Lý giải dân đang nghèo, sao trụ sở nguy nga thế?
(Tin tức thời sự) - Làm sao để có dự án. Xây, phá đều có tiền. Có tiền thì phải giải ngân. Vòng xoáy cứ như vậy và hiệu quả xã hội thì không thấy đâu.
GS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia đã lý giải về vòng xoáy của việc không giảm được biên chế vì nhiều việc và nhiều cán bộ nên phải xây trụ sở nguy nga.
Xây và phá người được tiền, dân mất tiền
GS Tri chia sẻ, cá nhân ông từng đi thăm quan ở nhiều nước thấy các nước cân nhắc rất kỹ về việc xây dựng trụ sở mới.
Theo ông, ở Pháp, hầu như không xây dựng trụ sở mới. Hay như Berlin (Đức), cũng gần như không thay đổi. Người dân gần như không quan hệ với các bộ, sở mà chỉ quan hệ với quận huyện nên các nước tìm mọi cách để tiết kiệm cao nhất trong việc xây dựng trụ sở.
Ngược lại, ở Việt Nam, nói như Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước rằng: ông đi nhiều nơi thấy nhiều tỉnh nghiêm túc trong xây trụ sở, nhưng không ít tỉnh xây trụ sở như cung điện, như địa điểm để du lịch.
Và ông Phước cũng nói thẳng: “Dân mình đang nghèo tại sao mình làm to như thế?".
Lý giải điều này, đại biểu QH Nguyễn Văn Hiến, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chia sẻ: “Thực sự các cơ quan công quyền đang quá tải, nhiều việc, nhiều người quá chứ không phải trụ sở cao, to rồi để trống!".
Trụ sở hoành tráng vì nhiều người, nhiều việc?
Thế nhưng lý giải về điều này TS Nguyễn Hữu Tri cho rằng mọi lý do chỉ là để biện hộ bởi thực chất xây mới cũng thu nhập được tiền, phá cũng có tiền.
“Thực chất đây là hình thức dự án. Qua nhiệm kỳ vị nào cũng cố chạy cho mình vài dự án. Có dự án kiểu gì cũng được cắt 10-20%. Cho nên trước đã phá nhiều công trình như trạm máy kéo, nhà văn hóa… thấy rằng phá không biết bao nhiêu tiền của nhân dân”, ông Tri nói.
Theo ông Tri, sở dĩ việc quyết định xây hay phá trụ sở có đặc điểm chung là sử dụng nguồn chi công không đụng chạm đến túi của từng người nên ít phải suy nghĩ. Nhiều dự án đưa ra chỉ để giải ngân. Vừa rồi có nhiều dự án theo kiểu có dự án có tiền còn thực chất hiệu quả không được bao nhiêu.
4 lần tinh giảm, bộ máy tăng gấp đôi?
Theo TS Tri, phải giải quyết gốc rễ của vấn đề nếu không sẽ theo kiểu giật gấu vá vai. Như câu chuyện giảm biên chế, tinh giảm bộ máy thời gian qua đã được thực hiện 4.
“Thế nhưng có một nghịch lý là sau 4 lần sắp xếp tổ chức, tinh giảm biên chế nhưng sau 2-3 năm lại thấy bộ máy tăng gấp đôi. Mỗi đời lãnh đạo lên lại thấy phải thay đổi và bổ sung thêm lực lượng. Nên số người bị thay thì chuyển sang cơ quan khác, còn bổ sung thêm lại là số mới. Và như thế bộ máy phình lên mà không thể kiểm soát”, TS Tri phân tích.
Theo ông, muốn giải quyết vấn đề này phải đi đến gốc rễ cơ bản. Vì vậy nhà nước muốn thực sự giải quyết vấn đề này phải thành lập văn phòng biên chế quốc gia. Văn phòng này định chế cả Đảng, cả Chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội.
“Nếu không ông này bỏ bớt thì lại chuyển sang ông khác. Chuyển từ Chính phủ sang Mặt trận hoặc sang hội này hội kia và cuối cùng tổng cộng lại vẫn là con số lớn”, TS Tri nhấn mạnh.
Thực tế này cũng thể hiện ngay tại Luật cán bộ công chức, tại chương quản lý cán bộ công chức thấy không ai có quyền với ai cả.
“Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế của văn phòng QH và một số cơ quan bên tư pháp; Chủ tịch nước quyết định biên chế của văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ quyết cho các bộ ngành, các cơ quan của Đảng lại có một ban riêng. Như vậy bản thân các đơn vị này không ai có quyền can thiệp nhau và khi ai cũng thấy cơ quan mình là quan trọng không thể giảm người thành ra bộ máy cứ phình ra”, TS Tri chỉ rõ.
Do vậy ông cũng cho rằng việc nhiều trụ sở mới đồng loạt mọc lên với câu chuyện tinh giảm biên chế thực sự có mối liên quan mật thiết với nhau. Thế nhưng nếu không giải quyết tận gốc vấn đề thì khó mà nói tiết kiệm với tinh giảm được.
Bích Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét