Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

CÁI GÌ TRUNG QUỐC SỢ THÌ ĐÁNH VÀO ĐÓ

Cái gì Trung Quốc sợ thì đánh vào chỗ đó!


Cho đến giờ thì có thể khẳng định không gì có thể ngăn chặn được sự lấn chiếm đến mức nuốt trọn biển Đông của Trung Quốc. Không cơ chế hoặc tổ chức quốc tế nào có thể chặn đứng được Trung Quốc. Cuộc trình diễn giàn khoan Hải Dương 981 đã trở thành phép thử và tiền lệ cho việc tung ra nhiều giàn khoan khác và nhiều tham vọng khác. 

Mỹ đang bất lực. Tương tự Liên Hiệp Quốc. Tương tự EU. Phải thừa nhận như vậy. Các gắn kết kinh tế được ma mãnh thực hiện với các nước ASEAN ngay từ hồi cuộc khủng hoảng kinh tế 1998 đã giúp Trung Quốc móc các nước khu vực sâu vào toa tàu của họ, khiến ASEAN bây giờ bị vô hiệu hóa gần như tuyệt đối. Hó hé, Bắc Kinh lập tức trừng phạt bằng đòn kinh tế, dám không?!

Trong nghiên cứu mới dài 62 trang của Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, một trong những think tank uy tín nhất Mỹ), công bố ngày 11-6-2014, nhằm giải mã chính sách đối ngoại Trung Quốc, đã cho thấy rằng Trung Quốc đang sử dụng sự gắn kết kinh tế làm công cụ số một và vũ khí tối thượng để “bỏ túi” khu vực. Vài nước, chẳng hạn Campuchia, thậm chí đã bị luộc chín đến mức không dám cục cựa nói trái ý Bắc Kinh. Đã đến lúc hốt lời từ những phi vụ đầu tư chính trị thông qua mãnh lực kim tiền. Còn lúc nào hơn lúc này? Thời cơ càng thuận lợi khi Mỹ không chỉ suy yếu về kinh tế mà còn mềm yếu về chính trị dưới thời Obama - ít nhất đó cũng là nhận định của Trung Quốc và nhận định phổ biến ở châu Á. Do đó, sẽ không thể có chuyện Trung Quốc hạ nhiệt gây hấn.

Nghiên cứu CSIS đã tổng kết vài ý chính (BBC tiếng Việt 20-6-2014 đã lược thuật, trong bài “Đánh giá về ngoại giao Tập Cận Bình”, nhưng bỏ sót phần cuối là phần đáng chú ý nhất), cho thấy rằng chính sách đối ngoại Trung Quốc đang được thực hiện từ những nhận định sau:

1/ Mỹ đang yếu; 

2/ Châu Á xem kinh tế là vấn đề an ninh (quốc gia) nên do đó không mạo hiểm đánh đổi quan hệ chính trị với các nước khác khiến làm mất lòng Bắc Kinh và làm mất đi quan hệ kinh tế với Trung Quốc; 

3/ ASEAN là một tổ chức yếu kém (giúp Trung Quốc dễ dàng đánh hạ bằng trò chia để trị và từ đó khăng khăng áp dụng chính sách đối ngoại song phương, từng cặp một, hơn là đa phương).

Mỹ đang thực hiện chính sách tái cân bằng chỉ trên hai mặt trận – một mặt tung ra chiến dịch thông tin nhằm “quỷ sứ hóa” Trung Quốc (lá bài kinh điển của Mỹ) và một mặt xây dựng liên minh quân sự với các đồng minh truyền thống (đặc biệt Nhật và Úc). Cách thức này, cho đến giờ, rõ ràng là không đủ cứng và đủ sức răn đe để Trung Quốc chùn chân. Như đã nói, Trung Quốc đã chắc ăn khi bỏ túi ASEAN (nếu không thể Singapore) và luôn đẩy họ vào tâm trạng nơm nớp lo ngại bị Bắc Kinh trả đũa bằng đòn trừng phạt kinh tế.

Vậy thì, muốn “chơi” lại Trung Quốc, chẳng còn khác nào khác là hạn chế tối đa lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Đó là một cách. Thứ đến, phải thực hiện một đòn mà Trung Quốc đang cố né tối đa: lôi họ ra tòa quốc tế (Bắc Kinh thực ra rất ngán điều này). Kế nữa, phải tiến hành một chính sách mà Bắc Kinh đang cố hết sức cản trở: đoàn kết khu vực; đồng thời “quốc tế hóa” vấn đề tranh chấp biển Đông. Nói cách khác, cái gì họ sợ thì đánh vào chỗ đó. Cần thấy một thực tế là Trung Quốc đang dồi dào kim tiền và có thể thu phục được nhiều nước bằng tiền nhưng họ lại thiếu “nguồn vốn” đồng minh trầm trọng. Điều đáng tiếc là các nước khu vực do quá đặt nặng vấn đề an ninh kinh tế quốc gia nên vẫn chưa can đảm xích lại gần nhau và xích lại gần Mỹ một cách công khai để hợp sức ngăn cản sự bành trướng Trung Quốc.

Trừ phi có một ASEAN gắn kết hơn và trừ phi thoát (hoặc hạn chế được) sự lệ thuộc kinh tế Trung Quốc, châu Á sẽ tiếp tục ngồi nhìn Trung Quốc ăn mòn ăn dần như bầy dòi háo đói ngấu nghiến đục khoét một cơ thể không còn sức đề kháng! Phải nhìn thấy điều này: Trung Quốc đang sống và làm giàu bằng tiền của người khác. Nội lực kinh tế Trung Quốc hoàn toàn không mạnh như được tưởng. Họ đang lệ thuộc vào nguồn vốn của người khác chứ bản thân nền kinh tế phi thị trường Trung Quốc không đủ tạo ra cho họ sức mạnh kinh tế nội lực tương tự Mỹ hay Nhật. Thiếu nguồn FDI, họ sẽ yếu đi đáng kể. Nói cách khác, muốn đánh Trung Quốc, phải làm cho họ nghèo, hay nói đúng ra là đừng giúp làm cho họ giàu (trong khi mình cứ tưởng thiếu nó thì mình chết!). Một nước châu Á khôn ngoan và thông minh là nước mà bây giờ phải tính đến việc kêu gọi đầu tư nước ngoài từ những quốc gia không phải Trung Quốc đồng thời không háo hức tiếp tục dồn vốn vào Trung Quốc. Để họ vào sâu vào sân nhà mình rồi thì có muốn gỡ đã chẳng dễ nữa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét