Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

NHÂN VIÊN VIETJET AIR LÀ NẠN NHÂN CỦA TRUYỀN THÔNG?

Nhân viên VJA – Nạn nhân của mạng xã hội?

By Võ Khánh LinhApril 5, 2015 07:31

Hãng hàng không Vietjet đã quyết định đình chỉ công việc đối với nhân viên- người đã trực tiếp làm việc với cô Nguyễn Thị Vân, Giám đốc Trung tâm Nghị Lực Sống. Khi nhìn vào đoạn clip trao đổi giữa anh nhân viên này với cô Vân, cũng như với cô bạn đi cùng Vân, tôi đã rất thán phục vì sự nhã nhặn, tận tâm, chịu khó giải thích tận tình cho khách hàng hiểu. Không những thế, anh còn cho thấy rất thông cảm với những bức xúc của chị Vân và cô bạn đi cùng. Mọi người ắt hẳn sẽ đồng ý với tôi, anh nhân viên ấy không có lỗi gì cả. Lỗi ấy, nếu có thì chỉ là từ công ty Vietjet. Vậy nhưng, anh ấy vẫn bị đình chỉ công việc, và có thể để xoa dịu dư luận, Vietjet sẽ đuổi việc anh ấy.

Vietjet trong lần trả lời báo chí về vụ việc trên họ cho biết: “do chị Vân không đặt trước dịch vụ theo như quy định, nhân viên sân bay phải căn cứ vào điều kiện cụ thể về nhân lực và trang thiết bị hỗ trợ tại thời điểm phục vụ chuyến bay để quyết định có thể hỗ trợ cho khách hay không trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cao nhất cho hành khách cũng như cả chuyến bay.”

Không những thế, trong clip được quay lại tại phi trường Đà Nẵng, anh nhân viên nói trên còn nói rằng, theo quy định của công ty, đối với những trường hợp khuyết tật nặng như chị Vân, tức là không thể đi lại trong cabin phi cơ, họ có quyền 100% từ chối vận chuyển. Anh nhân viên này cũng đã nói rõ là sẽ hoàn lại 100% vé mà chị Vân đã mua ban đầu. Vậy nhưng, Vietjet vẫn đình chỉ công việc của anh ấy vì áp lực từ mạng xã hội, báo chí đem đến.

Ở đây, ta thấy rõ một điều, thay vì quay sang chỉ trích công ty Vietjet (nếu họ sai), thì nhiều người đã chuyển hướng chỉ trích anh nhân viên dễ thương kia. Thay vì coi thử phía chị Vân đã đặt dịch vụ trước 48h đối với người khuyết tật nặng, thì họ đã vội kêu gọi tẩy chay Vietjet. Chúng ta đừng quên, giữa chị Vân với Vietjet là mối quan hệ mua-bán. Người mua có quyền mua, nhưng không thể buộc người bán phải bán cái mà họ không có. Ở phi trường Nội bài có ống lồng và việc vận chuyển chị Vân được diễn ra suôn sẻ, nhưng ở Đà Nẵng thì không có. Nếu không có, tức là không bảo đảm an toàn cho hành khách, làm sao anh nhân viên trên dám tiếp nhận hành khách như chị Vân. Lỡ may có chuyện gì xảy ra, anh ấy không thể nào gánh hết được trách nhiệm. Chỉ mới từ chối vận chuyển để bảo đảm an toàn cho hành khách, nhưng anh ấy đã bị đình chỉ công việc, nếu xảy ra điều gì nặng nề hơn, có khi anh ấy chỉ còn có thể ngồi đếm kiến.

Chúng ta tôn trọng người khuyết tật, chúng ta thương cảm, dành cho họ những điều ưu tiên để miễn làm sao bù đắp những mất mát của họ trong cuộc đời này. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa rằng, chúng ta hành xử theo cảm tính, để cảm tính dẫn dắt mà không cần biết đến đúng-sai. Việc Vietjet từ chối vận chuyển chị trong ngày 15,16/4 đã cho thấy rằng, họ không có dịch vụ vận chuyển đối với những hành khách bị khuyết tật nặng, vì họ là hãng hàng không giá rẻ. Nếu muốn được những dịch vụ ấy, chị Vân phải thiệt thòi chút nữa, là bỏ thêm ít tiền. Cũng đành chịu thôi, vì chị Vân cần nhiều dịch vụ hơn những hành khách khác. Điều này làm cho chúng ta nhớ lại trong clip do chị Vân cung cấp, anh nhân viên Vietjet đã nói đúng quy định của công ty không có điều đó. Sẽ không hề có chuyện hãng hàng không nào cũng như Vietjet, vì vẫn có những hãng hàng không cao cấp, như Vietnam Airlines chẳng hạn. Vậy nhưng, anh nhân viên kia vẫn bị đình chỉ công việc.

Mạng xã hội tốt đó, chúng ta dùng nó để đòi công bằng, đòi quyền lợi cho chúng ta, đòi những thứ mà đã bị tước đoạt, nhưng chúng ta đừng dùng nó để biến một vài cá nhân trở thành nạn nhân của nó. Ở đây là anh nhân viên rất lịch thiệp, nhã nhặn, tận tâm nói trên.

1 nhận xét:

  1. Thế mới có truyền thông bất lương và truyền thông giải cứu.
    http://trelangblogspotcom.blogspot.com/2015/03/truyen-thong-bat-luong-va-truyen-thong.html

    Trả lờiXóa