Tàu Trung Quốc luôn hung hăng, gây hấn, tấn công tàu của Việt Nam ngay trên vùng biển của Việt Nam. Ảnh TL
Hàng chục bản đồ, tư liệu quý hiếm đã lần đầu tiên được công bố chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Nằm trong chương trình hội thảo Hoàng Sa - Trường Sa. Sự thật lịch sử, sáng 21.6, tại bảo tàng Đà Nẵng đã diễn ra lễ trưng bày các bằng chứng, vật chứng lịch sử với chủ đề Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Tại đây, ban tổ chức đã trưng bày hàng chục bản đồ, tư liệu quý hiếm lần đầu tiên được công bố chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng, thành viên ban tổ chức cho biết, triển lãm lần này bổ sung rất nhiều các tư liệu mới có nguồn gốc từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 do Viện Hán - Nôm mới lần đầu công bố.
Nhiều tài liệu khác được phát hiện, sưu tầm trong thời gian vừa qua cũng nói về việc chính quyền Việt Nam Cộng hòa xác lập chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.
Trong các tài liệu do Bộ Ngoại giao cung cấp, có bộ bản đồ rất quý mang tên Vùng duyên hải Đà Trong có từ thế kỷ 17, được các nhà buôn Hà Lan sưu tầm và Thủ tướng Hà Lan đã tặng cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm nước bạn, đề cập rất rõ ràng Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.
Ngoài ra còn có bộ Atlat cổ được sưu tầm tại Bỉ gồm 6 tập, tập 2 viết về châu Á và có những bản đồ rất quan trọng nói rõ việc 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là của Đại Việt…
Giáo sư Erik Franckx, thành viên Tòa trọng tài Brussel - Bỉ cho biết: “Bản đồ là một tài liệu mang một giá trị pháp lý quan trọng nhưng phải đi kèm với những bản ký kết giữa 2 quốc gia. Những bản đồ được trưng bày tại đây hôm nay đều có ý nghĩa và mang giá trị pháp lý, nó sẽ giúp người dân nhìn về quá khứ và khẳng định được việc xác lập chủ quyền của người xưa với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa”.
Về giá trị pháp lý bản Công hàm 1958 của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng ông Erik Franckx đánh giá: “Nội dung công hàm này chỉ nói về phần lãnh hải 12 hải lý của biển đảo Trung Quốc chứ không hề đề cập đến 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa nên không có giá trị pháp lý đối với việc Trung Quốc đòi xác lập chủ quyền tại 2 quần đảo này”.
Giáo sư Erik Franckx khẳng định công hàm 1958 không có giá trị pháp lý đối với Hoàng Sa - Trường Sa.
Cũng tại triển lãm, ông André Menras - nhà báo, chuyên gia nghiên cứu độc lập về biển Đông, đạo diễn bộ phim tài liệu nói về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa đối với Việt Nam vừa được hoàn thành cho biết: “Tôi rất vui khi thấy chính quyền đã quan tâm đến việc trưng bày các bằng chứng lịch sử để giúp người dân nhận biết.
Đạo diễn, nhà làm phim, nhà nghiên cứu độc lập André Menras (áo đen) nói rằng Trung Quốc đã đi ngược lại với hiệp ước mà họ đã ký.
Với tư cách là nhà làm phim độc lập, tôi hoàn toàn khách quan trong việc xem xét đánh giá. Công việc của tôi cũng chính là góp phần cho dư luận thế giới biết Trung Quốc đã nổ súng trước để chiếm đóng quần đảo. Trung Quốc đã không hề văn minh như họ nói! Việt Nam muốn hòa bình, các bạn đã ký kết các hiệp ước DOC, UNCLOS nhưng Trung Quốc thì sao, họ làm ngược lại các hiệp ước đã ký".
Nguyên Phi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét