Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

TUYÊN BỐ NGÔNG CUỒNG VÔ HỌC THỨC CỦA TRUNG QUỐC

Tuyên bố xuyên tạc, nực cười, ngông cuồng đã vạch rõ mặt thật của Trung Quốc

Tiếp tục chiến dịch xâm lược và đánh lừa dư luận, bôi nhọ Việt Nam, Trung Quốc cho phát ngôn viên ngoại giao Tần Cương liên tục lên tiếng về Biển Đông. 

Đài truyền hình CCTV Trung Quốc đưa tin, ngày 27 tháng 5 năm 2014, chính phủ Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ là Tần Cương đã tuyên truyền bịa đặt, lừa đảo cả dư luận trong nước và quốc tế về tình hình Biển Đông hiện nay. Xin trích dẫn chi tiết những tuyên bố ngông cuồng này để độc giả tham khảo, cho ý kiến:

Trung Quốc cho rằng, hoạt động khoan thăm dò của doanh nghiệp Trung Quốc tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV) “đã triển khai 10 năm”.

Tiếp tục chiến dịch bịa đặt, xuyên tạc, đánh lừa dư luận mà Trung Quốc đã triển khai trong rất nhiều năm qua, ông Tần Cương cho rằng: “Các hoạt động trong đó có khoan thăm dò lần này đều tiến hành ở vùng biển gần của Trung Quốc không có tranh chấp, hợp lý, hợp pháp, hoàn toàn bình thường”.

“Theo kế hoạch, giàn khoan chuyển địa điểm, bắt đầu hoạt động giai đoạn hai. Đây là một phần của kế hoạch khoan thăm dò tổng thể lần này. Hoạt động khoan thăm dò lần này bắt đầu từ ngày 2 tháng 5, dự kiến kết thúc vào giữa tháng 8”.

Về việc Trung Quốc cho tàu đâm chìm tàu cá Việt Nam, Tần Cương có nói đến nhưng lại bịa đặt các yếu tố không có trong tình huống và sự thật, cho rằng: “Ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, 1 tàu cá Việt Nam đã cố tình xông vào khu cảnh giới của giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc, đồng thời va đập vào mạn tàu bên trái của tàu cá Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực lân cận nên bị lật úp, nhân viên trên tàu Việt Nam đều đã được cứu” (thực tế là Trung Quốc cho tàu của họ hung hăng đâm húc).

Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương-981 tới vị trí khác, nhưng vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương-981 tới vị trí khác, nhưng vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Tần Cương tiếp tục giọng điệu lừa đảo, lòe bịp thiên hạ, cho rằng: “Nguyên nhân trực tiếp của sự kiện này là Việt Nam bất chấp sự giao thiệp, cảnh cáo và can ngăn nhiều lần của Trung Quốc, cố tình quấy rối hoạt động bình thường của doanh nghiệp Trung Quốc và tiến hành các hành động nguy hiểm”.

“Chúng tôi tiếp tục thúc giục Việt Nam tôn trọng chủ quyền, quyền lợi chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc, lập tức chấm dứt các hoạt động quấy rối, phá hoại có liên quan, đặc biệt là tránh có các hành động nguy hiểm trên biển, thiết thực bảo vệ an toàn hàng hải và trật tự sản xuất nghề cá” – một tuyên bố không biết ngượng mồm khi tình hình thực tế hoàn toàn ngược lại.

Tần Cương đe dọa và lừa đảo: “Sự thực chứng minh, Việt Nam tiến hành quấy rối và phá hoại phi pháp đối với hoạt động bình thường của Trung Quốc là uổng công vô ích, cuối cùng lợi ích tự thân của Việt Nam sẽ bị thiệt hại. Quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, không tồn tại tranh chấp”.

Tần Cương vừa đấm vừa xoa, dụ dỗ kèm theo đe nẹt: “Chúng tôi thúc giục Việt Nam không nên tiếp tục tiến hành quấy rối vô lý, xuất phát từ đại cục bảo vệ quan hệ hai nước và ổn định khu vực, chấm dứt tiến hành quấy rối và phá hoại hoạt động bình thường của Trung Quốc. Tình hình tiếp theo phát triển thế nào, Trung Quốc phản ứng như thế nào sẽ tùy thuộc vào Việt Nam làm như thế nào”.

Ngày 27 tháng 5 năm 2014, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản đã lên tiếng về vấn đề Biển Đông

Ngày 27 tháng 5, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã phát biểu về việc Trung Quốc cho tàu đâm chìm tàu cá của Việt Nam, cho rằng nước có liên quan (Trung Quốc) cần chấm dứt hành động đơn phương làm trầm trọng hơn căng thẳng.

Đồng thời, ngày 23 tháng 5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe còn trả lời báo chí cho rằng, Trung Quốc đơn phương tiến hành khoan thăm dò “ở vùng biển mà Trung Quốc và Việt Nam đều chủ trương chủ quyền” (thực tế là vùng biển chủ quyền của Việt Nam, không hề có tranh chấp), làm cho quan hệ căng thẳng leo thang, Nhật Bản sẽ không cho phép thông qua thực lực hoặc đe dọa làm thay đổi hiện trạng.

Đối với vấn đề này, Tần Cương tiếp tục giọng điệu xuyên tạc, đánh lừa dư luận, cho rằng: “Quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, hoạt động khoan thăm dò có liên quan của Trung Quốc được tiến hành ở vùng biển do Trung Quốc quản lý. Chúng tôi làm việc ở vùng biển của mình, không liên quan và không trêu chọc ai, lại có nước quấy rối vô lý, phi pháp, có nước còn nói ra nói vào. Đây là điều không hề có đạo lý, chúng tôi tuyệt đối không chấp nhận”.

Theo tuyên truyền xuyên tạc của ông Cương: “Nhà lãnh đạo Nhật Bản phát ngôn bưng bít (lừa dối) sự thật, đục nước béo cò, có dụng ý xấu, có thể nói là lo thiên hạ không bị loạn”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng lên tiếng về Biển Đông

Tần Cương chuyển sang nói xấu Nhật Bản và không quên tiếp tục lừa gạt dư luận, cho rằng: “Nhật Bản đừng quên, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quần đảo Hoàng Sa của Trung Quốc bị Nhật Bản dùng vũ lực xâm chiếm. Sau thắng lợi của Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc đã khôi phục thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Nhật Bản chưa từng đưa ra bất cứ dị nghị nào. Chúng tôi thúc giục Nhật Bản tôn trọng sự thực, chấm dứt đâm bị thóc chọc bị gạo, không nên tiếp tục phát biểu vô trách nhiệm”.

Theo Tần Cương thì Trung Quốc dùng thực lực để “bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước” (thực ra Trung Quốc đã và đang đi ăn cướp ở Biển Đông), Trung Quốc dùng thực lực để “thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển của thế giới” (nhưng thực ra, đối với Biển Đông hiện nay, Trung Quốc đang đe dọa nghiêm trọng, phá hoại hòa bình, ổn định, an toàn hàng hải ở khu vực và thế giới).

Theo Tần Cương thì “có quốc gia, có người đang hoang tưởng, Trung Quốc có thể nuốt trái đắng – chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia bị tổn hại”. Cương đe dọa thêm: “Nếu nói thực lực của Trung Quốc đang làm thay đổi cái gì, thì chính là làm thay đổi hoang tưởng này của quốc gia và người đó”.

Trước đó, ngày 26 tháng 5, cũng ông Tần Cương, phát ngôn viên ngoại giao được Trung Quốc cho đối mặt với báo giới, cũng giọng điệu xuyên tạc, đánh lừa dư luận về “bằng chứng lịch sử, pháp lý” đối với quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược năm 1974).
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sắp thăm Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida sắp thăm Việt Nam, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Tần Cương xuyên tạc, nói: “Rất nhiều chứng cứ lịch sử (?) cho thấy, quần đảo Hoàng Sa từ cổ đã là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, người Trung Quốc phát hiện sớm nhất, đặt tên sớm nhất, khai thác và làm ăn sớm nhất, tiến hành quan hệ và thực thi chủ quyền sớm nhất, người Trung Quốc là chủ nhân không thể tranh cãi của quần đảo Hoàng Sa”.

Ông ta dẫn chứng “lịch sử” bịa đặt, hết sức nực cười cho rằng, ngay từ thế kỷ 2 trước công nguyên, tức là thời nhà Hán, “người Trung Quốc đã hoạt động ở Biển Đông và đã phát hiển ra quần đảo Hoàng Sa”, người Trung Quốc “liên tục đến quần đảo Hoàng Sa khai thác, làm ăn. Có sử liệu chứng minh, thời nhà Đường, Tống của Trung Quốc, có người Trung Quốc tiến hành hoạt động đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, hải quân Bắc Tống trước đây cũng đã đến tuần tra quần đảo Hoàng Sa. Điều này cho thấy Trung Quốc khi đó đã tiến hành quản lý hiệu quả quần đảo Hoàng Sa. Thời nhà Nguyên, nhà thiên văn học Quách Thủ Kính đã thiết lập điểm thiên văn ở quần đảo Hoàng Sa, chứng minh khi đó quần đảo Hoàng Sa đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc”.

Theo lời xuyên tạc vô căn cứ của Tần Cương thì “trước giữa thập niên 70 của thế kỷ trước, Việt Nam “công khai và chính thức thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc, ông ta dẫn chứng: Vào năm 1956, người phụ trách Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nói với đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam như vậy. Vào năm 1958, chính phủ Trung Quốc tuyên bố về độ rộng 12 hải lý thì chính phủ Việt Nam đã công nhận bằng công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Đồng thời, theo Tần Cương thì trong nhiều văn kiện chính thức, sách giáo khoa, bản đồ của Việt Nam “đều nói rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc”.

Đồng thời, Tần Cương bôi nhọ Việt Nam cho rằng: “Nhưng sau năm 1975, Việt Nam đã vứt bỏ những cam kết trước đây, chuyển sang đưa ra yêu cầu chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa”. Tiếp tục giọng điệu bôi nhọ, nói xấu Việt Nam, Tần Cương cho rằng Việt Nam đã “bóp méo lịch sử, phủ nhận sự thực, lật lọng, thất tín bội nghĩa”, “mức tín nhiệm quốc tế của nước này rất thấp”.

Tần Cương lại đe dọa: “Tôi cũng muốn tiếp tục nhấn mạnh, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của chính phủ và nhân dân Trung Quốc là kiên định, không thay đổi”.Tần Cương cố gắng đưa từ “nhân dân TQ” vào để đánh lừa, kích động dư luận trong nước.

Giàn khoan Hải Dương-981 Trung Quốc

Trên đây là toàn bộ phát biểu của phát ngôn viên ngoại giao được Trung Quốc bố trí để ứng phó với việc Việt Nam kiên quyết phản đối Trung Quốc xâm lược và tình hình dư luận quốc tế, những diễn biến quan hệ khu vực đang bất lợi cho Trung Quốc hiện nay.

Phải nhấn mạnh rằng, những lời phê phán Việt Nam mà Trung Quốc đưa ra mới là bộ mặt thật của Trung Quốc, hành động dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa năm 1974 là sự thực lịch sử và không thể chối cãi, chủ quyền mà Trung Quốc áp đặt đối với quần đảo này hay chủ trương “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc chưa bao giờ được quốc tế công nhận.

Trung Quốc nói lịch sử của họ có ghi chép về chủ quyền của họ đối với quần đảo Hoàng Sa, nhưng chính lịch sử Trung Quốc đã bác bỏ điều này. Trung Quốc là nước ghi chép lịch sử rất rõ ràng, nhưng các sách sử của Trung Quốc, nhất là các sách sử chính thống của các triều đại Trung Quốc chưa từng ghi chép quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là của Trung Quốc, điều này đã được các nhà nghiên cứu Việt Nam khẳng định.

Sự thực là như vậy, và sự thực về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam còn được chứng minh bằng rất nhiều tài liệu, bản đồ, trong đó có ghi chép của các nhà hàng hải, nghiên cứu của châu Âu. Gần đây, Thủ tướng Đức Merkel đã tặng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một bản đồ cổ về Trung Quốc, trong đó không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn công thư của cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng rõ ràng đã không hề nói đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong khi đó, khi viết công thư ấy, quần đảo Hoàng Sa đang nằm dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam cộng hòa khi đó, và năm 1974 thì Trung Quốc đã sử dụng vũ lực thực hiện một cuộc chiến đẫm máu, xâm lược toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đến năm 1988, Trung Quốc tiếp tục sử dụng vũ lực xâm lược đá Gạc Ma của Việt Nam, làm rất nhiều chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh…

Tàu chiến Trung Quốc tham gia xâm lược vùng biển Việt Nam

Hiện nay, hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 cùng với các tàu chiến, máy bay quân sự và nhiều loại tàu khác tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam chẳng khác nào một chiến dịch xâm lược đối với vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Sở dĩ Việt Nam chưa dùng đến phương pháp phi hoà bình để bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình là do Việt Nam muốn hòa hiếu, không muốn chiến tranh, nhưng Việt Nam không vì thế mà nhân nhượng, nhún nhường. Việt Nam sẽ kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, không đổi cái quyền thiêng liêng đó đổi lấy hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng: Không đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông, lệ thuộc

Những xuyên tạc, bịa đặt, đánh lừa dư luận, vu cáo, đổ lỗi, bôi đen… của Trung Quốc đối với Việt Nam về vấn đề Biển Đông đã được tiến hành từ lâu, có hệ thống và lúc cao trào, lúc lắng dịu dưới bàn tay điều khiển của chính quyền họ. Rõ ràng, điều này không thể mơ hồ. Hơn nữa, với một loạt lời nói và hành động của Trung Quốc trong nhiều năm qua liên quan đến vấn đề Biển Đông rõ ràng là có âm mưu độc chiếm Biển Đông, điều này luôn nhất quán.

Cần phải nhấn mạnh rằng, những hành động của Trung Quốc trước đây và hiện nay thực sự đang đe dọa nghiêm trọng chủ quyền, quyền lợi chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam cũng như các nước xung quanh Biển Đông, thậm chí ở những vùng biển xa hơn. Với “chủ nghĩa thực dân mới”, chủ nghĩa bành trướng như vậy, Trung Quốc cũng đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực.

Theo Giáo Dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét