Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

KHÔNG CÓ MỘT QUỐC GIA NÀO CÔNG NHẬN CHỦ QUYỀN TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI HOÀNG SA

Việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp, không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với Hoàng Sa.

Tàu của Trung Quốc liên tục gây rối gần Hoàng Sa - Ảnh: Hoàng Sơn

Đây là khẳng định của thiếu tướng Lê Văn Cương (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, khi trả lời Thanh Niên về vấn đề lập luận chủ quyền của Trung Quốc (TQ) đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

* Thưa ông, một trong số những lập luận mà chính quyền TQ dùng để biện minh cho vị trí hạ đặt trái pháp luật giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là căn cứ trên cái gọi là “chủ quyền của TQ đối với quần đảo Tây Sa” (tức Hoàng Sa của Việt Nam). Ông đánh giá như thế nào về lập luận này?

- Trước tiên, tách riêng vấn đề giàn khoan để nói chuyện Hoàng Sa, có thể thấy quan điểm nhất quán của TQ là “các triều đại TQ từ xa xưa đã làm chủ, quản lý Hoàng Sa, Trường Sa”. TQ nói rằng họ có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý về việc đó.

Từ góc độ của một người nghiên cứu tôi có thể khẳng định: thực tế hoàn toàn trái ngược. Trong toàn bộ các pho chính sử khổng lồ của TQ từ thời Hán (203 TCN - 220) đến Thanh (1644 - 1912) đều không ghi chép về Hoàng Sa và Trường Sa. Bản đồ của đế chế Trung Hoa Hoàng triều nhất thống dư địa tổng đồ (1894) cũng thể hiện lãnh thổ TQ ở cực nam là đảo Hải Nam. Cuốn TQ địa lý học giáo khoa thư (1906) cũng ghi rõ điểm cực nam của TQ là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu (tức Hải Nam - TQ), ở vĩ tuyến 18.

Trong khi đó, bộ bản đồ Atlas thế giới của Philippe Vandermaelen xuất bản năm 1827 tại châu Âu mà Việt Nam vừa sưu tầm được cũng đã thể hiện rõ chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như cực nam của TQ chỉ đến đảo Hải Nam.

Thời cận đại, chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được khẳng định tại Hội nghị San Francisco (Mỹ) hồi tháng 9.1951 giải quyết các vấn đề về biên giới lãnh thổ sau Thế chiến 2. Tại hội nghị này, 46/51 quốc gia bỏ phiếu phản đối việc trao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho TQ.

Theo Hiệp định Geneve (1954), Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã tiếp quản và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. TQ là một nước tham gia Hội nghị Geneve, hơn thế nữa chính họ là bên đã giúp VNDCCH thương thảo nên họ biết rất rõ điều này. Đây cũng là văn bản pháp lý có sự xác nhận của cộng đồng quốc tế trong đó có cả TQ nên họ phải có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện của hội nghị này.

Theo Hiệp định Geneve (1954), VNCH đã tiếp quản và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. TQ là một nước tham gia Hội nghị Geneve, hơn thế nữa chính họ là bên đã giúp VNDCCH thương thảo nên họ biết rất rõ điều này.

Thế nhưng năm 1956, tức chỉ hai năm sau Hiệp định Geneve, TQ đã đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974, TQ tiếp tục sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. VNCH cũng như Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã phản đối hành động của TQ, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Phải nói rõ đây là một cuộc chiến tranh xâm lược mà nhà cầm quyền TQ đã phát động để đánh chiếm lãnh thổ của Việt Nam. Kẻ đi xâm lược là chính quyền TQ, người chống xâm lược là dân tộc Việt Nam mà trực tiếp là các binh lính VNCH.

Việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp, không thể đem lại chủ quyền cho TQ đối với Hoàng Sa. Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế đã quy định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác. Đến nay không quốc gia nào công nhận chủ quyền của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa.

* Gần đây TQ đưa ra câu chuyện công điện mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Chu Ân Lai năm 1958 và diễn giải rằng đây là bằng chứng cho sự công nhận của VNDCCH đối với chủ quyền của TQ ở Hoàng Sa và Trường Sa...

- Đây tiếp tục là một hành động xuyên tạc có tính toán nhằm tạo cớ, hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của TQ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Công điện năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thực tế là một bức thư công được gửi cho Thủ tướng TQ Chu Ân Lai vào ngày 14.9.1958. Trước đó vào 4.9.1958 Chu Ân Lai đã công khai tuyên bố về hải phận 12 hải lý của TQ.

Vào thời điểm đó TQ đang chịu sức ép quân sự của Mỹ ở bờ biển Đài Loan nên buộc phải ra tuyên bố nhằm gián tiếp thông báo với Mỹ và thế giới để cảnh báo chuyện tàu chiến Mỹ thâm nhập vào gần bờ biển TQ.

Công điện 1958 ra đời trong bối cảnh VNDCCH đang là đồng minh của TQ. Thời điểm ấy quan hệ “bạn - thù” rất rõ ràng. Thực tế TQ đã giúp đỡ VN chống Pháp, Mỹ nên việc VNDCCH ủng hộ TQ là điều bình thường. Tuy nhiên công điện ấy chỉ chuyển tải một thông điệp chính trị rằng Việt Nam luôn ở bên cạnh TQ; công điện này không sinh ra từ một cuộc thương thảo, không phải là kết quả một thỏa thuận nào đó giữa TQ và Việt Nam về biên giới, lãnh thổ. Do vậy, nó không có hiệu lực pháp lý trong việc công nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

* Thưa ông, đã hơn 40 năm kể từ khi quần đảo Hoàng Sa bị TQ dùng vũ lực tấn công, chiếm đóng (1.1974) nhưng dường như đến nay chúng ta vẫn có những sự dè dặt nào đó khi đánh giá về sự kiện này. Theo ông đâu là nguyên nhân?

- Đúng là từ nhiều năm qua chúng ta vẫn có một sự thận trọng nhất định khi đánh giá về sự kiện xảy ra ở Hoàng Sa năm 1974. Sự thận trọng ấy có phần liên quan đến việc khi TQ nổ súng tấn công Hoàng Sa thì quần đảo này đang dưới sự quản lý của chính quyền VNCH.

Tuy nhiên, nếu xét về bản chất thì sự hy sinh của binh lính VNCH ở Hoàng Sa 1974 là sự hy sinh xương máu của người Việt Nam để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng trước những kẻ ngoại xâm.

Về nguyên tắc và thực tế, trong giai đoạn 1955 - 1975 trên lãnh thổ Việt Nam đã tồn tại hai quốc gia độc lập là VNDCCH với thủ đô là Hà Nội và VNCH với thủ đô là Sài Gòn. Hai quốc gia này có tư cách pháp nhân, pháp lý và được sự thừa nhận của quốc tế.

Tuy đã muộn nhưng có lẽ từ nay báo chí hay các văn bản chính thức chúng ta nên gọi đúng “chính danh” ấy thay vì cách gọi cũ trong thời chiến. Nói như vậy để thấy là VNDCCH hay VNCH thì đều có chung gốc mẹ là Việt Nam. Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng là trọng trách của người Việt Nam nói chung không phân biệt lựa chọn chính trị của anh là như thế nào.

Nhận thức ấy có lẽ cần phải có từ lãnh đạo cấp cao. Cần có sự mạch lạc và rõ ràng trong tư duy và nhận thức chúng ta mới không rơi vào những lưỡng lự, né tránh và cuối cùng lại quy vào “nhạy cảm”. Ở đây là câu chuyện về khoa học pháp lý, khoa học chính trị. Đã là khoa học thì phải khách quan.

Chính vì lý do ấy mà tôi cho rằng chúng ta cần nhìn nhận và có những đánh giá thích đáng đối với những hy sinh của sĩ quan, binh lính VNCH trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa năm 1974. Cần xem đó là sự hy sinh xương máu để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc do cha ông để lại trước giặc ngoại xâm.Việc vinh danh thế nào, ở thời điểm nào, hình thức và mức độ ra sao thì còn phải bàn tính để có sự đồng thuận nhưng rõ ràng sự hy sinh của những người lính VNCH phải được ghi nhận. Câu chuyện Hoàng Sa 1974 cần phải được ghi lại vào lịch sử Việt Nam.

Vi phạm luật Quốc tế

Trên thực tế năm 1974 TQ đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Hành động này đã vi phạm một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của luật quốc tế, đó là nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Nguyên tắc này được ghi nhận một cách rõ ràng trong điều 2 (4) của Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như trong luật tập quán quốc tế. Trong Nghị quyết 2625 về các nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã một lần nữa nghiêm cấm tất cả các quốc gia không được sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập về chính trị của các quốc gia khác.

Thậm chí, việc sử dụng vũ lực còn được coi là vi phạm các quy phạm có tính chất mệnh lệnh chung của luật pháp quốc tế (các quy phạm jus cogens). Đây là những quy phạm có vị trí tối cao trong luật quốc tế, không cho phép bất cứ quốc gia nào có thể vi phạm hay biện minh cho vi phạm của mình dưới bất kỳ hình thức nào.

Với các quy phạm có tính mệnh lệnh chung, luật pháp quốc tế cũng đặt ra nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế không được công nhận tình hình hay tình huống được tạo dựng bởi việc vi phạm các quy phạm có tính chất mệnh lệnh của luật quốc tế, mà cụ thể ở đây là quy phạm về việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Dựa trên nguyên tắc này có thể thấy không có bất cứ quốc gia nào trong cộng đồng quốc tế thừa nhận hoặc được phép thừa nhận chủ quyền của TQ đối với quần đảo Hoàng Sa. Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa do vậy cũng không thể bị lay chuyển bởi việc TQ chiếm đóng ở đây.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Lan, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao

Trường Sơn (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét