Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

KẺ DU ĐÃNG ĐANG BẮT NẠT LÁNG GIỀNG

Ong Bắp Cày

Các cơ quan truyền thông lớn của quốc tế đồng loạt đưa tin về cuộc họp báo ngày 8-5 của Trung Quốc nhưng sau đó tiếp tục có bình luận theo hướng Bắc Kinh là phía chủ động gây hấn. Báo The New York Times (Mỹ) viết: “Khi Trung Quốc cho rằng dùng vòi rồng là một hình thức kiềm chế, tức là nước này nhấn mạnh thêm nữa lập trường “nói chuyện bằng sức mạnh” đối với các nước châu Á láng giềng”. Phân tích với báo này, ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung thuộc Hội châu Á tại New York, dự đoán sẽ không có đụng độ vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng Bắc Kinh đã “tạo ra một môi trường mà trong đó rất khó để giữ quan hệ hữu nghị với láng giềng”.

Báo The Guardian (Anh) chỉ rõ việc Trung Quốc triển khai giàn khoan cùng đội tàu hộ tống là một trong những bước đi khiêu khích nhất trong chiến lược lấn chiếm dần biển Đông. Tờ báo dẫn lời ông Bruce Jacobs, chuyên gia về an ninh châu Á tại Trường ĐH Monash (Úc), nói: “Quân đội Trung Quốc muốn được cấp ngân sách nhiều hơn, còn giới lãnh đạo muốn có sự hậu thuẫn của quân đội. Vì mối quan hệ hỗ tương này nên sẽ không có thúc đẩy hòa bình từ phía Trung Quốc”.

Hành động hung hăng của Trung Quốc dường như gây tác dụng ngược với Bắc Kinh, theo tạp chí Foreign Policy. Trong khi Philippines tạo ra một tiền lệ chưa từng có là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế hồi đầu năm 2014 thì Indonesia và Malaysia cũng dần từ bỏ thái độ trung lập đối với các tranh chấp ở biển Đông. “Một khả năng có thể phát sinh từ vụ Trung Quốc gây hấn với Việt Nam là các bên có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông - đặc biệt là Philippines, Malaysia và Việt Nam - sẽ tăng cường hợp tác với nhau” - ông Ely Ratner, một quan chức cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định. Cũng theo ông Ratner, nỗ lực xích lại gần nhau của Trung Quốc và Nga cũng có khả năng bị ảnh hưởng vì “một số nước bị Bắc Kinh chèn ép có mối thân cận với Nga”.

Về lập luận giàn khoan đặt trong “lãnh thổ Trung Quốc”, báo Sankei (Nhật Bản) bác bỏ: “Căn cứ mà Trung Quốc dựa vào là “đường chín đoạn” do chính họ tự đặt ra, khoanh vùng gần như toàn bộ biển Đông. Cách lập luận này hoàn toàn trái ngược với khái niệm lãnh hải bắt nguồn từ lục địa và không được công nhận trên bình diện quốc tế.

Tương tự với việc tiến ra biển Hoa Đông bất chấp luật pháp, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu tại vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam chính là ý đồ thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và làm bất ổn tình hình. Không thể tha thứ cho những toan tính này”.

Ngày hôm nay, Trung Quốc bị cả thế giới phỉ nhổ và ví như một kẻ du đãng chuyên bắt nạt hàng xóm láng giềng.

7 nhận xét:

  1. Sự việc HD-981 vào vùng lãnh hải VN lại làm bầu không khí nóng hơn bao giờ hết, tất nhiên đuổi nó ra ngoài dell phải việc của anh, nhưng với tư cách là một Lừa dân, anh thấy cũng cần phải có trách nhiệm, ít nhất là cho các bạn hiểu rõ HD-981 nó là cái quái gì.

