Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

CHỦ NGHĨA BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUỐC KHÔNG NGỪNG GIA TĂNG

Ong Bắp Cày

Tiến sỹ S.D. Pradhan - chuyên gia về Biển Đông có bài bình luận với tựa đề ''Chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc không ngừng gia tăng'' đăng trên tờ The Time of India, ngày 7/5. Ong Bắp Cày xin đăng tải lại nội dung chính của bài:

Chính sách bành trướng của Trung Quốc đối với các khu vực láng giềng của nước này được cho là đã làm gia tăng các nguy cơ nghiêm trọng của các cuộc xung đột trên Biển Đông. 

Sau khi chiếm được bãi cạn Scarborough Shoal của Philippines và bắt đầu việc xây dựng các công trình, ban hành lệnh cấm đánh bắt trên biển Đông, hiện tại Trung Quốc đã quyết định bắt đầu tiến hành việc khoan, khai thác dầu khí trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ngày 3/5/2014, Cơ quan quản lý An toàn Hàng hải Trung quốc tuyên bố rằng giàn khoan HD-981 sẽ được lắp đặt tại vị trí 15 độ 29 phút 58 giây vĩ độ Bắc và 111 độ 12 phút 06 giây kinh độ Đông từ ngày 2/5/2014 đến ngày 15/8/2014. 

Khu vực này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc, tuyên bố rằng mọi hoạt động thăm dò dầu khí tiến hành trong vùng biển Việt Nam nếu không được sự cho phép của nước này là hoàn toàn bất hợp pháp. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã phát biểu như vậy trong một tuyên bố được đăng trên website của chính phủ. 

Ngày 4/5/2014, Tập đoàn PetroVietnam cũng đã gửi thư đến Chủ tịch và Tổng giám đốc CNOOC, yêu cầu công ty Trung Quốc ngay lập tức phải dừng mọi hoạt động phi pháp trên và rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. 

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying tuyên bố rằng việc tiến hành khoan thăm dò trên nằm trong vùng biển Trung Quốc. Những hành động và phản ứng kiểu như như vậy của Trung Quốc đã khiến căng thẳng trên biển Đông tiếp tục gia tăng.

Trên thực tế, cách "hành xử hung hăng" hiện tại của Trung Quốc đối với Việt Nam là một phần trong chiến lược lớn của Trung Quốc đối với Nhật Bản, những nước có tranh chấp chủ yếu đối với Trung Quốc trên biển Đông, và với Ấn Độ trong các khu vực lân cận Trung Quốc.Tại các khu vực trên, những thủ đoạn tương tự cũng đã được tiến hành. Chiến lược trên của Trung Quốc xuất phát từ nhận thức cho rằng các nước láng giềng không thể liên kết lại để chống lại Trung Quốc và sẽ chấp nhận những sự thay đổi trong hiện trạng sau khi có vài tiếng nói phản ứng yếu ớt. ngoài ra, Trung Quốc hiện tại cho rằng việc chiếm đóng trên thực tế tại các khu vực liền kề là rất quan trọng đối với an ninh nước này.

Chiến lược chính trên của Trung Quốc bao gồm 3 mục tiêu an ninh cốt lõi tại Đông Á: tạo lập sự kiểm soát đối với “các vùng biển gần” và các khu vực biên giới của Trung Quốc; thúc đẩy sự hội nhập kinh tế khu vực mà Trung Quốc là trung tâm thông qua biện pháp ngoại giao; bảo vệ và tăng cường các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ngay cả khi phải áp dụng các biện pháp vũ lực mạnh mẽ. 

Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ hiếu chiến của Trung Quốc đã trở thành một đặc điểm cố hữu trong chính sách đối ngoại và bành trướng của nước này.

Quan điểm cho rằng Trung Quốc cần phải sửa chữa những sự nhẫn nhục trong những thế kỷ qua đã được đặc ở vị trí trung tâm trong việc định hình các chính sách đối ngoại và an ninh của Trung Quốc. Người dân và Chính phủ Trung Quốc “cảm thấy” các khu vực kề cận nước này là thuộc về Trung Quốc và phải được chiếm lại. 

Khi Trung Quốc đã trở nên mạnh hơn, Trung Quốc gọi là “Trỗi dậy Hòa bình,” chính phủ và người dân nước này nhận thấy sự cần thiết lớn hơn đối với việc Trung Quốc phải quyết đoán hơn trong đòi hỏi chủ quyền đối với các khu vực trên.

Sự nhấn mạnh của Trung Quốc đối với việc hội nhập kinh tế là một phần của việc gia tăng không chỉ sức mạnh kinh tế nước này mà còn nhằm thiết lập bá quyền trong các khu vực kề cận. 

Tuy nhiên, đó mới chỉ là mục tiêu trước mắt. mục tiêu cuối cùng chính là việc thống trị Ấn Độ Dương - mục tiêu đã được Trung Quốc đặt ra từ năm 1984 và để làm được việc đó, sự thống trị của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông là trọng tâm.Trung Quốc đang có những động thái được tính toán kỹ lưỡng nhằm đạt được những mục tiêu trên. Trung Quốc đã ký kết nhiều hiệp định với Ấn Độ và Việt Nam nhằm duy trì hòa bình tại các khu vực biên giới và trên biển Đông.

Với Ấn Độ, các hiệp định năm 1993, 1996 và 2005 đã được ký và hai Đại diện Đặc biệt đã liên tục thảo luận vấn đề biên giới giữa hai nước.Tuy nhiên, mặc dù đã có những thỏa thuận như vậy, sự xâm nhập của Trung Quốc tại các khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ đã liên tục xảy ra. Đối với Việt Nam cũng vậy, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận với Việt Nam năm 1993. 

Năm 2011, một thỏa thuận khác dựa trên các nguyên tắc cơ bản về việc hướng dẫn giải quyết những vấn đề liên quan đến biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết.Tuy nhiên, những thỏa thuận trên, Trung Quốc không coi là gì, trường hợp với Ấn Độ là một ví dụ. Gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã gây ra một số vụ việc phức tạp trên biển Hoa Đông. 

Trong cả ba khu vực trên, sự hiếu chiến của Trung Quốc rõ ràng là đang gia tăng không ngừng.

Phản ứng của Việt Nam cho đến nay hiện vẫn rất kiềm chế đối với những vụ việc vừa qua. Tháng vừa rồi Việt Nam chính thức tuyên bố thành lập lực lượng kiểm ngư với nhiệm vụ giám sát hoạt động đánh cá của ngư dân và bảo vệ các vùng biển thuộc lãnh thổ nước này. 

Sự kiện này diễn ra sau động thái của Trung Quốc ban hành lệnh mới vào tháng Một vừa qua, yêu cầu ngư dân nước ngoài phải có được sự đồng ý của Bắc Kinh mới được tiến hành đánh bắt trên các vùng biển trên biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền, bao gồm các vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.Căng thẳng đã và đang gia tăng trên biển Đông. Tuy nhiên, vụ việc gần đây được xem là ở mức độ nghiêm trọng hơn. Trong khi trước đó, Trung Quốc đã ban hành nhiều lệnh cấm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, động thái hiện tại của Trung Quốc là phép thử lớn nhất trong các vùng biển tranh chấp khi nước này triển khai “giàn khoan nước sâu diện rộng” - được coi là lãnh thổ di động và vũ khí chiến lược của Trung Quốc - theo lời của Chủ tịch CNOOC Wang Yilin.

Căng thẳng đang gia tăng trên gợi nhớ đến cuộc chiến tranh biên giới Việt Nam-Trung Quốc những năm 1970. 

Từ 2012 cho đến nay, Trung Quốc đã tính toán kỹ lưỡng các nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông. Sau khi chiếm đóng bãi cạn Scarborough, Trung Quốc tiếp tục các hoạt động xây dựng ở đó nhằm phục vụ cho các mục đích quân sự. Hiện tại, Trung Quốc được cho rằng đang xây dựng cơ sở quân sự và đường sân bay trên bãi Johnson nhằm kiểm soát tốt hơn biển Đông. 

Trong khi Trung Quốc đã bắt đầu chiến lược liên tục đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển Đông, với tâm lý cho rằng các nước tranh chấp khác không thể hoặc không sẵn sàng ngăn cản nước này, thì ảnh hưởng ngày càng lớn của các hoạt động của Trung Quốc đó có khả năng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi mà các nước khác phản ứng lại một cách mạnh mẽ. 

Cần nhớ rằng Việt Nam đã có cuộc chiến tranh với Trung Quốc trước đây. Thời điểm này thậm chí các cường quốc bên ngoài có thể can dự khi mà biển Đông trên phương diện chiến lược và kinh tế là cực kỳ quan trọng. Phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam như việc triển khai các lực lượng tuần tra kiểm soát nhằm bảo vệ các vùng biển của mình đã tự tạo ra động lực cho chính mình trong các cuộc xung đột.

Với những điều đã nói ở trên, có sự đòi hỏi cấp thiết đối với việc tiến hành các bước nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng. Bộ Quy tắc ứng xử COC cần phải được hoàn tất trong thời gian sớm nhất. Mỹ, Nhật Bản, ASEAN, Nga, Australia và Ấn Độ nên chung tay gây áp lực buộc Trung Quốc phải từ bỏ những chính sách hiếu chiến của nước này đối với các quốc gia láng giềng. 

Các quốc gia này cũng cần chuẩn bị áp dụng những biện pháp (có thể là trừng phạt) đối với Trung Quốc trong trường hợp nước này vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế. 

Nếu Trung Quốc có thể trắng trợn vi phạm luật pháp quốc tế và các thông lệ mà không bị trừng phạt, nước này sẽ không có động lực để trở thành quốc gia có trách nhiệm trong khu vực và trên thế giới. Các biện pháp mạnh có thể được tiến hành nhằm đảm bảo rằng Trung Quốc đồng ý hoàn tất và thực thi COC trong thời gian sớm nhất. 

Chúng ta hy vọng Trung Quốc cũng nhận ra rằng những hành động hiếu chiến của nước này đã đẩy những nước láng giềng vào việc hình thành các liên minh nhằm chống lại Trung Quốc và rằng Trung Quốc cần từ bỏ chính sách thiếu thân thiện quá mức đang hủy hoại hòa bình trong khu vực và ép buộc các nước lớn bên ngoài phải tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích của các nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét