối tăm mặt mũi.

Những cái gì đã bay ra ngoài? Đó là những hạt giống của mọi thứ tai họa như: Chiến tranh, đói khổ, trộm cắp, lừa đảo, phản bội, dối trá, ghen tị, thù hằn, ức hiếp, bạo lực, keo kiệt... bệnh tật, dịch tả, thương hàn, dịch hạt, sốt rét.. lũ lụt, động đất, núi lửa phun.. Tóm lại là mọi thứ xấu xa nhất. Hoảng hốt, nàng vội đậy nắp chum lại nhưng hỡi ôi, tất cả những hạt giống độc hại mà thần Zeus đã bỏ vào kia đã thoát ra ngoài, sinh sôi, nảy mầm khắp nơi khiến đời sống loài người không còn được sung sướng như trước nữa.

Đàn bà nuôi hy vọng

Tuy nhiên, may cho loài người, trong đáy chum còn sót 1 hạt giống mà thần Zeus cũng bỏ lẫn vào, đó là hạt giống Hy vọng. Nên nhờ đó mà loài người có thể đương đầu được với bao điều tai họa kia.

Ngày nay, trong văn học thế giới, thành ngữ "Cái chum của Pandore" hoặc "Cái hộp của Pandore" chỉ một sự việc, sự vật mà bên ngoài hào nhoáng đẹp đẽ nhưng bên trong lại xấu xa, độc ác.

Đấy là theo Thần thoại Hy Lạp kể. Nhiều bạn nữ có lẽ sẽ hơi bất bình về đoạn sau của câu chuyện ở trên. Với tôi, cho dù đúng như truyền thuyết- phụ nữ có mang đến mọi tai họa trên đời này đi nữa thì họ vẫn là đồng hành không thể tách rời của đàn ông chúng tôi. Các bạn nắm trong tay Hạt giống Hy vọng khiến cuộc sống này còn có tương lai tươi sáng để con người hướng đến.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), mời độc giả cùng thưởng thức bộ ảnh "Muôn mặt phụ nữ" để đồng cảm hơn với những số phận bi thương của "một nửa thế giới":


Một người phụ nữ đang đợi đến giờ mở cửa để vào Khu xử lý rác thải Nam Sơm, Sóc Sơn, Hà Nội. Hàng đêm có hàng trăm người, chủ yếu là phụ nữ đến đây nhặt nhạnh rác, phân loại rồi bán mưu sinh. Họ làm việc từ 10h đêm hôm trước đến tậm 5-6h sáng ngày hôm sau. (11/2005)


Một người phụ nữ người Mông đang ngồi cho người buôn cắt tóc của mình ở chợ phiên Sà Phìn- Đồng Văn, Hà Giang. Ở những vùng núi cao phía Bắc, mùa giáp hạt sau Tết là mùa đói, mùa khó khăn đối với bà con dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, ở những chợ hẻo lánh thế này xuất hiện nhiều người thu mua tóc của phụ nữ dân tộc rồi mang về xuôi bán cho những chị em phụ nữ có nhu cầu nối tóc làm đẹp. (04/2012)

Một bà mẹ đang cho con mình và cả con hàng xóm bú- Cán Tỷ, Quản Bạ, Hà Giang- 2012


Cụ già ở Tây Tựu, Từ Liêm, Hà Nội đang gánh rau ra chợ Cầu Diễn, cách nhà 3km để bán- 03/2006


Một người phụ nữ Mông đợi chồng đang ngủ vì say rượu sau phiên chợ ở vùng cao Phố Cáo- Đồng Văn- Hà Giang- 2007


Một bà mẹ đang đợi con thi đại học phía ngoài điểm thi được tổ chức tại trường PTTH Việt Đức, Hà Nội- 07/2006


Bác sĩ Nguyễn Thị Yên- Viện Vệ sinh dịch Tễ TW đang cho muỗi andes ăn máu trong khi nghiên cứu sản sinh ra loại muỗi andes sạch không truyền bệnh sốt xuất huyết để thay thế muỗi trong tự nhiên. Bác sĩ Yên đã nghiên cứu về muỗi và làm công việc cho muỗi ăn gần như mỗi ngày trong suốt gần 35 năm qua- 08/2013


Hai người phụ nữ đang cãi nhau trong khi anh chồng của một người hết sức can ngăn- Hội An, Quảng Nam- 2009


Những người phụ nữ ở Hải Lý- hải Hậu- Nam Định đang cân cá để thu mua vào buổi sáng sớm, khi những tàu cá vừa cập bến- 01/2012


Những nữ CSGT đang duyệt binh trên quảng trường Ba Đình nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội (10/2010)


Một phụ nữ bán hàng rong đang tranh thủ chợp mắt buổi trưa trên phố Phan Bội Châu- Hà Nội- 2011


Các bé gái đang tập múa trong một lớp tổ chức tại Nhà hát Ca múa Nhạc Việt Nam- 2009


Một bà mẹ phạm nhân đang tập đi cho con tại khu nhà trẻ dành cho các em bé là con của các phạm nhân- Yên Định- Thanh Hóa- 2006


"Mặt trời của mẹ..." - Sơn La - 2011


3 mẹ con đi làm đồng về- Tiền Phong, Mê Linh, Vĩnh Phúc- 2005


Chị Hợi, thợ làm gạch ở Hương Canh, Vĩnh Phúc với nụ cười hồn nhiên trong khi vẫn đang làm một công việc hết sức ô nhiễm, vất vả- 06/2005


Một bé gái xách hộ bạn chai nước khi 2 bé cùng đi học mẫu giáo về- Mán Sài Lương, Yên Bái - 2010.


Một bà mẹ người Dao vừa cõng con vừa kéo bó tre lên dốc- Y Tý, Bát Xát, Lào Cai- 2008

Na Sơn (Depplus.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét