Em muốn hỏi một câu: dân mình đã sẵn sàng cho một cuộc chiến với TQ chưa chị?. Cảm ơn Hào Vũ. Đây là câu hỏi Beo thích được trả lời nhất và dành nguyên entry này để trả lời bạn.
***
Để sẵn sàng cho một cuộc chiến, trước hết phải hình dung THẾ TRẬN ấy sẽ ra sao.
Phân tích chiến tranh có 3 yếu tố cơ bản: tài lực, hỏa lực và thế lực. Quan trọng nhất là thế lực vì nó quyết định bao nhiêu hỏa lực cần thiết, rồi mới tới tài lực.
Về tài lực, Trung Quốc dư tiền để kéo dài cuộc chiến tới khi VN cạn kiệt hoàn toàn. Về hỏa lực (tức quân lực- chữ của Beo) không cần so sánh bạn cũng thấy rất rõ hiện chúng ta sau Trung quốc bao nhiêu bậc. Thậm chí cả ý chí tinh thần, chúng ta hun đúc nhiệt huyết bảo vệ đất nước bao nhiêu, thì Trung quốc cũng thừa khả năng hun đúc gấp bội ta.
Về thế lực, tức là vị thế trên thế giới, Beo nhắc lại một câu viết trong entry mới đây: Trước đây, khi các chế độ xã hội đang hoàn thiện, các nước liên minh với nhau để bảo vệ lý tưởng chính trị của mình. Còn thời điểm lịch sử này, đánh nhau chỉ với lý do duy nhất làm giàu mà thôi.
Chính trị thế giới, ai chẳng là bạn của nhau. Quan trọng khi có biến, ai chung thuyền với ai. Từ EU già nua đến rồng phượng châu Á, đương nhiên sẽ đứng thuyền nào có lợi kinh tế cho họ.
***
Trên cơ sở so sánh như thế, nếu cuộc chiến diễn ra, những điều sau sẽ xảy đến:
- Cục diện chiến tranh sẽ không do Việt nam quyết định.
Giống như cuộc chiến 1979, chúng ta không thắng, mà TQ có thấy đáng để tiếp tục hay không.
- Việc bảo vệ chủ quyền giữa 2 quốc gia lân bang ranh giới đúng- sai, đen- trắng không rõ ràng như các cuộc chiến chống xâm lược. Chúng ta không thể mang chính nghĩa của chúng ta ra thuyết phục thế giới. Bằng chứng cho tới giờ này, chưa có bất cứ nước nào thừa nhận những phần TQ xâm chiếm trên quần đảo HS-TS là của VN. Họ chỉ ủng hộ TINH THẦN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG HÒA BÌNH của chúng ta. Mỹ, Nhật đều chung quan điểm và hành xử theo xu hướng ấy.
Điều này đồng nghĩa: chúng ta sẽ đơn thương độc mã nếu dùng đến biện pháp quân sự.
- TQ ko để tình trạng chiến tranh kéo dài. Lịch sử các cuộc chiến lớn, càng kéo dài thì tỉ lệ thắng cho kẻ yếu càng cao bởi, thế lực sẽ giảm theo thời gian.
- Lấy một giả dụ (giả-dụ-không-bao-giờ-có) Mỹ-Nhật-Nga nhảy vào đồng minh với chúng ta trong cuộc chiến. Chúng ta sẽ chiến thắng vẻ vang, toàn dân hân hoan xuống đường hoan hô Phùng tướng quân bỏng tay...
Nhưng sau đó chúng ta trả nợ gì cho Mỹ-Nhật-Nga, nếu không phải lại chính là... biển đông.
Biển Đông khi ấy, cũng có là của chúng ta?
(Có khác chăng là tỷ lệ ăn chia 49/51 thay vì 51/49 như với Tàu).
***
Chúng ta luôn nhắc lại quãng quá khứ oanh liệt chiến thắng giặc Tàu bằng những áng thơ văn hào sảng còn lưu truyền, như một cách hun đúc ý chí cho ngày hôm nay. Nhưng lại thường xuyên quên kể phần triều cống của ông bà ta, ngay sau những trận đánh sạch sanh kình ngạc đó.
Ở bầu thì tròn ở ống thì dài, Tránh voi chẳng xấu mặt nào...không chỉ là những lời răn đơn giản, nó còn là triết lý nhân sinh để gìn giữ hòa bình.
Gìn giữ những tráng đinh khỏe mạnh đẹp đẽ, cho những người mẹ người vợ của họ.
Tướng Thanh đưa Hoa Kỳ và Nhật Bản vào thế việt vị tại Biển Đông
Trả lờiXóaSáng 31/5/2014, tại Hội nghị đối thoại Quốc phòng an ninh châu Á (Shangri La 2014), tướng Phùng Quang Thanh có bài phát biểu bày tỏ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Được biết, bài phát biểu này đã được Bộ Chính trị duyệt đi duyệt lại, cân nhắc từng câu chữ trước khi nhét vào tay cho tướng Thanh mang đi đọc tại Hội nghị trên. Bài phát biểu được cho là có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của Trung Quốc đã khiến Hoa Kỳ và Nhật Bản rơi vào thế việt vị hoàn toàn.
Trong bài phát biểu, tướng Thanh nói: “Quan hệ giữa Việt Nam và nước BẠN láng giềng Trung Quốc (dùng từ BẠN của ngành Tuyên giáo) về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề TRANH CHẤP chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những VA CHẠM gây căng thẳng như sự việc ngày 1/5/2014”.
