Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

TRUNG QUỐC ĐANG MUA DÂY TỰ TRÓI MÌNH

Quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đang mua dây buộc mình

(Tài chính) Ngày 9/6, Trung Quốc đã quốc tế hóa việc nước này hạ đặt giàn khoan trên Biển Đông bằng việc đệ trình tuyên bố phản đối Hà Nội lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ). Trang The Diplomat nhận định, bằng cách đưa vụ việc với Việt Nam ra LHQ, Trung Quốc đang mạo hiểm đặt ra một tiền lệ với chính mình.

Quyết định của Trung Quốc đưa vấn đề căng thẳng với Việt Nam ra LHQ khiến dư luận khá bất ngờ. Đó là bởi từ xưa tới nay, Trung Quốc luôn là bên liên tục và kiên quyết chỉ trích các bên tuyên bố chủ quyền khác cũng như của một bên thứ ba như Mỹ về cái mà Trung Quốc gọi là “những nỗ lực nhằm quốc tế hóa tranh chấp”. Bắc Kinh chính là nước kịch liệt phản đối những hành động như việc thuần túy nêu vấn đề tại các diễn đàn khu vực như Đối thoại Shangri-La hay các hội nghị khu vực của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Bắc Kinh cũng bác bỏ việc Philippines khiếu nại Trung Quốc lên Tòa án trọng tài thường trực của LHQ về tranh chấp lãnh hải giữa Manila với Bắc Kinh ở Biển Đông. Thay vào đó, Trung Quốc biện luận rằng, các bên tranh chấp ở Biển Đông cần dàn xếp các vấn đề chủ quyền lãnh thổ thông qua đàm phán trực tiếp và song phương, con đường mà bất kỳ ai cũng dễ nhận thấy ở đó, Bắc Kinh luôn có sức mạnh áp đảo so với các nước láng giềng nhỏ bé.

Vậy điều gì đã khiến Trung Quốc thay đổi chiến thuật trong chiến lược bành trướng lãnh thổ của họ? Lý do căn bản nhất đó là Trung Quốc tự tin vào vị thế hiện tại của họ ở quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo này từ Chính quyền miền Nam Việt Nam từ năm 1974 và do vậy, Trung Quốc ngang nhiên không thừa nhận có tranh chấp lãnh hải tại đây. Trong nước, Trung Quốc tuyên truyền rằng, việc Hà Nội nỗ lực ngăn cản Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở gần Hoàng Sa (dù thực tế giàn khoan này nằm trong Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam) là hành động khiêu khích.

Trên thực tế, quyết định của Trung Quốc đưa vấn đề ra LHQ dường như phản ánh mối quan ngại gia tăng của Bắc Kinh trước việc các nước láng giềng sẽ sử dụng luật pháp quốc tế để vô hiệu hóa ưu thế vượt trội về quân sự của Trung Quốc. Ngoài Philippines, Việt Nam cũng sẽ cân nhắc khả năng kiện Trung Quốc ra hệ thống giải quyết tranh chấp quốc tế sau khi Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng và nguy hiểm với những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc hiểu rõ rằng, nếu làm như vậy, Hà Nội chắc chắn nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Australia và Mỹ...

Bằng việc chủ động nêu vấn đề tại một tổ chức quốc tế và bày tỏ tuyên bố chủ quyền của mình, Trung Quốc dường như tìm cách ngăn chặn Việt Nam thực hiện khiếu nại lên tòa án quốc tế. Chiến lược này được thể hiện rõ từ việc trình bày cơ sở tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc cũng như nỗ lực gắn kết các tuyên bố này với nhiều hiệp ước quốc tế như Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Chiến lược này có thể có lợi đối với Trung Quốc trong vụ việc liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đang chiếm đóng trên thực tế dù trái phép. Bắc Kinh gần như chắc chắn hy vọng động thái này của họ sẽ là đòn bẩy để buộc Hà Nội rút lời đe dọa đưa tranh chấp lên tòa án quốc tế phân xử, và sự hoang mang của Hà Nội vào lúc này có thể làm nhụt chí của các nước khác trong khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã đặt cược vào một canh bạc nguy hiểm khi chủ động quốc tế hóa tranh chấp. Mặc dù điều này có thể có lợi ngắn hạn với Trung Quốc, nhưng tuyên bố của Bắc Kinh về đường chín đoạn về cơ bản là trái với luật pháp quốc tế và hoàn toàn không có một cơ sở pháp lý nào. Vì thế, nếu các nước nhân cơ hội này cùng khởi kiện Bắc Kinh về đường chín đoạn, họ sẽ đuối lý. Trung Quốc rõ ràng đang mạo hiểm đặt ra một tiền lệ mà họ sẽ không muốn phải đối mặt trong những trường hợp tương tự.

Theo daibieunhandan.vn

1 nhận xét:

  1. Rất hay cái bọn này đang mua dây tự trói mình , nểu không thay đổi thì chỉ một thời gian nữa là nộp mạng

    Trả lờiXóa