    HD-981 là một giàn khoan nước sâu thiết kế nửa nổi nửa chìm hay còn gọi là giàn semi-sub bao gồm phần nổi và phần chìm. Phần nổi nhìn thấy trên hình bao gồm các kết câu phục vụ cho công tác khoan, còn phần chìm gọi là ballast bao gồm các tank rỗng mục đích cho giàn nổi lên mặt nước. Ở phần chìm, các tank sẽ được bơm nước vào sao cho khối lượng nước cân bằng với phần nổi để giữ cho giàn thăng bằng không bị lật úp (up side down), ngoài ra còn co các hệ thống chân vịt giúp cho giàn có thể xê dịch trong một phạm vi hẹp nhưng không vì mục đích di chuyển trên quãng đường dài. Khi có dòng hải lưu hoặc cơn sóng xô vào, các chân vịt sẽ hoạt động tạo ra một lực đẩy hướng ngược chiều với dòng hải lưu hoặc con sóng để giàn vẫn đứng yên ở vị trí đã được định vị. Giàn còn được cố định bằng tám tời neo theo tám hướng xung quanh.
    Phần nổi bao gồm một tháp khoan đặt chính giữa. Sở dĩ giàn có thể khoan được ở vùng nước sâu lên tới vài nghìn mét bởi nó được trang bị rất nhiều ống nâng (riser). Mỗi ống có chiều dài khoảng 10m, đường kính 20 inch và rỗng ở giữa. Trước khi khoan người ta sẽ dùng robot lặn thả hệ thống đối áp xuống đáy biển, sau đó nối các ống nâng lại với nhau và thả dần xuống tới khi khớp được vào đối áp. Công việc tiếp theo là lắp mũi khoan vào cần khoan rồi thả vào trong ống nâng cho tới khi xuống tới nơi. Mỗi cần khoan có chiều dài khoảng 10m đường kính 5.5 inch và cũng rỗng ở giữa, người ta nối các cần khoan với nhau sao cho chiều dài bằng với chiều sâu thiết kế giếng. Khi khoan cần và mũi sẽ xoay tròn phá huỷ đất đá bên dưới, đồng thời một loại dung dịch đặc biệt được bơm trong cần và đi ra khỏi mũi khoan vừa có tác dụng làm mát vừa đưa đất đá bị phá huỷ ra ngoài. Giếng khoan có thể khoan thẳng đứng hoặc khoan xiên theo thiết kế. Tháp khoan được đặt cân bằng trên 4 chiếc compensator giống như cái giảm xóc xe máy, mục đích là luôn giữ cho tháp cố định theo phương thẳng đứng kể cả khi có sóng to xô vào làm giàn lắc lư. Ngoài ra trên giàn còn có hệ thống máy phát điện, hệ thống liên lạc vệ tinh, cần cẩu và block nhà ở. Sở dĩ 981 thiết kế to như một sân vận động bởi nó khoan tại các vùng nước sâu rất xa bờ nên cần một diện tích lớn để đặt các vật tư cần thiết. Có người nói nó khổng lồ bởi còn có chức năng như một giàn khai thác, nghĩa là ngay sau khi khoan xong có thể hút dầu lên và xử lý trước khi chuyển lên tàu chứa. Nếu đúng vậy thì từ trước đến nay thế giới chưa hề có tiền lệ.
    Việc di chuyển HD-981 hoàn toàn phụ thuộc vào đội tàu lai dắt hùng hậu mà HQ nhà ta đang phải đau đầu. Cho đến nay những diễn biến cụ thể ngoài đó đều đến từ các thông tin không rõ nguồn, nhưng với niềm tin kiên định, chắc chắn trước sau nó cũng phải chim cút bởi HD-981 đã đi quá xa làn ranh đỏ.

    Trả lờiXóa
  2. Tại cuộc họp báo của Liên hợp quốc ngày 9/5 ở New York, có ba phóng viên quốc tế (2 của Nhật Bản và 1 của Nga) đã đặt câu hỏi về tình hình mới đây tại Biển Đông.

    Trả lời câu hỏi về quan điểm của Liên hợp quốc về việc Việt Nam hay Trung Quốc thực sự có chủ quyền với khu vực đặt giàn khoan HD-981, và liệu Liên hợp quốc có thực hiện bước đi nào trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và đã có những đụng độ giữa hai bên, Người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết những gì ông có thể nói ông đã nói.

    Trước câu hỏi của phóng viên về việc Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon dự kiến có chuyến công du tới Trung Quốc trong tháng này và TTK dự kiến sẽ gặp những ai, liệu Biển Đông có là một chủ đề trong thảo luận hay không, ông Farhan Haq cho biết tại thời điểm này ông chưa có thông tin nào để công bố về chuyến đi của ông Ban Ki-moon và Liên hợp quốc sẽ ra tuyên bố vào thời điểm hợp lý.

    Các buổi làm việc của Tổng thư ký Liên hợp quốc với các quan chức cấp cao sẽ có thông cáo báo chí và tại thời điểm này ông chưa có gì để bình luận về nội dung bàn thảo.

    Tại cuộc họp báo ngày 9/5 tại Liên hợp quốc, ông Farhan Haq cho biết: "Tổng thư ký Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những ngày vừa qua. Tổng thư ký hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc".

    Trả lờiXóa
  3. Tiếp theo các tuyên bố của Thượng nghị sỹ John McCain và Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, ngày 9/5 một nhóm các Thượng nghị sỹ có thế lực của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ gồm Chủ tịch Ủy ban Robert Menendez, Marco Rubio, Ben Cardin, Jim Risch cùng với Thượng nghị sỹ Patrick Leahy ra tuyên bố chung lên án việc Trung Quốc liên tục có những hành động gây rối ở Biển Đông.

    Nhóm các nghị sỹ này cũng hối thúc các đồng nghiệp thông qua nghị quyết của Thượng viện Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với hoạt động tự do lưu thông hàng hải trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải bằng con đường ngoại giao hòa bình.

    Tuyên bố chung của nhóm các Thượng nghị sỹ mô tả các hành động gần đây của tàu bè Trung Quốc ở Biển Đông là "rất đáng quan ngại".

    Tuyên bố có đoạn viết: "Việc Trung Quốc mới đây di chuyển một giàn khoan thăm dò, được các tàu quân sự và tàu khác hộ tống, vào vùng biển có tranh chấp ở Biển Đông ngoài khơi Việt Nam cùng với những hành vi hiếu chiến tiếp sau đó của tàu Trung Quốc, trong đó có việc đâm vào các tàu của Việt Nam, là rất đáng quan ngại. Những hành động này đe dọa dòng chảy thương mại tự do toàn cầu trong một khu vực có tầm quan trọng sống còn".

    Tuyên bố chung cho rằng tự do hàng hải là quan trọng đối với sự thịnh vượng của Mỹ cũng như sự an toàn của toàn bộ khu vực.

    Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi hối thúc chính quyền nói rõ với Trung Quốc ở cấp cao nhất rằng các yêu sách và tranh chấp lãnh thổ cần phải được giải quyết một cách hòa bình, thông qua ngoại giao và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng hoặc sử dụng vũ lực, cưỡng bức và hăm dọa đều không thể chấp nhận và sẽ dẫn tới bất ổn định".

    Tuyên bố chung cho biết hồi tháng Tư vừa qua, nhóm các Thượng nghị sỹ này đã đề xuất Nghị quyết 412 của Thượng viện tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tự do hàng hải và hoạt động trong khu vực, hối thúc tất cả các bên liên quan trong cuộc tranh chấp lãnh thổ này cùng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao hòa bình cho các tranh chấp này.

    Tuyên bố chung bày tỏ hy vọng các đồng nghiệp tại Thượng viện trong thời gian sớm nhất cùng nhau thông qua nghị quyết này nhằm gửi đi một thông điệp rõ ràng cho những hành động mang tính khiêu khích trên đây của Trung Quố

    Trả lờiXóa
  4. Nhận định về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông, ông Taylor Fravel, Giáo sư chính trị học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề lãnh thổ của Trung Quốc, cho rằng lý do nhiều khả năng nhất là vì mục đích chính trị chứ không phải kinh tế.

    Trả lời phỏng vấn nhật báo "New York Times" ngày 8/5, Giáo sư Fravel cho rằng xét về mặt kinh tế, khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan chưa có nhiều bằng chứng là sẽ có trữ lượng hydrocarbon lớn.

    Hơn nữa, giàn khoan HD-981, với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ USD, cực kỳ đắt đỏ khi hoạt động hàng ngày, và điều này đặt ra câu hỏi tại sao Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) lại thăm dò tại một khu vực khi không có triển vọng chắc chắn.

    Thay vào đó, Trung Quốc nhiều khả năng sử dụng giàn khoan để khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

    Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa có chuyến công du tới khu vực, trong đó có chuyến thăm hai quốc gia cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Malaysia và Philippines, hành động của Trung Quốc cho thấy nước này có thể đang nỗ lực thử thách cam kết của Mỹ đối với chính sách "xoay trục" tại châu Á.

    Đánh giá về cơ sở pháp lý của Việt Nam, Giáo sư Fravel cho rằng vị trí đặt giàn khoan HD-981 nằm trong EEZ mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền tính từ đường cơ sở.

    Giàn khoan cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý, và vì thế nằm trên thềm lục địa của Việt Nam và nằm hoàn toàn trong vùng EEZ 200 hải lý của Việt Nam

    Trả lờiXóa
  5. Việc Trung Quốc huy động một đội tàu hùng hậu để hộ tống giàn khoan có chiều cao 136m xuống biển Đông đã đủ nói lên tất cả.

    Vậy mục đích của Trung Quốc là gì? Tôi có cảm giác rằng Bắc Kinh muốn thăm dò phản ứng và kiểm tra ngưỡng chịu đựng của các nước trong khu vực cũng như Mỹ, mặc dù giữa Việt Nam và Mỹ không có thỏa thuận hợp tác quân sự theo cam kết đồng minh nào.

    Trung Quốc muốn dò xem có thể tiến được bao xa nữa trong cuộc chơi khoe cơ bắp và qua đó đánh giá tính hiệu quả của hệ thống an ninh khu vực.

    Trên thực tế, mỗi cuộc đụng độ là một lần kiểm tra của Trung Quốc. Trong đó có cả mục đích kiểm tra cấu trúc an ninh khu vực được xây dựng trên hệ thống quan hệ của mỹ với các đồng minh và các thiết chế đa phương khác trong ASEAN.

    Sau các lần gây hấn trước đây mà không bị đáp trả bằng hành động tập thể, Bắc Kinh tự cho rằng có thể tiếp diễn hành động này và đi xa hơn.

    Ở trong nước, các vụ khủng bố xảy ra gần đây đã làm Đảng Cộng sản Trung Quốc mất thể diện nghiêm trọng. Trong khi đó, nhà cầm quyền Trung Quốc không muốn người dân nước này phải hoài nghi hiệu quả điều hành đất nước và sự thất bại trong đường lối đối ngoại.

    Vấn đề biển Đông vì thế được lựa chọn để Bắc Kinh chứng tỏ với dư luận xã hội nước này rằng Trung Quốc vẫn đang nắm toàn quyền kiểm soát đối với vùng ảnh hưởng truyền thống, mà đây chính là sự thể hiện sức mạnh và khả năng của chính quyền Bắc Kinh.”

    Trả lờiXóa
  6. Tôi vừa có mặt ở Việt Nam và được chứng kiến vấn đề này đang là chủ đề bàn luận nóng bỏng của dư luận xã hội Việt Nam.

    Trong những năm gần đây Trung Quốc củng cố rất mạnh ảnh hưởng và uy tín ở khu vực, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997.

    Sự bành trướng của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa ngay cả khi không nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam đi nữa thì cũng vẫn gây ra căng thẳng, làm phương hại lòng tin và khiến các quốc gia liên quan phải lao vào cuộc chạy đua vũ trang mới.

    Tôi cho rằng trong trường hợp này Mỹ sẽ đứng về phía các nước nhỏ bị bắt nạt nhưng chung cuộc cả Trung Quốc lẫn các cường quốc khác đang cạnh tranh ảnh hưởng ở biển Đông đều bị thiệt hại.

    Căng thẳng không chỉ diễn ra hiện nay mà còn có thể tiếp tục tái diễn trong tương lai trung và dài hạn và gây ra hậu quả nghiêm trọng, tiêu cực đối với Trung Quốc.

    Bắc Kinh hiện đưa ra luật chơi hết sức đơn giản là 'tất cả của Trung Quốc, các nước còn lại không có gì.' Dĩ nhiên các nước ASEAN không thể chấp nhận luật chơi này và sẽ tiếp tục tìm kiếm đối trọng chống Trung Quốc

    Trả lờiXóa
  7. Theo Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 thì khu vực Trung Quốc tự tuyên bố thuộc lãnh hải Trung Quốc và hạ giàn khoan HD981 thuộc phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Hành động của Trung Quốc không chỉ gây căng thẳng tình hình, mà còn phá vỡ các nỗ lực và kế hoạch đã tuyên bố về việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị.

    Các kế hoạch của Trung Quốc còn nguy hại ở chỗ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tổng thể mối quan hệ với Việt Nam nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng.

    Bên cạnh đó, các hành động này có thể khiến tâm lý chống Trung Quốc gia tăng và thôi thúc người dân Việt Nam ở trong nước với cộng đồng người Việt ở nước ngoài đoàn kết nhau hơn nhằm chống lại hiểm họa ngoại xâm.

    Các nhà chính trị có trách nhiệm ở Trung Quốc cần cân nhắc giữa việc khai thác dầu chưa rõ hiệu quả kinh tế với rủi ro làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Việt Nam và các nước ASEAN nói chung đã nhãn tiền. Vì vậy giải pháp hợp lý nhất trong tình huống này là Trung Quốc nên từ bỏ việc thăm dò dầu mỏ cho đến khi các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết thấu đáo.

    Nếu không, tình hình có thể lặp lại kịch bản như năm 1992 đối với Tập đoàn năng lượng Mỹ Krestoun. Khi đó Việt Nam đã làm tất cả để ngăn chặn các hành động bất hợp pháp gần quần đảo Hoàng Sa.

    Tuy nhiên, có cần thiết phải đẩy tình hình đến một cuộc xung đột vũ trang hay không? Câu hỏi này Trung Quốc nên tự trả lời

    Trả lờiXóa