Trước đó ông ví chuyện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam như mâu thuẫn nội bộ gia đình và cần giải quyết song phương: “Những vấn đề có liên quan đến hai nước thì cần giải quyết SONG PHƯƠNG… Trên thực tế, ngay ở trong quốc gia, hay mỗi gia đình cũng còn có những mâu thuẫn, bất đồng, huống chi là các nước láng giềng với nhau còn tồn tại tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoặc va chạm là điều khó tránh khỏi”.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Shinzo Abe (Nhật Bản) có bài phát biểu rất mạnh mẽ lên án Trung Quốc, bảo vệ Việt Nam và Phillippines. Ông nói: “Nhật bản sẽ hỗ trợ tối đa mọi nỗ lực của các quốc gia Đông Nam Á nhằm bảo vệ an ninh trên biển và trên không… Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam và Phillippines trong bảo vệ lãnh hải”. Đồng thời ông chỉ thẳng ra rằng Trung Quốc là thế lực gây mất ổn định khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Chuck Hagel, bắt đầu bài phát biểu đã cáo buộc ngay Trung Quốc: “Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã ĐƠN PHƯƠNG tiến hành xâm chiếm lãnh hải trên Biển Đông, làm mất ổn định khu vực”. Cuối bài phát biểu, ông ủng hộ Nhật Bản giữ vai trò lớn hơn và tích cực hơn trong khu vực như phát biểu của Thủ tướng Shinzo Abe trước đó.
Thượng nghị sỹ Ben Cardin (Hoa Kỳ) trong bài phát biểu cũng lên án hành động ĐƠN PHƯƠNG của Bắc Kinh dùng giàn khoan xâm phạm vùng biển ngoài khơi Việt Nam. Đáp lại, bà Phó Oánh (đoàn Trung Quốc) tức tối nói: “Hà Nội và Bắc Kinh sẽ tự giải quyết TRANH CHẤP này trên cơ sở song phương. Đây là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi cho rằng ông Ben đừng tự nhảy vào giải quyết vấn đề này hộ chúng tôi
Trong cuộc gặp đoàn Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Hội nghị, tướng Vương Quán Trung (Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ) cũng chỉ trích ông Chuck Hagel về quan điểm của Hoa Kỳ và cho rằng đây là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và VN.
Trả lờiXóaNhư vậy, quan điểm của Phùng Quang Thanh và Phó Oánh, Vương Quán Trung rất tương đồng: đây là vấn đề nội bộ gia đình Việt Nam – Trung Quốc. Phó Oánh dùng từ “tranh chấp” chỉ việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào xâm phạm vùng biển Việt Nam, cố tình lờ đi đây là hành động xâm lược ĐƠN PHƯƠNG. Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng Chuck Hagel và Thượng nghị sỹ Ben Cardin luôn dùng từ ĐƠN PHƯƠNG để lên án hành động xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam. Tướng Thanh lại dùng từ “tranh chấp”, “va chạm” để chỉ hành động Trung Quốc đơn phương xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, rất gần với từ ngữ trong luận điệu của Phó Oánh, Vương Quán Trung. Riêng từ “va chạm” mà tướng Thanh dùng khiến làm giảm hẳn tính chất phi pháp, nghiêm trọng trong hành động đơn phương mà Trung Quốc tiến hành xâm chiếm chủ quyền biển của Việt Nam, đe dọa tự do hàng hải, an ninh khu vực và quốc tế. Ngoài ra việc tướng Thanh ví đây là chuyện gia đình khiến nhiều nhà quan sát bên ngoài phải ‘nhíu mày” bởi hành động Trung Quốc đơn phương xâm phạm chủ quyền của Việt Nam còn vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh và tự do hàng hải chung của các nước nên không thể coi là chuyện “nội bộ gia đình”.
Đến đây, quan điểm về giải quyết vấn đề Biển Đông hiện nay mà Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh bày tỏ tại hội nghị Shangri La 2014 khá gần với quan điểm của Trung Quốc, không biết vô tình hay cố ý, đã đưa Nhật Bản cùng Hoa Kỳ vào thế việt vị hoàn toàn.
Song, tướng Thanh lại tự mâu thuẫn: Chúng tôi hy vọng vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, các mâu thuẫn, bất đồng sẽ từng bước được giải quyết, duy trì được sự ổn định và phát triển ở khu vực, đóng góp chung cho môi trường hòa bình của thế giới. Sau đó, ông liệt ra hàng loạt các cơ chế đa phương cần có để giải quyết.
Tại hội nghị quốc tế này có nhiều đoàn tham dự (trong đó có những đoàn đang rất ủng hộ ta trước Trung Quốc) nhưng trong bài phát biểu tướng Thanh chỉ dành từ BẠN riêng cho Trung Quốc khiến giới quan sát không khỏi giật mình và tự hỏi đây có phải ranh giới hệ tư tưởng mà Việt Nam muốn vạch ra giữa Hội nghị Đối thoại quốc phòng an ninh châu Á để chứng tỏ một sự tương đồng rất quan trọng với Trung Quốc và mọi sự ủng hộ của các nước khác dành cho Việt Nam đều không quan trọng bằng chữ BẠN này.
Hiện, dư luận đang xôn xao việc chỉ đạo “xuống giọng” tại Hội nghị Shangri La và việc trì hoãn chuyến thăm Hoa Kỳ của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh hẳn phải có một thông điệp gì đó mà Hà Nội muốn chuyển tới Bắc Kinh cũng như thế giới.