Mới đây, một sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Ngân hàng, TP Hồ Chí Minh đã viết một lá thư gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bộc lộ những suy nghĩ, ước mong của một sinh viên, một công dân của đất nước Việt Nam trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày 14 tháng 6 năm 2014
Kính gửi: Ông Tập Cận Bình - Chủ tịch nước Trung Quốc
Chào ông! Cháu là Ngọc Hân - một sinh viên, một công dân của đất nước Việt Nam. Cháu viết bức thư này kính gửi ông để bộc lộ những suy nghĩ, ước mong của chính mình về sự kiện Biển Đông những ngày gần đây, khi ông đưa giàn khoan 981 đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn huy động nhiều tàu hải cảnh, tàu vận tải, tàu kéo, tàu cá và cả tàu chiến, máy bay… để khiêu khích, ngăn chặn các tàu Việt Nam tuần tra bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Cháu biết hiện nay ông rất nhiều việc, đặc biệt là dành thời gian để chỉ đạo các cánh quân “bành Đông”, “dẹp Cương”… nhưng mong ông dành ra ít thời gian để đọc những điều cháu viết, những suy nghĩ của cháu về ông, về đất nước của ông.
Trong những bản tin thời sự gần đây, cháu được nghe tin về một tấm bản đồ cổ mới được tìm thấy. Đặc biệt là chuyến thăm của ông tới nước Đức, khi ông trở về bà Angela Merkel - Thủ tướng Đức đã tặng cho ông một tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long do nhà vẽ bản đồ người Pháp Jean-Baptiste Bourguignon d’ Anville thực hiện và in tại Đức năm 1735. Trên tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc đầu tiên được xuất bản tại Đức này hoàn toàn không có sự hiện diện và vùng Tibet (Tây Tạng), Xinjiang (Tân Cương), Manchuria (Mãn Châu Lý). Các đảo Đài Loan và Hải Nam thì được vẽ bằng màu sắc khác. Tất nhiên tấm bản đồ cũng hoàn toàn không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Món quà của bà Merkel và những tấm bản đồ cổ được tìm thấy ở Việt Nam và cả trên thế giới, đã giúp mọi người, kể cả người dân Trung Quốc biết rằng Trung Quốc không có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo ấy là của Việt Nam.
Song chỉ vì mộng bành trướng biển Đông, thực hiện cái gọi là “Biển Trung quốc bằng cái lưỡi bò, 9 đoạn” cùng với chủ trương đẩy mâu thuẫn nội bộsang mâu thuẫn quốc tế, đánh lừa dư luận người dân Trung quốc , nên ông đã nhẫn tâm bỏ mất nội dung “16 chữ vàng”, “người bạn 4 tốt”…, đặc biệt là truyền thống đoàn kết của nhân dân hai nước Việt Nam- Trung Quốc, đã đơn phương hạ đặt giàn khoan 981. Qua nhiều nguồn tin, cháu cũng được biết rằng thời gian gần đây Trung Quốc đã tăng thêm tàu tuần tra trên Biển Đông, đặc biệt là đã dùng vòi rồng phun nước cực mạnh, tàu quân sự, máy bay để đe dọa. Nguy hại hơn, Trung Quốc còn cho các tàu trên đâm thẳng vào các tàu của Việt Nam chúng cháu… Tại sao lại như vậy ạ? Tại sao lại vậy trong khi vùng biển đảo này đã là của Việt Nam từ ngàn đời nay?
Ông thấy rồi đấy, tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam ngay trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhưng Việt Nam luôn kiềm chế, tự vệ và không sử dụng hành động tương tự để đáp trả lại. Việt Nam không muốn chiến tranh, không muốn làm cho tình hình căng thẳng nhưng chính ông cùng những nhà cầm quyền Trung Quốc khác đã làm cho các chiến sĩ cảnh sát biển, nhân viên kiểm ngư Việt Nam bị thương sau các lần Trung Quốc tấn công, đặc biệt là đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam! Điều này là hoàn toàn sai trái, vô nhân đạo, ông biết không?
Ông có biết vì những quyết định vô lý, vì mưu đồ bá chủ thế giới của đất nước Trung Quốc mà bao chàng trai nước cháu, đang tuổi đôi mươi, cái tuổi đẹp nhất trong cuộc đời mà đúng ra đang ở trên các giảng đường đại học, tiếp thu những kiến thức cho ngày mai xây dựng đất nước lại phải lên đường, anh dũng xông pha ra biển đảo để bảo vệ đất nước. Họ đã hy sinh tình yêu và bao ước mơ hoài bão khác để cùng với bạn bè, anh em, đồng đội lên đường chống bọn bành trướng xâm lược quyết chí bảo vệ Tổ quốc. Ông có biết bao người con gái đã phải khóc thầm mà tiễn người yêu đi. Để cháu đọc ông nghe:
"Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời"
Đặt ông vào hoàn cảnh như vậy, ông có rơi nước mắt không? Cháu biết rằng Trung Quốc là một nước giàu mạnh trên thế giới, đáng lẽ phải bảo vệ các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, sao lại đi đánh nước yếu? Theo những kiến thức cháu được học trong năm lớp 12, Trung Quốc tuyên bố Việt Nam là nước láng giềng tốt, theo phương châm “16 chữ vàng” đưa ra năm 1991 và theo tinh thần 4 tốt. Nhưng sự thật thì hiện tại Trung Quốc chỉ muốn khẳng định là họ sở hữu hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Có đúng như vậy không, thưa ông?
Cháu lại mới được biết rằng trong sách giáo khoa của Trung Quốc, từ những năm 1950, Việt Nam chỉ là một bộ phận của Trung Quốc, Việt Nam không phải là 1 nước độc lập. Tại sao lại nói sai sự thật thế được ạ? Trong khi “Bình Ngô đại cáo” do tác giả Nguyễn Trãi của nước cháu viết thời xưa đã có đoạn nói rằng: “Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu, Núi sông bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác; Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập; Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương; Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, Song hào kiệt thời nào cũng có. Cho nên: Lưu Cung tham công nên thất bại; Triệu Tiết chí lớn phải vong thân; Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô, Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã. Việc xưa xem xét. Chứng cứ còn ghi ”.
Cháu nghĩ rằng tất cả mọi người trên thế giới này đều muốn hòa bình, trong đó tất nhiên có cả nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc. Một khi chiến tranh xảy ra, mọi thứ đều trở nên tồi tệ. Cháu tưởng tượng thấy mỗi ngày khi thức dậy sẽ không được đón chào sáng bình minh tươi đẹp mà thay vào đó là tiếng “đùng đoằng, gầm rít” của súng đạn, thật kinh khủng sao! Cháu tưởng tượng thấy, thay vì cả nhà cháu đang hạnh phúc bên nhau thì ngày chiến tranh sẽ là ngày mà cháu cùng mẹ và em gái đứng ngồi không yên để mong ngóng tin tức của ba và em trai đang đánh giặc xâm lược. Và chắc hẳn, ở đất nước ông, những gia đình có người đi xâm lược cũng sẽ như vậy.
Đất nước của ông từng trải qua chiến tranh, từng bị các nước đế quốc, thực dân xâm lược, nên có lẽ ông cũng hiểu được nỗi buồn khổ, cơ cực do chiến tranh đem tới. Cháu tin rằng, nhân dân Trung Hoa không muốn đất nước mình bị cả thế giới lên án là xâm lược, được nhắc đến với lịch sử đen tối và là kẻ bội tín trong các cam kết về luật biển 1982, luật pháp quốc tế? Chúng cháu, những người dân đất Việt ngày ngày mong ngóng tin ông, mong ngóng một ngày Trung Quốc do ông đứng đầu sẽ hủy bỏ những ý định điên cuồng về xâm lược biển Đông, xâm chiếm biển đảo của Việt Nam.
Cháu nghĩ rằng mọi người dân Việt Nam ai cũng sẵn sàng “Khi Tổ Quốc cần, họ biết sống xa nhau”, lịch sử đã chứng minh điều đó. Mong ông đọc và suy ngẫm.
Chờ tin ông.
Kính thư,
Cháu: Ngọc Hân
(Sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Ngân hàng, TP Hồ Chí Minh.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét