Bộ mặt Trung Quốc nhìn từ… giàn khoan 981
PetroTimes - Trung Quốc là một quốc gia có nền văn hóa vĩ đại. Đó là điều không một ai nghi ngờ. Những quan điểm về đạo lý, về lễ nghĩa, về chữ “tín”, về phương châm xử thế được những bậc Thánh như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử… đặt ra từ hàng ngàn năm nay và cho tới giờ vẫn còn nguyên giá trị tốt đẹp
Nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc cứ tạm tính từ 1970 trở lại đây thì hình như họ chẳng cần phải giữ gìn liêm sỉ, giữ chữ “tín” với thiên hạ. Và có lẽ trên thế giới này, trong số các quốc gia có người lãnh đạo “nói một đằng, làm một nẻo”, “tiền hậu bất nhất” thì chắc hẳn Trung Quốc phải đứng đầu.
Hơn hai mươi năm qua, chúng ta đã tin vào phương châm hành xử mà các thế hệ lãnh đạo trước đây đề ra, nào là quan hệ 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, rồi hành xử theo phương châm 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.
Nhưng việc Trung Quốc gây sự ở Biển Đông trong vài ba năm trở lại đây, như cắt cáp tàu Bình Minh 02, bắt ngư dân Việt Nam, ra lệnh cấm đánh bắt cá và đỉnh điểm là đưa giàn khoan 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với hơn 100 tàu bảo vệ, thậm chí có cả tàu hộ vệ mang tên lửa thì đã nói lên điều gì? Sự thực này nói lên rằng, Trung Quốc đang ăn cướp - cướp đất, cướp tài nguyên và trắng trợn thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Trở lại lịch sử, Trung Quốc đã nhiều lần phản bội nhân dân Việt Nam.
Năm 1972, khi Ních-xơn sang Trung Quốc ký Thông cáo Thượng Hải, trong đó Trung Quốc cam kết sẽ làm ngơ cho Mỹ tấn công Việt Nam. Hậu quả là từ tháng 4-1972, Mỹ mở rộng tấn công ra miền Bắc với mức độ khốc liệt, tàn bạo và dữ dội hơn. Đến tháng 12-1972, Mỹ mở chiến dịch “Sấm rền” mang máy bay B52 ném bom rải thảm ở thủ đô Hà Nội.
Dĩ nhiên là “ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”, Trung Quốc làm ngơ cho Mỹ tấn công Việt Nam thì 2 năm sau, Mỹ cũng làm ngơ để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa.
Giàn khoan 981
Có thể nói rằng, trước năm 1974, Trung Quốc không có gì trong khu vực Biển Đông ngoài vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc trước đó. Trên các bản đồ, thư tịch để lại, từ xưa, lãnh thổ của Trung Quốc chỉ được tính đến hết đảo Hải Nam.
Không chỉ thỏa thuận với Mỹ, Trung Quốc còn xúi giục, viện trợ cho Pol Pot đánh Việt Nam ở phía Tây Nam. Rồi khi âm mưu này thất bại, chính quyền Pol Pot bị đập tan, Trung Quốc lại tấn công Việt Nam từ biên giới phía Bắc.
Có thể nói, bao nhiêu năm qua, Trung Quốc chưa khi nào từ bỏ âm mưu thôn tính Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau và độc chiếm Biển Đông.
Sở dĩ Trung Quốc quyết liệt trong vấn đề Biển Đông là vì Trung Quốc muốn cướp tài nguyên ở khu vực này. Đặc biệt là dầu khí. Chả thế mà Chính phủ Trung Quốc đã chi cho Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC) hơn 1 tỉ đôla để công ty chế tạo giàn khoan khủng và ngang ngược thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế ở Việt Nam. Một yếu tố nữa là, 2/3 lượng hàng hóa thế giới được vận chuyển qua Biển Đông, vì vậy, chiếm được Biển Đông về mặt chiến lược có ý nghĩa vô cùng to lớn, đặc biệt là với một quốc gia mà tham vọng lãnh thổ và chủ nghĩa bành trướng đã ngấm vào máu từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Gần đây, trước hành động cướp đất một cách trắng trợn, bất chấp đạo lý, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những gì mà lãnh đạo 2 nước đã thỏa thuận trước đây của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, dư luận đặt ra việc, chúng ta cần phải xem xét lại phương châm 4 tốt cả 16 chữ vàng!
Quả thật, có thể khẳng định rằng, từ năm 2000 đến nay, chúng ta đã quá tôn trọng vào phương châm này của lãnh đạo hai bên đã ký kết. Và chúng ta cũng đã hy vọng rằng, những người lãnh đạo của Trung Quốc là những người có liêm sỉ, không thể nào nói lời mà lại nuốt lời như vậy. Hơn nữa, chúng ta cũng tin vào cái gọi hai nước vẫn đang là “chủ nghĩa xã hội” - mặc dù Trung Quốc nói rằng, họ đang xây dựng một “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”.
Vậy “màu sắc Trung Quốc” là màu gì? Nếu nhìn từ sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 thì đó là “màu sắc” của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa sô vanh nước lớn. Và Trung Quốc vẫn đang thực hiện một cách trung thành theo Đặng Tiểu Bình “mèo trắng hay mèo đen, meo nào bắt được chuột là tốt”.
Chúng ta càng cố gắng thực hiện theo các phương châm ngoại giao đó, cố gắng gìn giữ và nín nhịn, nhưng càng nín nhịn bao nhiêu, Trung Quốc càng lấn tới bấy nhiêu.
Vậy với cách hành xử của Trung Quốc như thế, chúng ta có nên gọi họ là “đồng chí” nữa hay không? Có nên giữ 4 tốt và 16 chữ vàng nữa hay không? Những phương châm này nghe thật là hữu nghị, nhưng cuối cùng, với Trung Quốc, cũng chỉ là thứ bình phong che đậy bộ mặt thật của họ.
Mặc dù, hiện nay Trung Quốc đang đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tăng hàng chục lần so với khi mới bình thường hóa quan hệ (năm 1991), nhưng với Trung Quốc, mục tiêu kinh tế, bảo đảm cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở Việt Nam hoặc phát triển kinh tế ở Việt Nam chỉ là mục tiêu thứ yếu, không quan trọng. Mục tiêu bất di bất dịch của Trung Quốc là phải chiếm được Biển Đông và biến Việt Nam thành một nước chư hầu, còn vị trí địa lý của Việt Nam thì trở thành phên giậu cho Trung Quốc. Đây là một âm mưu thâm căn cố đế và không thể thay đổi của Trung Quốc qua tất cả các thời kỳ. Chỉ có khác là vào những thời kỳ lịch sử khác nhau, Trung Quốc có phương châm và cách hành xử khác nhau.
Nói về việc Trung Quốc giở những ngón “võ bẩn” thì từ xưa đến nay, sử sách ta đã ghi lại không biết bao nhiêu chuyện về cái gọi là sự “thâm” của người Trung Quốc.
Khi Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Tổng bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân ký tuyên bố chung về phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt, quan hệ kinh tế giữa hai nước đã có sự phát triển. Việt Nam đã có một thời kỳ cố gắng tin tưởng Trung Quốc sẽ tôn trọng những tuyên bố chung đã ký kết. Nhưng bây giờ, đến thời của Tập Cận Bình đã xé vụn 16 chữ vàng và phương châm 4 tốt vào sọt rác. Đã có nhiều người tự hỏi rằng, chúng ta có nên công bố là sẽ hủy bỏ phương châm 4 tốt và 16 chữ vàng hay không?
Người dân nước Việt rất xúc động và đồng tình trước lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế. Và những lời của Thủ tướng đã thể hiện rằng: Chúng ta không còn tin vào cái gọi là “tình hữu nghị” của Trung Quốc và quan điểm của Thủ tướng là không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc.
Đây thực sự là tiếng nói đanh thép, là lời hịch kêu gọi toàn dân đoàn kết, bảo vệ Tổ quốc của người đứng đầu Chính phủ và công bố cho thế giới thái độ kiên quyết của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Như Thổ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét