Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

ĐỘNG THÁI ĐÁNG LO NGẠI CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

(Tài chính) 


Tạp chí Foreign Policy đã có bài phân tích hành động đơn phương và ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông thời gian vừa qua, cũng như ảnh hưởng đối với hòa bình và sự ổn định trong khu vực qua nhận định của ba chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc và châu Á – Thái Bình dương.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang đi theo xu hướng nguy hiểm. Nguồn: internet

Dan Kliman, Cố vấn cấp cao Chương trình châu Á tại Quỹ German Marshall của Mỹ: Mục tiêu đấu tranh của Việt Nam là bảo vệ chủ quyền và lòng tự tôn dân tộc

Việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông đã cho thấy, Bắc Kinh đang áp dụng chiến thuật nhắm tới đối thủ yếu hơn mình và không phải đồng minh Mỹ, sử dụng lực lượng bán quân sự nhằm che đậy sự hung hăng, hiếu chiến của mình càng lâu càng tốt. Trung Quốc đã triển khai lực lượng một cách mờ ám, phủ nhận việc các hạm đội gồm 80 con tàu hộ tống giàn khoan 981 mà không có bất kỳ một tàu quân sự nào (?)

Tham vọng của Trung Quốc là rất lớn, trong đó mục tiêu trước mắt là nhằm thâu tóm các nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào ở biển Đông, kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng và mục tiêu xa hơn nhưng cũng hấp dẫn hơn là thiết lập trật tự mới ở châu Á. Đối với Việt Nam, mục tiêu đấu tranh còn lớn hơn rất nhiều: bảo vệ chủ quyền và lòng tự tôn dân tộc. Khác với tình hình Ukraine, Việt Nam có những lợi thế nhất định, đó là sự đoàn kết một lòng trong nước.

Trong quá khứ, Việt Nam tỏ ra không né tránh đối đầu với Trung Quốc, vì vậy cam kết của Hà Nội về việc sẽ áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết và phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Có thể đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam giải quyết xung đột bằng luật pháp quốc tế và thông qua Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), liên minh khu vực mà Việt Nam là thành viên. Nếu nỗ lực này không hiệu quả và Trung Quốc tiếp tục tiến hành khoan dầu trên Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thì nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự là có thể. Tuy nhiên, một nước láng giềng hung hăng sẽ chỉ càng thôi thúc các nước láng giềng khác củng cố sức mạnh quân sự và ngả sang liên minh khác.

Susan Shirk, Giáo sư Quan hệ Trung Quốc và Thái Bình dương, Khoa Quan hệ quốc tế và Thái Bình dương học tại Đại học UC San Diego: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang đi theo xu hướng nguy hiểm

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu khổng lồ vào vùng biển của Việt Nam, hay thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông cho thấy, Trung Quốc đang thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm tuyên bố chủ quyền biển của mình. Bắc Kinh đang biện hộ rằng, việc đưa giàn khoan 981 vào Vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam là để khoan thăm dò như một phần của các dự án khảo sát địa chấn 2D và 3D mà Trung Quốc đã tiến hành trong khu vực này từ trước. Đó chắc chắn là những gì mà Tổng công ty Dầu khí Hải dương (CNOOC) của Trung Quốc âm mưu bàn bạc với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, với vị trí đặt giàn khoan 981 - cách đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm từ Việt Nam vào năm 1974, khoảng 15 hải lý và cách bờ biển chính của Việt Nam 120 hải lý - cùng với đó là cả một hạm đội lớn với 80 tàu của Chính phủ hộ tống giàn khoan khổng lồ này, thì đây chắc chắn không phải hoạt động thăm dò thương mại bình thường như Bắc Kinh vẫn khăng khăng.

Các nhà ngoại giao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhất là Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, người đã rất thành công trong việc kiến tạo chiến lược trấn an các nước châu Á về ý định hết sức thân thiện của Trung Quốc trong giai đoạn 1996 - 2009 và nay đang cố gắng áp dụng lại chiến lược này - hẳn là nhận thức rõ rằng, việc thúc đẩy tuyên bố chủ quyền này sẽ kích động phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ý kiến của Bộ Ngoại giao hầu như không có trọng lượng trong quá trình chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Những hành động của Trung Quốc cho thấy xu hướng nguy hiểm: chính sách an ninh của Trung Quốc đang ngày càng tách rời logic chiến lược. Nói cách khác, các nhóm lợi ích trong nước và công luận theo dân tộc đang lái đất nước này theo xu hướng bành trướng lãnh thổ, điều có thể gây tổn hại cho lợi ích an ninh quốc gia tổng thể của Trung Quốc.

Ely Ratner, Phó giám đốc Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình dương tại Trung tâm Vì một nền an ninh mới của Mỹ: Không cần cớ cho xung đột, Trung Quốc đang tạo ra cớ

Mặc dù không còn nghi ngờ gì về mức độ kịch tính và nghiêm trọng của căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam, song bế tắc giữa Bắc Kinh – Hà Nội có lẽ kém nguy hiểm hơn nếu so với các cuộc khủng hoảng tương tự giữa Trung Quốc với những nước châu Á khác. Trước hết, Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc duy trì quan hệ tương đối chặt chẽ và tích cực, trái ngược với những sóng gió và tình trạng thiếu trao đổi thông tin trong quan hệ giữa Bắc Kinh với Manila và Tokyo. Ngoài ra, Việt Nam không phải là đồng minh hiệp ước phòng thủ với Mỹ và điều này đã phần nào loại bỏ các yếu tố mạo hiểm, sai lầm trong tính toán và sự leo thang căng thẳng, từng phủ bóng đen lên những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Philippines. Việt Nam, cùng với ASEAN, sẽ đóng vai trò tích cực trong giải quyết căng thẳng, trước khi Mỹ buộc phải vào cuộc.

Tuy nhiên, sự kiện gần đây đã cho thấy hai điểm đáng lo ngại trong hành vi chính sách đối ngoại của Trung Quốc:thứ nhất, Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra không thể dung hòa các mục tiêu chính trị và kinh tế với việc duy trì môi trường an ninh và hòa bình khu vực. Từng có sự kỳ vọng đáng kể về việc đương kim Chủ tịch Trung Quốc sẽ có những chính sách khéo léo hơn. Kỳ vọng trên càng được củng cố khi ông ta có bài phát biểu nổi tiếng về ngoại giao ngoại vi trong tháng 10/2013 bóng gió về sự trở lại quyền lực mềm của Trung Quốc, từng giúp định hình cách tiếp cận của nước này đối với khu vực Đông Nam Á vào giữa những năm 2000.

Thế nhưng, trên thực tế, người ta chứng kiến Trung Quốc liên tục có những bước đi thô bạo và hồ đồ, làm dấy lên lo ngại không chỉ với Tokyo và Manila, mà còn với cả Kuala Lumpur, Jakarta và bây giờ là Hà Nội. Điều này chỉ càng chứng tỏ rằng, mệnh lệnh chính trị và sự quan liêu trong nước đang vượt qua những logic chiến lược của Bắc Kinh. Đây là hướng phát triển nguy hiểm đối với những nước đang hy vọng rằng cái giá phải trả tương đối và các lợi ích (không phải chính trị và chủ nghĩa dân tộc) sẽ định hình các quyết sách của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ.

Thứ hai, qua vụ việc giàn khoan 981, chúng ta cuối cùng có thể khẳng định rằng sự hung hăng của Trung Quốc không phải là hành vi mang tính phản ứng như Bắc Kinh vẫn rêu rao. Lời biện hộ này có vẻ chỉ phù hợp tại thời điểm hai năm trước, khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hay Philippines sử dụng tàu hải quân tại bãi cạn Scarborough. Khi đó, các quan chức Trung Quốc đã nhanh chóng đổ tại các nước này có hành động khiêu khích trước. Ngay cả khi đương kim Chủ tịch Trung Quốëc tiếp tục bao biện rằng Trung Quốc chỉ đơn giản là phản ứng trước các hành động khiêu khích của những nước khác, thì thực tế cho thấy Bắc Kinh tháng 11/2013 đã công bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông và giờ đây là tìm cách khẳng định chủ quyền đối với Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Thay vì chờ đợi một cái cớ để tuyên bố chủ quyền của mình, Trung Quốc đang chủ động có những bước đi khiêu khích.

Hai yếu tố đáng lo ngại nêu trên đang hé lộ diện mạo của một quốc gia có chính sách đối ngoại xa rời với logic chiến lược. Đây không phải tín hiệu tốt lành cho hòa bình và ổn định trong vùng biển châu Á.

Theo daibieunhandan.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét