Trí Dũng (Theo The Diplomat, BBC)
Một khảo sát được BBC thực hiện trên toàn thế giới gần đây cho thấy hình ảnh của Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế đang ngày càng trở nên tệ hại.
Trong cuộc khảo sát này, những người tham gia được hỏi rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới là tích cực hay tiêu cực, và kết quả khảo sát cho thấy trên bình diện toàn cầu, có tới 42% số người được hỏi cho rằng Trung Quốc đang gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho thế giới.
Trong khi đó, tại Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 quốc gia láng giềng quan trọng nhất của Trung Quốc, hình ảnh của Trung Quốc trở nên đen tối hơn rất nhiều. Chỉ có 32% số người Hàn Quốc có cái nhìn tích cực về Trung Quốc, trong khi số người cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc là tiêu cực lên tới 56%.
46% dư luận toàn cầu có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc
Còn tại Nhật Bản, chỉ có 3% số người cho rằng Trung Quốc có ảnh hưởng tích cực (một con số thấp kỷ lục), trong khi 73% người Nhật coi Trung Quốc là một thế lực tiêu cực ở châu Á.
Hình ảnh của Trung Quốc chỉ được nhìn nhận một cách tích cực ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, nơi Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền để đầu tư làm ăn. Ở những quốc gia châu Phi như Nigeria, Ghana, Kenya, tỉ lệ ủng hộ Trung Quốc luôn ở mức trên 65%.
Có một thực tế thú vị là hầu hết các quốc gia phát triển đều có cái nhìn tiêu cực về hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Chẳng hạn như có tới 49% người Anh và 47% người Úc coi ảnh hưởng của Trung Quốc là tiêu cực, trong khi tỉ lệ số người có cái nhìn tích cực lần lượt là 46% và 44%.
Điều đặc biệt là tại Đức, chỉ có 10% người dân nước này nhìn nhận tích cực về hình ảnh của Trung Quốc, trong khi có tới 76% dân chúng cho rằng Trung Quốc gây ra ảnh hưởng tiêu cực. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi các quốc gia phát triển phương Tây thường chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Tuy nhiên, một câu hỏi mà các chuyên gia phân tích quốc tế đặt ra là liệu Trung Quốc có thèm quan tâm tới hình ảnh quốc tế của họ hay không. Từ những hành động hung hăng, ngang ngược bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế gần đây trên Biển Đông và biển Hoa Đông của Trung Quốc, có vẻ như Bắc Kinh không hề bận tâm đến hình ảnh của mình trong mắt các quốc gia láng giềng.
Thế nhưng điều này lại không phù hợp với nỗ lực của Bắc Kinh trong suốt nhiều năm qua nhằm tăng cường quyền lực mềm và xây dựng một hình ảnh quốc gia tích cực trên toàn thế giới. Thế nên điều làm người ta khó hiểu là nếu Trung Quốc quan tâm tới hình ảnh quốc tế của mình như vậy, tại sao họ lại hành xử một cách ngông cuồng và xấc xược đến thế tại châu Á?
Cách hành xử hung hăng như thế này khiến hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu xí
Đây là một câu hỏi lớn đã được đặt ra trong suốt thời gian vừa qua, đặc biệt là sau khi Trung Quốc có một loạt hành động đơn phương nhằm tìm cách thay đổi hiện trạng trong các vấn đề tranh chấp trên biển.
Đầu tiên, họ đơn phương thiết lập khu vực nhận diện phòng không trên biển Hoa Đông, sau đó cho tập kết vật liệu nhằm xây dựng đường băng trên đảo Gạc Ma, và gần đây nhất là ngang ngược kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Chính những hành động trên của Bắc Kinh đã khiến các quốc gia láng giềng nhìn nhận Trung Quốc như một kẻ bắt nạt ở châu Á.
Các chuyên gia phân tích quốc tế cho rằng có 3 cách giải thích cho mâu thuẫn giữa chiến dịch xây dựng hình ảnh quốc gia của Trung Quốc với cách hành xử hung hăng ngang ngược của nước này.
Đầu tiên, có vẻ như Trung Quốc không thực sự quan tâm lắm đến khái niệm hình ảnh quốc gia hay quyền lực mềm. Theo tư duy kiểu thực dụng hiện nay ở Trung Quốc, điều quan trọng trong chính trị quốc tế là quyền lực vật chất, còn quyền lực mềm chỉ là sản phẩm phụ của quyền lực vật chất.
Do vậy, giới lãnh đạo của Trung Quốc dường như đang chấp nhận ý tưởng “thà để người ta sợ hơn là để người ta yêu” trong các mối quan hệ quốc tế. Nếu đây chính là động lực cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm gần đây, không có gì ngạc nhiên nếu họ không hề quan tâm đến hình ảnh quốc gia của mình.
Thứ hai, Trung Quốc có thể muốn xây dựng hình ảnh quốc gia, thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ nước này vô cùng thô vụng trong việc tạo dựng hình ảnh đó, và họ thường xuyên áp dụng chiến thuật vu vạ, đổ lỗi, đổ vấy cho người khác để rũ bỏ trách nhiệm của mình trong các vấn đề quốc tế.
Chẳng hạn như gần đây Trung Quốc đưa ra bản tuyên cáo lập trường tại Liên Hợp Quốc trắng trợn vu cáo rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần với mục đích khiến cộng đồng quốc tế nghĩ rằng Việt Nam là thủ phạm gây ra căng thẳng trên Biển Đông.
Thế nhưng, họ lại không hề công bố được bằng chứng nào để chứng minh điều đó, trong khi Việt Nam đã phát sóng những hình ảnh không thể chối cãi về việc tàu Trung Quốc cố tình tấn công, đâm va tàu chấp pháp của Việt Nam, thậm chí còn đâm chìm cả tàu ngư dân Việt Nam.
Có rất nhiều trường hợp tương tự như thế này, chứng tỏ rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc chỉ dựa trên những lời dối trá, vu vạ để tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của thế giới. Thế nhưng cách làm đầy thô vụng và lừa lọc này chỉ đem lại tác dụng ngược, khiến cộng đồng quốc tế nhận ra bản chất của Trung Quốc và càng có cái nhìn ác cảm hơn với họ.
Cách giải thích cuối cùng là hiện nay giới lãnh đạo Trung Quốc đang thực hiện chiến lược coi lợi ích quốc gia nằm trên cả hình ảnh đất nước. Thế nên, họ không thèm quan tâm đến thế giới đang nghĩ gì về mình mà chỉ chăm chăm bảo vệ những thứ mà họ coi là chủ quyền quốc gia và thống nhất lãnh thổ, mặc dù đó là những lãnh thổ của nước khác mà họ cố tình vơ vào của mình bằng những tuyên bố đầy mơ hồ không hề theo bất cứ căn cứ pháp lý nào của luật pháp quốc tế.
Hồi đầu năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ chịu từ bỏ các lợi ích quốc gia cốt lõi bất cứ trong hoàn cảnh nào. Với cách nhìn này, rõ ràng giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không thèm quan tâm đến hình ảnh quốc gia của mình, dù nó có xấu xí và tiêu cực đến đâu, khi động đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét