Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

BI HÙNG CỰU PHÓ TỔNG THỐNG VNCH NGUYỄN CAO KỲ

Khoai@: 


Xin cảm ơn bác KimKhanh đã gửi đến cho Tre Làng bài viết này.

Bi hùng Cựu Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ

Dân tộc VN bao dung và độ lượng đã đón nhận ông như một đứa con đầy tội lỗi và lầm lạc trở về với đất mẹ.

Thấp thoáng ấy thế mà đã 10 năm ngày ông Nguyễn Cao Kỳ Cựu Phó Tổng thống VNCH về thăm Tổ quốc sau 30 năm lưu vong ở xứ người. Hôm nay viết về ông bởi nhớ đến ông một ông Tướng (một tên Việt gian) mà nhiều người đã từng mang dấu ấn không thể quyên từ lúc còn tuổi học trò, bởi từ lâu đã nghe tai tiếng rất lẫy lừng của ông Tướng cao bồi, có bộ râu kẽm, lạnh như kem trong cuộc chiến Việt nam. Tai tiếng lẫn danh tiếng, vang tiếng một thời đã lưu giữ trong tâm trí của mọi người một phần của sự kính trọng cùng với sự ngưỡng mộ của người dân Việt. sự ra đi đột ngột của ông (Ông qua đời ngày 23 tháng 7 năm 2011 tại một bệnh viện ở Malaysia ở tuổi 80) đã làm cho nhiều người tiếc nuối bởi những dự định tốt đẹp mà ông đang thực hiện cho quê hương, đất nước cho đồng bào cho sự nghiệp HGHH dân tộc ở lúc cuối đời giờ đây vẫn còn đang dang dở.

Dân tộc VN bao dung và độ lượng đã đón nhận ông như một đứa con đầy tội lỗi và lầm lạc trở về với đất mẹ. Trước lúc trở về với cố hương, lương tâm ông day dứt cứ như đang đứng ở ngã ba đường, về với tổ quốc có nghĩa là về với nhân dân, về lẽ phải với chính nghĩa nhưng có người chưa hiểu họ gắn cho ông là tội phản bội lại anh em chiến hữu đã cùng ông sát cánh một thời máu lửa, của tình “Huynh đệ chi binh” để “Tổ quốc” trên hết. Thế nhưng ông Cựu Phó Tổng thống một thời đầy quyền uy “Hét ra lửa mửa ra khói” có biệt danh tướng râu kẽm đầy quyền lực “Dưới một người trên cả triệu người” quyền sinh, quyền sát nắm trong tay đầy trọng trách, vận mệnh cả một quốc gia. Thế nhưng ông đã kiên quyết rũ bỏ quá khứ, chấp nhận những dị nghị đời thường bỏ ngoài tai của những điều khác biệt lựa chọn con đường về với Tổ quốc và Nhân dân. Về với đất mẹ có nghĩa là ông đã tự chọn cho mình tâm thế của một người chấp nhận sự thật của chiến bại

Ông cũng hiểu rằng, Người Việt Nam của ông luôn có lòng nhân ái và giầu lòng vị tha không nuôi giữ hận thù, sẵn sàng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai, nhưng ông cũng biết dân tộc ông cũng không dễ dàng quyên quá khứ và cũng không bao giờ được phép quyên những gì đã xảy ra trên mảnh đất đau thương, đầy mất mát này và ông cũng buộc phải hiểu rằng Sự thật phải là sự thật, càng không thể đánh đồng lẫn lộn bản chất, phải trái, trắng, đen, vàng thau lẫn lộn của cuộc chiến, bởi dân tộc này đã chịu quá nhiều đau thương và mất mát do con người của chế độ (VNCH) của ông gây ra. Ông sẽ phải đối diện với thực tế, những sự thật nghiệt ngã, cùng nỗi đau dằn vặt của một kẻ mang danh "Bán nước cầu vinh", “Ngụy quân, Ngụy quyền” bị người đời phỉ báng. Những suy nghĩ cùng những day dứt khi lương tâm đang thức tỉnh, phải đối diện với sự thật bởi bàn tay đã nhuốm máu đồng bào mà ông đã từng trực tiếp hay gián tiếp gây ra....Những điều tồi tệ nhất sẽ đến với ông khi ông về đến quê hương xứ sở và cái giá mà ông sẽ phải trả cho từng nấc thang "Vinh quang" đỉnh cao của quyền lực, nhưng đầy bi tráng trên quãng đời binh nghiệp, đi cùng những chiến tích đã được đánh đổi bằng xương, bằng máu của tuổi trẻ, của thời quá khứ vàng son đã mang lại cho ông nhiều danh vọng và lẫn cả những tham vọng.

Nhìn hình ảnh ông năm xưa thời máu lửa một Sỹ quan, một ông Tướng “Pi lốt” đầy cá tính, rất ngang tàng và ngổ ngáo, có lúc người ta bảo ông là Tướng Cao bồi đó chỉ là hình thức để họ đánh giá bề ngoài, nhưng thực ra ông lại là người rất hào hoa, phong nhã với bộ quân phục không quân cùng bộ râu kẽm được tỉa tót rất công phu, phản ánh rất rõ trên gương mặt xương gầy, với vầng trán cao thông minh, lịch lãm, nhưng bên trong ẩn chứa cá tính rất mạnh mẽ, đầy quyết đoán của một người lính chiến có bản lĩnh, dạn dĩ trên chiến trường cũng như của một vị Tướng cầm quân, một chính khách nổi tiếng sau này. Nét hào hoa của chàng quân tử, chất lãng tử sa trường của đời lính, tình yêu của người lính cũng từ cánh bay đưa đến cho ông các mối tình thật lãng mạn…..nhưng cũng rất nên thơ, cứ như trong mơ, trong mộng thửa nào, làm cho ông mềm mại, rất đa tình làm phái yếu dù “Cứng đơ” đến đâu cũng phải mềm lòng trước lời ong bướm, đường mật đầy chất Nam tính và rất quyến rũ của ông.

Nhưng khi trở lại chức năng của người lính ông lái máy bay chiến đấu gầm thét như xé nát không trung của miền quê yên tĩnh của Tổ quốc ông, với những đường bay lắt léo, ngang dọc bầu trời từ Nam ra Bắc, dưới cánh bay, cùng tay lái là những trái bom của Đế quốc luôn gieo rắc nỗi kinh hoàng cho đồng bào ông dưới mặt đất. Nghịch lý của chiến tranh thường đi kèm là tội ác, cùng với chiến tích là những bông mai bạc nặng dần trên ve áo sau những trận đánh vào sinh ra tử, cùng với tài năng bẩm sinh đã giúp ông trở thành Tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ rất ga lăng, nhưng đầy bản lĩnh kèm với bản chất hiếu chiến, chống cộng đến quyết liệt, đã tạo dựng cho ông sớm có cơ hội thăng tiến trở thành một chính khách cộm cán, đầy tai tiếng nhưng lại rất vì dân, rất được lòng “Quân Dân cán chính” của chế độ VNCH trong lúc ông chỉ mới 35 tuổi.

Chuyến di tản khỏi Sài Gòn trên chiếc máy bay lên thẳng ngày nào đã từng “Cõng” ông lượn vòng, quần thảo trên mái nhà riêng của cô Tiếp viên Hàng không Tuyết Mai xinh đẹp để cầu hôn, một cuộc tỏ tình trên không đầy lãng mạn, có một không hai trong “Lịch sử” tình yêu của vị Tướng không quân râu kẽm si tình và đầy tai tiếng của QLVNCH, đó cũng là chuyến bay định mệnh cuối cùng mà ông cầm lái. Một kết cục bi thảm và nhục nhã ê chề. Nhưng đó lại là điều tất yếu của những chính khách của một chế độ bù nhìn VNCH. Họ đã thua ý chí quật cường của dân tộc mình với khát vọng cháy bỏng là thống nhất đất nước của chính những người dân đã từng nếm trải nỗi đau, tột cùng của sự mất mát, của sự chia cắt đất nước và sự đô hộ của ngoại bang. Trên chuyến bay định mệnh cuối cùng của riêng mình, dù có trong mơ hay trong ác mộng ông Nguyễn Cao Kỳ cũng không thể hiểu rằng, mình không thể, hay có thể sẽ có một ngày nào đó quay về đất nước, nơi ông đã sinh ra và lớn lên cùng năm tháng, cùng với sự "Trưởng thành" theo đúng nghĩa đen, đầy đủ cả nghĩa bóng của cụm từ này. Chuyến đi đã trở thành cơn ác mộng, một ngày đen tối, một chuỗi ngày tủi nhục, nuối tiếc sau những chuỗi ngày Vinh quang, chấm hết bằng dòng nước mắt chảy dài trên má, một cuộc tháo chạy mà cả cuộc đời ông chưa bao giờ nghĩ tới, bỏ nước ra đi mà không biết có ngày quay trở lại.
Được xem trọn vẹn 31 Clip khi ông trả lời phỏng vấn thì mới thấy ông cũng là một người nghĩa khí, có lòng yêu nước nhưng theo lối tư duy và suy nghĩ chung của những chính khách VNCH. Theo nhận xét tích cực của nhiều người ông thực sự có tài và cũng rất có tâm, một Phó Tổng thống đầy quyền uy nhưng ông lại rất ít khi nghĩ cho riêng mình. Ông nghĩ nhiều đến sự tồn vong cùng với sự phát triển của chế độ và cái Quốc gia mà ông đang phụng sự, thành ra ông lại là một chính khách trong sạch, cứ việc công ông quyết, việc đúng ông làm, vậy nên ông đã trở thành một ông Tướng thanh liêm trong một xã hội đầy rẫy những bất công, thối nát và tham nhũng, dưới cái nhìn rất kính nể, ngưỡng mộ của người dân và sự khâm phục cùng cả nỗi sợ hãi của nhiều người.

Nhưng đáng tiếc thay tình yêu quê hương, đất nước là “Chữ tài, đi cùng với chữ tai”và cái tâm trong sáng của ông đã bị đặt nhầm chỗ khi ông phụng sự một quốc gia “Ngụy tạo”, phản lại dân tộc và chính ông đã góp phần gây tai họa cho đất nước, làm cả dân tộc này chìm đắm trong chiến tranh tàn phá, đầy máu và nước mắt. Thế nhưng trong cái họa vẫn còn có cái may cho đất nước, trong lúc nước sôi, lửa bỏng(1971) ông bị “Thất sủng” vì cái tính ngang tàng của một ông tướng ngổ ngáo,“Coi trời bằng vung” ông đã làm mếch lòng người Mỹ, không được người Mỹ tin dùng cùng với cái tính “sỹ diện” và cái “Cao thượng” hão, ông đã bỏ cuộc và “Cáo lão về quê” một đồn điền (Khánh dương) ở ẩn(quê quán thật của ông Kỳ ở thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây cũ nay thuộc thành phố Hà Nội) trong lúc tuổi đời vẫn còn rất trẻ chưa đến 50, nhường cái ghế Tổng thống sau màn độc diễn bầu cử mà không có tự do, cho tân Tổng thống đắc cử lần 2 (có tuổi năm chuột) Nguyễn văn Thiệu. Vì thế Cái may của dân tộc là cái tài cầm quân của ông Tướng râu kẽm hiếu chiến, chống cộng điên cuồng này đã bị “Bỏ xó”, thay vào đó là cái dốt của Tổng thống (tuổi Tý) cầm quân ở tuổi (năm Mèo) dẫn đến sai lầm chiến lược làm đổ vỡ, tan nát cả một Quốc gia mà suốt đời ông phụng sự trong vòng 56 ngày.

Có người nói “Ưu tư và những trăn trở của Nguyễn Cao Kỳ lúc cuối đời thật đáng trân trọng và người Việt Nam đã đối xử với ông theo đúng cái cách mà họ đã làm với nhiều người từng lầm đường lạc lối: "Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người quay lại". Thế nên những chuyến thăm quê hương vào những năm tháng cuối đời của Cựu Phó Tổng thống chế độ VNCH không chỉ là một lối mở để những đứa con của ông có thể noi theo mà tiếp sau đó còn cho nhiều người Việt hiện HN còn đang mặc cảm hay còn nhiêu lý do nào khác mà họ vẫn do dự nay họ đã noi gương ông dũng cảm bước qua “Lằn ranh Quốc Cộng” và họ đã trở về. Nhìn những đoàn người hồi hương về với đất Mẹ mà xe lòng đa số họ là những người đã lớn tuổi “Đang toan về già” khi họ đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời. Thế mới biết đời người cũng “Ngắn chẳng tày gang” mới ngày nào ra đi mái tóc vẫn còn xanh, nay trở về đã lơ thơ đầu bạc, nên tâm thức của tuổi già, họ nhớ đến quê hương, đất nước, muốn lá rụng về cuội bởi họ vẫn là người Việt nam và họ cũng muốn về đất Mẹ dẫu chỉ có một lần.

Thời gian đã thức tỉnh con người ông, biến chuyển những suy nghĩ của chính ông. Từ quyết tâm của một người quyết đòi lại những gì đã mất, những cái đã từng thuộc về mình, thế nhưng giờ đây ông Nguyễn Cao Kỳ đã bằng lòng với cuộc sống hiện tại bởi cuộc sống lưu vong ở xứ người đã là bài học trường đời thuần phục ông, đã biến ông thành một con người khác, vẫn cá tính ấy vẫn mạnh mẽ, vẫn quyết liệt thẳng, thật như ngày nào đã giúp ông nay trở thành người yêu nước theo đúng nghĩa. Nỗi nhớ quê hương, đất nước cũng bắt nguồn từ những day dứt khó quyên, không thể phai mờ trong tâm chí một vị Tướng, một Chính khách vì những gì mình đã không phải với Tổ quốc với Nhân Dân. Đây cũng là động lực chính, một cơ hội thôi thúc ông sẵn sàng chấp nhận những gì đến với mình để được về Việt Nam, để được làm một việc gì đó có ích cho quê hương, đất nước, chuộc lại những lỗi lầm mà mình đã mắc phải. Trong suy nghĩ mặc dù còn có những khác biệt về nhận thức, cách nhìn nhận nhiều vấn đề trong và sau cuộc chiến, nhưng khoảng cách bất đồng trong những khác biệt dần được thu hẹp, ông trở nên vui vẻ và cởi mở hơn và ông đã thực lòng trong các cuộc tiếp kiến với các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước VN một thời đã từng là kẻ thù của mình, Với tính bộc trực nói thẳng, nói thật ông có những câu nói “rất nổi tiếng, để đời” mà từ xưa đến nay ở hải ngoại không ai muốn nói và cũng không ai dám nói khiến nhiều người phải giật mình. Với 04 lần về thăm quê trong vòng 4 năm (từ năm 2004-2008) đã đủ thấy tâm nguyện hướng về quê hương, Tổ quốc của ông là chân thành, là có thực. Và đáng quý hơn, từ những chuyến đi đầy chuyển biến của chính mình, ông đã chuyển tải "tư tưởng muốn hàn gắn quan hệ giữa Việt Kiều ngoài nước và chính quyền trong nước, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ". Những ngày ở Việt Nam, ông là người đóng vai trò trung gian cho các doanh nghiệp rất thành công trong nhiều thương vụ trong đó có một thương vụ xây dựng resort và sân golf ở Quảng Ninh được báo chí tường thuật là tới 1,5 tỉ USD với một doanh nhân Mỹ".

Dẫu biết rằng, những đóng góp của ông chưa lớn, chưa đủ để gột rửa những lỗi lầm của một con người từng mang trọng tội, nhưng sự trở về của ông đã mang lại không ít những ý nghĩa mà lớp lớp người Việt ở Mỹ hay bất cứ nước nào trên thế giới cần suy nghĩ. Những mặc cảm của quá khứ cũng đã đến lúc được ngủ yên, những hận thù và sự thiếu hiểu biết lẫn nhau cũng cần hóa giải để "Tập hợp của tất cả người VN trong cũng như ngoài nước để phục hưng đất nước, để VN trở thành một con rồng châu Á" như cách nói của Ông trong lần về thăm tổ quốc đầu tiên sau gần 30 năm xa cách. Trước họa ngoại xâm từ phương Bắc Người Việt hiện nay đang cần nhau và vì nhau hơn lúc nào hết, để đoàn kết dân tộc thành một khối thống nhất, có đầy đủ sức mạnh chống kẻ thù chung bảo về giang sơ gấm vóc của tổ tiên, cha ông để lại.

Tưởng nhớ đến ông người viết chạnh lòng bùi ngùi như thương nhớ, quý trọng, ngưỡng mộ Ông một người đã khuất. Xin được có nén hương thơm tưởng nhớ đến ông nhân 10 năm ông về thăm quê hương, đất nước. Mong ông ở dưới suối vàng của thế giới người hiền(chứ không phải chín tầng địa ngục chuyên dành cho kẻ ác) linh hồn được siêu thoát, phù hộ độ trì cho đất nước được “Quốc thái Dân an” để “VN trở thành một con rồng châu Á”như ước nguyện của ông ngày nào sớm trở thành hiện thực.

Ngày 27 tháng 6 năm 2014
kimkhanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét